Thursday 27 October 2016

TRUYỀN THÔNG & DONALD TRUMP (Hà Tường Cát / Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt  (tổng hợp)
October 26, 2016

Suốt cuộc tranh cử, từ giai đoạn sơ bộ cho đến tổng tuyển cử, ứng cử viên Donald Trump luôn miệng phàn nàn là giới truyền thông thiên vị, đối xử không công bằng với ông.

Trên hình thức, hiện tượng ấy đúng vì hầu hết các hệ thống truyền hình, truyền thanh, các tờ báo lớn, các hãng tin đều đồng loạt chống Donald Trump. Do đó chắc chắn phải có lý do.

Theo lập luận của ông Trump, truyền thông Mỹ bây giờ là một hệ thống hư hỏng, toa rập với bên Dân Chủ để dàn dựng gian lận bầu cử. Nhưng vấn đề của ông Trump ở chỗ không phải một vài, mà là đa số thành viên trong giới truyền thông có quan điểm chống ông.

Ông Robert Thompson, chuyên viên về truyền thông ở trường đại học Syracuse, nói: “Chẳng lẽ họ đã họp bàn về việc làm thế nào toa rập gian lận bầu cử hay sao? Hoàn toàn phi luận lý và không phù hợp với thực tế.”

Ban biên tập của hai tờ báo lớn nhất nước Mỹ, The New York Times và Washington Post, ở trong số những cơ quan truyền thông đầu tiên công khai lên tiếng phê phán ứng cử viên Donald Trump. Nhật báo USA Today, tờ báo phát hành trên toàn quốc, cũng vượt thông lệ của mình và cùng với các hệ thống truyền hình CNN, NBC, ABC,… mạnh mẽ chỉ trích ông Trump. Tình trạng này khác truyền thống từ hàng trăm năm là báo chí giữ vị trí trung lập trong bầu cử.

Tuy nhiên, trên căn bản truyền thông hoạt động vì lý tưởng và phải có trách nhiệm với xã hội. Truyền thông Mỹ đã tồn tại, phát triển trong tự do và được coi là đứng hàng đầu trên thế giới, vì tôn trọng những nguyên tắc nghề nghiệp nhưng không xa rời căn bản ấy. Những người làm truyền thông tất nhiên có quan điểm của mình, và được quyền không nói hoặc nói ra, nhưng trong việc trình bày điều kiện cốt lõi phải giữ là nói sự thật. Vì thế, sự trình bày những sự thật về một ứng cử viên tổng thống như họ hiểu là bổn phận chứ không phải chỉ là một ưu quyền mà giới truyền thông nắm giữ và sử dụng.

Những lỗi lầm của cá nhân ông Donald Trump không đáng nói, nếu ông đừng muốn trở thành nhà lãnh đạo để cho những sai trái ấy có thể sẽ tác hại đến nhân dân và đất nước, đồng thời ảnh hưởng đến toàn thế giới do vai trò siêu cường của nước Mỹ. Vì thế, truyền thông can thiệp vào bầu cử là điều hợp lý để có tiếng nói.

Tổng Thống Barack Obama đã phê bình ông Trump là con người suốt cuộc đời 70 năm quanh quẩn với những cao ốc, bên các cuộc thi sắc đẹp phụ nữ, cuộc sống xa hoa hào nhoáng của mình, không quan tâm gì đến những người dân lao động, nhưng bây giờ tự nhận là bênh vực dân nghèo, hứa hẹn là người ưu tú duy nhất có khả năng giải quyết được tất cả mọi vấn đề của xã hội Mỹ. Ông Obama chỉ có thể kết luận bằng một lời với ngôn ngữ bình dân: “Vừa thôi cha!”

Tỷ phú người Anh Richard Branson nổi tiếng với những cuộc mạo hiểm lập kỷ lục về tàu vượt đại dương và khinh khí cầu bay vòng thế giới, và là chủ tịch của Virgin Group gốm hơn 400 công ty. Ông chỉ có một lần duy nhất gặp ông Trump khi được mời tới Trump Tower ở Manhattan cách nay nhiều năm. Nhưng theo nhận xét của ông Branson thì “những tư tưởng thể hiện qua lời phát biểu của ông Trump là ‘đáng sợ’ và con người chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình này sẽ là nguy hiểm nếu vào được Tòa Bạch Ốc.”

