Thursday 20 April 2017

NỖI ĐAU MÀ NGƯỜI DÂN KHÔNG NÓI ĐƯỢC! (FB Lương Ngọc Huỳnh)





Có những nỗi đau nói được thành lời mà có những nỗi đau không thể nói được thành lời!
Đó là nỗi đau của người dân bị dồn nén, dân uất ức, chua cay, dân căm giận mà không được bộc lộ, dân phải nuốt nước mắt vào trong, đắng, mặn, chát, nó ngấm từ từ vào đáy của con tim rồi trào dâng lên, dân không dám nói, dân nhút nhát dân sợ nói thì bị chụp mũ là phản động là kích động v.v...?!

Vụ ở Đồng Tâm đang diễn ra là một ví dụ. 

Người dân đâu có chống đối nhà nước, dân chỉ chống lại những bất công mà đáng lẽ dân phải có quyền được hưởng, dân chỉ nói lên tiếng nói của quyền công dân, nhưng khi nói thì chính quyền địa phương không chịu lắng nghe và quy chụp, khiến cho dân uất ức!

Chính quyền địa phương tại sao không chịu bàn với dân? Nên nhớ rằng: chính quyền chỉ là công cụ sai khiến của dân chứ có phải là bố của dân đâu mà có quyền hạch sách đòi hỏi hay áp đặt?

Sự dồn nén đến đỉnh điểm là do chính quyền lạm dụng cảnh sát để cưỡng chế dân! về luật thì chính quyền làm vậy đã đúng chưa? chính quyền phải hiểu rằng bất kỳ cuộc tranh chấp đất đai hay khiếu kiện nào cũng phải ra toà, và chỉ khi toà phán xét là dân sai lúc đó chính quyền mới được áp dụng cưỡng chế. Chính quyền không được phép vượt qua giới hạn của luật pháp, lại càng không được lạm dụng cảnh sát "đi thuê" mà người dân thường gọi là "xã hội đen" để đàn áp nhân dân bởi chính người dân đang phải đóng thuế để nuôi chính quyền và cảnh sát.

Hệ thống luật pháp để bảo vệ dân chứ không phải để bảo vệ chính quyền! Chúng ta đừng lạm dụng lấy luật pháp để bảo vệ chính quyền đó là cái sai cơ bản.

Đúng sai chưa tỏ, gian ngay chưa tường, đáng lẽ chính quyền phải xuống gặp, nói chuyện, lắng nghe xem lòng dân bức xúc những điều gì? Nếu xã không giải quyết được thì Huyện, mà Huyện không xong thì đến Thành Phố hoặc thậm chí những vụ to tát như Đồng Tâm thì cần có ý kiến cấp cao thậm chí là Thủ Tướng.

Vậy mà chính quyền lại không làm như thế! họ đã đơn phương áp đặt và cưỡng chế, không đối thoại! Người dân nói rằng: họ đã đưa cảnh sát đến với những chiếc xe mang cả biển số giả với cả những cảnh sát không có giấy tờ tuỳ thân?! Làm cho người dân nghi ngờ họ thuê tình nguyện viên hay họ thuê xã hội đen? 

Điểm nóng trở thành dư luận khiến cả thế giới theo dõi là khi người dân nhốt các cán bộ chính quyền và cảnh sát! Nếu nói về luật thì người dân đã làm sai điều này, nhưng lại nói về tình thì tại sao ta không hỏi rằng: lý do gì khiến dân lại căm tức đến vậy? Rõ ràng chính quyền lạm dụng quyền lực quá trớn với dân khi bắt người mà không đọc lệnh hay không có lệnh? Khi dân đuổi theo đòi người thì lại thì hô lên rằng dân cướp người...! để cho người dân bị đánh tả tơi?! 

Chẳng lẽ cảnh sát lại yếu thế ư? Vậy thì làm sao giữ được an ninh quốc gia? Chẳng lẽ cảnh sát thiếu người hay sao mà phải cho cả những thành phần lạ giúp đỡ cảnh sát đi bắt người? Đó là bộc lộ sự yếu kém và bất cập trong lực lượng bảo vệ an ninh cho nhân dân.

