Saturday 22 October 2016

Ở VIỆT NAM, NÓI LÊN SỰ THẬT LÀ TỘI "TUYÊN TRUYỀN" (The Washington Post)





Xã Luận của The Washington Post về vụ bắt Mẹ Nấm
22/10/2016 by PVLH 

Xã luận của The Washington Post về vụ bắt Mẹ Nấm, và quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. 



------------------------------

XEM THÊM :

Ls. Trần Hồng Phong
Thứ Ba, ngày 15 tháng 9 năm 2015

Báo Giáo dục Việt Nam ngày 14/09/2015 có bài "Phải làm rõ thế nào là tuyên truyền chống phá nhà nước", có nêu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng như sau: (nguyên văn):

Thế nào là "tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam? (ảnh minh họa)

Tại phiên thảo luận về Bộ luật hình sự (sửa đổi) ngày 14/9/2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: “Tất cả các tội phải quy định vào trong này, những gì chưa quy định được về hành vi thế này thế khác, khung hình phạt phải làm rõ. Thế nào là cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, thế nào là thiếu trách nhiệm… lâu nay các đồng chí vẫn xử án, phải tổng kết đưa vào đây. Các đồng chí không được để cơ quan xử án hoặc cơ quan kiểm tra tự ý cụ thể hóa bằng quan điểm cá nhân để buộc người ta vào tội cố ý, buộc người ta thiếu trách nhiệm”.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu ra thí dụ về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” và yêu cầu phải nói rõ các hành vi thế nào là chống phá nhà nước?
“Tôi nói thật là ta phát biểu nhiều khi cũng vi phạm, bắt cũng được đấy. Nói như vậy để thấy là không thể để một cái tội chống nhà nước quy định chung chung như vậy, muốn bắt ai thì bắt, đâu có được”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Để đảm bảo công bằng, đảm bảo quyền con người, quyền của công dân, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại quan điểm: “Bất kỳ cuộc xét xử nào đều phải tôn trọng nguyên tắc tranh tụng. Các đồng chí mà chỉ để tranh tụng tới phúc thẩm thôi là không được, là vi phạm Hiến pháp. Tất cả các phiên toà đều phải tôn trọng nguyên tắc này, phải có tranh tụng”.
Theo những nội dung mà ông Chủ tịch Quốc Hội nói tới như ở trên, tôi có mấy ý bình luận thêm như dưới đây:

Chúng ta thấy rằng nội hàm tội "Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" có 2 ý chính:

Một là, chủ thể (người có hành vi phạm tội) phải có hành vi "tuyên truyền" và "chống" Nhà nước.

Biểu hiện và phương tiện của hành vi tuyên truyền tức là lời nói, bài viết, phát biểu quan điểm, ý kiến cá nhân ...vv -  thông qua các phương tiện như báo chí, mạng xã hội, hay trong giao tiếp xã hội - hoàn toàn không sử dụng bạo lực, vũ khí như hành vi khủng bố.

Hiến Pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình và quyền sáng tạo, nghiên cứu khoa học... Tức là về nguyên tắc, công dân có quyền "tuyên truyền" quan điểm, ý chí, kết quả nghiên cứu của mình một cách công khai, không bị hạn chế.

Pháp luật hiện tại cũng quy định rõ nếu cá nhân nào nói xấu, đặt điều "dìm hàng" hay xúc phạm danh dự, uy tín người khác thì sẽ bị xử về tội "vu khống". Hay nói khác đi, là anh có quyền nói, nhưng anh phải nói đúng sự thật. Còn nếu anh nói xấu, đặt điều thì anh sẽ bị xử về tội "vu khống" và còn phải bồi thường thiệt hại, xin lỗi nữa.

Đó là mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân. Chẳng hạn như bên Pháp, có chuyện công dân "chửi" đương kim tổng thống tưng bừng. Tổng thống bèn kiện người chửi ra Tòa - đúng theo nguyên tắc bình đẳng cá nhân - cá nhân.

Nhưng trong tội danh này, tức là "Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", thì lâu nay xét xử và kết tội theo kiểu không nhất thiết anh phải nói xấu, nói sai sự thật. Mà thậm chí điều anh nói có thể là đúng sự thật, nhưng do có ý "chống phá", nên anh sẽ bị kết tội. Chẳng hạn anh dám nói một vị quan chức rất to là đã thế này thế nọ hả? Như rứa là anh "chống phá" rùi đó. Anh sẽ bị kết tội này nhé. Đơn giản thế thôi.

