Friday 17 February 2017

VỀ BUỔI HÒA NHẠC ON LIFE & VỞ OPERA CÂU CHUYỆN BÀ THỊ KÍNH (Băng Huyền - Vien Dong Daily)




Băng Huyền
Friday, 17/02/2017 - 07:26:43

Vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 26 tháng 3, 2017 tại đại hí viện sang trọng Musco Center For The Arts (thuộc Chapman University, địa chỉ: 1 University Dr, Orange, CA 92866), là một hí viện với sức chứa một ngàn một trăm ghế ngồi, có không gian âm thanh tốt nhất, giúp khán giả thưởng thức được âm thanh trung thực nhất từ các nhạc khí và tiếng hát của các nghệ sĩ mà không cần qua trung gian của hệ thống khuếch âm, sẽ diễn ra buổi hòa nhạc rất giá trị On Life, do hội nghệ thuật bất vụ lợi VASCAM-Vietnamese American Society for Creative Arts and Music (www.vascam.org)  thực hiện, với sự tham gia của 40 nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Poster chương trình On Life

Chương trình gồm hai phần, phần đầu sẽ giới thiệu một số tác phẩm âm nhạc hiện đại của các soạn nhạc gia Cung Tiến, Tôn Thất Tiết, và P.Q. Phan (Phan Quang Phục) và phần hai sẽ giới thiệu các trích đoạn tiêu biểu trong vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính) của giáo sư, soạn nhạc gia P.Q. Phan viết, được hát bởi những giọng opera chuyên nghiệp Bryan Arreola, Veronica Jensen, Angela Yoon, Bích Vân, Teresa Mai cùng dàn nhạc VASCAM Ensemble điều khiển bởi nhạc trưởng Nguyễn Bội Cơ và sự phụ họa hợp xướng của nhóm Ngàn Khơi. Hình ảnh chiếu trên màn hình là đóng góp của 2 họa sĩ Ann Phong và Trinh Mai.

Buổi trò chuyện của sáng tác gia P.Q. Phan

Nhân chuyến viếng thăm của soạn nhạc gia P.Q. Phan và vợ là bà Anvi Hoàng đến miền Nam California để gặp gỡ đồng hương, quảng bá về chương trình On Life và hội nghệ thuật bất vụ lợi VASCAM vào đầu năm 2017 vừa qua, người viết có dự một trong những buổi trò chuyện này tại tư gia của một thành viên hội VASCAM.

Xin gửi đến quý độc giả Viễn Đông những tóm lược của buổi trò chuyện, nhằm giúp giới thiệu những nét đặc sắc của chương trình On Life cũng như hiểu hơn những tâm huyết của soạn nhạc gia P.Q. Phan và vợ mình cùng vài người bạn khi sáng lập ra hội VASCAM vào đầu năm 2016, với mục đích: “Tìm kiếm và hỗ trợ những tài năng nghệ thuật và âm nhạc người Mỹ gốc Việt để họ có điều kiện trình làng những tác phẩm của mình, nói lên sự đóng góp về nghệ thuật và âm nhạc của người Mỹ gốc Việt cho đất nước Hoa Kỳ.”

Quang cảnh buổi nói chuyện của sáng tác gia P.Q. Phan với đồng hương. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Trong buổi gặp gỡ này, giáo sư P.Q. Phan đã nhận được rất nhiều lời khen tặng, ngưỡng mộ từ những người tham dự trước những đóng góp cho nghệ thuật và làm rạng danh người Mỹ gốc Việt của soạn nhạc gia P.Q. Phan. Ông là một nhạc sĩ sáng tác nhạc cổ điển đương đại (contemporary classical music), đã tốt nghiệp bằng cử nhân âm nhạc tại đại học University of Southern California năm 1987, bằng cao học âm nhạc năm 1989 và bằng tiến sĩ âm nhạc năm 1993 tại đại học University of Michigan. Ông đã từng dạy nhạc tại University of Illinois ở Urbana-Champaign và Cleveland State University. Hiện ông là giáo sư (Full Professor) ngành sáng tác tại trường nhạc Jacobs School of Music (thuộc top 3 trong nước Mỹ và top 6 trên thế giới), thuộc trường đại học Indiana University, ở Bloomington, Indiana. Sáng tác của ông đã được trình tấu tại Mỹ, Canada, Mexico, nhiều nước Âu Châu, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đại Hàn và Nhật Bản.

