Friday 19 January 2018

BẢN TIN SÁNG 19/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin trong nước

44 năm Hải chiến Hoàng Sa
Báo Tuổi Trẻ thăm 15 nhân chứng sống Hoàng Sa. Trong số 15 nhân chứng này, hiện đang sống tại Đà Nẵng, “có những người trực tiếp tham gia trận Hải chiến Hoàng Sa, có người tham gia công tác thông tin, y tế, xây dựng… trên quần đảo này“.

Mời xem lại Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà về quần đảo Hoàng Sa, gồm: Tuyên Cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa về hành động gây hấn của Trung Cộng (19.1.1974) và Tuyên cáo của Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa về chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng Hòa, 14 tháng 2 năm 1974.

Trong bản tuyên cáo có đoạn: “Các hành động quân sự của Trung Quốc là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia”.

Tuyên Cáo của Chính Phủ VNCH

Nhà văn Lưu Trọng Văn viết“Ngày mai ấy, tại Nhà hát Hà Nội, những ai đến xem chương trình ca nhạc của Đoàn nghệ thuật Trung Quốc có ai, có ai nhớ đến chính ngày 19.1 này, 44 năm trước không phải tiếng nhạc Trung Hoa tấu lên tại Nhà hát đẹp nhất Thủ đô này mà tiếng súng, tiếng đạn pháo”.

Nhà văn Vũ Thư Hiên cho rằng“chúng có thể dùng vũ lực chiếm đất Hoàng Sa. Chúng không thể, và không bao giờ, chiếm được Hoàng Sa trong lòng người Việt!”

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu có bài: Bốn mươi tư năm! Trong bài có đoạn: “Ngày 19-1-1974, nhân cơ sự rối ren giữa hai miền Nam – Bắc nước ta, Trung Quốc bất ngờ đánh úp Hoàng Sa của nước mình. Lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng Hòa thất trận, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của nước ta từ đó”.

Trang No-U FC nhận định“44 năm về trước, Trung Quốc sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 44 năm sau, dã tâm bành trướng của Trung Quốc vẫn nguyên vẹn, thậm chí còn cuồng vọng hơn nhưng có những kẻ đi mời giặc vào nhà ca hát nhảy múa ngay giữa thủ đô”.

Facebooker Ngô Thanh Tú viết“Việc làm của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã khiến nhiều người phẫn uất, vì trước đó trong rất nhiều lần, các hội đoàn, các tổ chức xã hội dân sự tổ chức tưởng niệm ngày Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm, tưởng nhớ đến 74 chiến sỹ VNCH hy sinh để bảo vệ quyền toàn vẹn lãnh thổ đã bị nhà cầm quyền CSVN sử dụng bạo lực hành hung đến đổ máu. Trong đó có rất nhiều người cho đến nay vẫn bị nhà cầm quyền Việt Nam trả thù bằng nhiều phương cách”.

Facebooker Dương Đại Triều Lâm bình luận“Cách đây 44 năm, ngày 19/1 Trung Quốc nổ súng giết hại đồng bào, xâm lược quần đảo Hoàng Sa của ta… Cũng chọn đúng ngày ấy vào 44 năm sau, chúng ngang nhiên cho đoàn nghệ thuật sang nhảy múa, xướng ca ngay trung tâm Hà Nội. Nhục nào hơn thế?”


Nhìn lại “phiên tòa lịch sử”
Nhà báo Trân Văn bàn về: Những lời thỏ thẻ trước tòa. “Lời sau cùng” của ông Thăng và đồng phạm trở thành minh chứng cho yếu tố lạm quyền, vượt quyền trong chiến dịch “đốt lò”: “Dẫu khoác áo ‘cộng hòa’ nhưng Việt Nam có… vua. Tuy không ngai song ông vua này chính là người điều khiển ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa’, Hiến pháp, pháp luật chỉ là những cái ‘bánh vẽ’. Đó là lý do cả ông Thăng lẫn ông Thanh cùng xin lỗi ‘Tổng Bí thư’, ‘bác Trọng’.”

