Thursday 28 March 2024

VỤ TẬP ĐOÀN PHÚC SƠN : THÊM LÃNH ĐẠO, CỰU LÃNH ĐẠO VĨNH PHÚC (QUẢNG NGÃI) BỊ BẮT (RFA)

 



Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: thêm lãnh đạo, cựu lãnh đạo Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi bị bắt

RFA

2024.03.28

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-leaders-o-vinh-phuc-and-quang-ngai-arrested-for-taking-bribes-of-phuc-son-chairman-hau-phao-03282024083958.html  

 

Phó Bí thư thường trực tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phạm Hoàng Anh, và nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, vào ngày 28/3 bị khởi tố và bị bắt về tội “Nhận hối lộ”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-leaders-o-vinh-phuc-and-quang-ngai-arrested-for-taking-bribes-of-phuc-son-chairman-hau-phao-03282024083958.html/@@images/image

Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh (trái) và cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ  (Sài Gòn Giải Phóng)

 

 

Phát ngôn nhân Bộ Công an Việt Nam, Trung tướng Tô Ân Xô, xác nhận các biện pháp vừa nêu trong cùng ngày. Hai ông Phạm Hoàng Anh và Lê Viết Chữ bị cáo buộc nhận tiền hối lộ của Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu (Hậu Pháo) để tạo điều kiện cho các dự án của tập đoàn này tại địa phương nơi hai ông Phạm Hoàng Anh và Lê Viết Chữ công tác.

Cụ thể, tại Vĩnh Phúc là dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, và tại Quảng Ngãi là gói thầu thi công tuyến chính dự án đường bờ nam Sông Trà Khúc.

 

Như tin đã loan, cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Bộ Công an Việt Nam hôm ngày 7/3 ra một số quyết định liên quan vụ án “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại & Bất động sản Thăng Long, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan.

 

Vào ngày 7/3, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, ông Cao Khoa, bị khởi tố và bị bắt giam; sang ngày 8/3 Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành bị bắt và bị khởi tố theo cáo buộc “Nhận hối lộ”.

Tính đến nay, cơ quan CSĐT thuộc Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 17 người theo bốn tội danh trong vụ án vừa nêu.

 

Số tiền mà những lãnh đạo và cựu lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc nhận của Nguyễn Văn hậu để tạo điều kiện nhận được các dự án chưa được công bố; tuy nhiên đại diện Bộ Công an nói là tương đối lớn lên đến hàng tỷ đồng. Riêng số tiền mà Nguyễn Văn Hậu chuyển cho Chánh Văn phòng Huyện Ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là 64 tỷ đồng.

Huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là quê quán của Chủ tịch nước vừa bị miễn nhiệm Võ Văn Thưởng. Ông này cũng là Bí thư tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 4 năm 2014.

 

 

 



VỀ "KHÚC CỦI" LÊ VIẾT CHỮ (BTV Tiếng Dân)

 



 

Về “khúc củi” Lê Viết Chữ

BTV Tiếng Dân

28/03/2024

https://baotiengdan.com/2024/03/28/ve-khuc-cui-le-viet-chu/

 

Nhân sự kiện Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, chui vào “lò ông Trọng” do liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, mà truyền thông trong nước đưa tin hôm nay, để mọi người hiểu thêm về nhân vật Lê Viết Chữ, cùng các cộng sự và phe nhóm của ông ta, chúng tôi xin được giới thiệu bài viết đã được đăng trên Tiếng Dân gần bốn năm trước, từ tác giả Thu Hà, một cây bút độc quyền của Tiếng Dân: “Đại hội XIII, đốm lửa từ những hung thần Quảng Ngãi“.

 

                                                                ***

 

Thu Hà

10-5-2020

 

Cội nguồn tội ác…

 

Lê Viết Chữ sinh ngày 20-1-1963 tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Chữ xuất thân từ kỹ sư hàng hải, công tác tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT). Để tiến thân, Chữ ráng “phấn đấu” và vào đảng CSVN ngày 28-5-1994.

 

Từ đây, Lê Viết Chữ leo nhanh trên những nấc thang quyền lực. Lần lượt nắm giữ chức giám đốc Sở GTVT, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện tại, Chữ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

 

Lê Viết Chữ kết hôn với Cao Thị Hồng, sinh năm 1966, quê Phổ Ninh, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Cao Thị Hồng phụ trách tài vụ của Trung tâm Đăng kiểm, đơn vị trực thuộc nơi chồng bà làm giám đốc Sở.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/05/0-9.jpg

Bí thư tỉnh uỷ Lê Viết Chữ. Photo Courtesy

 

Hai vợ chồng Chữ giàu “nứt đố đổ vách”. Dư luận Quảng Ngãi cho rằng, vợ chồng Chữ “đầu cơ chính trị” khi bơm tiền để “chạy” cho Hồ Nghĩa Dũng, Ủy viên Trung ương, Bí thư Quảng Ngãi tái trúng cử Ban Chấp hành Trung ương khoá X, nắm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, nhiệm kỳ 2006-2011.

 

Đổi lại, Hồ Nghĩa Dũng kéo Lê Viết Chữ lên làm Bí thư Thành ủy TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) và “bảo kê”, can thiệp để Cao Thị Hồng thoát tội hình sự trong một vụ án tham nhũng gây chấn động hồi đầu năm 2007.

 

Rồi sau đó, dưới thời hai cựu Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi là Nguyễn Hoà Bình (2010-2011) và Võ Văn Thưởng (2011-2014), họ tiếp tục giúp Lê Viết Chữ lần lượt leo lên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đại biểu HĐND tỉnh khóa XI.

 

Tháng 4-2014, Trung ương điều Võ Văn Thưởng, Bí thư Quảng Ngãi về giữ chức Phó Bí thư thành ủy TP HCM. Vị trí Bí thư Quảng Ngãi giao lại cho Phó bí thư tỉnh ủy Nguyễn Khôi phụ trách. Trước khi đi, Thưởng kịp giúp Lê Viết Chữ thay ông Cao Khoa làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

 

Chiều 22-7-2014, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XI họp kỳ 13, làm “thủ tục” 100% phiếu thuận, để Lê Viết Chữ nắm chức Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.

 

Với tiền bạc “đông như quân Nguyên”, chưa đầy một năm sau, tháng 5-2015 Chữ “rinh” luôn chức Bí thư Tỉnh ủy khoá XVIII của ông Nguyễn Khôi.

 

Tháng 10-2015, Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi khóa XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) tiếp tục tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

 

Dư luận Quảng Ngãi đồn đoán, ông Võ Văn Thưởng và Nguyễn Hoà Bình là hai nhân vật đã giới thiệu và “bảo kê” cho Lê Viết Chữ trúng cử Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII. Thậm chí còn đưa Chữ vào Đại biểu Quốc hội khoá 14.

 

“Bánh ít ném đi, bánh quy ném lại”. Thông tin về quan trường tỉnh Quảng Ngãi râm ran, Chữ đã tham gia “dốc hầu bao” cho cuộc đua vào Bộ Chính trị của Võ Văn Thưởng và vào Ban Bí thư của Nguyễn Hoà Bình tại Đại hội XII.

 

                                                          ***

Ngoài ra, ông Lê Viết Chữ còn liên quan đến trách nhiệm nâng đỡ bà Bùi Thị Quỳnh Vân, sinh 1974. Vân từ một cử nhân Ngữ văn, đã được Lê Viết Chữ đưa lên làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh, rồi lần lượt nắm giữ Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy Lý Sơn.

 

Dưới sự đạo diễn của các “đại ca”, tại Đại hội XII, Quỳnh Vân được vào Ủy viên dự khuyết Trung ương, để rồi ngay sau đó Vân leo lên chức Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 4-2019, Vân kiêm luôn chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

 

Dư luận cho rằng, Bùi Thị Quỳnh Vân chính là “người tình” của Võ Văn Thưởng trong thời gian hơn 3 năm khi Thưởng làm bí thư ở Quảng Ngãi.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/05/1-53.jpg

Bóng hồng Bùi Thị Quỳnh Vân. Photo Courtesy

 

Dưới thời của “lãnh chúa” Lê Viết Chữ, rất nhiều thủ thuật và thủ đoạn chính trị được sử dụng. Bí thư Lê Viết Chữ chỉ đạo chính quyền tỉnh Quảng Ngãi ăn cướp tất tần tật của dân. Quan chức dưới quyền răm rắp tuân lệnh, trung thành, để được chia chác bổng lộc. Từ cướp đất dân lành, mua quan, bán ghế, thu tóm quyền lực, cho đến lộng quyền sinh sát, tàn bạo và khát máu, Chữ không chừa bất kỳ chiêu thức gì.

