Wednesday 14 June 2017

VÀI CON SỐ về TÌNH TRẠNG BẮT BỚ CẦM TÙ NHỮNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG NHÂN QUYỀN 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2017 (Trương Minh Tam)




Trương Minh Tam
Tác giả gửi tới Dân Luận
14/06/2017

I- VÀI NHẬN XÉT:

Năm tháng trôi qua, 11 người bị bắt. Một con số hơi lớn hơn so với mức độ bắt bớ những người hoạt động xã hội trung bình những năm gần đây. Nhưng cũng không phải là con số quá bất thường nếu chúng ta biết rằng mỗi chế độ độc tài trên thế giới thường chỉ sẽ chết đi sau khi có một đợt bắt bớ cầm tù những người đối kháng mang tính đột biến.

Cũng không có gì là bất bình thường khi có 3 người bị bắt bởi các điều luật quen thuộc xưa nay bao gồm bắt chính danh điều 258 (tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân) và bắt bất chính danh như điều 257, 245 (tội chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng).

Tuy nhiên, trong đợt bắt bớ hơi lớn hơn bình thường này có một vài con số rất cần quan tâm. Bởi lẽ, trong sự vận động của xã hội, mỗi một xu thế thường bắt đầu bằng những yếu tố mầm mống. Hoạt động xã hội vì thế muốn thành công chắc chắn phải có tính dự liệu từ những con số tuy rất nhỏ này:

- Đã có một thời gian dài kể từ sau năm 1975, người ta thấy chính quyền Việt Nam mới thể hiện tính chuyên chế vô sản của mình thông qua việc bắt bớ không nương tay với những người bất đồng chính kiến bằng các điều luật 79, 88 (tội hoạt động lật đổ chính quyền và tội tuyên truyền chống phá nhà nước). Sự bắt bớ lạm dụng đó đã bị các lực lượng đối kháng, các tổ chức bảo vệ nhân quyền Quốc tế phản đối kịch liệt khiến xu hướng bắt người bằng các điều này giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Để tiếp tục duy trì hình thức cai trị độc tài, chính quyền Việt Nam đã thiết kế điều luật 258 quy định tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Với điều luật này, họ tiếp tục thoải mái bắt người hơn vì độ mở của luật hết sức mơ hồ trong diễn giải và quyền diễn giải luật vẫn thuộc về họ khi thiết chế hiện hành vẫn đang áp dụng mô hình tam quyền phân cấp. Nhưng đầu năm nay, chỉ có hai trên tổng số 11 trường hợp bị bắt bởi điều 258 trong khi lại có tới năm trên tổng số 11 trường hợp bị bắt bởi điều 88. Phải chăng: Dường như việc quay trở lại với việc bắt người bằng điều 88 đang chứng tỏ chính quyền này không còn khả năng thay đổi. Họ đang dần trở lên độc tài hơn, ngược với xu hướng văn minh dân chủ của nhân loại. Họ, rất có thể đang bước vào một giai đoạn khủng hoảng nội bộ nên buộc phải sử dụng các điều luật không còn phù hợp như một cứu cánh vãn hồi!

- Điều luật "Không chấp hành án" đã manh nha hình thành từ Bộ luật Hình sự 1985. Các số liệu chúng tôi có được, tính đến đầu năm 2017, sau hơn 30 năm chính quyền Việt Nam vẫn chưa hề khởi tố một vụ án nào với điều luật này mặc dù số lượng người không chấp hành án hàng năm không phải là ít. Nhưng lần này, hai trong số 11 trường hợp đã bị khởi tố, bị bắt hoặc bị truy nã về tội này. Và đây cũng là lần đầu tiên một điều luật rất xa xôi với các tội xâm phạm an ninh quốc gia được mang ra để làm án với những người hoạt động xã hội. Như vậy, có thể nói, luật pháp ở Việt Nam đã thực sự chỉ còn thể hiện tính uy quyền của giai cấp thống trị. Không có bất kỳ sự bình đẳng trước pháp luật nào cả mà ở đó mỗi điều luật chỉ còn là công cụ để nhóm người cầm quyền dùng để bảo vệ ngai vàng của họ.

