Sunday 23 April 2017

BẦU TỔNG THỐNG PHÁP : EMMANUEL MACRON & MARINE LE PEN VÀO VÒNG HAI (RFI)




Đăng ngày 23-04-2017

Theo kết quả thẩm định sơ bộ của nhiều viện thăm dò  dư luận, hai ứng viên về đầu tại vòng 1 là Emmanuel Macron : 23,7% và Marine Le Pen : 21,7%.

RFI

Trên đây là số liệu thăm dò của các viện IPSOS/ SOPRA STERIA thực hiện dành cho các cơ quan truyền thông : France Television, Raidio France, RFI và France 24 chỉ được công bố từ 20h00 giờ địa phương. Như vậy, hai ứng cử viên Emmanuel Macron của phong trào Tiến Bước (EM) và Marine Le Pen của đảng Mặt Trận Quốc Gia (FN) sẽ đối mặt trong cuộc đua cuối cùng ngày 07/05 tới đây để trở thành tổng thống Pháp.

Lần đầu tiên hai đảng truyền thống lớn là đảng Những Người Cộng Hòa với ứng cử viên François Fillon và Đảng Xã Hội  với ứng viên Benoit Hamon đã bị loại ngay từ vòng 1 của cuộc đua.

----------------------------

Đăng ngày 23-04-2017

Emmanuel Macron, trẻ tuổi, tài cao, tham vọng lớn, xuất hiện lần đầu tiên trong chiến dịch tranh cử tổng thống nổi lên nhanh chóng và giành ngay chiến thắng ở vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống, tiến gần đến vị trí lãnh đạo nước Pháp.

Emmanuel Macron, ứng viên của phòng trào Tiến Bước- En Marche, buổi chiều cuộc bầu cử vòng 1 ngày 23/04/2017. REUTERS

Chưa đầy 40 tuổi, mới chỉ bước chân vào chính trường 5 năm, từng được coi là con cưng của hệ thống cầm quyền nhưng lại tự cho mình là người « phản –hệ thống » ? Là người biết chạy theo thời thế hay can đảm ? Thật khó có thể đánh giá chính xác được con người Emmanuel Macron « chẳng tả cũng không hữu » nhưng ngày càng cuốn hút cử tri Pháp.
Emmanuel Macron sinh năm 1977 tại Amien, trong một gia đình trí thức, bố là giáo sư thần kinh học, mẹ là bác sĩ. 

Lần lượt tốt nghiệp các trường lớn danh giá như Khoa Học Chính Trị Paris, thạc sĩ triết học Đại học Paris-Nanterre rồi Trường Hành Chính Quốc Qia (ENA). Năm 2004, Emmanuel Macron trở thành thanh tra tài chính trong Tổng Thanh Tra Tài Chính khi mới 27 tuổi. Nhưng chỉ 3 năm sau, ông đến với tập đoàn tài chính tư nhân nổi tiếng Rothschild.

Năm 2012, François Hollande đắc cử tổng thống, Emnanuel chia tay với thế giới tài chính sau khi được chỉ định làm phó tổng thư ký văn phòng phủ tổng thống Elysée, để rồi 2 năm sau được đưa lên làm bộ trưởng Kinh Tế và Công Nghiệp trong chính phủ của thủ tướng Manuel Valls.

Tháng 4 năm 2016, ông thành lập phong trào chính trị lấy tên là Tiến Bước – En Marche để rồi 4 tháng sau đó từ chức bộ trưởng và đến ngày 16/11, ông chính thức thông báo ra tranh cử tổng thống 2017.

Phong trào Tiến Bước chưa định hình thành một đảng phái chính trị nhưng đã nhanh chóng thu hút được khoảng 250 000 người gia nhập mà nòng cốt là các tổ chức xã hội dân sự và những người của các xu hướng chính trị tả cũng như hữu và cánh trung.

En Marche chỉ thực sự tiến bước lớn trong chiến dịch tranh cử sau khi ứng viên cánh hữu François Fillon bị cuốn vào các rắc rối tư pháp, trong khi đó đảng Xã Hội rơi vào chia rẽ nội bộ. Các điều kiện « thiên thời, địa lợi, nhân hòa » dường như đã hội tụ đủ cho con đường thăng tiến chính trị của Emmanuel Macron.

Ông tự nhận En Marche đại diện cho trào lưu chính trị « tiến bộ » không ngả theo xu hướng chính trị truyền thống nào. Ông thừa nhận xuất xứ chính trị từ cánh tả trên khía cạnh xã hội, nhưng ông cũng không phủ nhận những mặt tích cực của cánh hữu trên bình diện kinh tế.

Ra tranh cử tổng thống, một cuộc cờ chính trị lớn, Emmanuel Macron thường xuyên bị các đối thủ chỉ trích vì chương trình hành động lập lờ, chắp nhặt từ nhiều cánh. Ứng cử viên của En Marche chỉ đáp lại bằng lập luận rằng ông muốn thay đổi diện mạo để hiện đại hóa chính trị để đưa nước Pháp vững vàng bước vào thế kỷ 21.