 

 

Ai đã bảo kê?

 

Quảng Ngãi trở thành “sân sau”, hậu phương cả về kinh tài lẫn chính trị của Nguyễn Hòa Bình và Võ Văn Thưởng. Mắc xích chính trị, nợ ân tình của những đồng chí Cộng sản thật… “cao đẹp”. Họ “dìu” nhau vẹn cả đôi bề.

 

Các vụ khiếu kiện, tố cáo của đảng viên, nhân dân Quảng Ngãi liên quan tới Bí thư Lê Viết Chữ, đều được Viện trưởng VKSND Tối cao trước kia, nay là Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và ngài cựu Bí thư Quảng Ngãi, nay là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Võ Văn Thưởng trực tiếp “bảo kê”, ém nhẹm, giải quyết êm thắm.

 

Người dân thì bị cướp đất đai, dẫn đến tự thiêu, còn Lê Viết Chữ ung dung phía sau giao thầu cho doanh nghiệp sân sau, để xã hội đen lộng hành… Người dân ở Quảng Ngãi đều biết, nhà báo biết, nhưng không báo “quốc doanh” nào dám đăng. Báo nào lỡ đăng, phải gỡ ngay sau đó, nếu không muốn bị “đóng cửa toà soạn” và tác giả cũng thân tàn ma dại.

 

Để đưa con cái quan chức ra nước ngoài du học bằng “tiền chùa”, họ đẻ ra cái gọi là “đề án đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, thu hút nhân tài”. Hàng trăm  tỷ chi ra từ ngân sách, để rồi du học sinh một số về làm quan, khỏi phải qua sát hạch, thi tuyển công chức; một số trốn ở lại nước ngoài, mua nhà, định cư, không về.

 

Để có thể lộng hành trong nhiều năm, Lê Viết Chữ có trong tay áo quân bài Trần Ngọc Căng. Trần Ngọc Căng sinh năm 1960, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi. Căng từng giữ các chức vụ: Trưởng ban Tổ chức Chính quyền (nay là Sở Nội Vụ), Bí thư huyện ủy Mộ Đức, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Phó bí thư tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/05/2-40.jpg

Trần Ngọc Căng (1), Lê Viết Chữ (2) cùng Trịnh Văn Quyết FLC. Photo Courtesy

 

Nếu thành Hồ có cặp Lê Thanh Hải – Lê Hoàng Quân, Đà thành có Nguyễn Bá Thanh – Trần Văn Minh, Khánh Hoà có Lê Thanh Quang – Lê Đức Vinh, thì ở Quảng Ngãi có Lê Viết Chữ – Trần Ngọc Căng.

 

Đây là những cặp đôi Bí thư – Chủ tịch UBND, trong số nhiều cặp đôi “ăn tàn phá hại” đất nước này. Bản chất của các “lãnh chúa” thành Hồ, “sứ quân” Nha Trang, “lưu manh chính trị” Đà Nẵng và “hung thần” Quảng Ngãi đều đặc trưng từ một “khuôn” đúc ra. Đó là hô biến hàng chục ngàn hecta đất đai mà chúng cướp từ công sản, vét vào túi hàng tỷ đô la. Chúng bán cả đất sân bay quân sự, trường Đảng, phá rừng, san lấp đảo, “bóp cổ” cả dòng sông để phân lô bán nền. Kinh khủng hơn, bọn chúng bán cả đất phòng thủ ven biển cho Trung Cộng, “xẻ thịt” các đảo, bán đảo tiền tiêu trên biển.

 

Để có đất giao cho Trịnh Văn Quyết và tập đoàn FLC, Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng “uống thuốc liều”, yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi không được xây dụng Đồn Biên phòng Bình Hải (huyện Bình Sơn). Họ phát công văn xin gặp Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng xin đất quốc phòng để giao cho Dự án quần thể du lịch và đô thị FLC Bình Châu, Lý Sơn, có tổng quy mô thực hiện giai đoạn 1 là 1.243 ha, thuộc địa giới hành chính các xã ở huyện Bình Sơn và các xã ở đảo Lý Sơn.

 

Dự án FLC “vẽ” ra gồm sân golf 18 lỗ, khách sạn 5 sao và các khu trung tâm thương mại, các khu Shophouse; khu biệt thự sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, các khu ở tầng thấp, các khu vui chơi, giải trí…

 

Về đại gia Trịnh Văn Quyết, Quyết FLC sinh ngày 27-1-1975, quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Quyết FLC nổi đình nổi đám với những dự án trải dài từ Bắc vô Nam. Quyết và FLC đi đến đâu, ruộng vườn, làng mạc, biển hồ, rừng núi tiêu tan đến đó. Mỗi nơi chúng đi qua, dân biểu tình, khóc cạn nước mắt, oan khiên ngút trời.

 

Nhiều thông tin “rò rỉ”, phía sau Quyết là một số chính trị gia chống lưng, cũng như vốn vay huy động có “bóng dáng” của Hoa Nam Tình Báo cục.

 

Điều phi lý là, tập đoàn FLC có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng, tính đến hết quý I/2018, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn này mới tăng lên 8.620 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của FLC tính đến cuối quý I/2018 lên đến 14.947 tỷ đồng.

 

Vậy mà, Lê Thế Chữ và Trần Ngọc Căng lại lệnh cho ban ngành Quảng Ngãi ứng 500 tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án của Tập đoàn FLC; huy động “toàn bộ hệ thống chính trị” phục vụ cho dự án.

 

                                                        ***

Năm 2015, xảy ra vụ án chấn động cả nước. Để chìu phu nhân Cao Thị Hồng, Lê Viết Chữ đã “bật đèn xanh” cho họ hàng bên vợ cướp của bà Phạm Thị Lê gần 1000 mét vuông đất ở Đức Phổ, Quảng Ngãi.

 

Trước khi nhảy lên ghế Bí thư, Lê Viết Chữ với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 02/04/2015. Quyết định này công nhận QĐ của UBND huyện Đức Phổ đúng, chấp nhận cho ông Thạch Cảnh Phổ thắng, lấy được 975 m2 đất của bà Phạm Thị Lê.

 

Sáng ngày 12-8-2015, chính quyền địa phương huy động hơn 20 công an, cán bộ kéo đến cưỡng chế, để bảo vệ cho ông Phổ xây dựng. Khóc cạn nước mắt, kêu oan không thấu trời, quá uất ức bà Phạm Thị Lê đã đổ xăng, tự thiêu ngay tại nền đất bị cướp.

 

Tội nghiệp bà Lê. Bà không chết, nhưng bị phỏng biến dạng. Một phụ nữ xinh đẹp, giờ hóa thành tật nguyền.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/05/3-23.jpg

Bà Phạm Thị Lê trước và sau khi tự thiêu phản đối chính quyền cướp đất của bà. Nguồn: Tác giả gửi Tiếng Dân

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/05/4-5.jpg

 

Niềm tin cuối cùng của bà Phạm Thị Lê là công lý từ tòa án. Nhưng qua hai phiên tòa sơ thẩm ngày 27-5-2016 và phúc thẩm ngày 16-9-2016, Tòa án vẫn bác đơn khiếu kiện của bà Lê, công nhận Quyết định số 436/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ngãi do Chủ tịch Lê Viết Chữ ký ngày 02/04/2015.

 

Người phụ nữ tàn tật, chân lấm tay bùn, Phạm Thị Lê “đáo tụng đình” mà đâu biết rằng, trong thể chế này công lý chỉ thuộc về kẻ có tiền và có quyền. Bà cũng không biết rằng, ngồi chễm chệ trên ghế Chánh toà Tối cao lại là ông Nguyễn Hoà Bình, “đại ca” của Lê Thế Chữ. Thế thì, quan toà cấp nào dám xử cho bà thắng kiện?

