Wednesday 19 April 2017

LỐI RA CHO KHỦNG HOẢNG ĐỒNG TÂM (FB Nguyễn Sĩ Dũng)





(Viết cho VTCNews)

(VTC News) – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng hơn lúc nào hết, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cần sớm đối thoại với người dân để tìm ra lối thoát cho khủng hoảng ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.

Cảm ơn nhà báo Bảo Hà về bài viết “Đối thoại ở thôn Hoành” trên VnExpress. Thú thực, cả đời tôi chưa bao giờ đọc được một bài báo nào hay như vậy! Chị Bảo Hà đã đến được tận nơi và mô tả những người nông dân chất phác, lam lũ ở thôn Hoành, xã Đông tâm, Huyện Mỹ Đức và tình thế tuyệt vọng của họ chân thực đến nao lòng.

Thì ra, sự cục cằn, thô bạo của những người nông dân này chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Đằng sau lớp vỏ đó là những tâm hồn rất dễ bị tổn thương, là những nỗi niềm chất chứa không có cách gì giải bày cho hết.

Đó là những con người vừa mới quát tháo, nhưng lập tức nghẹn ngào trình bày những oan ức của mình khi được lắng nghe.

Ai muốn chặt đầu tôi thì chặt, nhưng tôi nhất quyết không bao giờ tin những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức là thế lực thù địch, là những kẻ chống phá chính quyền!

Người dân xã Đông Tâm cũng hiểu rất rõ toàn bộ sự nghiêm trọng của những việc mà họ đang làm. Nhưng, có lẽ, vì danh dự và vì trách nhiệm đối với cụ Kình, họ đã không làm khác được. Cái họ có thể làm và họ đã cố gắng làm là đối xử tử tế với những người bị bắt giữ làm con tin và không để xảy ra bạo lực đối với những người này.

Hiện nay, cả chính quyền và cả những người dân ở Đồng Tâm, Mỹ Đức đều cần một lối thoát. Lối thoát đó chính là đối thoại.

Và những người dân đã có lý khi họ đòi hỏi được đối thoại với cấp chính quyền mà họ chưa mất niềm tin. Đó là cấp thành phố. Rất may là tất cả chúng ta đều biết, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức khẳng định là ông sẵn sàng đối thoại với những người dân xã Đồng Tâm nếu cần thiết.

Xin thưa với Chủ tịch, đây là trường hợp cần thiết nhất từ trước đến nay đấy ạ!

Cứ nghĩ mà xem, với những kẻ ngoại bang xâm chiếm biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta còn đối thoại được, thì tại sao với những người dân của chính mình lại không?!


--------------------------------

Trần Hồng Phong - Bình Luận Án
Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Suốt mấy ngày qua (giữa tháng 4/2017), dư luận cả nước căng thẳng dõi theo những diễn biến ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên kể từ ngày nước CHXHCN Việt Nam ra đời, người dân trong một xã đã đồng lòng đứng lên chống lại và phản đối chính quyền địa phương - liên quan đến nhưng bất cập, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất đai. Trong một diễn biến khó hình dung và chưa từng có, người dân còn bắt giữ trên 30 lãnh đạo, cán bộ địa phương và công an của huyện Mỹ Đức. (Theo tin báo chí, đến ngày hôm nay 19/4/2017 người dân đã thả khoảng 20 người, những vẫn còn đang giữ 20 người).

Người dân đổ đất đá, mang nhiều vật dụng ra chốt chặn các ngả đường dẫn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Ảnh: Thân Hoàng, báo Tuổi Trẻ)

Về sự kiện nóng này, báo chí chính thống mấy ngày qua hầu như "tê liệt" trong việc đưa tin, truyền thông. Tuy nhiên bắt đầu từ hôm nay (19/4/2017), trên các tờ như VnExpress, Tuổi Trẻ, ... đã cho đăng tải ý kiến của đại biểu Quốc Hội và nhiều người khác, kêu gọi chính quyền TP. Hà Nội cần đối thoại với người dân.

Trong khi đó, trên mạng xã hội, như facebook, rất nhiều thông tin được lan truyền, cập nhật nhanh chóng, kịp thời. Và có lẽ đây là kênh chính đáp ứng nhu cầu thông tin của đa số mọi người liên quan đến vụ việc căng thẳng và gay cấn này.

