Sunday 14 January 2018

DONALD TRUMP & CHUYỆN DI DÂN (Thạch Đạt Lang)



Thạch Đạt Lang
14/01/2018

Ngày thứ năm 11.1.2018, trong buổi họp tại phòng bầu dục với các thượng nghị sĩ của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa để thảo luận về vấn đề di dân, ảnh hưởng đến những người nhập cư từ Haiti nói riêng và Châu Phi nói chung, ông Donald Trump, người nổi tiếng với những phát ngôn gây phản cảm nhất trong lịch sử lập quốc của Mỹ với 45 đời tổng thống, đã chất vấn những nhà lập pháp rằng: “Tại sao chúng ta cứ phải nhận di dân từ các quốc gia hố phân? Tại sao không nhận những di dân đến từ các nước như Na Uy?”

Không bàn đến những phản đối gay gắt, những phẫn nộ của các chính trị gia Mỹ cũng như trên thế giới, qua lời phát biểu này, người ta dễ dàng nhận thấy sự phân biệt chủng tộc của ông Trump.

Tuy nhiên người Việt cuồng Trump vẫn ra rả biện hộ, chống đỡ với những lập luận như: Ông Trump là tỉ phú lập nghiệp với hai bàn tay trắng, ông Donald Trump không nói thế, đó là Fake News của CNN…, ông Trump là tổng thống hợp lệ của Mỹ, được dân Mỹ bầu, ông Trump là người trực tính, dám nói, dám làm, quyết tâm thực hiện những lời hứa của mình, các tổng thống Mỹ khác cũng có những câu nói phản cảm, Trump làm được những điều vĩ đại cho nước Mỹ như thị trường chứng khoán lên ào ào, kinh tế tăng trưởng, Trump đem về Mỹ hàng triệu việc làm…

Cũng không ít lập luận cho rằng ông Trump không nói câu đó. CNN bịa đặt ra, đó là Fake News, nhưng ngay trên Twitter, ông Trump lúc đầu xác nhận có nói, sau đó viết tweet khác, chối bay biến.

Ngộ à nha. Một câu nói được phóng viên tham dự buổi họp đưa tin, TNS Dick Durbin và nhiều người trong phòng họp xác nhận, làm sao bây lại trở thành một fake news, bằng cách nào? Ai là người dám gắn câu nói đó vào miệng Trump? Hơn nữa, câu nói đó dính dáng gì đến chuyện lập nghiệp với hai bàn tay trắng, hay cho rằng Trump là tổng thống hợp lệ, do dân Mỹ bầu?

Không nhắc lại những lời hứa mà ông Trump (cố tình) quên như đánh thuế 45% hàng hóa sản xuất ở Trung Cộng nhập cảng vào Mỹ, đưa các hãng xưởng của Mỹ ở ngoại quốc trở lại Mỹ bằng các chính sách thuế hợp lý, chấm dứt sự đe dọa nguyên tử của Bắc Hàn…, chỉ xét đến câu nói của ông Trump vừa rồi, được những người Việt cuồng Trump nhận định ra sao?

Một facebooker ở Mỹ 20 năm, nói rằng: “Tị nạn VN là tị nạn hợp pháp và đã đóng góp vào sự thịnh vượng nước Mỹ và người Mỹ ghi nhận nó. Còn những di dân ông Trump đang nói là di dân lậu đang hủy hoại giá trị người Mỹ và đó là lý do đông đảo người VN trên toàn nước Mỹ đã vote for him”.

Nhận định này có 3 điểm cần nói rõ:
1. “Tị nạn VN là tị nạn hợp pháp”: Những người Việt Nam đến nước Mỹ sau năm 1986, rất hiếm người có tư cách tị nạn như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần…, hầu hết đều là di dân theo chương trình ODP (Orderly Departure Program).

2. “Đóng góp vào sự thịnh vượng của nước Mỹ và người Mỹ ghi nhận nó”. Trừ những người suốt đời ăn Welfare, tàn tật, ai ở nước Mỹ không đóng góp vào sự thịnh vượng của Mỹ? Người Mỹ nào ghi nhận nó? Hơn nữa, người Mỹ là ai? Da trắng, Da đen, Da đỏ, Da vàng? Mỹ nào ghi nhận sự đóng góp của người tị nạn VN hợp pháp?

3. “Còn những người di dân ông Trump đang nói là di dân lậu đang hủy hoại giá trị người Mỹ và đó là lý do đông đảo người VN trên toàn nước Mỹ đã vote for him”. Buổi họp này bàn về chuyện nước Mỹ nhận thêm di dân, tức là di dân hợp pháp, không phải di dân lậu. Ngoài ra, giá trị người Mỹ là giá trị nào, những người di dân lậu nào đang hủy hoại giá trị người Mỹ, về lãnh vực nào? Văn hóa, kinh tế, quân sự, chính trị…? Con số thống kê nào cho biết đông đảo người VN trên toàn nước Mỹ đã bầu cho ông Trump (vote for him -nguyên văn của Facebooker đó)?