 

                                                      ***

Về công tác cán bộ, “Hung thần” Lê Viết Chữ bóp nghẹt dân chủ trong Đảng, tạo phe cánh chính trị ngay trong thành ủy. Người ngoài phe luôn bị trù dập, thuyên chuyển, phế bỏ hoặc “đánh” cho thân bại danh liệt. Cùng cánh hẩu, được quy hoạch “đúng quy trình”, bất chấp hướng dẫn khắt khe của Điều lệ Đảng và các văn bản quy phạm.

 

Võ Đình Trà, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn “một rừng” sai phạm, nhưng vẫn được điều động về tỉnh làm Giám đốc Sở Công thương, gây nhiều bất bình.

 

Nguyễn Viết Vy, thư ký của Lê Viết Chữ, được điều qua làm Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, “quy hoạch” vào Ủy viên dự khuyết Trung ương khoá XIII.

 

Nguyễn Văn Huy, Thư ký của Trần Ngọc Căng, được bổ nhiệm làm Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cũng gây ra nhiều hoài nghi trong nội bộ.

 

Đệ tử của Lê Viết Chữ là Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ GTVT Quảng Ngãi, cùng con gái là Nguyễn Thị Thanh Thanh, chuyên xài bằng giả. Hùng và con gái sử dụng bằng PTTH giả, bằng đại học Kinh tế, lẫn đại học Sư phạm đều là bằng giả, để tiến thân, ăn trên ngồi trốc…

 

                                                       ***

Nhiều chuyện ở Quảng Ngãi như thế, kể sao cho hết. Rồi đây, Trung ương có thể sẽ “cách tất cả các chức vụ trong Đảng” của Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng, nhưng tiền mà các hung thần cướp được hàng trăm tỷ trong nhiều năm “chăn dân” ở Quảng Ngãi, ai sẽ thu hồi và trả lại cho dân? Nỗi đau chất chồng trong dân chúng Quảng Ngãi, ai có thể làm vơi đi?

 

Tội ác mà những tay du côn, khoác áo chính trị gia, nhân danh những người cộng sản gây ra cho dân, không bút mực nào lột tả hết. Ngàn năm bia miệng, có thể lúc này, nhân dân không thể đưa bọn chúng ra pháp trường, nhưng cho dù khi họ nhắm mắt, chui vào quan tài và trốn dưới địa ngục, nhưng ngàn năm bia miệng, chúng không thể thoát được.

 

Ở thế giới bên kia, chắc chắn những linh hồn oan khuất cũng sẽ liên kết, truy bắt những hồn ma nghiệt súc đã gây ra oan trái, tang thương ở chốn trần gian này.

 

_____

 

Mời đọc lại nhiều bài khác về Lê Viết Chữ đã được đăng trên Tiếng Dân từ năm 2019-2021: http://baotiengdan.com/tag/le-viet-chu/






THỊ TRƯỜNG SÁCH GIÁO KHOA : CHỌN SÁCH GIÁ CAO, CÓ LỢI CHO AI? (Chu Mộng Long)

 



THỊ TRƯỜNG SÁCH GIÁO KHOA: CHỌN SÁCH GIÁ CAO, CÓ LỢI CHO AI?  

Chu Mộng Long

27/03/2024   23:15

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid0LYvxyQZPEcJLNXU744NS9Xa14nFtwbcAi1XVRfFo7ZMxZ3vKEXHvTtgg4UFsjid2l

 

Sắp hết năm học cũ, chuẩn bị cho năm học mới, giá sách giáo khoa lại trở thành ám thị nặng nề đối với các phụ huynh. Nếu làm đúng tinh thần thị trường tự do, quyền lựa chọn sách thuộc về người dạy và người học thì mọi việc đơn giản. Người mua sẽ chọn sách chất lượng tốt, giá thành rẻ, hợp với túi tiền của họ. Ở đây, mọi sự lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại, bởi sau nhiều lần điều chỉnh, quyền lựa chọn vẫn không thuộc về người dạy và học.

 

Dẫu có trao quyền lựa chọn cho cấp tỉnh hay cấp huyện, cấp sở, phòng hay hiệu trưởng với những hội đồng mang tính lợi ích nhóm thì khó có sự lựa chọn khách quan, vô tư vì người học. Dư luận xôn xao vì các hội đồng đó được định hướng lựa chọn sách giá cao. Chất lượng thì khó bàn, bởi nhà chuyên môn còn cãi nhau, huống hồ là một hội đồng được lập ra với ý chí của quyền lực, rất dễ bị thao túng và định hướng theo lợi ích nhóm.

 

Vì sao người ta chọn sách giá cao? Đơn giản là lợi ích của thứ hoa hồng mà hàng năm các nhà xuất bản phải chi ra với toan tính cho sách mình được lựa chọn nhiều nhất. Giá càng cao, lợi ích hoa hồng càng lớn. Nếu cơ quan chức năng không điều tra, sẽ không có bằng chứng, bởi có thể khoản chi này chỉ trao tay và hợp thức hóa bằng chi phí giao dịch, quảng cáo, tiếp thị…

 

Theo tôi được biết, Nhà xuất bản Giáo dục, kể từ khi bị thanh tra, điều tra, giá sách giáo khoa của nhà xuất bản này buộc phải bị khống chế và hạ giá ở mức hợp lý nhất. Trong khi đó các nhà xuất bản ngoài phạm vi khống chế của nhà nước, giá vẫn cao ngất ngưởng.

Chẳng hạn, bộ sách trong tay tôi là Tiếng Anh 1, 2 của hai nhà xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Trong khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi giá 42.000đ/1 tập thì Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh ghi giá 78.000đ/1 tập. Gần gấp đôi. Trong khi, không nói về chất lượng chuyên môn, ở đây bìa, giấy, khổ, số trang và kỹ thuật in ấn là tương đương. Cả hai cùng một thị trường chất liệu và kỹ thuật, tức cùng giá thành chi phí chứ không lẽ Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh in ấn ở nước ngoài với thị trường mà mức thu nhập cao gấp đôi Việt Nam?

 

 https://www.facebook.com/photo/?fbid=8216903501657154&set=pcb.8216929958321175

Sách Tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Các loại sách khác cũng có biểu giá chênh lệch tương tự. Ảnh: Tác giả chụp

 

Khi Quốc hội chất vấn vì sao giá sách giáo khoa cao gấp ba, bốn lần so với sách cũ, những người có trọng trách đều trả lời đơn giản như đang giỡn, rằng do sách mới in khổ to, giấy đẹp, hình ảnh nhiều màu. Vậy thì chênh lệch giá như trên là do đâu? Tôi buộc phải hình dung, cái giá cao ấy là do các hoạt động lobby nằm ngoài sự kiểm soát, đặc biệt là hoa hồng, chứ không hẳn là chi phí chính đáng.

 

Chỉ khống chế giá của Nhà xuất bản Giáo dục, tức trong phạm vi nhà nước, trong khi các nhà xuất bản khác tự do bốc giá lên trời vẫn chiếm ưu thế thị phần, thiệt hại thuộc về ai? Tất nhiên, thiệt hại trước hết là nhà nước. Nhà nước cũng cần thị phần, cần lãi suất để tái đầu tư chi phí sản xuất, chi lợi nhuận cho cổ đông và trả lương cho người lao động.

 

Thiệt hại cho nhà nước cũng là thiệt hại cho nhân dân, vì sách giá thấp nhưng nhân dân lại chẳng được hưởng gì khi sách của nhà nước không hoặc ít được lựa chọn. Ngược lại, với giá thành cao và khả năng thao túng thị trường, các nhà xuất bản ngoài phạm vi khống chế của nhà nước sẽ đoạt lợi nhuận khổng lồ. Lợi cho nhà xuất bản và lợi cho các cá nhân quyền lực đứng đằng sau chỉ đạo cho sự lựa chọn sách.