Nét chính cương lĩnh tranh cử :
- Trong nỗ lực giảm bội chi ngân sách và nợ công : Tiết kiệm 60 tỷ euro trong nhiệm kỳ 5 năm nhờ giảm đội ngũ công nhân viên chức Nhà nước và cắt bớt ngân sách cho các chính quyền cấp vùng.
- Lao động : Bãi bỏ quy định 35 giờ làm việc một tuần với giới trẻ ; giảm thuế doanh nghiệp, giữ nguyên mức thuế cho tư nhân để khuyến khích tiêu thụ ; đầu tư vào các công nghệ của tương lai : người máy, tự động hóa, kỹ thuật số.
- An ninh : Tuyển dụng thêm 10.000 cảnh sát và hiến binh ; tăng ngân sách quốc phòng.
- Đối ngoại : Đẩy mạnh hội nhập chính trị, kinh tế và tài chính trong Liên Hiệp Châu Âu và Eurozone ; duy trì hiệp định tự do đi lại trong khối Shengen đồng thời tăng cường kiểm soát biên giới ngoài châu Âu.
- Môi trường : Giảm số lượng xe hơi chạy bằng dầu diesel ; giảm tỷ trọng của năng lượng hạt nhân.

-----------------------

Đăng ngày 23-04-2017

Người con thừa kế của đầy tham vọng với tính khí dữ dội, Marine Le Pen đã mang lại hy vọng chiến thắng cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia ở lần thứ 2 ra ứng cử tổng thống Pháp.

Marine Le Pen, ứng viên của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, phát biểu sau khi có kết quả vòng 1 ngày 23/04/2017.REUTERS/Charles Platiau

Trong bối cảnh nước Pháp bị đe doạ khủng bố thường trực, tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài do nền kinh tế ì ạch dẫn đến nỗi chán trường giới chính trị trong dân chúng tích tụ đến cao độ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của trào lưu dân túy ở châu Âu. Những yếu tố đó đã đem lại cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia nói chung và cá nhân Marine Le Pen nói riêng, hy vọng có thể lần đầu tiếp cận quyền lãnh đạo đất nước, sau hơn 4 thập kỷ đóng vai trò đối lập trên chính trường Pháp.

Marine Le Pen sinh năm 1968, con út trong gia đình có 3 con gái của Jean Mari Le Pen, người sáng lập đảng Mặt Trận Quốc Gia (1972) và cũng là người có nhiều tai tiếng chính trị. Ban đầu theo nghề luật sư, Marine Le Pen bước vào con đường chính trị lần đầu dưới màu cờ của Mặt Trận Quốc Gia với việc ứng cử Quốc Hội vào năm 1993 nhưng không thành công. Từ năm 1998, bà mới bắt đầu có được vị trí trong các hội đồng địa phương.

Đến năm 2004, Marine Le Pen giành được chiếc ghế ở Nghị Viện Châu Âu. Cũng từ thời điểm này, với sự hỗ trợ của người cha, cô con gái út trong gia đình Le Pen bắt đầu thăng tiến trong đảng cho đến năm 2011, Marine Le Pen được bầu làm chủ tịch đảng và nhanh chóng làm một cuộc thay máu trong Mặt Trận Quốc Gia vốn vẫn bị nhìn nhận một đảng cực hữu, mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại hay thậm chí còn mang tiếng là phát xít.

Hàng loạt nhân vật gạo cội trong đảng, trong đó kể cả người cha Jean-Mari Le Pen sáng lập ra FN lần lượt bị loại ra khỏi đảng để thay vào đó bằng những gương mặt mới với ý đồ thay đổi định kiến của người dân Pháp với Mặt Trận Quốc Gia.

Với bề dày nhiều thập kỷ đứng ở vị trí đối lập với chính quyền, Marine Le Pen đã tạo được biệt tài chỉ trích chế độ, dù đó là thuộc cánh tả hay cánh hữu. Thời điểm nước Pháp gặp khó khăn trong các vấn về kinh tế, chính trị hay an ninh thì đó cũng là cơ hội để Marine Le Pen tận dụng tối đa để nâng tầm cho Mặt Trận Quốc Gia.

Năm 2012, Marine Le Pen ra ứng cử tổng thống lần đầu và về thứ 3 với tỷ lệ 17,90% phiếu bầu. Đó cũng là kết quả cao nhất ở vòng 1 so với tất cả các lần ra tranh cử tổng thống của cha bà trước đó. Kỳ bầu cử lần này, Marine Le Pen đã làm được cái việc mà cha bà và đảng Mặt Trận Quốc Gia chưa bao giờ với tới, đó là đạt được gần 22% số phiếu bầu.

Cương lĩnh tranh cử : Quyền lợi của người Pháp là trên hết
- Đối ngoại : Ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu để lấy lại chủ quyền quốc gia; từ bỏ đồng euro, quay trở lại đồng franc; đóng cửa biên giới với người nhập cư; ra khỏi khu vực tự do đi lại Shengen giữa các nước châu Âu; ra khỏi NATO; chính sách thân thiện với Nga.
- Lao động : Ưu tiên công việc làm cho người Pháp; 60 tuổi được quyền về hưu;
- Kinh Tế : Giảm thuế 20 triệu euro và bơm thêm 20 tỷ euro cho các hộ gia đình để tăng mãi lực của người Pháp.
- Đánh thuế hàng nhập khẩu 3 % để bảo vệ công việc làm trên đất Pháp.
- An ninh : Lệnh trục xuất tự động với tội phạm người nước ngoài; cắt trợ cấp xã hội dành cho người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ. 

---------------------

TIN LIÊN QUAN





No comments:

Post a Comment

View My Stats