Khá nhiều người VN, kể cả một số có học vị bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ…, sau một thời gian sống trên nước Mỹ vài chục năm, vẫn không học được tinh thần nhân bản, bao dung, hòa đồng chấp nhận khác biệt về màu da, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa…của đất nước đã cưu mang, đón nhận mình.

Họ tự coi mình là một sắc dân cao hơn người Mỹ da đen, người Mễ…, họ không hiểu gì về lịch sử thành lập nước Mỹ, do đó khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống 44, nhiều người VN ở Mỹ gọi ông là thằng Lọ nồi, Nigg*r…

Không nói đến khả năng lãnh đạo đất nước, xuất thân, bằng cấp, học vấn, tài sản, …hãy so sánh cách hành xử, phát ngôn, Obama nói dối bao nhiêu lần so với Trump, để đánh giá về nhân phẩm, tư cách của họ trước khi phê phán về màu da, chủng tộc.

Mỹ là một đất nước của di dân. Mấy chữ United States of America nói lên nền tảng thành lập nước Mỹ. Mark Zuckerberg mang nhiều dòng máu trong người, Steven Jobs cũng là con cái một di dân Syria. Sergey Brin, người sáng lập Google cũng là di dân. Đó là những di dân đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của Mỹ. Thế thì người VN lấy lý do gì để bài bác, chê bai, phê phán di dân các nước khác?

Chưa kể mẹ của Donald Trump, bà Mary Anne Trump cũng là di dân, đã tìm cách trốn thoát cuộc sống đói nghèo ở quê bà, đến Mỹ khi bà 18 tuổi, khởi nghiệp bằng nghề giữ trẻ, rồi sau đó làm người hầu cho những gia đình giàu có vào thập niên 1930. Nếu Trump là tổng thống thời bấy giờ, có lẽ ông đã không cho bà Mary nhập cư, giống như những người Mexico đến Mỹ khởi nghiệp bằng những nghề mà Trump coi thường.

Hơn nữa, di dân hợp pháp hay bất hợp pháp chỉ tùy thuộc vào từng thời điểm, từng chính sách của Mỹ. Giả sử VN nằm cạnh Mỹ, bị CS cai trị như hiện nay, sẽ có bao nhiêu người VN tìm đủ mọi cách, liều lĩnh vượt biên qua Mỹ như người Mexico?

Hãy tự đặt mình vào vị trí người khác trước khi phán xét họ.

----------------------------------

March 7, 2017

WASHINGTON, DC (NV) – Vượt lên trên giá trị căn bản truyền thống của nước Mỹ, chính quyền của Tổng Thống Donald Trump bắt đầu thi hành những biện pháp quyết liệt và toàn diện chống di dân, vượt qua mọi giới hạn của tất cả các chính quyền tiền nhiệm.

Chính sách cứng rắn với di dân chủ yếu là nhằm làm thỏa mãn tâm lý bất bình tiềm ẩn của những người đã ủng hộ ông Trump trong cuộc tranh cử. Sự khác biệt chính giữa Tổng Thống Donald Trump và các tổng thống gần đây, đặc biệt với Tổng Thống Barack Obama, là ở điểm không dành sự ưu đãi cho thành phần di dân từ các dân tộc khác.

Trải qua từng giai đoạn lịch sử, nước Mỹ đã có nhiều biến đổi trong chính sách đối xử với di dân, và việc trục xuất di dân bất hợp pháp không phải là mới lạ.

Tờ Politico cho biết trong cuộc tranh luận ở Milwaukee vào thời kỳ bầu cử sơ bộ, ông Trump khẳng định là kế hoạch trục xuất di dân mà ông đề ra sẽ thành công, viện dẫn sự kiện Mỹ đã từng trục xuất 1.5 triệu di dân Mexico thới Tổng Thống Dwight Eisenhower trong thập niên 1950.

Thật ra, con số này không chính xác, theo ước lượng của các nhà sử học, không kể số tự nguyện trở về, số di dân bị đưa qua biên giới Mexico trong chiến dịch “Wetback” chỉ trong khoảng 250,000 tới 1 triệu. Hơn nữa chiến dịch “Wetback” không chỉ là đơn phương trục xuất mà có sự hợp tác với Mexico để tiếp nhận công dân của họ trở về.

Theo ABC News, chính quyền của Tổng Thống George W. Bush đã trục xuất 2 triệu di dân bất hợp pháp và Tổng Thống Barack Obama trục xuất 2.5 triệu, cao nhất từ trước đến nay. Ông Trump tránh không đề cập tới chuyện này chỉ vì kỹ thuật tranh cử. 

