Thursday 17 August 2017

BẢN TIN NGÀY 18/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Về con tàu ôn dịch có số hiệu 46106 đã tấn công 7 tàu cá của ngư dân Việt Nam mà Tiếng Dân đã đưa tin liên tục trong ba ngày qua, nó chính là con tàu quá quen, đã từng phun nước đâm vào tàu CSB 2016 của Việt Nam hôm 1/6/2014, làm cho tàu này bị thủng 4 lỗ, cũng như tham gia tấn công tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam ngày 23/6/2014, sự kiện TQ đưa giàn khoan HD 981 vào Biển Đông.

Gần 4 tháng sau, ngày 14/10/2014, vẫn con tàu 46106 đã tấn công tàu cá QNg 96017-TS của ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh ở Quảng Ngãi. Ông Khánh cho biết: “Thấy chúng tiến đến bất thường, tôi linh tính đều chẳng lành, rồi cho tàu nổ máy chạy ra khỏi đó. Sau đó, bọn chúng dùng ca nô cùng 6 người rượt đuổi theo, áp sát mạn tàu và nhảy lên tàu dùng hung khí uy hiếp. Trước khi bỏ đi, bọn chúng chặt phá dụng cụ hành nghề và trút toàn bộ rau chân vịt xuống biển”.

Ngày 6/3/2016, cũng chính con tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46106 đã tham gia tấn công tàu cá của ông Phạm Nguyên ở Quảng Ngãi, số hiệu QNg 90319 TS. Những người lính trên tàu TQ đó đã dùng dao và súng dí vào đầu các thuyền viên trên tàu đánh cá của ông Nguyên.

Ông Nguyên cho biết: “Sau khi lính từ tàu Trung Quốc nhảy lên tàu, người cầm súng, người cầm dao… bắt tất cả 7 thuyền viên chúng tôi đưa tay về phía mũi tàu. Sau đó họ vào cabin, hầm cá lục soát đồ đạc, ngư lưới cụ trên tàu, rồi quay phim, chụp hình toàn bộ tàu chúng tôi. Sau một hồi lùng sục, những tên lính này lấy đi khoảng 2 tạ cá chúng tôi vừa đánh bắt được cùng 50 tấm lưới cá chuồn, chặt đứt, phá hư hỏng 5 tấm lưới khác

Mời xem lại dung nhan của con tàu hải tặc này: https://www.youtube.com/watch?v=f6q0iw7byy4

Trong bản tin Tiếng Dân hôm qua, chúng tôi có viết: “Không thấy những tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ” đưa tin vụ nhiều tàu cá VN bị tàu TQ đập phá, cướp tài sản. Hiện đã thấy bản tin video ngày 16/8/2017 của báo Tuổi Trẻ trên mạng.

Bảy tàu cá VN bị tàu TQ tấn công, cướp tài sản chỉ trong một thời gian ngắn, thế nhưng báo chí trong nước khá yên tĩnh, chỉ có 2 tờ báo là Đại Đoàn Kết và Việt Nam Mới có bài viết chi tiết kèm theo hình ảnh. Hiện đã có thêm một số báo đưa tin, nhưng chỉ là những dòng tin ngắn ngủi, đăng lại từ các báo trước đó. Vẫn không thấy báo nào có bài phóng sự điều tra các ngư dân, xem họ sống chết ra sao, thiệt hại như thế nào sau vụ tấn công này.

Tổng Bí thư thì bận “nhóm lò”, Chủ tịch nước thì đi trị bệnh, Thủ tướng thì bận qua Thái Lan, còn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì im lặng, xem như không có chuyện gì xảy ra.

Trong buổi họp báo hôm qua của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, không hề nghe bà Hằng lên tiếng về vụ việc này, cũng không nghe báo chí đặt câu hỏi về chuyện này. Dường như mọi người xem chuyện tàu TQ tấn công tàu cá của ngư dân VN là chuyện hết sức bình thường, như ăn cơm, uống nước mỗi ngày, không có gì phải bận tâm?!