 

Tỉ suất hoa hồng gắn liền với giá thành sản phẩm, dù là 10 hay 15%, hợp pháp hoặc tùy “hảo tâm”. 10% hay 15% tưởng nhỏ nhưng chiết khẩu từ tổng giá thành sản phẩm thành khổng lồ. Giá thành bán ra gấp đôi thì hoa hồng lót tay cho một lựa chọn cũng tăng lên cấp số nhân. Kẻ kinh doanh tử tế vì người tiêu dùng sao có thể cạnh tranh nổi?

 

Nghịch lý trên đến lúc phải giải quyết triệt để, chứ không phải bằng những văn bản điều chỉnh cải lương để đối phó với dư luận. Một mặt, Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố, sách giáo khoa chỉ là tham khảo, đề kiểm tra, đánh giá không được lấy từ sách giáo khoa. Mục đích có vẻ thiện chí để giải quyết câu chuyện dù là sách có được lựa chọn thế nào thì cũng không quyết định chất lượng đầu ra của dạy và học. Quyền quyết định tối cao vẫn là người học.

 

Nhưng chủ trương ấy cải lương ở chỗ, ai dám mua sách nằm ngoài định hướng khi mà con em họ hàng ngày phải học các bộ sách nằm trong định hướng? Một định hướng sách giá thành cao và làm lợi cho các nhóm lợi ích là kết quả của một cuộc cải cách giáo dục có vẻ đúng với quy luật đa dạng hóa thị trường sách đấy ư?

 

Quan điểm của tôi: Dẫu là nhà xuất bản của nhà nước, nhưng khi đã cổ phần hóa, nhà xuất bản của nhà nước cũng phải tồn tại và được đối xử bình đẳng với tư nhân. Sự thiên vị về phía nhà nước hay tư nhân đều có thể tạo nên cái quái thai của thị trường, dù là thị trường hàng hóa hay thị trường giáo dục.

 

Ở thị trường giáo dục, thiệt hại không chỉ tính bằng vật chất mà còn thiệt hại về tinh thần. Vì khi giá cao chiếm ưu thế, kẻ kinh doanh sợ gì không giảm chất lượng ở mức thấp nhất?

 

.

10 BÌNH LUẬN  

 

 




NGHỊ QUYẾT 36 VỀ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI, MỘT MỐC SON TRONG ĐỜI CÔNG TÁC CỦA TÔI (Nguyễn Đình Bin)

 


Nghị quyết 36 về Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, một mốc son trong đời công tác của tôi

Nguyễn Đình Bin

27/03/2024

 https://baotiengdan.com/2024/03/27/nghi-quyet-36-ve-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-mot-moc-son-trong-doi-cong-tac-cua-toi/

 

Thấm thoắt thế mà đã tròn 20 năm, một phần năm thế kỷ, kể từ khi Bộ Chính trị Đảng CSVN ban hành nghị quyết công khai đầu tiên về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004. Cho đến thời điểm đó, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác này đều là “MẬT”.

 

Nghị quyết 36-NQ/TW là bước cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng (khóa X) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đối với đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nay đã hơn 5 triệu. Là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, mở ra một thời kỳ mới, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Mỗi nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách… của Đảng hay Nhà nước đều có một quá trình ra đời riêng, không giống nhau.

 

Hôm nay, 26-3-2024, kỷ niệm 20 năm ban hành, tôi xin chia sẻ với quý bạn đọc quá trình ra đời cụ thể của văn kiện lịch sử này, một mốc son trong cuộc đời trên 40 năm làm lính Cụ Hồ của tôi trên mặt trận ngoại giao.

 

Tôi bồi hồi nhớ lại quá trình nẩy sinh ý tưởng, thai nghén, đề xuất, rồi xây dựng và hoàn thiện dự thảo; những chặng đường gian nan, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, kiên trì bảo vệ lý lẽ của mình, vận động, tranh luận thẳng thắn, thuyết phục…, để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ; không hề nản chí, tìm mọi cách, mọi cơ hội thúc đẩy để cuối cùng, sau 4 năm ròng rã, đã được Bộ Chính trị chấp thuận và ban hành.

 

Đầu năm 2000, sau khi nhận quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban (nay là Ủy ban Nhà nước) về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), tôi khẩn trương tìm hiểu công việc, nắm các tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực công tác này, để định hướng cho mình và xây dựng chương trình công tác tổng thể cho nhiệm kỳ Chủ nhiêm của tôi.

 

Tôi nghiên cứu lại Nghị quyết 08-NQ/TƯ, ngày 29/11/1993 của BCT (khóa VII), một văn kiện đã thể hiện nhiều quan điểm đổi mới chủ yếu của Đảng. Nhưng, đến thời điểm ấy, Nghị quyết ban hành đã được gần 7 năm, tình hình trong nước, cộng đồng NVNONN, cũng như thế giới đã có nhiều điểm rất mới. Tôi thấy cần phải tiến hành tổng kết việc thực hiện nghị quyết quan trong này, từ đó đề xuất những kiến nghị đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới.

 

Sau khi báo cáo, được lãnh đạo Đảng chấp thuận, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ đã được triển khai.

 

Quá trình thực hiện tổng kết cho thấy: Nhận thức chung của lãnh đạo các ngành, các cấp về cộng đồng NVNONN và công tác cộng đồng còn nhiều điểm quá lạc hậu và lệch lạc nữa. Thậm chí nhiều người còn không biết đã có NQ – 08/TƯ. Điều này hiểu được, vì đó là một nghị quyết MẬT, và ban hành đã gần 7 năm. Trong khoảng thời gian này, rất nhiều lãnh đạo các ngành, các cấp đã thay đổi. Các nghị quyết, chỉ thị MẬT thì chỉ được phổ biến và quán triệt trong diện đã được chỉ định. Sau khi được phổ biến, quán triệt thì lưu trữ trong hồ sơ MẬT. Ngoại trừ cơ quan chuyên trách, các cơ quan ban, ngành khác, và các cấp, mấy khi lãnh đạo cũ lại bàn giao đầy đủ cho người thay thế mình.

 

Chính thực tế này đã làm cho tôi nảy sinh ý tưởng cần kiến nghị BCT ra một Nghị quyết mới và phải là CÔNG KHAI, bởi tôi nghĩ: Để có thể làm tốt công tác đối với cộng đồng NVNONN trong thời kỳ mới thì, điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải tạo được một nhận thức chung, thực sự đổi mới, đúng đắn và thống nhất, không chỉ trong cán bộ lãnh đạo, các cấp ủy đảng, đảng viên, cán bộ công chức các cơ quan chuyên trách và liên quan, mà phải là tất cả các cơ quan, bộ, ngành, các cấp trong toàn bộ hệ thống chính trị, từ trung ương đến tận cơ sở. Ngoài ra, toàn thể nhân dân ta, và đăc biệt là cộng đồng NVNONN, cũng phải được biết và hiểu tư duy mới đó của Đảng và Nhà nước ta.

 

Hơn nữa, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng NVNONN là hoàn toàn quang minh, chính đại, không hề có gì trái với lợi ích của các nước, nơi bà con ta đang làm ăn, sinh sống, mà ngược lại, còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước đó với nước ta. Bởi vậy, cũng rất cần phải tuyên truyền rộng rãi cho thế giới biết và hiểu.

 

Biện pháp khả thi và hiệu nghiệm nhất để đạt được các mục tiêu nói trên là BCT ra một nghị quyết mới CÔNG KHAI. Bởi vì, không chỉ nhân dân ta mà cả thế giới đều biết rõ: Ở nước ta, Đảng CSVN là đảng duy nhất cầm quyền, và BCT là cơ quan uy quyền thực sự của Đảng, nên NGHỊ QUYẾT CỦA BCT thực tế LÀ PHÁP LỆNH CAO NHẤT.

 

Tôi xác định đây là nhiệm vụ chủ yếu, có tầm quan trọng quyết định trong chương trình công tác tổng thể của Ủy ban NVNONN, trong thời kỳ tôi làm Chủ nhiệm. Nhưng khi họp cán bộ, nhân viên cơ quan để xây dựng chương trình này, gọi là “Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng”, tôi nêu ý tưởng này ra thì đã có một số ý kiến phản đối ngay trong số cán bộ chủ chốt, vì cho rằng đây là một lĩnh vực rất phức tạp, nhậy cảm; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng lâu nay đều là MẬT, Nghị quyết 08 cũng là MẬT, BCT không thể ra nghị quyết CÔNG KHAI được.