- 9 trên tổng số 11 người bị bắt hoặc truy nã là những người hoạt động xã hội tự do hoặc không thừa nhận mình thuộc tổ chức xã hội dân sự; trong 9 người đó lại có tới 5 người thừa nhận hoặc có dấu hiệu là người của một đảng phái hoặc tổ chức tìm kiếm quyền lực lãnh đạo quốc gia. Rõ ràng, dù thế nào đi chăng nữa, các tổ chức xã hội dân sự cũng đang dần thể hiện được chỗ đứng của mình trong xã hội, buộc chính quyền phải từng bước thừa nhận và e dè. Hoạt động có tổ chức rõ ràng không hề nguy hiểm như mọi người thường nghĩ nếu không muốn nói là ngược lại. Tuy nhiên các hoạt động mang tính đảng phái hoặc tìm kiếm quyền lực thì vẫn đang bị chính quyền bất chấp dùng mọi biện pháp để kiểm soát. Do đó, hoạt động đảng phái ở Việt Nam lúc này vẫn cần có một sự chuẩn bị chu đáo hơn là những lạc quan tếu.

Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin cụ thể về trường hợp bắt giam ông Vương Văn Thả. Các trường hợp bắt giam Bùi Hiếu Võ, Phan Kim Khánh mọi người cũng chỉ biết tin một cách hạn chế qua báo chí lề Đảng CSVN. Các văn bản tố tụng cho các trường hợp trên cùng trường hợp ông Võ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điền đều chưa được công bố. Điều đó cho thấy, những trường hợp hoạt động đơn lẻ rất dễ bị kết án trong tình trạng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, án nặng, án chỉ đạo là hoàn toàn lớn hơn các trường hợp khác.

II- CÁC TRƯỜNG HỢP BỊ BẮT GIAM

1) Ngày 11 tháng 1 năm 2017. Người bị bắt: Ông Nguyễn Văn Hoá sinh năm 1995, quê quán xã Kỳ Khang, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an tỉnh Hà Tĩnh. Điều luật dùng để bắt: Điều 258 Bộ luật hình sự 1999. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Đưa các thông tin về biểu tình của người dân Hà Tĩnh về vụ việc Formosa.


2) Ngày 19 tháng 1 năm 2017. Người bị bắt: Ông Nguyễn Văn Oai, sinh năm 1981, quê quán: xóm 4, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an tỉnh Nghệ An. Điều luật dùng để bắt: Điều 257 và 304 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Đi khỏi nơi bị áp dụng lệnh quản chế sau án tù giam; có các hoạt động đảng phái và hoạt động đòi dân chủ.


3) Ngày 21 tháng 1 năm 2017. Người bị bắt: Bà Trần Thị Nga, sinh năm 1977, quê quán: xóm, xã Đồng Phú, huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an tỉnh Hà Nam. Điều luật dùng để bắt: Điều 88 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Đưa thông tin trung thực về thảm hoạ Formosa, dân oan Việt Nam, tình trạng tham nhũng của quan chức Việt Nam, các thông tin cổ suý hoạt động dân chủ.


4) Ngày 8 tháng 3 năm 2017. Người bị truy nã: Ông Thái Văn Dung, sinh ngày 3 tháng 6 năm 1988, quê quán: xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cơ quan ra lệnh khởi tố và truy nã: Công an tỉnh Nghệ An. Điều luật dùng để khởi tố: Điều 304 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Đi khỏi nơi bị áp dụng lệnh quản chế sau án tù giam; có các hoạt động đảng phái và hoạt động đòi dân chủ.