RFI có bài: Biển Đông: Philippines sẵn sàng cùng khai thác dầu khí với mọi nước. Ông Ernesto Abella, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, hôm 17/08/2017 nói rằng, Manila sẵn sàng hợp tác với mọi nước để cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông, chứ không chỉ riêng với Trung Quốc. Trước đó, tổng thống Philippines, ông Duterte tiết lộ rằng Manila và Bắc Kinh đang đàm phán về khả năng cùng khai thác ở những vùng mà hai nước tranh chấp trên Biển Đông.

Tin về Chủ Tịch nước Trần Đại Quang
Tác giả Nguyễn Tiến Dân có bài: Tại sao Chủ tịch nước Trần Đại Quang phải “ngã bệnh” vào đúng lúc này? Tác giả đưa ra nhiều giả thiết, trong đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phải vắng mặt tại Hội nghị Trung ương 6, thì cả ông Quang lẫn TBT Nguyễn Phú Trọng đều có lợi. Sự vắng mặt của ông Quang, cùng với chuyện ông Đinh Thế Huynh ‘đi chữa bệnh’, sẽ là cái cớ hết sức hoàn hảo để ông Trọng tiếp tục ôm cái ghế Tổng Bí thư cho đến hết nhiệm kỳ 2.

Tác giả viết: “Theo cái kịch bản ấy, cuộc đảo chính ở cung đình, sẽ diễn ra một cách êm đẹp và không có bất cứ một giọt máu nào phải đổ ra. ‘Ổn định Chính trị, được giữ vững’. Đất nước, dẫu có tan hoang – Dân chúng, dẫu có phải sống ngắc ngoải, mặc kệ xác nhà chúng mày“.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang xuất hiện đây rồi: Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện mừng. Nhưng mà ông Quang chỉ xuất hiện sau rèm sân khấu, bắc loa nói vọng qua tới tận bên Lào và Ấn Độ: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi Điện và lẵng hoa chúc mừng ông Bounnhang Vorachith, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào… gửi điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind…“.

Tham vọng quyền lực
Facebooker Ngô Trường An có bài: Trừ tao ra. Về chuyện TBT Nguyễn Phú Trọng ký ban hành quy định Ủy viên Bộ Chính trị phải tuyệt đối không tham vọng quyền lực, tác giả cho rằng ông Trọng đang tham nhũng quyền lực khi đang nắm chức vụ tối cao trong đảng là Tổng Bí thư, lại còn kiêm thêm các chức vụ khác như Bí thư quân uỷ Trung Ương; Uỷ viên thường vụ đảng uỷ Trung Ương, Trưởng ban chỉ đạo Trung Ương, nhưng ông Trọng lại cấm các Ủy viên BCT tuyệt đối không được tham vọng quyền lực!

Báo VietNamNet có bài: Tham vọng và chống tham vọng quyền lực trong Đảng. Bài báo cho biết, với việc ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, Đảng muốn khẳng định với toàn thể nhân dân rằng, “Đảng luôn trung thành với mục tiêu lý tưởng, với lợi ích của toàn dân. Để hoàn thành trọng trách ấy, Đảng phải chăm lo xây dựng bộ máy lãnh đạo… không ‘tham vọng quyền lực’.

Nhà… báo Nguyễn Như Phong thì quan tâm đến…tiền hơn. Ông Phong viết trên trang mới ra lò của mình: Không thu được tiền thì chống tham nhũng làm gì? Chống tham nhũng ở Việt Nam mục đích chính là thanh trừng giữa các phe phái, còn chuyện thu hồi tài sản của dân là chuyện thứ yếu.

Công cuộc “nhóm lò” của cụ Tổng
Nhà báo Lưu Trọng Văn có bài: Vài nhời với Nhị Lê, phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Mặc dù đánh giá cao bài viết của ông Nhị Hà, nhưng ông Lưu Trọng Văn cho rằng: “Chọn lựa thế nào đây một bên là một đảng không cơ chế kiểm soát… và một bên là rạch ròi công khai, minh bạch nhiều đảng cạnh tranh trên nền tảng hiến pháp và pháp luật, giám sát nhau chặt chẽ để không thể có cơ hội sinh sôi nảy nở các sứ quân hỗn loạn và các tập đoàn lợi ích phản dân?