Trịnh Xuân Thanh (phải) và Đinh La Thăng tại Tòa ở Hà Nội. Ảnh: Reuters/VOA

BBC có bài: Vụ xử ông Thanh là ‘mũi tên bắn nhiều con chim’. LS Trần Quốc Thuận bình luận: “Việc xử Trịnh Xuân Thanh, tôi đánh giá là một mũi tên bắn nhiều con chim. Một là xử nhanh, như chúng ta thấy chưa có phiên tòa nào xử nhanh như thế và những phiên tòa như thế này”. Chính tiến độ “thần tốc” của “phiên tòa lịch sử” cho thấy “nó có một định hướng nào đấy, nó hơi lai lai như một vụ án có màu sắc chính trị, mà chính trị nội bộ”.

Bàn tròn BBC có clip, gồm các diễn giả LS Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm VP Quốc Hội, nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Đức, GS Jonathan London từ Hà Lan, bình luận về các diễn biến mới nhất của phiên tòa xét xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm:  https://www.youtube.com/watch?v=8HiqUCzhH7s


Khoảng lặng trong đại án VNCB
Báo Pháp Luật TP HCM ghi nhận: 46 bị cáo, 140 người liên quan phải bồi thường 6.000 tỉ trong vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê. Đại diện VNCB cho biết: “Tính đến nay, số tiền thiệt hại do ông Danh và đồng phạm gây ra là 6.126 tỉ đồng. Từ đó, VNCB đề nghị 46 bị cáo và hơn 140 cá nhân liên quan được đề cập trong cáo trạng nhưng không bị xử lý hình sự (trừ ba NH: TPBank, Sacombank, BIDV), tùy mức độ phải liên đới bồi thường thiệt hại số tiền trên”.


“Lỗi hệ thống”
RFA có bài: Nhà nước cần làm gì với hơn 57 ngàn cán bộ dư thừa? Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến bình luận: “57.175 cán bộ, theo như con số của báo chí đưa, cứ tính bình quân mỗi cán bộ nhận lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng thì tổng số tiền lương chiếm gần 3.500 tỷ đồng/năm… Một bộ máy con người như thế, mà chúng tôi gọi là ‘ăn không ngồi rồi’ thì còn ‘nhàn cư vi bất thiện’, họ nghĩ ra đủ trò để hành hạ người dân thường”.

LS Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thừa nhận: “Nhà nước Việt Nam là nhà nước thoát ra trong một cuộc chiến tranh và nhiều người làm nhà nước không được đào tạo cho nên cứ chia việc ra làm nên thành một bộ máy cồng kềnh, không khoa học. So với những nước tiên tiến thì người ta được đào tạo chính quy có hệ thống, pháp luật rõ ràng nên gọn nhẹ”.

                           https://www.youtube.com/watch?v=sS6-vIyxuF0

Báo Lao Động đưa tin: Đà Nẵng kỷ luật cảnh cáo và khiển trách 5 cán bộ chủ chốt. Chiều qua, BCH Đảng bộ Đà Nẵng tổ chức họp bất thường để “tiến hành xem xét, bỏ phiếu thi hành kỷ luật một số cán bộ có khuyết điểm liên quan đến công tác tham mưu bổ nhiệm cán bộ và quản lý trật tự đô thị”. Ông Trần Đình Hồng, ông Trần Thanh Vân, và ông Đào Tấn Bằng chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo. Ông Lê Quang Nam và ông Vũ Quang Hùng chịu hình thức kỷ luật khiển trách.


An ninh mạng vs quyền tự do thông tin
Nhà báo Bùi Tín đặt câu hỏi: Tổng Bí Thư, Quân Ủy TƯ tuyên chiến với toàn dân? Chuyện lãnh đạo liên tiếp đầu tư cho các lực lượng “tác chiến” trên mạng, càng chứng minh nỗi sợ hãi, thậm chí là ám ảnh, của họ: “Chính do bộ máy tuyên huấn của đảng tỏ ra bất lực một cách thê thảm và nguy hiểm cho đảng mà đầu năm nay, Tổng bí thư và Bộ Chính trị cùng Quân ủy TƯ giật mình, bỗng nảy ra sáng kiến thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến mạng”.

RFA có bài: An ninh mạng Việt Nam bảo vệ an ninh quốc gia hay đàn áp đối lập? Chỉ trong vài tuần, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, các lãnh đạo quân đội và công an lần lượt công khai các lực lượng “tác chiến” trên mạng: Quân đội có “lực lượng 47”, công an có A68. Blogger Chu Vĩnh Hải bình luận: “Có một quan niệm rằng khi những lợi ích của đảng cầm quyền, của chính quyền bị xâm phạm thì đó là xâm phạm lợi ích và an ninh quốc gia”.