5) Ngày 2 tháng 3 năm 2017. Người bị bắt: Ông Vũ Quang Thuận, sinh năm 1966, quê quán: xã Thuỵ Tường, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, trú quán: A18, khu tập thể Viện Thiết kế Bộ Giao thông vận tải, tổ 9 phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an thành phố Hà Nội. Điều luật dùng để bắt: Điều 88 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Làm ra các clip phát trên mạng Internet đề cập đến các vấn đề xã hội Việt Nam, tình trạng tham nhũng của quan chức Việt Nam, các thông tin cổ suý hoạt động dân chủ.


6) Ngày 2 tháng 3 năm 2017. Người bị bắt: Ông Nguyễn Văn Điển, sinh năm 1983, quê quán: xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, trú quán: A18, khu tập thể Viện Thiết kế Bộ Giao thông vận tải, tổ 9 phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an thành phố Hà Nội. Điều luật dùng để bắt: Điều 88 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Làm ra các clip phát trên mạng Internet đề cập đến các vấn đề xã hội Việt Nam, tình trạng tham nhũng của quan chức Việt Nam, các thông tin cổ suý hoạt động dân chủ.


7) Ngày 17 tháng 3 năm 2017. Người bị bắt: Ông Bùi Hiếu Võ, sinh năm 1962, nơi cư trú: chung cư Hà Đô, đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an thành phố Hồ Chí Minh. Điều luật dùng để bắt: Điều 88 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Đăng tải các bài viết trên mạng Facebook và internet đề cập đến các vấn đề xã hội Việt Nam, tình trạng tham nhũng của quan chức Việt Nam, các thông tin cổ suý hoạt động dân chủ.


8) Ngày 21 tháng 3 năm 2017. Người bị bắt: Ông Phan Kim Khánh, sinh năm 1993, quê quán: Khu 5, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an tỉnh Thái Nguyên. Điều luật dùng để bắt: Điều 88 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Làm ra các nội dụng điện tử phát trên mạng Internet đề cập đến các vấn đề xã hội Việt Nam, tình trạng tham nhũng của quan chức Việt Nam, các thông tin cổ suý hoạt động dân chủ. Địa chỉ phát chính: hai Blog “Báo tham nhũng” “Tuần Việt Nam”; ba tài khoản Facebook “ Báo tham nhũng” “Tuần báo Việt Nam” “ Dân chủ TV”; hai tài khoản Youtube “Việt báo TV” “Việt Nam online”.


9) Ngày 18 tháng 4 năm 2017. Người bị khởi tố và truy nã: Ông Bạch Hồng Quyền, sinh năm 1989, quê quán: xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an tỉnh Hà Tĩnh. Điều luật dùng để bắt: Điều 245 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Trợ giúp người dân Hà Tĩnh, Nghệ An trong việc khởi kiện công ty Formosa; các hoạt động truyền thông về xã hội Việt Nam; các hoạt động bảo vệ quyền con người.


10) Ngày 11 tháng 5 năm 2017. Người bị bắt: Ông Hoàng Đức Bình, sinh năm 1983, quê quán: xóm 6, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an tỉnh Nghệ An. Điều luật dùng để bắt: Điều 257, 258 Bộ luật hình sự. Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Trợ giúp người dân Hà Tĩnh, Nghệ An trong việc khởi kiện công ty Formosa; các hoạt động truyền thông về xã hội Việt Nam.


11) Ngày 18 tháng 5 năm 2017. Người bị bắt: Ông Vương Văn Thả, sinh năm 1968, quê quán: 583 ấp Vĩnh Lịch, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Cơ quan ra lệnh bắt: Công an tỉnh An Giang (?). Điều luật dùng để bắt: (Chưa có thông tin cập nhật). Hoàn cảnh vụ việc bị bắt: Phát các livestream trên mạng xã hội nhận xét về các chính khách Cộng sản Việt Nam, cổ suý mọi người thực hiện việc tẩy chay chính thể đang cầm quyền ở Việt Nam.







No comments:

Post a Comment

View My Stats