Ông kết luận: “Hãy để cho nhân dân lựa chọn! Nhân dân sẽ chọn ra tổ chức và người lãnh đạo thích hợp của mình ngay lập tức để thay thế tổ chức và người lãnh đạo nào không còn thích hợp nữa“.

Hôm 15/8, Phó TBT Tạp chí CS, ông Nhị Lê có bài trả lời phỏng vấn VTC: Trong Đảng nảy nòi nhiều ‘sứ quân’ thì nguy cơ khó còn là Đảng Cộng sản nữa, ông nói: “Không thể dùng những người tham nhũng để đi chống tham nhũng được. Bộ máy chống tham nhũng phải được trao đủ quyền năng và được kiểm soát chặt chẽ và toàn diện quyền lực“.

Báo Lao Động có bài: Lò càng nóng dần lên. Có vẻ như mọi người khá lạc quan sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký một loạt quyết định kỷ luật, cách chức những người không còn chức ở Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh!

Cho nên việc này được nhà báo Nguyễn Thông phản bác, “đám các ông Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Thái Lai, Bùi Cách Tuyến, Võ Kim Cự… lúc làm sai thì không dám kỷ luật, giờ chúng về làm ‘người tử tế’ rồi, ôm mớ bạc khẳm rồi, mới lôi ra kỷ luật ‘nguyên’, chẳng những chúng không sợ mà còn cười cho“.

Lò sắp tắt mà không cho củi vô!
Nhà báo Phạm Việt Thắng cho rằng, ngoài việc đốt lò ở Trung ương, các địa phương cũng nên nhóm lò: “Lẽ ra cùng với việc đốt lò ở trển, thì các lò ở dưới cũng phải đồng loạt nhen lên mới tạo được những ‘ngày hội đốt củi’.

Theo ông Thắng, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Thanh Hóa, sau một loạt các vụ bê bối, “lẽ ra phải nhanh chóng điều đi“. Còn ở Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà “để cho ‘quốc cữu’ Phạm Sỹ Quý lộng hành cũng nên sớm ‘bốc’ khỏi chức bí thư“.

Cũng vụ bê bối ở Thanh Hóa, nhà báo Dương Phong cho biết: Đã gần 4,5 tháng kể từ ngày 5/4/2017, ông Trần Quang Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa hứa “làm rõ” quy trình bổ nhiệm bà Quỳnh Anh, hot girl Thanh Hóa, nhưng đến nay vẫn chưa công bố quyết định thanh tra bà Quỳnh Anh, và những người liên quan cũng chưa phải chịu trách nhiệm đến việc “bổ nhiệm thần tốc người đẹp này“.

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Vụ ông Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, trong buổi họp báo chiều 17/8, người phát ngôn BNG Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Đức.

Bà Hằng “lấy làm tiếc” về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8/2017. Bà khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì và phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Đức”. Còn về ông Trịnh Xuân Thanh, thì “hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra“.

VOA có bài: vụ Trịnh Xuân Thanh: Việt Nam ‘tiếp cận’ Đức. Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Đức nói với VOA rằng: “Chính phủ Việt Nam đã tiếp cận với chúng tôi và đề nghị đối thoại với chúng tôi và chúng tôi hoan nghênh điều đó”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nhận định: “Giải pháp giảm căng thẳng là Việt Nam tìm một tiếng nói chung nào đấy mang tính chất thỏa hiệp đối với Đức. Đối với Đức, thỏa hiệp duy nhất tức là có thể một lời công khai nhận sai lầm của mình có liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh”.

Tác giả Hiếu Bá Linh có bài: Đích thân Thủ tướng Phúc thỉnh cầu Thủ tướng Merkel cho dẫn độ Trịnh Xuân Thanh. Dẫn nguồn từ báo Bild, tác giả cho biết: khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc qua Đức dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 hồi đầu tháng 7, trong khi hội đàm với bà Thủ tướng Đức Merkel tối 06/07/2017, ông Phúc đã thỉnh cầu bà Merkel giúp việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh. Nhưng bà Merkel từ chối vì “bà không có quyền” và cũng không thể can thiệp vào việc này.