 

Tôi đã cho thảo luận, tranh luận thật sự dân chủ, thẳng thắn. Cuối cùng, ý tưởng đổi mới này đã đạt được nhất trí hoàn toàn. Tôi vui mừng, tập trung lực lượng khẩn trương xây dựng Đề án theo các ý kiến chỉ đạo cụ thể của tôi, kiến nghị 8 giải pháp tổng thể, mà điểm then chốt nhất, quyết định nhất là BCT ra một Nghị quyết mới CÔNG KHAI.

 

Nhận thức rõ đây là một công việc rất quan trọng và nhạy cảm, tôi đã tranh thủ trình trước hai Ủy viên BCT (Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, phụ trách đối ngoại, là Thủ trưởng trực tiếp cũ của tôi, và Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trương Tấn Sang, mà tôi rất quen biết) để cho ý kiến sơ bộ. Tôi rất mừng được cả hai ông bật đèn xanh – ông Trương Tấn Sang còn khen là đề án tốt.

 

Rà soát kỹ lại, sửa sang lần chót văn bản, ngày 28/7/2000, tôi đã ký Tờ trình Đề án lên Thường vụ BCT (Khóa VIII, Trung ương Đảng không có Ban Bí thư) và Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đó là những ngày tháng hồi hộp chờ đợi. Qua các mối quan hệ công tác, tôi cố gắng thúc đẩy việc đưa Đề án ra trình xin ý kiến Lãnh đạo. Nhưng, thời điểm đó, có thể lãnh đạo Đảng đang tập trung vào việc chuẩn bị tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, vào tháng 4-2001, nên chưa xem xét.

 

Khi ấy, tôi đang là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VIII), nên mặc nhiên sẽ tham dự Đại hội IX như đại biểu chính thức. Đây là một cơ hội rất tốt, để trình bầy rõ và tranh thủ sự đồng tình của hơn 1000 đại biểu, gồm các lãnh đạo cao nhất cấp trung ương, các bộ, ban, ngành, các tỉnh thành và đại diện ưu tú của toàn Đảng, đối với đề xuất chính sách có tính đột phá này của chúng tôi. Nên tôi đã đề nghị được tham luận tại Đại hội về công tác đối với cộng đồng NVNONN.

 

Được chấp thuận, tôi liền đưa nội dung đã thai nghén cho nghị quyết CÔNG KHAI của BCT vào bài tham luận, rồi gửi lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tôi được biết đây là bài tham luận đầu tiên về công tác Việt kiều tại một Đại hội toàn quốc của Đảng. Tôi mừng [khi] nhận được thông báo là tham luận tôi trình đã được chấp thuận nguyên văn, không phải điều chỉnh, bổ sung gì cả. Sau Đại hội, càng mừng hơn [khi] tham luận của tôi đã được đánh giá là một trong vài tham luận mới mẻ, ấn tượng nhất tại Đại hội IX.

 

Có lẽ bài tham luận ấy đã góp phần thúc đẩy Lãnh đạo xem xét Tờ trình tôi đã gửi lên ngày 28/7/2000. Nửa năm sau Đại hội IX, đầu tháng 10/2001, tôi thật vui mừng nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải đối với “Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng”, trong đó Thủ tướng chỉ thị “Ban cán sự Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị Đề án trình Bộ Chính trị có Nghị quyết (hoặc Chỉ thị) về lĩnh vực công tác này”.

 

Thế là tôi hăm hở cùng mấy cán bộ hữu quan của Ủy ban, bắt tay vào xây dựng đề cương, rồi đề cương chi tiết và cuối cùng là dự thảo văn kiện mà chúng tôi vẫn kiên trì kiến nghị là “Nghị quyết CÔNG KHAI của BCT”, theo các ý cụ thể tôi đã nghiền ngẫm kỹ.

 

Tiếp đó là quá trình trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các Bộ, ngành liên quan, như Thủ tướng đã chỉ đạo. Quả thực, đây là một công việc khá gian truân. Nhưng, qua kiên trì trao đổi cởi mở, tranh luận thẳng thắn, ra sức thuyết phục…, cuối cùng, ngoại trừ một cơ quan còn phân vân giữa “Nghị quyết” hay “Chỉ thị”, còn 12 Bộ, cơ quan, ban, ngành liên quan khác đều nhất trí với chúng tôi là kiến nghị BCT ra” Nghị quyết CÔNG KHAI “.

 

Sau khi rà soát lại lần cuối dự thảo Nghị quyết, ngày 20/5/2002, tôi thật sự vui mừng ký Tờ trình dự thảo Nghị quyết lên BCT và Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, lại là những tháng ngày cố gắng thúc đẩy việc xem xét kiến nghị này, nhưng vẫn chưa có thông tin gì khích lệ.

 

May thay, gần 10 tháng sau, ngày 12/3/2003, taị hội nghị toàn thể lần thứ 7, TƯ Đảng khóa IX ra Nghị quyết về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tôi như mở cờ trong bụng: Thời cơ đã đến để làm sống lại kiến nghị tâm huyết mà tôi đã kiên trì đeo đuổi suốt ba năm qua.

 

Bởi, BCT ra nghị quyết mới này chính là cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương nói trên đối với cộng đồng NVNONN, một bộ phận không thể tách rời của toàn dân tộc Việt Nam. Thế là tôi lại rà soát, điều chỉnh lại các văn bản. Và, một tháng sau khi ban hành Nghị quyết TƯ 7, ngày 14/4/2003, tôi ký một Tờ trình mới lên BCT, nhắc lại và nhấn mạnh kiến nghị của chúng tôi, nói rõ là để cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 7, trong bối cảnh tình hình và yêu cầu mới.

 

Để tạo thêm cơ sở tiếp tục thúc đẩy lãnh đạo xem xét kiến nghị mới này, tôi nghĩ cần phải kiến nghị cử một đoàn liên ngành, gồm lãnh đạo môt số ngành quan trọng hữu quan, và phải có đại diện xứng đáng của miền Nam, thăm Canada và đặc biệt là Hoa Kỳ, hai nước có cộng động người Việt đông đảo nhất, đa dạng nhất, mà đa số ra đi từ miền Nam, để tiếp xúc với tinh thần mới chủ động tiến công, thực sự cởi mở, thẳng thắn, chân tình, và cố gắng tiếp xúc được với một số cựu lãnh đạo chính quyền Sài Gòn và nhân vật bất đồng chính kiến nổi bật, để nắm và báo cáo lãnh đạo tình hình cộng đồng NVNONN mới nhất. Cho đến thời điểm đó, tôi đã có một số lần đi thăm, tiếp xúc với cộng đồng ở các địa bàn khác nhau, nhưng chỉ với danh nghĩa đoàn của Ủy ban về NVNONN.

 

Tôi rất mừng, kiến nghị đó đã được chấp thuận. Tôi đã được cử làm Trưởng đoàn, gồm lãnh đạo các ngành quan trọng liên quan như ông Nguyễn Tiến Võ, Ủy viên thường trực Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Trịnh Xuân Giới, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương. Về đại diện miền Nam, lúc đầu là ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng sau, do ông Nhân có việc cần đột xuất nên ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành Phố Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên TV Thành ủy, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa và Giám đốc Sở Công an của Thành phố đã tham gia đoàn.

 

Tôi đã họp đoàn, trao đổi ý kiến về Đề án chuyến đi. Tôi nêu ý kiến cá nhân về mục đích yêu cầu, phương châm chuyến đi như đã nói trên. Nhưng đã không được đồng tình. Tôn trọng các thành viên trong đoàn, tôi đành ký Tờ trình Đề án theo ý kiến đồng thuận. Sau khi được Ban Bí thư phê duyệt, tôi nghĩ nếu chỉ triển khai theo tinh thần Đề án thì chuyến đi sẽ không thể đem lại kết quả như tôi mong muốn. Bởi vậy, tôi đành “lách”, xin gặp Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại Vũ Khoan, đã nhiều năm là đồng nghiệp, rất quen biết và hiểu nhau mà tôi kính trọng (đầu năm 2000, ông được đề bạt Bộ trưởng Thương mại thì tôi thay ông làm Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao).

