Friday 17 February 2017

AI ĐÃ RA LỆNH CHO FLYNN GỌI ĐIỆN THOẠI CHO ĐẠI SƯ NGA ? (Daniel Benjamin - Politico)




Daniel Benjamin - Politico
Dịch giả: Thạch Đạt Lang & Trần Văn Minh
Posted by adminbasam on 17/02/2017

Vài giờ sau khi cố vấn an ninh quốc gia, Michael Flynn từ chức, giữa luồng tin rằng ông đã lừa dối các viên chức cao cấp về các cuộc điện đàm với đại sứ Nga trước ngày ông nhậm chức, Tổng thống Trump đã lên mạng Twitter khuyến khích mọi người hãy bỏ qua và hướng về phía trước, “Câu chuyện thật sự là tại sao lại có quá nhiều [thông tin] rò rỉ bất hợp pháp từ Nhà Trắng vậy?”

Theo ý nghĩa nào đó, Trump có lý: Câu chuyện thực sự không phải là Flynn. Nhưng cũng không phải sự rò rỉ [thông tin] chính phủ. Không, “câu chuyện thực sự” chính là Trump – và sự bí mật liên tục về những móc nối của Trump với người Nga.

Khi các viên chức Washington và báo chí chú tâm tới sự xáo trộn hàng ngũ trầm trọng ở Nhà Trắng, cho dù là nhân vật Flynn ô nhục đã vi phạm luật pháp hay ai sẽ tiếp nối ông ta sau 3 tuần làm việc, câu hỏi cốt lõi đang bị đánh mất giữa sự hỗn loạn: “Ai đã ra lệnh cho Flynn gọi điện thoại cho Sergey Kislyak, đại sứ Nga tại Mỹ? Bởi vì tôi tin rằng Flynn không tự ý làm. Flynn chỉ là một tay chơi nhỏ trong một câu chuyện lớn về sự liên hệ của tổng thống với người Nga, và chính là câu chuyện này mà báo chí cần phải để ý tới.

Rõ ràng là Trump đưa Flynn lên vì lòng trung thành của ông ta và viễn cảnh có một vị tướng ba sao mới về hưu thi hành quan điểm của mình [Trump], điều mà ít có tướng lãnh nào ở cấp bậc đó lưu ý tới. Nhưng Flynn không phải là một chiến lược gia giỏi. Ông ta không có khả năng điều hành một sự sắp xếp chính trị phức tạp với Nga, và ông ta cũng không thích hợp, một điều đáng buồn, với vai trò cố vấn an ninh quốc gia. Một sĩ quan tình báo trải qua phần lớn thời gian quân ngũ ở Trung Đông và Afghanistan, Flynn không có kinh nghiệm về ngoại giao, chưa nói tới các vấn đề của châu Á và châu Âu. Và khó có thể tin rằng một người với ít kinh nghiệm như thế lại có thể tự ý hành động theo chủ ý của mình khi gọi điện thoại cho Kilsyak, vào ngày 29-12-2016, ngày lệnh trừng phạt được ban hành. Nếu đúng như tin loan tải, ông ta đã nói chuyện điện thoại [với Kislyak] năm lần trong một ngày, như thế là ông đang thi hành một sứ mệnh, và có lẽ không phải tự ý ông ta nghĩ ra.

Quan điểm của tôi (tác giả) được xây dựng trên nhiều năm quen biết và đi theo Flynn. Sau khi bị cách chức giám đốc Cơ quan Tình Báo Quốc Phòng (Defense Intelligence Agency) – nơi ông ta từng có hành động bất thường – Flynn có những hành vi còn khác thường hơn nữa.