VOA có bài: Vụ Trịnh Xuân Thanh: Dân biểu Đức kêu gọi trừng phạt Việt Nam. Dân biểu Burkhard Lischka phát biểu: “Theo ý tôi, cần trục xuất thêm mật vụ, nhân viên tình báo Việt Nam khác nữa và đóng băng các ngân khoản dành riêng cho các dự án cá thể trong khuôn khổ chương trình viện trợ hợp tác phát triển”.

Clip VOA: Giới lập pháp Đức kêu gọi trừng phạt Việt Nam: https://www.voatiengviet.com/a/gioi-lap-phap-keu-goi-trung-phat-viet-nam/3990231.html

Công an: sách nhiễu dân
TS Nguyễn Quang A cực lực phản đối việc câu lưu trái pháp luật, khi chiều 17/8 ông bị khoảng 10 nhân viên an ninh “tống cổ” lên xe chở về Công an phường Gia Thụy, quận Long Biên.

Tại đây công an đã tra hỏi ông Quang A, “vì sao tôi đi nước ngoài, vì sao tôi trả lời phỏng vấn các đài ‘phản động’ như BBC, RFI, VOA, RFA và viết không đúng sự thật trên mạng. Vì sao tôi lại gặp các nhà ngoại giao ở Việt Nam [mà họ cho là chủ yếu để thu thập tin tình báo], về Võ Thị Sáu, về ứng cử QH vân vân và vân vân“.

Ông Nguyễn Quang A cho biết, đây là hành động vi phạm pháp luật của nhà cầm quyền lần thứ 13 đối với ông, kể từ tháng 3/2016.

Công an: nỗi kinh hoàng của người dân
Về tin anh Trần Anh Doanh ở Sơn Tây, Hà Nội bị công an đánh thừa sống, thiếu chết, mà chúng tôi đưa tin hôm 16/8/2017, báo Lao Động có thêm thông tin: Nam thanh niên đầy thương tích sau khi trở về từ trụ sở công an thị xã Sơn Tây?

Mẹ anh Doanh kể: “Khi lên đến trụ sở, các anh công an nói con tôi ăn trộm một chiếc xe máy Wave màu đỏ nhưng con tôi không lấy trộm nên một mực phủ nhận. Con tôi không nhận tội thì các anh công an trói hai tay con tôi lên, cởi cả bộ quần áo dài của con tôi ra và cứ thế đánh đập. Không những thế, con tôi còn bị tưới nước, dí điện vào vùng kín”.


Công an, cảnh sát là nhân viên công lực, có nhiệm vụ giám sát thực thi pháp luật, nhưng công an Việt Nam lại là những người chuyên hành xử vô pháp, vô luân, cho phép mình đứng trên pháp luật. Mới đây, Bộ Công an đã phải ban hành thông tư quy định Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân. Người dân chẳng hy vọng gì mấy vào cái thông tư “làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng…” này, bởi vì nó đã nát bét từ trong lò đào tạo rồi.

Facebooker Thái Văn Đường có đưa thêm thông tin về viên công an nghĩa vụ Phạm Văn Tuấn mà Tiếng Dân có điểm trong bản tin ngày 14/8/2017. “… Tuấn đã rất khệnh khạng ra đường hù người khác định kiếm bánh mỳ. Đến khi người dân phát hiện thì Tuấn đã dùng giọng lý sự cùn cái gọi là nghiệp vụ an ninh chuyên nghiệp đào tạo cho Tuấn. Chửi bới, thách thức người dân xung quanh Ngõ Phất Lộc, dọa nạt nọ kia quen kiểu thói côn đồ hung hãn“.


Cùng quẫn lắm rồi…
Báo Tuổi Trẻ có bài: Tăng thuế VAT để đảm bảo an toàn tài chínhBộ Tài chính cho rằng mức thuế 10% đang áp dụng “là thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia cũng như “bất bình đẳng” vì thế phải tăng”. Mặc dù bộ này nói còn phải trình Quốc hội thông qua, nhưng điều này đã gây ra sự phản đối trong dư luận, vì có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người dân lẫn doanh nghiệp.