 

Tôi báo cáo, tại sao tôi đã ký trình một Đề án chuyến đi như vậy và trình bầy thẳng thắn ý kiến riêng của tôi, xin được triển khai với tinh thần mới thực sự chủ động, tiến công, cởi mở, thẳng thắn…; cụ thể là cho phép thăm dò, nếu được thì cho gặp gỡ một số cựu lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ như cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ… và một số người bất đồng chính kiến nổi bật. Nếu qua gặp gỡ thấy thuận thì cho phép tôi lấy danh nghĩa Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN, không phải Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, mời về thăm đất nước, một đề xuất, theo như tôi biết, lần đầu tiên được nêu ra.

 

Tôi rất mừng là những đề xuất đó đã được ông Vũ Khoan chấp thuận. Tôi đã họp, quán triệt tinh thần mới đó trong toàn đoàn. Các thành viên phấn khởi, nhưng cũng tỏ [ra] rất lo lắng trước trách nhiệm mới nặng nề.

 

Trong chuyến đi này, ngoài các cuộc làm việc chính thức với các quan chức hữu quan nước sở tại, một trọng tâm là gặp gỡ, đối thoại với các thành phần khác nhau trong cộng đồng kiều bào. Tôi không bao giờ có thể quên không khí thực sự cởi mở, thẳng thắn, chân tình, trên tinh thần hòa giải dân tộc, cũng như những giây phút xúc động trong các cuộc gặp gỡ đó. Có một số kiều bào, sau bao năm tháng bị bưng bít, tác động bởi tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, đã khóc khi nghe tôi thông báo tình hình đất nước và trả lời thẳng thắn, chân tình các câu hỏi, làm sáng tỏ các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước nói chung và đối với đối với cộng đồng nói riêng.

 

Điểm đặc biệt nhất trong chuyến đi này, như tôi vừa nói trên, là lần đầu tiên gặp một số cựu lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ hoặc bất đồng chính kiến nổi bật, trong đó có cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, ông Đỗ Ngọc Yến, Tổng Giám đốc Công ty Báo Người Việt, ông Nguyễn Ngọc Hải, “Chủ tịch Ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia” chống cộng nối tiếng ở thành phố Houston, nhạc sĩ Phạm Duy…

 

Tôi còn nhớ như in: Sáng 14/6/2003, tôi cùng Tổng Lãnh sự nước ta lúc đó tại San Francisco Nguyễn Mạnh Hùng đã chơi golf với vợ chồng ông Nguyễn Cao Kỳ. Sân golf được lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ có một Flight duy nhất 4 người chúng tôi chơi. Sau lời chào hỏi nhau theo phép xã giao thông thường, ông Kỳ liền nói với tôi: “Có lẽ chúng ta nên gọi nhau là anh”. Tôi giơ tay xiết chặt tay ông, đáp: “Tôi cũng nghĩ như anh”.

 

Dạo được mươi bước, ông Kỳ dừng lại, nhìn tôi:

 

– Anh có biết hồi kháng chiến chống Pháp, vì sao tôi lại về thành (Hà Nội) không?

 

– Không. Tôi làm sao biết được!

 

– Tôi bị sốt rét rất nặng, phải xin phép về nhà chạy chữa. Một đêm, đang sốt mê man, tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên một thuyền nhỏ giữa sông Hồng. Tôi hỏi mẹ tôi: “Mẹ đưa con đi đâu đấy?”. “Con sốt nặng thế này, phải đưa về thành chữa trị”. Lúc ấy, tôi đã cố lấy hết sức bình sinh để nhẩy xuống sông bơi về. Nhưng không thể. Sau đó thế nào, chắc anh hiểu.

 

Tôi nhìn ông, tỏ thông cảm:

 

– Cảm ơn anh đã cho tôi biết sự thật. Tôi rất hiểu.

 

Đi tiếp mấy bước, tôi dừng lại, nhìn vào mắt ông, thân tình:

 

– Anh Kỳ à. Anh lớn tuổi hơn tôi nhiều; từng trải qua bao thời cuộc, cảnh đời bể dâu; bôn ba khắp nơi trong, ngoài nước… Giờ chúng ta đều đã ở chặng cuối đời… Tôi muốn nghe ý kiến, nhìn nhận chân tình của anh về tình hình đất nước, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước hiện nay. Anh cứ nói thẳng, đừng ngại gì.

 

Thế là suốt gần 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi vừa đánh golf vừa chuyện trò, trao đổi ý kiến, có lúc tranh luận nữa, nhưng thật sự cởi mở, thẳng thắn, chân tình…, đề cập đến cả thời cuộc ở khu vực Đông Nam Á và thế giới, theo dòng chẩy lịch sử.

 

Cựu cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ đã bày tỏ đồng tình đối với các chủ trương đổi mới của Đảng CSVN; nói rõ không tán thành các hoạt động chống đất nước và ý kiến của một số cá nhân, nhóm phái trong cộng đồng đòi áp đặt mô hình dân chủ phương Tây vào đất nước ta…

 

Chơi xong lỗ đầu tiên, bà Kim, phu nhân ông Kỳ nói với tôi: “Anh Bin à. Chúng ta thi nhá. Mỗi lỗ 5 đô la”. Tôi bắt tay bà vui vẻ: “Đồng ý. Dù tôi chơi rất dở”. Vợ chồng ông Kỳ đánh golf thì khỏi nói rồi. Phía chúng tôi, Tổng lãnh sự Mạnh Hùng chơi tốt. Còn tôi chơi rất kém, do cánh tay phải bị sai khớp, đã thành tật từ nhỏ, không thể gập lại và cử động như bình thường. Học và đánh golf chỉ là do yêu cầu phục vụ ngoại giao. Vợ chồng ông Kỳ liên tục dẫn điểm, khi nhiều, khi ít. Chúng tôi rượt đuổi. Đến lỗ thứ 17, áp chót, điểm số là 8-9, vẫn nghiêng về phía vợ chồng ông Kỳ. Thật may mắn, kết quả lỗ cuối cùng là 9-9. Bà Kim reo lên “Thế là huề nhá! Anh Bin”. “Thật không thể đẹp hơn!”, tôi cười đáp, bắt chặt tay hai vợ chồng ông Kỳ. Rồi cả bốn chúng tôi cùng vỗ tay kết thúc cuộc chơi golf.

 

Tôi đã dặn trước đoàn tìm một tiệm ăn đàng hoàng, nhưng không phải loại sang nhất, để tiết kiệm ngân sách. Cả đoàn sẵn sàng chờ tôi. Nếu cuộc gặp thuận, tôi sẽ mời vợ chồng ông Kỳ cùng về ăn trưa với đoàn. Tôi liền hoan hỉ mời vợ chồng ông Kỳ về gặp gỡ và cùng dùng cơm trưa với toàn đoàn chúng tôi. Vợ chồng ông đã hồ hởi nhận lời ngay.

 

Bên bàn ăn, tôi và ông Kỳ tiếp tục trò chuyện. Kết thúc bữa cơm trong không khí hòa giải, cởi mở, vui vẻ, tôi đứng lên, xúc động, bầy tỏ cảm tưởng chân thành của tôi về cuộc gặp gỡ; cảm ơn ông Kỳ và phu nhân. Với danh nghĩa Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN, tôi mời vợ chồng ông Kỳ về thăm quê hương. Một thoáng ngỡ ngàng, rồi niềm vui và xúc động đã lộ rõ trên nét mặt dày dạn phong sương của ông. Ông đã cảm ơn và sau đó bày tỏ với tôi mong muốn được Nhà nước cho phép đưa một đoàn doanh nhân về làm ăn, hợp tác với đất nước, như một cử chỉ hòa giải.