Nhà báo Võ Văn Tạo bàn về bản chất “nhiệm vụ” của các lực lượng định hướng viên: “Đối với những người cộng sản đang cầm quyền, một phần lớn trong vấn đề an ninh quốc gia chính là đối phó với sự phản đối của người dân trong nước”. Cho nên, lãnh đạo sẵn sàng dùng tiền thuế của dân trả lương cho những dư luận viên, hằng ngày tìm cách ngăn chặn thông tin trái ý họ.

Ông Hải nhận định thêm về “hiệu quả hoạt động” của lực lượng an ninh mạng Việt Nam: “Theo tôi thì họ có phát huy được một ít, vì họ đông, và cũng có tính chuyên nghiệp, cho nên cũng có hiệu quả. Nhưng mà dần dần thì sự thật cũng phơi bày thôi. Vì bây giờ thông tin nhiều chiều cho nên người dân nhận thức được”.


Đất nước thời “tận thu”
Về hiện tượng giá xăng dầu tiếp tục có xu hướng tăng, blogger Phương Thơ có bài phân tích về bản chất chuyện tăng giá xăng ở Việt Nam. Đối với lời ngụy biện của Bộ Tài chính, “không thể để giá xăng thấp hơn các nước, tránh buôn lậu”, tác giả so sánh giá xăng ở Việt Nam với Indonesia và Malaysia. Cả “lái buôn bơm hút dầu thô” Indonesia và Malaysia đang phải gánh “thâm hụt ngân sách quá nặng” đều bán xăng dầu giá rẻ cho người dân.

Các lãnh đạo “hồng hơn chuyên” tìm đủ lý do để bào chữa hành động tăng giá xăng, nhưng họ vẫn chưa công khai lý do chính: “khi giá dầu thô chạm đáy giao động từ 27-28 $ cho chi phí 1 thùng dầu thô thì VN càng gia tăng hút dầu thô để chấp nhận chịu lỗ, miễn rằng vét được USD cho ngân sách trả nợ là được. Còn phần bù lỗ thì in tiền VND ra bắt tất cả người dân phải  trả”.

Mời đọc thêm: Những ồn ào xăng tăng giá (SK&ĐS). – Sở thuế và phận dân (NLĐ).

Đổi môi trường lấy kinh tế, “mất cả chì lẫn chài”
Blogger Phương Thơ có bài: Cần thép nhiều để làm gì khi mà năng lực kinh tế của Việt Nam quá bé. Về chuyện Bộ trưởng Bộ Công thương tuyên bố: “VN phải sản xuất ra trên 40 triệu tấn thép”, tác giả bình luận: “Có lẽ quốc gia này với công nghệ thời vụ của con buôn là nhập hàng TQ thì tôi e rằng để sản xuất ra bằng ấy thép là người ta phải đào bới hết tài nguyên và phá hết vùng biển xứ này cho tan hoang để bán ra chẳng lời bao nhiêu”.

Lãnh đạo muốn tăng cường sản xuất thép, trong khi thế giới nghi ngờ thép Việt Nam: “Cái giá rẻ mạt bị quốc tế phát giác nghi ngờ là thép TQ. Đối với VN, quốc gia quá nhỏ bé, không có năng lực nào về lĩnh vực công nghiệp nặng. Vinashin cần nhiều thép thì đã chết yểu, ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, cơ học,…. đều không có”.

Các lãnh đạo Đảng đã chấp nhận cho Công ty Formosa vào làm dự án nhà máy thép ở cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh. Người dân chưa được hưởng lợi từ đống thép này, thì đã phải gánh chịu hậu quả từ thảm họa môi trường tàn phá vùng biển của 4 tỉnh miền Trung. Quan chức muốn đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, kết quả là môi trường ngày càng sa sút giống như nền kinh tế.

RFA đưa tin: Cá chết hàng loạt do vỡ bể chứa nước thải nhà máy. Sự cố vỡ bể chứa nước thải ở nhà máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp đã khiến “cá chết hàng loạt trên suối Nậm Núa, từ xã Núa Ngam đến xã Sam Mứn, thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên”.