Một số phương cách đối xử mới với di dân

1-Bất kể tình trạng di trú thế nào
Sắc lệnh hành pháp 13767 của Tổng Thống Donald Trump, được khai triển bằng hai bản ghi nhớ, do Bộ Trưởng Nội An John Kelly đưa ra ngày Thứ Ba, 21 Tháng Hai, chỉ thị phương cách hành động cho cảnh sát di trú (ICE). Theo các lệnh này, tất cả di dân không có đủ giấy tờ hợp pháp đều bị trục xuất nếu nhân viên hữu trách tìm ra.

Chính quyền Obama quy định ưu tiên trục xuất là tội phạm, thành viên băng đảng và những phần tử nguy hại đến an ninh. Lúc đó ICE phàn nàn là họ khó làm việc vì không phân biệt được đối tượng nào cần truy tầm hay không truy tầm.

Bây giờ ICE không cần cân nhắc xem phạm tội nặng hay nhẹ, đã sống ở Mỹ bao lâu, và như thế có thể bị trục xuất nếu là di dân bất hợp pháp.

2-Bắt rồi thả
Dưới thời chính quyền Obama, di dân vượt biên trái phép bị bắt có thể được tạm trả tự do và sống ở Mỹ trong khi chờ đợi xét yêu cầu xin cư trú vĩnh viễn. Hầu hết những yêu cầu này bị bác, thế nhưng, sau một thời gian dài không dễ tìm ra đương sự.

Chính quyền Trump nhất thời bỏ đường lối này vì không có đủ nơi để giam giữ. Một trong hai bản ghi nhớ mới đây của Bộ Nội An chỉ thị gia tăng các trại giam, nhưng phải có thời gian và ngân khoản mới có thể có đủ chỗ giữ những di dân nhập cảnh trái phép. Một giải pháp khác là đưa những người này về Mexico trong khi cứu xét hồ sơ. Với Mỹ, việc này hợp pháp, nhưng Mexico có thể khước từ với lý do không phải tất cả là công dân của họ.

3-Không cần tòa án
Hai mươi năm trước, Quốc Hội thông qua đạo luật cho phép chính quyền trục xuất ngay những di dân mới nhập cảnh không lâu quá hai tuần bị bắt cách biên giới trong vòng 100 dặm. Những người này chỉ được xem như “quá cảnh,” và không được hưởng sự xét xử theo quy định của Hiến Pháp.

Chính quyền Donald Trump dự tính không áp dụng quy chế này, với lý do còn tới nửa triệu trường hợp chưa được phân xử tại tòa án di dân. Do đó, một di dân bất hợp pháp bị ICE bắt, không cần biết đã sống ở Mỹ bao lâu và tại đâu, vẫn bị trục xuất.

4-Trẻ em
Một trong hai bản ghi nhớ của Bộ Nội An nhìn nhận là trẻ em bị bắt đi một mình ở biên giới sẽ được hưởng quy chế đặc biệt, được nhân viên di trú phỏng vấn và đưa ra trước tòa. Nhưng phụ huynh, nếu bị bắt, sẽ vẫn bị trục xuất ngay và có thể bị truy tố về tội trả tiền cho bọn đưa lậu di dân dẫn con em họ đi.

Hậu quả của biện pháp này là sự chia rẽ gia đình di dân vì các phụ huynh sẽ tìm cách trốn tránh không để bị bắt, hoặc trở về, vì hiểu rằng sự xuất hiện sẽ gây khó khăn cho chính họ cũng như con em.

Tổng Thống Obama, bằng sắc lệnh gọi là DACA, cho phép di dân bất hợp pháp dưới 16 tuổi vào Mỹ trước Tháng Sáu, 2007, bây giờ đang đi học hay đã tốt nghiệp và dưới 31 tuổi tính đến Tháng Sáu, 2015, không phạm tội hình sự, được phép ở lại Mỹ làm việc trong hai năm, và có thể tái tục.

Tổng Thống Trump nhìn nhận đây là một vấn đề phức tạp khó giải quyết và ông hứa hẹn sẽ giải quyết “bằng trái tim.”

5-Khó khăn và trở ngại
Bộ Trưởng Nội An Kelly nói rằng ICE không đủ nhân lực và không tin là có thể tuyển dụng đủ 15,000 nhân viên có khả năng và được huấn luyện đầy đủ trong nhiều năm tới.

Một trở ngại khác là chính quyền nhiều tiểu bang và địa phương sẽ không hợp tác, cảnh sát không trợ lực với nhân viên liên bang và ICE không dễ dàng thi hành nhiệm vụ ở những nơi được gọi là thành phố an toàn cho dân tạm dung. (HC)








No comments:

Post a Comment

View My Stats