Ông Trump là một ứng cử viên kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Mỹ cho đến nay. Sử dụng ngôn ngữ sách động không dè dặt với những lời hứa hẹn mang tính mị dân, ông đã đánh bại tất cả 16 đối thủ trong giai đoạn bầu cử sơ bộ ở đảng Cộng Hòa và lôi cuốn được những ủng hộ viên mạnh mẽ tin tưởng vào triển vọng “cải tạo” hệ thống chính trị Mỹ. Tờ New York Times hôm Thứ Hai dành hai trang báo đăng lại tất cả những thông điệp ông Trump gởi qua twitter, lăng mạ, mạt sát cá nhân, tổ chức, và những sự việc khác, kể từ ngày ông loan báo tranh cử tổng thống.

Chính truyền thông đã đóng góp một phần đáng kể vào thành công này. Ông Trump không tốn tiền quảng cáo nhưng truyền thông đã phục vụ miễn phí vì không thể nào bỏ qua những tin tức nóng bỏng qua các lời tuyên bố của ông. Phát biểu của các ông Jeb Bush, John Kasich, Lindsay Graham chẳng được chú ý nhưng “cái gì ông Trump sẽ nói” được chờ đợi trên tất cả các tờ báo, chương trình truyền hình, Internet và mạng xã hội. Phải nhìn nhận là ông Trump có kỹ thuật siêu việt trong việc tạo ra tin.

Nhưng phản ứng lại, truyền thông không để cho ông Trump lợi dụng dễ dàng như thế. Theo một nghiên cứu của trung tâm truyền thông Shorenstein ở đại học Harvard University, sự chú ý của truyền thông đến ông Trump, một ứng cử viên chưa có tỉ lệ ủng hộ cao trong thăm dò dư luận năm 2015, là một sự kiện khác thường, và những phóng sự tường trình hầu hết là tích cực. Sau đó mọi chuyện thay đổi, ông Trump chỉ đồng ý với những tin nào có lợi cho mình hoặc phê phán đối thủ, chứ không chấp nhận bất cứ chỉ trích nào về phần mình.

Dần dần ông Trump quay sang đả kích truyền thông mạnh mẽ hơn khi họ không còn nói gì có lợi cho ông. Ban tranh cử của ông cấm phóng viên một số cơ quan truyền thông đến làm phóng sự trong những buổi vận động. Ông nói rằng truyền thông là “bất lương và đồi bại” và “đầu độc tinh thần cử tri,” rồi truyền thông tiếp tay cho sự gian lận bầu cử. Khi truyền thông phát giác các lỗi lầm của ông trong quá khứ và đưa ra những phụ nữ tố cáo ông về lời lẽ và hành động bất chính, ông hoàn toàn phủ nhận nhưng không nêu lên được bằng chứng gì.

Luật Sư Marc E. Kasowitz gởi thư cho tờ New York Times yêu cầu rút lại bài báo viết về hai phụ nữ tố cáo ông Trump và phải đăng lời xin lỗi. Nhưng tờ báo bác bỏ yêu cầu ấy và nữ phát ngôn viên Eillen Murphy tuyên bố: “Chúng tôi bênh vực câu chuyện này, nội dung của nó nằm trong lãnh vực phục vụ quần chúng của ngành báo chí.”

Tấn công truyền thông là một chiến thuật mà ông Trump sử dụng để khích động những ủng hộ viên trung thành của ông. Chiến thuật này nguy hiểm ở chỗ nếu ngày 8 Tháng Mười Một sắp tới ông thất cử, ông sẽ làm cho họ mất niềm tin vào thể chế dân chủ và hệ thống bầu cử Mỹ. Nước Mỹ gian lận bầu cử thì còn hy vọng có sự công bằng ở những nước nào trên thế giới?

Mặt khác, một số quan sát viên tin rằng chiến lược tấn công giới truyền thông còn nhằm mở đường cho ông thành lập một cơ quan truyền thông mới của riêng mình. Trên nguyên tắc, đây sẽ là một hệ thống truyền hình có quan điểm bảo thủ, nhưng trong thực tế sẽ chỉ là quan điểm của riêng ông. Người ta biết ông Trump sự thật chỉ là người trong giới kỹ nghệ giải trí và không có quan điểm gì rõ ràng về chính trị.

Các chuyên gia trong ngành nói rằng, với kỹ thuật hiện đại, rẻ tiền và bằng những phương cách hòa nhập mới, hệ thống truyền hình Trump chỉ trong vòng ba tháng là có thể bắt đầu hoạt động. Ông Trump nói với tờ Washington Post rằng chuyện này chỉ là tin đồn nhảm và ông không ham muốn lập một công ty truyền thông. Nhưng trong thời gian gần đây người ta thấy ông đã có những dấu hiệu chuẩn bị qua việc tiếp cận với các cố vấn có chuyên nghiệp và kinh nghiệm điều hành hoạt động các hệ thống truyền thông.






No comments:

Post a Comment

View My Stats