Cũng báo Tuổi Trẻ, có bài: Tăng thuế VAT: Người tiêu dùng phải ‘thắt lưng buộc bụngTheo các chuyên gia kinh tế và ý kiến của người dân, việc tăng thuế này khiến họ phải “thắt lưng buộc bụng” vì không biết lấy gì bù vào khoản chênh lệch này.

Ngoài ra nhiều người còn thắc mắc về chuyện minh bạch thu chi của chính phủ. Một chuyên gia nói: “Trong trường hợp vẫn tăng thuế, cần gắn sự minh bạch giữa nguồn thu và chi tiêu công sao cho người dân có thể giám sát được để tạo đồng thuận xã hội”.

Báo Người Việt có bài: Quẫn bách, Việt Nam kiên trì mục tiêu vắt kiệt sức dân. “Người ta tin rằng, Bộ Tài Chính Việt Nam, chính xác hơn là chính phủ Việt Nam hiểu rất rõ các hậu quả tai hại của chuyện liên tục tăng mức thu của đủ loại thuế nhưng họ vẫn làm vì đang trong tình trạng hết sức quẫn bách“.


Bất cập trạm thu phí BOT
LS Trần Vũ Hải có bài: Tôi có lỗi để BOT vô pháp như hiện nay! Tôi sẽ chuộc lỗi! Ông cho biết: “Cách đây 20 năm, tôi bắt đầu tư vấn về những dự án BOT, nhưng về sản xuất điện… Hơn 10 năm sau, năm 2009, tôi lại tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp vận tải cho vụ BOT Xa lộ Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh”.

Ông viết : “Giờ đây, nhìn lại với tư cách một công dân và một luật sư, tôi xin nhận trách nhiệm đã chưa làm hết nhiệm vụ, lẽ ra tôi đã chặn đứng tệ BOT đường bộ, làm một nơi thu phí một nơi nhan nhản trên đất nước này. Tôi xin lỗi các bạn, đã bị thu phí oan. Và để chuộc lỗi lầm, tôi quyết định sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải hay những lái xe kiện các doanh nghiệp BOT thu phí sai! Ngay từ hôm nay”.

Báo Người Lao Động có bài nêu phản ánh của cánh tài xế và người dân cho rằng: “Hãy dời trạm thu phí Cai Lậy về đúng vị trí!” Bởi theo họ, dự án này đặt trạm BOT quá vô lý. Báo NLĐ cũng cho biết, theo khảo sát trên mạng, có tới 85% ý kiến đồng ý dời trạm vào đường tránh.

Cũng báo NLĐ đăng ý kiến Chủ đầu tư dự án nói rằng, họ sẽ Trả dự án nếu dời trạm vào đường tránh” vì “đơn vị sẽ không đủ khả năng hoàn vốn, đổ nợ vì mỗi tháng trả lãi ngân hàng lên đến gần 10 tỉ đồng”. ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, khẳng định: “Tất cả do Bộ GTVT làm hết. Tỉnh cũng không quản lý mà sau khi thu phí xong thì bàn giao cho Tổng Cục Đường bộ vì đó là Quốc lộ 1“.

Còn đây là trả lời của thứ trưởng Bộ GT Nguyễn Ngọc Động: https://www.facebook.com/www.tienphong.vn/videos/10207222177832409/


Tặng huân chương vì thành tích… choảng nhau?
Báo Dân Trí cho biết: “Ông Vũ Đức Dũng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình, người đã đánh lái xe của cơ quan vì ‘tội’ đi nhầm đường gây ồn ào dư luận thời gian qua – mới đây đã được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (!?).

Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh việc ông Vũ Đức Dũng đánh lái xe của Sở KHCN Ninh Bình, Ban Thi đua- Khen thưởng TW đã “gạch tên ông Dũng khỏi danh sách trình Thủ tướng Chính phủ”. Trước đó, ngày 13/7 sau bữa ăn tối do đi nhầm đường về khách sạn, anh Vũ Hàm Linh, lái xe, đã bị ông Vũ Đức Dũng chửi bới và đánh.