Những dàn nhạc nổi tiếng đã chơi nhạc của ông: Kronos Quartet, BBC Scottish Symphony Orchestra, Radio France, Ensemble Moderne, Cincinnati Orchestra, Seattle Symphony Orchestra, American Composers Orchestra, St. Louis Orchestra - Chamber Group, the Cleveland Chamber Symphony...vân vân... Nhiều dàn nhạc nổi tiếng đã đặt ông soạn nhạc: Kronos Quartet, American Composers Orchestra, Cleveland Chamber Symphony, Greater East Lansing Symphony... vân vân...

Ông đã nhận nhiều giải thưởng âm nhạc giá trị: Rome Prize, Rockefeller Foundation Grant, Meet the Composers: Music Alive Residency Award with the American Composers Orchestra, ASCAP Standard Awards... và được mời đến MacDowell Colony để sáng tác. Ông cũng được mời làm soạn nhạc gia tại nhiều đại hội âm nhạc lớn trên thế giới. Những bản nhạc được thu âm cũng như đĩa nhạc của ông gồm có: Tragedy at the Opera (”Kronos Quartet: 25 Years”, Nonesuch 19504), Nights of Memory for solo guitar (Michael McCormick, Plaxton - CD001, L.A., 1992), “Banana Trumpet Games” (gồm những bài Unexpected Desire, Banana Trumpets Games, My Language, Rough Trax, Beyond the Mountains, và Rock Blood)...

Sáng tác gia P.Q. Phan và vợ Anvi Hoàng (ngoài bìa từ trái qua phải) trong buổi gặp gỡ và trò chuyện với đồng hương. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Vở Opera Câu Chuyện Bà Thị Kính

Từ vở chèo cổ dân gian của Việt Nam “Quan Âm Thị Kính” đã được P.Q. Phan sáng tác lại thành vở opera mang tên “Câu Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính), dài 135 phút, theo phong cách “đại nhạc kịch” (grand opera) với dàn nhạc lớn, dàn hợp xướng và 14 vai diễn, toàn bộ phần lời hát bằng tiếng Anh, và có hai bài hợp xướng được hát bằng tiếng Việt, đã được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014.

Trong phần trò chuyện của mình tại buổi gặp đồng hương, ông P.Q. Phan cho biết: “Câu chuyện này hay một điều là nó khác tất cả những vở chèo khác. Nó muốn tôn vinh vẻ đẹp của người đàn bà. Vì tất cả đàn ông trong câu chuyện này đều không tốt cả. Ông sư cụ cũng không tốt, ông có nói một câu: tôi phải hy sinh một người để cứu mọi người. Còn những nhân vật khác, từ người cha lúc nào cũng say rượu, ông lý trưởng là người có học nhưng lại không thông minh bằng mẹ mõ. Mà người đánh mõ được xem là chức thấp nhất trong xã hội, mà lại là đàn bà nữa, bị xem là thấp hơn đàn ông, một người bị xem là thấp nhất trong xã hội vậy mà còn thông minh hơn cả ông lý trưởng... Cô Thị Mầu theo đuổi tư tưởng tự do, muốn thương ai thì theo người đó. Đó là lối bình đẳng giữa người đàn bà và người đàn ông.