Chủ tịch UBND xã Núa Ngam, ông Lường Văn Sơn, cho biết: “Sự việc xảy ra gây thiệt hại khoảng gần tấn cá của người dân vùng này. Cho đến nay vẫn chưa xác định trong nước thải có chất độc hại gì đã gây ra tình trạng cá chết.  Ông lo ngại nước thải này sẽ tiếp tục ảnh hưởng làm chết khoảng 40 chục hecta lúa”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền có bài: Việt Nam: Lại một đợt đàn áp các blogger và nhà hoạt động nhân quyền. Ngày 18/1/2018, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố bản Phúc trình Toàn Cầu 2018, trong đó có đoạn: “Việt Nam đã gia tăng đáng kể việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong năm 2017. Bất chấp thực tế đó, hầu hết các nhà tài trợ cho Việt Nam vẫn tiếp tục coi trọng thương mại hơn nhân quyền”.

RFA đưa tin: Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Sau khi Chính quyền TT Trump rút khỏi Hiệp định TPP, các lãnh đạo Việt Nam đã “khởi động lại chiến dịch đàn áp nhắm vào những nhà hoạt động, bắt giữ hàng chục blogger và kết án nhiều nhà hoạt động với những mức án nặng nề”. Đã có “ít nhất 24 blogger bị kết án nặng nề” chỉ vì họ viết bài ủng hộ nhân quyền và tư tưởng dân chủ.

RFA cho biết: Blogger Nguyễn Ngọc Già kể chuyện đi tù. Ngày 18/1/2018, Blogger Nguyễn Ngọc Già trả lời phỏng vấn RFA: “Tôi nhớ anh Điếu Cày từng nói, khi đã qua Mỹ: Nhà tù nào ở Việt Nam cũng ác, nhưng ở Cái Tàu – Cà Mau đúng là ‘trại súc vật’. Riêng tôi, tôi phải nói rằng ‘Mỗi nhà tù một kiểu, ác thì ngang nhau’. Lao động khổ sai, như tại Chí Hòa, tận mắt tôi chứng kiến, rất khổ và nguy hiểm”.

Ông Già bình luận: “Hoàn cảnh xã hội VN hiện nay, bi đát và tan nát về mọi mặt, nhất là về ‘nhân tâm’, Bộ Chính trị nên suy ngẫm và thay đổi cung cách quản lý và tuân thủ pháp luật ở các trại tù, chứ cứ như hiện nay góp phần rất nhiều trong việc bôi nhọ ‘danh dự uy tín’ của Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh vấn đề tham nhũng”.

Tình hình đàn áp nhân quyền ngày càng gia tăng, nhưng các lãnh đạo Đảng vẫn tuyên bố: VN duy trì các cơ chế đối thoại về quyền con người. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại buổi họp báo ngày 18/1/2018: “Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song vẫn có những sự khác biệt về cách tiếp cận và ưu tiên về quyền con người, xuất phát từ khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển”.


Chính phủ chọn BOT thay vì chọn dân
Báo Người Lao Động đưa tin: Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc vụ gây rối BOT. Tối 18/1/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện số 82 về “bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT”. Trong công điện, ông Phúc yêu cầu “Bộ GTVT cung cấp cho Bộ Công an hồ sơ, tài liệu về đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm BOT và Bộ Công an xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm”.

Ông Phúc đã nhận ra làn sóng đấu tranh của các tài xế nhằm phản đối hệ thống BOT đang ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, ông Phúc chỉ nhìn thấy “những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước” mà không hiểu được rằng Đảng Cộng sản đang bảo vệ một hệ thống “hút máu” dân.

BBC đưa tin: Thủ tướng VN: ‘Xử lý người kích động, chống phá’ ở trạm BOT. Từ cuộc đấu tranh ở BOT Cai Lậy, các tài xế đã tiến hành “bất tuân dân sự” để phản đối hệ thống BOT ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ: “Những tháng qua, giới lái xe và doanh nghiệp vận tải liên tục phản ứng tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT. Tình hình chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Nam, tiêu biểu như dự án BOT Cai Lậy”.