 

Nửa năm sau, đầu tháng 1-2004, khi vừa tới Paris nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Pháp được ít ngày, tôi rất mừng nhận được tin cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ đã về thăm quê hương, sau nửa thế kỷ xa cách, bể dâu. Sự kiện này đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng NVNONN, cho thấy tinh thần đổi mới thực sự mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

 

Tôi cũng không thể nào quên cuộc gặp gỡ tối 9/6/2003 với vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hải tại nhà ông. Ông Hải là con một Tri huyện thời Pháp. Vợ chồng ông là người miền Bắc, sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 mới di cư vào Nam. Vừa bước vào nhà, tôi có ấn tượng như tới thăm một gia đình trí thức ở Hà Nội, một không gian đầy ắp màu sắc và hương vị văn hóa truyền thống Việt Nam.

 

Sau phần chào hỏi, ông mời đoàn chúng tôi vừa dùng cơm tối vừa nói chuyện. Vừa ngồi vào bàn ăn, ông Hải đã nói thẳng với tôi: Ông đang là “Chủ tịch Ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia” của thành phố Houston. Ông là người chống cộng sản và vẫn kiên quyết chống cộng sản.

 

Thế là bắt đầu cuộc đối thoại và tranh luận rất thẳng thắn và không ít lúc có thể nói là “nảy lửa” giữa tôi và ông suốt bữa cơm kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Ông lý giải và bảo vệ lập luận cơ bản của ông là theo chủ nghĩa cộng sản thì sẽ mất độc lập dân tộc, rơi vào vòng thống trị của Nga cộng, Trung cộng. Vì vậy, ông đã đi với Pháp rồi Mỹ; vì đó là cách duy nhất để chống lại nguy cơ đô hộ của Nga cộng, Trung cộng, bảo vệ độc lập dân tộc (?!).

 

Còn tôi, đã lấy những sự thật lịch sử của nước ta, của Đảng ta và quan hệ quốc tế liên quan, đồng thời làm rõ những chủ trương, chính sách đổi mới hiện nay, những thắng lợi lịch sử và thành tựu to lớn để chứng minh cho ông chân lý hiển nhiên là, chỉ có dưới ngọn cờ và sự lãnh đạo của Chủ tich Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thì đất nước ta mới giành lại được độc lập, thống nhất và đang trên đường xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tôi cũng nói với ông thẳng thắn, chân thành: Quá trình lịch sử nào mà chẳng có sai lầm, khuyết điểm, vấp váp. Nhưng, quan trọng là phải nhận ra, rút kinh nghiệm, sửa chữa, khắc phục. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang tiếp tục như vậy.

 

Biết ông Hải là một người tài hoa, giỏi đàn, ca…; được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Liên hiệp hội ngoại kiều thành phố Houston; trong đoàn chúng tôi, ông Tạo cũng là một cây văn nghệ trong phong trào sinh viên phản chiến, tôi đã chủ động đề nghị chủ nhà và khách biểu diễn mấy tiết mục ca nhạc dân tộc để thay đổi không khí. Mọi người vỗ tay hưởng ứng. Thế là cả hai bên chủ và khách đều biểu diễn. Đang thực sự vui vẻ thì một thành viên trong đoàn hát một bài phản chiến của Trịnh Công Sơn. Lập tức chủ nhà đứng lên, cầm đàn hát luôn một bài ca ngợi lính VNCH.

 

Trước tình huống đó, tôi đứng lên, chậm rãi, trịnh trọng:

 

“Thưa anh Hải cùng các chị, các anh. Cho phép tôi xưng hô như vậy. Tối nay, tôi thực sự xúc động và cảm ơn anh, chị Hải đã đón tiếp đoàn chúng tôi thật cởi mở, chân tình. Bom đạn đã ngừng nổ, đất nước đã thu về một mối gần 30 năm rồi. Quá khứ là đã qua, không thể làm lại. Như những người con của mẹ Việt Nam, chúng ta hãy khép lại quá khứ, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng lại và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, đã bị chiến tranh bao năm tàn phá. Tôi đề nghị anh Hải và anh Tạo trong đoàn chúng tôi cùng biểu diễn một bài ca dân tộc”.

 

Thế là cuộc gặp gỡ vợ chồng ông Hải đã kết thúc bằng một bài hát dân tộc, mà ông Hải chủ nhà là người hát và ông Trần Văn Tạo, thành viên đoàn chúng tôi, là người đệm đàn. Khi chia tay, ông Hải phát biểu giọng xúc động: “Tôi không ngờ các anh chị lại là những người thật dễ thương!”.

 

Vợ chồng ông Hải tiễn tôi ra tận cổng. Biết ông quê Hưng Yên, tôi nói: “Anh Hải à, Chúng ta còn là đồng hương nữa đấy. Tôi quê Hải Dương. Đã có 3 thập niên hai tỉnh chúng ta hợp nhất là Hải Hưng mà”. Rồi tôi mời vợ chồng ông về thăm lại quê hương. Xiết chặt tay hai người, tôi nói: “Trăm nghe không bằng một thấy. Anh, chị cứ về đi. Sẽ ngạc nhiên. Quê hương chúng ta đã thực sự thay da, đổi thịt, dù vẫn còn nhiều khó khăn, vấn đề phải khắc phục. Anh chị sẽ được đón tiếp như những người con, sau bao năm lưu lạc nơi đất khách, quê người!”

 

Chỉ vài tháng sau, vào dịp Quốc khánh, tháng 9-2003, ông Hải đã về thăm quê, sau gần 50 năm xa cách. Đầu năm 2007, tôi đang làm Đại sứ tại Pháp, một Phó Cục trưởng dẫn đầu Đoàn Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, thăm Hoa Kỳ, trao giấy miễn thị thực xuất nhập cảnh mỗi khi về nước cho các kiều bào tiêu biểu, về qua Paris cho tôi biết: Ông Hải là một trong số kiều bào đầu tiên ở thành phố Houston được anh trao giấy. Ông ấy rất phấn khởi, đã nói với anh khi nhận giấy: “Ông Bin đã nhuộm đỏ tôi”.

 

Khi tôi nêu ý định gặp ông Đỗ Ngọc Yến, Tổng Giám đốc Công ty Báo Người Việt, tờ báo lớn nhất của người Việt ở Hoa Kỳ, đã có ý kiến can ngăn mạnh mẽ, cho rằng đây là một nhân vật phức tạp, nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn quyết định thực hiện. Cuộc gặp, đối thoại thẳng thắn đã giúp tôi hiểu hơn về ông, một cơ hội tốt để trực tiếp nói rõ đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta cho người có ảnh hưởng lớn trong truyền thông tới cộng đồng.

 

Tôi cũng không thể nào quên buổi tối đến thăm Nhạc sĩ Phạm Duy tại nhà ông. Ông đã xúc động đón tiếp, cảm ơn tôi là quan chức của Đảng và Nhà nước đầu tiên đến thăm và chuyện trò thân tình, cởi mở với ông. Nhạc sĩ đã ngồi vào Piano, say sưa biểu diễn một trích đoạn tác phẩm mới về truyện Kiều mà ông đang hoàn thiện. Bữa đó, ca sĩ Ái Vân cũng có mặt.

 

Thật là một diễm phúc, lần đầu tiên trong đời tôi được nghe tiếng đàn dương cầm của người nhạc sĩ tài hoa xuất chúng biểu diễn sáng tác của chính ông, cùng tiếng hát hút hồn của một ca sĩ nổi tiếng. Tôi rất mừng là nhạc sĩ Phạm Duy đã trở về và được cống hiến tài năng của ông cho quê hương đến tận cuối đời.

 

Tôi rất mừng về kết quả chuyến thăm; đã khẩn trương làm báo cáo tường tận lên BCT và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tôi lại chủ động gặp Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, để trực tiếp báo cáo và xin trình lại kiến nghị chúng tôi đã trình BCT, đề nghị ông giúp thúc đẩy. Tôi rất mừng đã được ông đồng ý.