Trong chuyến viếng thăm kéo dài một tuần lễ do tôi sắp xếp tại Đại học Dartmouth vào tháng 04-2015, Flynn thường xuyên có những nhận định kỳ quái. Tôi từng biết Flynn là một đồng nghiệp có khả năng và thông minh từ thời làm việc trong chính phủ, và tôi thật ngạc nhiên với sự thay đổi mà tôi thấy. Ông ta thân thiện và cởi mở, nhất là với sinh viên, nhưng quan điểm của ông về Hồi Giáo và sự đe dọa khủng bố có vẻ ngày càng quá khích – một câu về Hồi Giáo không phải là một tôn giáo mà là một ý thức hệ chính trị, đã được ông sử dụng thường xuyên vào những tháng sau này, khiến tôi nhận ra rằng ông đã đi ra ngoài chiều hướng suy nghĩ dòng chính của chính quyền Mỹ. Nhưng điều nổi bật nhất là sự chú tâm của ông vào Iran. Chuyến viếng thăm [đại học Dartmouth] xảy ra cùng lúc với cuộc chạy đua nước rút tới đoạn kết của cuộc đàm phán khung sườn của hiệp ước nguyên tử [với Iran], và Flynn tuyên bố nhiều lần trong những sự kiện công khai hay những cuộc nói chuyện riêng tư rằng sự bội tín của Iran rất quỷ quái, họ “không xứng đáng có một chỗ trong bàn đàm phán”. Khi được hỏi ai sẽ thay mặt thương lượng cho Iran, ông không có câu trả lời nhưng nhấn mạnh rằng không phải là Iran. (Chú thích: Mặc dù với những phát biểu gây rắc rối, khiến ban giám hiệu và sinh viên hoang mang, [nhưng] Flynn là một người khách lịch sự, chào hỏi tất cả mọi người và nhất là ông ta từ chối số tiền thù lao được thỏa thuận trả cho ông trong thời gian một tuần lễ ở trường.)

Hơn môt năm rưỡi sau, hành vi của ông ngày càng kỳ lạ hơn – Bài xích Hồi giáo vô tội vạ, hô khẩu hiệu “giam bà ta lại” (ám chỉ Hillary Clinton) tại các buổi vận động tranh cử của Trump – thật quái gở đối với một sĩ quan quân đội, chứ chưa nói tới một tướng ba sao. Tin tức mới đây cho biết, ông ta cũng bị lạc trong văn phòng của mình ở Cánh Tây (West Wing), cũng như không biết rằng Bộ Ngoại giao và Quốc hội có vai trò trung tâm trong việc buôn bán vũ khí và không biết làm thế nào để huy động Lực lượng Phòng vệ Quốc gia trong trường hợp khẩn cấp. Gọi điện thoại cho Kislyak – không hay biết một cách khó hiểu rằng cuộc gọi có thể bị tình báo Mỹ nghe lén – là một dấu chỉ khác cho thấy rằng Flynn không hành động ở mức độ được mong đợi đối với một cố vấn an ninh quốc gia.

Ngoài sự thiếu kinh nghiệm, còn có một lý do khác để nghi ngờ rằng Flynn tiến hành một cuộc trò chuyện trái phép với người Nga. Không như Trump, Flynn chưa hề có thiện cảm lâu dài, được biểu lộ đối với Putin. Trong thời gian ở Cơ quan Tình báo Quốc phòng từ năm 2013 đến 2014, ông ta đã cố gắng xây dựng mối liên hệ tốt đẹp hơn với giới tình báo Nga, nhưng chỉ chuyện đó không cho chúng ta biết điều gì. Rời khỏi quân ngũ, ông nhận lời mời diễn thuyết ở Moscow và cuối cùng rơi vào chỗ ngồi kế bên Putin tại bữa ăn tối của đài truyền hình RT (Russia Today) vào tháng 12-2015, làm chướng mắt một số người. (Vẫn chưa rõ ông ta đã đi xa tới đâu trong việc đi theo ứng cử viên Trump vào thời điểm đó.)

Michael Flyn (trái) ngồi cạnh Vladimir Putin tại một bữa tiệc tối ở Nga năm 2015. Ảnh: internet