Thủ tướng thường quảng cáo về “chính phủ kiến tạo” đã quyết định dùng vũ lực để “đối thoại” với dân: “Xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông… các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động”. Ông Phúc không quên dặn báo chí trong nước “tuyệt đối không đưa tin hoặc đăng tải các bình luận có tính chất cổ vũ các đối tượng có hành vi cản trở hoạt động thu giá”.

Bộ trưởng GTVT tuyên bố: Tôi không tư túi, bẻ cong sự thật ở BOT Cai Lậy, VietNamNet đưa tin. Tại buổi họp báo về các dự án BOT do Bộ GTVT tổ chức chiều 18/1/2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm về hệ thống các trạm BOT và đang rà soát. Chính phủ đã giao Bộ GTVT trong năm 2018 phải giải quyết cơ bản các vấn đề BOT”.

“Đường dây lợi ích” trong hệ thống BOT: “Dự án BOT có 7 bộ ngành chịu trách nhiệm. Một số dự án BOT nóng, không chỉ có trách nhiệm của Bộ GTVT mà trách nhiệm của cả địa phương vì các địa phương đã đồng ý”.


***

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
VOA có bài: Quốc hội vẫn tranh cãi về DACA trong khi hạn chót để tránh chính phủ đóng cửa tới gần. Tối 19/1 (giờ Mỹ) là hạn chót chính phủ sẽ phải đóng cửa, nếu không đạt được những thỏa thuận về ngân sách. Các nhà lập pháp lưỡng đảng vẫn đang tranh cãi về vấn đề di dân, trong đó có DACA.

Báo Người Việt đưa tin: TT Trump ‘chỉnh’ John Kelly: ‘Tường Mexico không thay đổi’. Khi trả lời báo chí, Chánh Văn phòng tòa Bạch Ốc nói, TT Trump đã có sự thay đổi về chuyện xây tường và rằng, “vận động tranh cử và cầm quyền là hai việc khác nhau và vị tổng thống này rất, rất uyển chuyển về sự việc ông đối phó”.

Sáng nay, ông Trump tweet: “Bức Tường là Bức Tường, nó không hề thay đổi hay chuyển hóa kể từ ngày đầu tiên tôi nghĩ về nó. Nếu cần, một số nơi của bức tường sẽ được nhìn xuyên thấu qua và không hề định xây ở những nơi có sự bảo vệ của thiên nhiên như núi, đất hoang, sông sâu hay nước. Bức tường sẽ được chi trả trực tiếp hay gián tiếp, hoặc qua việc hoàn trả lâu dài từ Mexico…

Trong khi Trump dương dương tự đắc với Giải thưởng tin giả do ông ta nghĩ ra, nhằm chống lại các cơ quan truyền thông mà Trump không thích, thì tại Quốc hội, hai Thượng nghị sĩ Cộng Hoà lên án tổng thống Trump “độc tài”. Khắc tinh của tổng thống Trump trong phe Cộng Hoà, Thượng Nghị sĩ Jeff Flake, nói: “Khi đầu não của chính quyền cho rằng thông tin của những tờ báo mà mình ghét là tin giả thì phải nói là chính quyền đáng nghi ngờ chứ không phải là báo chí”.

Chưa dừng lại ở đó, ông Flake còn tố cáo Trump giống kẻ độc tài Stalin: “Khi một vị tổng thống Hoa Kỳ sử dụng cùng một thứ từ ngữ mà trước kia Joseph Stalin đã dùng để lên án đối thủ của ông ta, thì hành động này đã cho thấy chế độ dân chủ của chúng ta đang ở đâu. Chỉ có chế độ độc tài mới là kẻ thù của nhân dân. Còn báo chí tự do là kẻ thù của chế độ độc tài”. Trước đó, Thượng Nghị sĩ John McCain đã có bài viết trên báo Washington Post, với tựa đề: Ngài tổng thống, hãy ngưng tấn công báo chí.


Tình hình Trung Đông
Trang Viet Times có bài: Mỹ, Thổ nhất loạt tuyên bố can thiệp vào Syria, khu vực người Kurd là chiến trường. Theo bài viết, Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria, cùng với sự “đồn đoán” về Lực lượng An ninh Biên giới, Đơn vị bảo vệ nhân dân Kurd (Kuring People Protected Units – YPG), được Mỹ và liên minh ủng hộ. Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, nước này công khai ủng hộ các lực lượng chống chính quyền Syria, liên minh với tổ chức khủng bố Hay’at Tahrir Al-Sham (HTS, Al-Qaeda Syria).