- Hai là, về mặt khách thể (đối tượng bị xâm hại về quyền lợi) tôi còn nhớ có nhiều ý kiến của các luật sư đồng nghiệp, cho rằng (chẳng hạn như trong vụ án Nguyễn Phương Uyên), bị can bị cáo thực ra không hề chống đối gì Nhà nước - vì Nhà nước là của Nhân dân. Mà họ chỉ chống đảng hay chính sách của đảng, hoặc cụ thể hơn là một đảng viên nào đó - mà họ cho rằng không đúng. Mà Đảng, hay đảng viên thì không phải là "Nhà nước". Tôi nghĩ nói như vậy thì không phải là vô lý. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, thì Nhà nước chính là Đảng, vì đây là Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng lãnh đạo toàn diện và trực tiếp. Thế nên chống Đảng cũng chính là chống đối Nhà nước rùi chứ còn gì nữa. Có cãi được không?

(Trong các vụ án hình sự về tội "chống Nhà nước CHXHCN VN" hiện nay, thường thì ý kiến, quan điểm của bị can, bị cáo sẽ được đưa đi giám định bởi các chuyên gia ngành Văn hóa thông tin, từ đó đưa ra "kết luận giám định" là có nội dung "chống phá Nhà nước. Và Tòa án sẽ căn cứ vào các bản kết luận giám định này để kết tội).

Đó là chuyện lâu nay vẫn vậy. Không ai có thể nói khác được "chân lý" ấy!

Nhưng qua ý kiến của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng lần này, có vẻ như lần đầu tiên một Ủy viên Bộ chính trị thừa nhận rằng quy định về chống nhà nước như hiện nay là còn chung chung quá. (Điều mà thực ra người dân đã biết và đã nói từ lâu rồi).

Qua ý kiến này, nhiều người, trong đó có tôi, hy vọng rồi sẽ có một ngày người dân được thực hiện quyền "chửi", quyền được "chống phá" những cán bộ đảng viên dối trá, tham ô tham nhũng, bất tài, đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi đất nước ... mà sẽ không còn bị chụp mũ "phản động" hay thậm chí bị kết tội chống phá Nhà nước nữa. Mà thậm chí biết đâu còn có thể được biểu dương, công nhận về tinh thần đấu tranh chống tham nhũng - chính là hành động dũng cảm, yêu đất nước, Tổ quốc Việt Nam vậy.

Và cũng qua đó, là sự thể hiện một cách sinh động và cụ thể những quyền cơ bản của con người - mà dù trong Hiến Pháp đã ghi nhận - nhưng lâu nay chưa đi vào cuộc sống một cách đầy đủ và khách quan, mà bị cản trở bởi những điều luật, tội danh - theo kiểu "chung chung" như ông Chủ tịch Quốc Hội nói tới.

Cuối cùng, tôi muốn nói thêm một chút về chuyện tranh tụng trong các vụ án hình sự - mà ông Nguyễn Sinh Hùng cũng đề cập đến. Đó là hiện nay "các đồng chí mà chỉ để tranh tụng tới phúc thẩm thôi là không được, là vi phạm Hiến pháp".

Quả đúng vậy, và có thể lấy ngay vụ án tử tù Hồ Duy Hải đang kêu oan mà minh họa. Trong vụ án này, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người - bởi một bản án phúc thẩm đang có hiệu lực pháp luật. Trong bối cảnh như vậy, ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã nói rằng vụ án này đến đây là "hết cách" rồi - khi cả Tòa và Viện kiểm sát tối cao đều không kháng nghị giám đốc thẩm (xem xét lại bản án) cho Hồ Duy Hải. Và ý kiến của tôi như dưới đây: (xem bài bên dưới).

Nói cách khác, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng - là việc kết tội một con người phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, chứ không thể bị "khóa sổ" bởi những quy định (mà theo tôi là vô lý/chưa hợp lý) một cách máy móc, thiếu tình người - trong khi vẫn còn đầy rẫy những sai sót trong quá trình điều tra, xét xử chưa được làm rõ.


-------------

Quy định tại Bộ luật hình sự hiện tại:

Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Được đăng bởi Bình Luận Án vào lúc 10:10 



No comments:

Post a Comment

View My Stats