Tuy nhiên Flynn vẫn tuyên bố cứng rắn đối với người Nga cho đến cuối năm 2015. Cuốn sách Trong Lãnh Vực Chiến Đấu: Làm Thế Nào Để Giành Chiến Thắng Cuộc Chiến Toàn Cầu Chống Hồi Giáo Cực Đoan và Liên Minh của Họ (In The Field of Fight: How We Can Win the Global War Against Radical Islam and its Allies), mà ông là đồng tác giả với Michael Ledeen, nhà phân tích chiến lược chính sách đối ngoại gây tranh cãi, xuất bản vào giữa năm 2016, Flynn đã liệt kê Nga là một trong các nước liên minh đó. Thực ra, trong trang hai của phần dẫn nhập của quyển sách, Flynn liệt kê Nga cùng với Bắc Hàn, Trung Quốc, Cuba và Venezuela là “những nước… cho dù không cuồng tín tôn giáo, chia sẻ sự căm ghét đối với Phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Do Thái”. Sau này ông đưa thêm vào danh sách: Iran, Syria, Bolivia và Nicaragua.  (Danh sách về các liên minh có chủ đích thánh chiến lại là một dấu hiệu khác về quan điểm sai lầm nghiêm trọng của Flynn.)

Tất cả những điều trên đưa chúng ta trở lại câu hỏi: Nếu Flynn không khởi xướng cuộc đàm thoại, ai là người yêu cầu ông gọi điện thoại cho Kislyak? Hơn thế nữa, bản chất mối liên hệ của Trump với Putin ra sao, và phải chăng hai người đã thông đồng với nhau về chuyện tấn công tin tặc vào cuộc bầu cử?

Hầu như tất cả các phóng viên theo dõi vụ rắc rối của Flynn đã mất dấu vết sự bí mật nổi bật này, chỉ đặt trọng tâm vào những bê bối của vị cựu tướng. Làm như thế, họ đã cho Nhà Trắng một đặc ân to lớn.

Hãy xem xét lại sự việc: cảm tình của Donald Trump đối với Putin và nước Nga vẫn trái ngược với quan điểm của toàn bộ giới chức an ninh quốc gia, cũng như của các học giả quan sát Nga. Cuộc trả lời của ông trước phóng viên Bill O’ Reilly của Fox news, người gọi Putin là một kẻ “sát nhân”, [Trump nói] rằng “Ông cũng có nhiều kẻ sát nhân. Cái gì, ông nghĩ đất nước chúng ta vô tội ư?” [làm Bill O’Reilly] vẫn còn trợn tròng đôi mắt. Tường trình của CNN về những chi tiết trong hồ sơ nổi tiếng được cựu điệp viên người Anh, Christopher Steele thu thập, đã được các nhân viên điều tra Mỹ xác nhận. Và, cho đến hôm nay, chúng ta hoàn toàn không biết gì về các giao dịch kinh doanh của Trump với Nga – một lỗ hổng trong sự hiểu biết của công chúng thật kinh ngạc đối với một tổng thống Mỹ.

Thật khó để thấy làm thế nào mà môt người biết lý lẽ có thể chối bỏ vấn đề này như thể nó là chuyện không quan trọng, và đồng thời cũng khó có thể hình dung làm cách nào mà bất cứ ai có thể xem chuyện tấn công vào hệ thống máy tính cuộc bầu cử của Mỹ với sự thỏa mãn. Những gì, ngoài sự an toàn thể chất của người dân Mỹ, có thể là lợi ích sống còn hơn tính nhất quán của cuộc bầu cử của chúng ta? Nhưng với vấn đề bị chôn vùi trong cuộc điều tra của FBI, bị kẹt đằng sau bức màn của sự khảo sát của Ủy ban Đặc biệt về Tình báo của Thượng viện, vấn đề này đang bị mất khỏi tầm nhìn và có thể hoàn toàn biến mất.

Đã đến lúc phải có một cuộc điều tra lưỡng đảng thực sự, bên ngoài Quốc hội và cách ly khỏi áp lực của Nhà Trắng. Ủy ban 9/11 là một mô hình tốt. Tìm cách thiết lập mô hình đó sẽ làm cho nền dân chủ của chúng ta lành mạnh hơn là lạc lối trong những chi tiết vụn vặt của sự cố Flynn.

-------------------------------

Who Told Flynn to Call Russia?
Let’s stop focusing on the resignation, and start focusing on the real issue here: The mystery of Trump’s Russia ties.
By DANIEL BENJAMIN
February 14, 2017


READ MORE
By JEFF GREENFIELD


Los Angeles Review of Books
FEBRUARY 16, 2017




No comments:

Post a Comment

View My Stats