Cướp đất khắp nơi
Báo Dân Trí có bài: Vụ lừa dân “cuỗm” đất vàng: Sốc với chiêu “ép dưới, lừa trên” của Trưởng phòng TN-MT. Đó là một nhóm cán bộ thuộc Phòng TN-MT huyện Lộc Hà “đã lừa các hộ dân đang sở hữu những mảnh đất nằm ở vị trí đắc địa là đất không thể làm được sổ đỏ, rồi gạ dân bán với giá rẻ”.

Sau khi lừa hai hộ dân là cụ bà Nguyễn Thị Là (85 tuổi) và hộ anh Trần Xuân Thành (SN 1980) ở thôn Hòa Bình, bán hai lô đất có diện tích 1.293 m2 và 1.080 m2 “với mức giá lần lượt chỉ là 350 triệu và 200 triệu đồng”, nhóm cán bộ trên “đã làm sổ đỏ, phân lô bán lại cho người khác với giá cao gấp nhiều lần”.

Facebooker Vương Doãn đăng video cilp cho biết: Chính quyền Quận Hoàng Mai cưỡng chế và đàn áp dân. Theo những hình ảnh trong clip, rất đông lực lượng cưỡng chế đất ở đây, đã bắt một người dân, và “không cho người dân quay phim hay chụp ảnh. Thậm chí phóng viên báo đài đến cũng ko được vào và còn bị công an bắt”.

Nhiệt điện Vĩnh Tân
Báo Pháp luật TP có bài: Chính phủ dừng nhận chìm, dân biển mừng rơn! Với quyết định này, người ta lo ngại, thay vì đưa ô nhiễm xuống biển sẽ giết chết tôm cá, thì nó lại được đưa lên bờ để giết chết dân, qua chủ trương gọi là “chống xói lở bờ biển đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội“.

Một số người đặt câu hỏi, liệu những chất nạo vét kia có an toàn với môi trường không, quyết định này của chính phủ đã tham vấn người dân, các nhà khoa học và đã công khai đánh giá tác động môi trường chưa? Hay đây chỉ là giải pháp đối phó vội vàng trước làn sóng chỉ trích của dân chúng vì nỗi sợ bị nhà đầu tư Trung Quốc phạt vì chậm trễ từ phía Việt Nam?

Tham lam vô độ
Sau khi Chính phủ công bố 20 ngành nghề cấm tư nhân tham gia, báo Dân Trí có bài: “Vì sao hạn chế tư nhân nhiều như vậy?” Người ta không hiểu vì hoạt động xuất bản bị cấm, trong khi có cả một “rừng luật” quy định về ngành này. Đây là hành vi “cản trở sự tự do thông tin trong điều kiện thông tin hoá, cơ chế mở của internet hiện nay“.

Còn trong ngành đường sắt, vốn bị chê là lạc hậu nhất thế giới này, nếu hạn chế tư nhân thì tới kiếp nào mới phát triển được? Ngay cả các “hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh…” cũng phải được quy định cụ thể và cần tư nhân tham gia.

Cần “tự do trong giáo dục”
Nhà báo Mạnh Kim có bài Tự do trong giáo dục. Ông cho biết: “Việt Nam hệt như Mỹ cách đây hơn một thế kỷ, khi vào năm 1899, nhà giáo dục Mỹ William T. Harris than phiền rằng hệ thống giáo dục Mỹ đã phát triển một ‘cỗ máy’ mà học trò chỉ biết ngồi nghe“.

Ông kết luận: “Sẽ không bao giờ có cuộc cách mạng triệt để nào chấn chỉnh hệ thống giáo dục một khi giáo dục được định khuôn bằng ý thức chính trị cộng sản. Tôi không tin bất kỳ ai trong bộ máy lãnh đạo giáo dục có đủ khả năng thay đổi được điều này. Nền giáo dục tồi tệ này sẽ tiếp tục hành hạ và bóp chết những khái niệm căn bản trong giáo dục: khai phóng và tự do“.