“Cái cao nhất trong câu chuyện là Thị Kính đã thăng hoa nhiều giai đoạn khác nhau để rồi cuối cùng trở thành một con người tuyệt đỉnh. Tuyệt đỉnh là người ta (dân gian, người dân) so sánh với Phật, vì người ta chưa biết Chúa. Nhưng nếu biết thì người ta có thể sẽ so sánh với đấng khác. Thị Kính chấp nhận vì thương cha nên lấy chồng, chấp nhận làm đẹp cho gia đình chồng nên bỏ nhà chồng ra đi, chấp nhận nhịn nhục nên đi tu, chấp nhận người con dại của cô Thị Mầu để cứu cô Thị Mầu. Thị Kính nói một câu rất rõ ràng: “Quãng đời của tôi nó đã xong rồi, thì tôi cứu thêm một người còn hay hơn là làm chuyện phước một ngàn lần”. Giai đoạn cuối cùng là Thị Kính chấp nhận điều sỉ nhục của quần chúng, nuôi cậu con này đúng 3 năm, lúc đó mới thăng hoa. Đó là vẻ đẹp của người đàn bà, chấp nhận tình yêu nhân loại. Nên đây là vở diễn mà tôi rất thích. Tôi đặt là Câu Chuyện Bà Thị Kính thay vì Quan Âm Thị Kính, vì tôi muốn kể lại câu chuyện đi sâu vào tâm hồn và giá trị của con người nhiều hơn là giá trị tôn giáo của nó.

“Khi viết opera, tôi muốn viết một vở phải hay bằng hoặc hay hơn vở chèo cổ. Vì nếu làm mà không hay bằng, thì là mình sỉ nhục vở tuồng cổ. Nên tôi đã nghiên cứu rất nhiều, đúng 20 năm sau thì mới bắt đầu viết vở opera này. Trong thời gian viết, mất khoảng 1 năm để tôi đọc cho nhiều người nghe, vừa là người Việt, vừa là người bản xứ để xem họ thích hay không, có hợp lý hay không. Đoạn nào không hợp lý, mình cắt chút xíu, mình không cắt quá nhiều, cắt như thế nào cho nó hợp lý với thời đại bây giờ, nhưng vẫn giữ lại những vẻ đẹp xưa. Sau đó tôi ngồi viết tác phẩm trong khoảng một năm rưỡi thì xong.

“Bản tổng phổ của vở Câu Chuyện Bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính) gồm có 1500 trang khổ giấy lớn. Tôi viết bè nhạc cho 14 vai tất cả, hợp xướng thì 8 bè tất cả, cho tất cả nhạc cụ thì hơn 42 nhạc cụ khác nhau. Tôi phải viết hòa âm như thế nào để nó vừa đưa ra được vẻ đẹp của thời xưa Việt Nam mình nhưng cũng rất hòa hợp với hòa âm hiện đại. Nên tôi không dùng hòa âm thế kỷ 16, 17... mà dùng hòa âm thế kỷ 20 để làm. Chuyện đó rất quan trọng. Âm nhạc của vở diễn ban đầu đơn giản, nhưng càng về sau hòa âm càng phức tạp, kết cấu càng phức tạp hơn, đó là lối đưa cô Thị Kính của cuối thế kỷ 10 (của vở chèo cổ dân gian Việt Nam) đến thế kỷ 21. Nó phản ánh sự thăng hoa, nên tiến lên từ từ, nó không đứng một chỗ, phải đi lên.

“Bây giờ cũng có nhiều vở opera khác tôi đang suy nghĩ và cũng sẽ làm. Khi viết opera, tôi chỉ viết câu chuyện nào mà nó gần gũi với tâm hồn mình nhiều nhất. Mà đến tuổi này, thì tôi thấy giá trị con người là gần mình nhiều nhất, và sau đó thì dù thích hay không, mình vẫn là người Việt da vàng mũi tẹt, thì đó là giá trị phần thứ hai của mình.”

Những câu hỏi

Có một tham dự viên đã đặt câu hỏi tại buổi trò chuyện với P.Q.Phan, rằng, “Nhạc cụ nào của Việt Nam mà theo anh nghĩ là quan trọng nhất và được đưa vào tác phẩm opera này để nó mang vẻ đặc thù Việt Nam hơn.”