Khi xảy ra sự cố thì chính quyền khăng khăng đổ lỗi cho dân và không hề đếm xỉa đến khía cạnh rằng cán bộ địa phương có sai gì không? 

Bất luận là gì thì khi ở một địa phương để xảy ra tranh chấp khiếu kiện thì ít nhất Thành Phố cũng nên có quyết định tạm thời đình chỉ chức vụ với những người cán bộ có liên quan ở địa phương, để điều tra xem gian ngay thế nào? Có như vậy thì dân sẽ hả giận và không bức xúc. Nhưng lại cứ nhè đầu dân mà gõ không cần biết đúng sai, thì chính quyền đó đâu phải để bảo vệ cho dân?

Chính quyền, báo chí nói: cảnh sát chỉ làm con tin chứ không đàn áp dân?! Sao lại ngu hết chỗ ngu thế? Không bao giờ cảnh sát chỉ làm con tin. Chẳng ai mang cảnh sát đi làm con tin cả! Mà rõ ràng đây là sự yếu kém của cảnh sát Việt Nam. 

Về nguyên tắc là cảnh sát chỉ được phép đi theo cán bộ để cán bộ thương thuyết nhằm mục đích an dân và để đề phòng thành phần quá khích tấn công cán bộ. Chứ không được cho cảnh sát làm việc điều hành luật pháp thay cán bộ. Việc này dẫn đến cảnh sát lạm dụng quyền lực với người dân!

Nhìn ở khía cạnh khách quan, thì người Đồng Tâm bắt cảnh sát là sai, nhưng lại hỏi tại sao người dân lại bắt mình, mình đã làm gì người dân? Nếu nói như Bác Hồ cán bộ là đầy tớ thì người dân hoàn toàn có quyền bắt cán bộ khi họ làm sai, mà điều này các nước dân chủ trên thế giới đều làm vậy. Tuy nhiên người dân đã xử sự rất tốt khi nuôi cơm ăn, hầu hạ, đổ bô vệ sinh cho con tin của mình, dân coi con tin như con như cháu của mình, dân không có đánh đập không có chửi mắng....Dân ta là dân nghĩa tình, các cụ nói: "trăm cái lý không bằng tí cái tình" vậy làm gì cũng nên có tình có lý.

Lúc này lãnh đạo nhà nước cũng nên có tiếng nói, còn lãnh đạo thành phố nên gặp dân. Bởi lẽ người dân không muốn đổ máu, chính quyền không muốn đàn áp, thì tại sao không gặp mặt mà giảng giải đúng sai, lý nghĩa cho tỏ tường? 

Tôi không muốn tham gia những chuyện kiểu này quá nhiều nhưng tôi không thể không tham gia khi thấy chính quyền non yếu mà dân thì phẫn nộ quá mức cần thiết.

Tôi cũng cảnh báo rằng có nhiều thành phần xấu lợi dụng kích động để cố tình gây bạo động làm chia rẽ khối đoàn kết quân dân làm mất uy tín của chính quyền, có dấu hiệu bạo động trên diện rộng liệu đằng sau đó có âm mưu nội loạn ngay ngoại công hay không?!

Vì thế chính quyền nên xem lại mình đã và đang sai ở đâu? Ngày xưa Hồ Chí Minh lập nên chính quyền lãnh đạo nhân dân đánh thắng Pháp khi tuổi của chính quyền mới thiếu niên, đánh thắng Mỹ, Pôn Pốt, và Quân Trung Quốc khi tuổi thanh niên... lừng lẫy chiến công, nay chính quyền đã già nua hay là "lú lẫn" mà không biết làm sao để ổn định nước nhà? Thật là đáng chê trách!.... Vậy nên cần xem lại, và nếu thấy cần thay tế bào gốc cho nó thì cũng nên thay đi vì quy luật không có ai sống mãi, tuổi già sẽ chết và vì thế khẩu hiệu muôn năm là không đúng với thực tế chính quyền ạ!

Hà nội 20-4-2017
Người viết: Võ sư.Gs-Vs Lương Ngọc Huỳnh





No comments:

Post a Comment

View My Stats