Thật là buồn khi nghe thấy Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bảo là: Lẽ ra năm nay không tuyển sinh ngành sư phạm nữa! Mời đọc thêm: ĐH Fulbright Việt Nam sẽ dạy chủ nghĩa Marx-Lenin (Zing).

Đánh nhau với cối xay gió
Báo QĐND tiếp tục phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với bài: Sự khác biệt về bản chất giữa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với đổi mới.

Báo này cho rằng: “Tư tưởng ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ thúc đẩy xã hội theo con đường tư bản chủ nghĩa. Còn đổi mới là tư tưởng chính trị, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa“. Chứ không phải như những ý kiến “phản động” trên mạng đã đồng nhất các khái niệm trên?
Cứ kiên định con đường XHCN như Bắc Hàn đi để rồi cùng nhau “xuống hố cả nút” nhé.

Đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 22
Báo Công Luận có bài: Vì sao phải giấu việc vỡ đường ống nước sạch Sông Đà? Bài báo cho biết, “gần một tháng nay, nhiều khu vực phía Tây Nam TP. Hà Nội bị mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng vạn hộ dân. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc vỡ đường ống nước sạch Sông Đà. Tuy nhiên, thông tin này đã không được công bố khiến người dân không khỏi hoang mang”.

Trước đó, qua thanh tra, Bộ Xây dựng kết luận nguyên nhân chính gây nên tình trạng “vỡ hoài không dứt” chính là “chất lượng ống được sản xuất không đồng đều …, các mẫu ống được thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu“. Lần vỡ gần đây nhất là vào tháng 6/2017: đường ống nước sông Đà gặp sự cố lần thứ 21.

Tin quốc tế

Ba thủ lĩnh “Cách mạng dù” ở Hồng Kông bị án tù
Ba thủ lĩnh phong trào dù vàng ở Hồng Kông là Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), Chu Vĩnh Khang (Alex Chow) và La Quán Thông (Nathan Law) bị kêu án 6, 7 và 8 tháng tù. Họ là những nhà hoạt động trẻ từ 20-26 tuổi, đã lãnh đạo các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2014, với hơn 100.000 người xuống đường, còn gọi là “Cách mạng dù”.

Báo Time có bài: Đối mặt với tù tội, nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong nói, “Hồng Kông đang bị đe dọa”. Trả lời báo Time, Hoàng Chí Phong, 20 tuổi, nói rằng: “Tôi không hối hận chút nào. Và chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ. Những gì tôi hy vọng là để cho mọi người nhận ra rằng hệ thống pháp luật ở Hồng Kông đang bị đe dọa. Một thập niên trước, người ta mô tả rằng Hồng Kông là một nơi không có nền dân chủ nhưng sẽ là nhà nước pháp quyền. Nhưng bây giờ Hồng Kông đã bị biến thành chế độ độc tài toàn trị“.


Tấn công khủng bố đẫm máu ở Barcelona
BBC đưa tin: ‘Tấn công khủng bố’ ở Barcelona. “Một xe tải đã đâm vào người đi đường ở khu du lịch nổi tiếng Las Ramblas của thành phố Barcelona, giết chết 13 người. Cảnh sát Tây Ban Nha gọi đây là tấn công khủng bố. Hơn 50 người bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ một người liên quan vụ tấn công“.


Donald Trump và Bắc Hàn
Báo Người Việt đưa tin: Ngược ý TT Trump, cố vấn Bannon: ‘Không thể đánh Bắc Hàn’. Steve Bannon, cánh tay mặt “thất sủng” của Trump đã có những phát biểu khác với ý ông Trump, “khi nói rằng không thể dùng giải pháp quân sự để đối phó với mối đe dọa từ võ khí nguyên tử của Bắc Hàn“.

Trả lời phỏng vấn trang The American Prospect, “ông Steve Bannon nói, “Mỹ đang thua trong cuộc chạy đua kinh tế với Trung Quốc cũng như nói về việc ông tìm cách đẩy các đối thủ của mình ra khỏi Bộ Ngoại Giao cũng như Bộ Quốc Phòng“.


*
*
Bài Mới Nhất









No comments:

Post a Comment

View My Stats