P.Q.Phan nói: “Câu hỏi đó cũng là câu hỏi tôi bắt đầu suy nghĩ từ năm 1976. Có hôm thức dậy thì thấy là ồ phải có nhạc cụ Việt Nam, có hôm thức dậy thì thấy là không cần. Đàn bầu và đàn đáy là 2 nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Theo các bạn, âm nhạc truyền thống Việt là hát cho ai? Hát cho mình và cho bạn, nghĩa là khi mình trình diễn thì người nghe ngồi sát bên mình. Nên bên Việt Nam vẫn hay dùng chữ là chơi nhạc, chơi nhạc là để truyền đạt bình đẳng với nhau thôi, chứ không phải trình diễn cho người khác. Với người Tây phương là trình diễn ở sân khấu và có người nghe, nên tất cả nhạc cụ của người ta làm luôn có đường hướng về phóng âm thanh, tất cả nhạc cụ truyền thống Việt Nam của mình thì dùng những nhạc cụ không phóng âm thanh. Vì khi phóng âm thanh thì người bạn phải ngồi xa hơn nữa, còn nếu nhạc cụ tiếng nhỏ hơn thì người bạn ngồi gần hơn để nghe, thì lúc đó tình bạn, tình yêu mới càng gần gũi hơn nữa. Từ đó mà tôi suy nghĩ, nếu tôi dùng đàn bầu mà phóng âm thanh, thì lúc đó tôi có chơi cho người bạn nghe nữa hay không? Có thể phóng âm thanh thì mình trình diễn được, nhưng mất một yếu tố quan trọng nhất của nhạc cụ đó.

“Việc dùng nhạc cụ Việt Nam bỏ vào trong dàn nhạc thì đúng là có ngày tôi nghĩ tôi dùng, có ngày tôi nghĩ tôi không dùng, và biết đâu 3 năm sau tôi lại thay đổi ý kiến, nhưng hiện tại đối với tôi, tôi muốn dùng vẻ đẹp bên trong của âm nhạc Việt Nam để bỏ vào âm nhạc hàn lâm phương Tây nhiều hơn là âm thanh bên ngoài. Các bạn hãy nghĩ lại đi, cái này rất tế nhị, mình muốn làm bạn với người ta, muốn quen với người khác, mình muốn dùng vẻ đẹp bên trong của mình hay vẻ đẹp bên ngoài? Nếu mình dùng được cả hai thì rất tốt, nhưng giai đoạn này thì tôi chưa muốn dùng như vậy.

Có lần tôi đã làm rồi, tôi viết cho tứ tấu đàn dây chơi với đàn bầu, hoặc chơi chung với đàn đáy. Những bài đó đến bây giờ, nhiều khi tôi vẫn cảm thấy ác mộng, vì có ngày tôi rất hãnh diện về nó, nhưng có ngày thì thấy nó như là trò hề. Những cái đó là suy nghĩ rất sâu của mình. Vì đàn bầu là loại đàn mà nó thể hiện rất nhiều qua âm thanh rất tế nhị. Âm thanh phải nhỏ như thế nào, khi phải dùng microphone thì phải như thế nào. Nếu dùng microphone với âm thanh nhỏ, cộng chung với dàn nhạc Tây phương thì ra sao? Dàn nhạc Tây phương là dùng sức mạnh, còn nhạc cụ Việt Nam là dùng sự tế nhị, hai cái đó cộng lại sẽ như thế nào?”
Với câu hỏi của người tham dự về sự đón nhận của vở opera “Câu Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014 trước đây như thế nào, ông P.Q. Phan cho biết:

“Khi ra mắt đầu tiên vào hai cuối tuần, mỗi cuối tuần trình diễn hai ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy, mỗi ngày có từ 900- 1200 người đi xem và trong bốn đêm diễn đó có 200 người Việt Nam từ những tiểu bang khác đến xem. Lúc trình diễn xong, tất cả mọi người đứng lên vỗ tay hơn 15 phút, và một điều hãnh diện nhất là người bản xứ thấy được giá trị của văn hóa mình, thấy được những vẻ đẹp tuyệt vời từ câu chuyện, từ văn chương của vở diễn, và người Mỹ gốc Việt từ tiểu bang khác đến xem cũng thấy được vẻ đẹp của mình và thấy vẻ đẹp mới của nó nữa, cái đó là điều mà tôi rất hãnh diện. Tức là mình không đem chuyện cũ chép lại, mà lấy chuyện cũ làm ra chuyện mới thì hai bên đều hiểu cả.”