Câu chuyện về đất đai, pháp luật về đất đai không phải là điều gì mới mẻ ở Việt Nam, mà đã khởi sinh từ hàng chục năm qua. Nhưng có thể thấy, tranh chấp về đất đai, mâu thuẫn quyền lợi trong sử dụng đất đai, và kể cả những bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai đai đang và ngày ngày càng căng thẳng, nóng bỏng. Có thể hình dung như một sợi dây đàn đang căng quá mức, có thể đứt bất kỳ lúc nào.

Bất luận đúng sai thế nào, chúng ta đang chứng kiến một thực tế, thực trạng, là phần lớn người nông dân đã và đang bị mất đi quyền sử dụng những mảnh đất sau nhiều chục năm gắn bó, vốn là phương tiện duy nhất để sinh nhai, là nơi sinh sống của mình. Rất nhiều đại gia về bất động sản xuất hiện, làm giàu trên chính những mảnh đất của người nông dân, trong khi cuộc sống của người nông dân thì không được cải thiện hoặc cải thiện không đáng kể. Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, giữa các tầng lớp ngày càng lớn. Thể hiện sự bất công ngày càng lớn trong xã hội.

Trong khi đó, hàng ngày trên báo chí, thông tin về những sai phạm, tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai liên tục được phanh phui, phản ánh. Mức độ vi phạm, sai phạm ngày càng nghiêm trọng, quy mô tầm vóc ngày càng lớn. Có thể nói, chưa bao giờ sự bức xúc, phẫn nộ của người dân, liên quan đến đất đai và chính sách đất đai lại bùng phát ở mức độ cao và nóng như hiện nay.

Nếu Nhà nước không kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa, thì thật khó mà hình dung hậu quả và những tình huống nào có thể xảy ra.

Theo tôi, sau vấn đề môi trường, vấn đề đất đai và sự bức xúc của người nông dân liên quan đến đất đai chính là một trong các yếu huyệt, liên quan đến sự sống còn của chế độ.

Sự kiện đang diễn ra ở xã Đồng Tâm, qua ý kiến của rất nhiều người, rõ ràng không có hướng giải quyết nào tốt hơn, là chính quyền TP. Hà Nội cần đối thoại với người dân. Cần giải quyết những khiếu nại, tố cáo và cả những kiến nghị, nguyện vọng của người dân một cách hợp tình, hợp lý. Trên cơ sở công khai và xử lý nghiêm những vi phạm, sai phạm của chính quyền và lãnh đạo địa phương (xã, huyện) theo đúng quy định của pháp luật.

Hành động bắt người, giữ người của người dân xã Đồng Tâm xét về mặt pháp luật là không đúng. Tuy nhiên cần phải làm rõ nguyên nhân, nguồn gốc của những hành động này. Trong pháp luật hình sự, khi người khác có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì người chống lại (dù gây ra hậu quả chết người) vẫn có thể được xem xét, miễn trách nhiệm hình sự.

Nếu chính quyền, trong khi hàng loạt sai phạm, vi phạm của chính mình không được xem xét, sửa chữa, mà lúc nào cũng chỉ chăm chăm nhìn người dân qua lăng kính độc đoán, vô cảm, xem người dân như những kẻ phạm tội và đã sẵn sàng áp dụng những phương cách giải quyết nghiêm khắc nhất - mà không phải là sự chia sẻ thông tin và đối thoại - sẽ không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Đó không phải là phương cách giải quyết của một Nhà nước mang bản chất vì dân, do dân.

Trong những ngày qua, người ta còn thấy sự "biệt tích" bất thường và trái quy định của Hội đồng nhân dân các cấp trong sự việc này (huyện Mỹ Đức và TP. Hà Nội). Theo quy định, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân là người "đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương". Trong trường hợp của Đồng Tâm, thậm chí ngay cả khi ý chí và nguyện vọng của Nhân dân chưa thực sự đúng và hợp lý, thì Hội đồng nhân dân huyện, thành phố vẫn phải liên hệ làm việc, tìm hiểu và lên tiếng phản ánh ý chí, nguyện vọng của người dân. Chứ không thể để tình trạng như hiện nay.

Và cả đại biểu Quốc Hội, các cơ quan đoàn thể khác như: Hội nông dân, Hội người cao tuổi ... cũng phải lên tiếng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân xã Đồng Tâm. Vì đây là trách nhiệm.

.........

Quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương (2015): 

Điều 6. Hội đồng nhân dân

1. Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
2. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

Đại biểu Hội đồng nhân dân bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định, khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

Thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

4. Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.

Điều 7. Tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Được đăng bởi Bình Luận Án vào lúc 15:46 





No comments:

Post a Comment

View My Stats