 

Thế là lại một lần nữa, tôi cùng mấy cán bộ hữu quan trong cơ quan khẩn trương rà soát, chỉnh lý lại văn bản đã trình trước đây. Và, chỉ một tuần sau chuyến đi, ngày 25/6/2003, tôi lại ký Tờ trình mới lên BCT, khẩn thiết kiến nghị BCT sớm ban hành Nghị quyết CÔNG KHAI, để đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới, với niềm hy vọng lớn hơn bao giờ hết. Thật là may mắn, ông Vũ Khoan đã dành thời gian đích thân đọc và cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào văn bản.

 

Vào thời điểm đó, tôi đã có quyết định của Lãnh đạo cấp cao cử làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước ta tại Pháp. Tôi đặt mục tiêu: Phải hoàn thành bằng được công việc then chốt này mà tôi đã tâm huyết, trăn trở thai nghén, xây dựng, theo đuổi, thúc đẩy… từ khi mới nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Uỷ ban VNVNONN, đã gần bốn năm tròn. Tôi đã dành thời gian, công sức, cùng mấy đồng nghiệp hữu quan, hoàn chỉnh dự thảo. Rồi lại lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành hữu quan một lần nữa. Tôi rất vui đã thực hiện được mục tiêu đề ra: Hoàn chỉnh lần cuối cùng các văn bản và kịp trình Dự thảo nghị quyết lên BCT trước khi lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ mới, tháng 12/2003.

 

Cũng như các lần trước, trong Tờ trình, tôi đã báo cáo ý kiến mới nhất của tất cả các cơ quan, bộ, ban, ngành liên quan để BCT có đầy đủ cơ sở xem xét. Đáng lưu ý là, lần cuối này, ngoài một cơ quan ngay từ đầu vẫn giữ ý kiến phân vân giữa kiến nghị BCT ra “Nghị quyết” hay “Chỉ thị” thì có thêm một cơ quan tham mưu rất quan trọng trước đây tán thành, nay không đồng ý với việc kiến nghị BCT ra Nghị quyết CÔNG KHAI nữa.

 

Ít tháng sau, trong khi đang công tác tại Pháp, tôi vô cùng vui mừng nhận được tin và toàn văn Nghị quyết số 36-NQ/TW, bản Nghị quyết CÔNG KHAI đầu tiên của Bộ Chính trị Đảng CSVN về cộng đồng NVNONN, ban hành ngày 26/3/2004.

 

Tôi thầm nghĩ: Tiếp theo báo cáo kết quả đoàn liên ngành chúng tôi thăm Canada, Hoa Kỳ (tháng 6-2003), và kiến nghị khẩn thiết lần chót của chúng tôi (tháng 12-2003), việc cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, đáp lại lời tôi mời, đã về thăm quê hương (tháng 1-2004), như giọt nước tràn ly, cuối cùng đã thúc đẩy Bộ Chính trị Đảng CSVN, ngày 26-3-2004, ra Nghị quyết CÔNG KHAI đầu tiên về cộng đồng NVNONN.

 

Hôm nay, 26-3-2024, kỷ niệm tròn 20 năm đi vào cuộc sống, tôi mừng vì nghị quyết lịch sử này, không chỉ được cộng đồng NVNONN vui mừng đón nhận, dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh, mà đã và đang tiếp tục được triển khai, bằng các chính sách, quyết định, biện pháp cụ thể của Nhà nước, phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Mặc dù vậy, tôi vẫn rất buồn vì mong ước cháy bỏng, mục tiêu chủ yếu tôi đeo đuổi, khi nẩy sinh ý tưởng, thai nghén, đề xuất… nghị quyết 36, là HÒA GIẢI, HÒA HỢP, ĐOÀN KẾT DÂN TỘC thực sự, thì đến nay, sau 20 nghị quyết được ban hành, và gần nửa thế kỷ chiến tranh đã chấm dứt, vết thương dân tộc vẫn còn rỉ máu; người Việt chúng ta, anh em một nhà, vẫn chưa thực sự hòa giải được với nhau!!! Mà, không hòa giải được với nhau thì nói gì đến cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng, để khơi dậy, phát huy tốt nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, và kết hợp sức mạnh ấy với sức mạnh thời đại, như Đảng CSVN đã tổng kết rất đúng, đặng xây dựng và bảo vệ thành công một nước Việt Nam thực sự độc lập, tự chủ, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, bầu trời và biển, đảo, dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, có vị trí, vai trò quốc tế xứng đáng, trước các khó khăn, nguy cơ, thách thức, cả đối nội và đối ngoại, ngày càng nóng bỏng, đang hiển hiện trước mắt, trong thế giới đầy biến động, cạnh tranh và thách thức quyết liệt này?!

 

Theo thiển nghĩ của tôi, có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính, cơ bản, cốt lõi, quyết định nhất, như tôi đã lý giải trong bài viết cách đây gần hai năm, ngày 30-4-2022, là do Đảng CSVN, người đang gánh vác trọng trách lãnh đạo đất nước, dù đã có nghị quyết về đổi mới toàn diện và đồng bộ, vẫn chưa thực hiện đổi mới thật sự về chính trị, vẫn kiên trì níu giữ mô hình quản lý đất nước cũ – hệ thống chính trị hiện hành – theo quan điểm Mác – Lênin, XHCN, thực chất là Đảng trị, độc quyền, không dân chủ, đã quá lẻ loi, lạc lõng, lỗi thời trên thế giới.

 

Đây chính là điều đã và đang ngăn cản dân tộc ta hàn gắn vết thương nội chiến, thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết.

 

 

 






 

BÀI MỚI NGÀY 28/03/2024 (Báo Tiếng Dân)

 



Báo Tiếng Dân

NGÀY 28/03/2024

https://baotiengdan.com/

 

BÀI MỚI

 

Về “khúc củi” Lê Viết Chữ

BTV Tiếng Dân  -  28/03/2024

.

Thị trường sách giáo khoa: Chọn sách giá cao, có lợi cho ai?

Chu Mộng Long  -  28/03/2024

.

Thời sự Hậu Pháo (Kỳ 1)

Nguyễn Thông   -  28/03/2024

.

Nghị quyết 36 về Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, một mốc son trong đời công tác của tôi

Nguyễn Đình Bin  -  27/03/2024

.

Ai có thể ngáng đường Tô Đại Tướng?

Blog RFA  -  Gió Bấc  -  27/03/2024

.

Troussier và bóng đá Việt Nam

Lâm Bình Duy Nhiên   -  27/03/2024

.

Khi nguồn cung vũ khí Nga cho Việt Nam cạn kiệt, nước này sẽ mua vũ khí từ đâu?

SCMP   -  Tác giả: Maria Siow   -  Cù Tuấn, biên dịch   -  27/03/2024

.

Thời sự nhân sự đại hội

Nguyễn Thông  -  27/03/2024

.

Kỷ niệm 10 năm ngày Nga sáp nhập Crimea (18/3/2014 — 18/3/2024)

Đỗ Kim Thêm   -  27/03/2024

.

Trao đổi với những người bao che cho Karl Marx

Nguyễn Đình Cống  -  26/03/2024

.

Reisner: “Thời gian là quan trọng vì Nga muốn tiến hành cuộc tấn công tiếp theo”

NTV  -  Volker Petersen phỏng vấn Markus Reisner  -  Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ  -  26/03/2024

.

Thời đại rực rỡ

Võ Xuân Sơn  -  26/03/2024

.

Đơn kêu oan của một người tù gửi từ trại tù Thanh Lâm, Thanh Hoá

Nguyễn Xuân Diện  -  26/03/2024

.

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng, nhìn về công tác cán bộ

Nguyễn Ngọc Chu   -  26/03/2024

.

Khủng hoảng nhân sự ở thượng tầng, nhân vật nào sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước?

Nông Văn Tiềm   -  25/03/2024

.

Vì sao có quá nhiều người mê tín?

Chu Mộng Long   -  25/03/2024

.

Sốt ảo

Dương Quốc Chính  -  25/03/2024

.

Sau khi cúng dường nhà đất cho chùa

Chu Mộng Long  -  25/03/2024

.

Tham nhũng và quy hoạch báo chí

Huy Đức  -  5/03/2024

.

Phương Tây cần ý chí chiến thắng

FAZ   -  Tác giả: Ben Hodges   -  Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ  -  25/03/2024

.

 

 




View My Stats