Buổi hòa nhạc On Life

Riêng với buổi hòa nhạc On Life vào chiều Chủ Nhật 26 Tháng 3 Năm 2017 sắp tới, P.Q. Phan cho biết do hạn chế về tài chánh, nên dù chương trình được dàn dựng rất hay nhưng chưa hoàn hảo. “Trong phần 2 của chương trình sẽ có 60 phút (là thời lượng phân nửa của vở opera Câu Chuyện Bà Thị Kính) diễn các trích đoạn tiêu biểu trong vở opera. Về y phục thì các nghệ sĩ mặc đồ thuần túy của Việt Nam trong thế kỷ 15- 16, áo Tứ Thân hoặc áo Bắc Ninh, các ông thì mặc áo dài hoặc áo nông dân. Có một điều hơi tiếc là do hội VASCAM chưa có đủ khả năng tài chánh, nên tôi phải viết lại (từ tác phẩm viết cho hơn 42 nhạc cụ) dàn nhạc chỉ còn 9 nhạc cụ thôi. Nếu trình diễn giống như nguyên thủy tác phẩm tôi đã viết, muốn dựng như vậy phải tốn ít nhất 200 ngàn dollar, bây giờ thì chúng tôi chỉ dám “đánh bài” với 47 ngàn dollar thôi, đủ khả năng đến đâu thì làm đến đó thôi. Chúng tôi khuyến khích mọi người cả nam lẫn nữ mặc áo dài đến mghe nhạc. 100 người đầu tiên mặc áo dài sẽ được tăng 1 món quà nhỏ nhưng rất đặc biệt. Nhóm chúng tôi muốn phô trương vẻ đẹp riêng của cộng đồng mình.

Trước ý kiến của một người tham dự lo ngại số tiền thu được nếu bán hết một ngàn một trăm vé cũng chỉ được khoảng 55- 65 ngàn dollar, mà theo như số tiền dự chi 47 ngàn, thì phải cẩn thận vì sẽ có nhiều chi phí phát sinh ra thêm. Ông P.Q. Phan cảm ơn và cho biết hội có vận động bảo trợ, nhận được một số bảo trợ. Tuy nhiên ông cho rằng:

“Với chúng tôi điều quan trọng nhất là người đi xem. Tại vì tôi có xin tiền được 100 phần trăm hay 200 phần trăm mà không có ai đi xem hết thì đó là điều thất bại hoàn toàn. Tôi hy vọng lần lần đầu tiên mình làm, nếu có 500 người đi xem, thì năm thứ 2 có thể sẽ là 600 người đi xem, nếu như mình làm mà mọi người đều thích, năm thứ ba có thể sẽ là 700 người đi xem. Dự tính của chúng tôi đến năm 2020 mình sẽ dựng nguyên cả vở và dùng bản chính của vở gồm 100 nhạc công của dàn nhạc để trình diễn. Mỗi năm chúng tôi có làm dư được 1 đồng thì sẽ để dành đó để năm tiếp làm một lần nữa, và mỗi năm cứ tìm cách huy động mọi người đi xem.

“Chúng tôi hy vọng mọi người đi xem có thể không thích 100 phần trăm nhưng cũng đi ủng hộ. Hy vọng là càng nghe sẽ càng thích.”

Kết thúc buổi trò chuyện của mình, P.Q. Phan mời gọi: “Mong quý vị hãy vận động giùm chúng tôi có nhiều bạn bè đến xem. Vì lời truyền miệng bao giờ cũng hiệu quả hơn hết.”

Quý vị muốn tìm hiểu thêm về buổi hòa nhạc On Life và đặt mua vé online, hãy vào website: http://muscocenter.org/event/on-life/ .
Vé có các hạng: $75, $60, $45, $30. Hoặc mua vé tại Nhật Báo Viễn Đông, Việt Báo, Người Việt, nhà sách Tú Quỳnh.
(bh)





No comments:

Post a Comment

View My Stats