Mỹ không cần giấu giếm mục đích, khi Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố: “Nếu quân đội Mỹ rút đi vào thời điểm này, điều đó sẽ khiến chính quyền Assad khôi phục lại sức mạnh và tiếp tục đối xử tàn bạo với nhân dân của đất nước Syria“. Trong khi đó, lực lượng mà Thổ ủng hộ là khủng bố, vừa chống chính quyền Assad, vừa chống lại người Kurd cũng như liên minh dân chủ do Mỹ đứng đầu ở Syria.

Để hiểu rõ hơn về tình hình các phe nhóm, các lực lượng đang hiện diện tại Syria, mời xem bản đồ của Muraselon:

Các lực lượng đối kháng trên chiến trường Syria tính đến ngày 15.01.2018.

Thổ Nhĩ Kỳ đang có ý định can thiệp quân sự vào Syria, nhằm mục đích tránh HTS bị thua thiệt trước lực lượng người Kurd và liên minh dân chủ do Mỹ đứng đầu ở miền Bắc Syria. Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố: Syria sẵn sàng đáp trả nếu bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Meqdad cho biết: Syria sẵn sàng bắn hạ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Ankara tấn công vào khu vực Afrin, miền Bắc Syria. 


Bán đảo Triều Tiên
RFA có bài: Bán đảo Triều Tiên: căng thẳng giảm bớt nhưng còn nguy cơ chiến tranh. Theo đó, những hành động và tuyên bố ngoại giao gần đây ở bán đảo Triều Tiên, đã hạ nhiệt căng thẳng tại kho thuốc súng Đông Bắc Á này. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, nguy cơ chiến tranh vẫn còn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ chiến tranh vẫn hiện hữu trên bán đảo Triều Tiên. Các dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên sẽ phóng tên lửa hay thử hạt nhân vẫn liên tục được phát hiện. Các tuyên bố bất nhất, lúc nóng lúc lạnh của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un cũng cho thấy sự “bấp bênh”, không ổn định của đất nước này.

Mặt khác, việc Mỹ và đồng minh tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn cũng có thể làm nước này nổi điên. Các cuộc tập trận, hay triển khai máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa ở xung quanh Bắc Hàn cũng là nguyên nhân có thể gây ra bất ổn. Rất có thể, sau Thế vận hội Mùa đông, tình hình Triều Tiên sẽ lại sôi sục trở lại.


Tin Trung Quốc
Căng thẳng biên giới Trung Quốc-Ấn Độ tiếp tục gia tăng. Mới đây, hình ảnh vệ tinh cho thấy: Trung Quốc đang xây căn cứ quân sự khổng lồ, dọc cao nguyên Doklam, cách biên giới Ấn Độ 10 km. Đáp lại, Ấn Độ điều chiến đấu cơ Su-30MKI ra biên giới để phòng Trung Quốc.

Căng thẳng dọc biên giới Ấn Độ- Trung Quốc đã xuất hiện vài năm trở lại đây, cùng với sự gia tăng bành trướng của Bắc Kinh. Hầu hết các quốc gia láng giềng đều đang bị Trung Quốc gia tăng khiêu khích, xâm lấn. Các yêu sách hay hành động về lãnh thổ quá vô lý, trắng trợn của Bắc Kinh, làm cho biên giới nước này chỗ nào cũng có kẻ thù.

Đối ngoại lắm kẻ thù, đối nội Trung Quốc cũng chẳng khá hơn, khi chính quyền Bắc Kinh luôn coi những người dân đòi dân chủ là kẻ thù. Mới đây, thêm thủ lĩnh ủng hộ độc lập tại Hong Kong phải ra tòa. Thủ lĩnh trẻ của một nhóm ủng hộ Hong Kong độc lập, Lương Thiên Kỳ (Edward Leung), 26 tuổi đã bị tòa án Hong Kong cáo buộc buộc 4 tội danh. Giới trẻ Hong Kong lên tiếng đòi Bắc Kinh bớt can thiệp vào đặc khu này, cho nên các thủ lĩnh của phong trào, hầu hết bị bắt và kết án tù.


***
Các tin thế giới khác









No comments:

Post a Comment

View My Stats