Friday 26 August 2016

HẢI SẢN VIỆT NAM BỊ TẨY CHAY CẢ TRONG & NGOÀI NƯỚC (Người Việt Online)




August 26, 2016
.
Một phụ nữ thu gom nghêu chết vì bị nhiễm độc chất thải của nhà máy luyện gang thép Formosa trên bờ biển huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI (NV) – Cả người dân trong nước và các nhà nhập cảng hải sản của Việt Nam tại ngoại quốc đều tẩy chay hải sản Việt Nam xuất xứ từ miền Trung vì lo sợ chúng bị nhiễm độc.

“Cùng với tình trạng thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động khi đối tác nước ngoài hủy hợp đồng do quan ngại thủy sản miền Trung nhiễm độc.” Báo điện tử VnExpress hôm Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016 dẫn một kiến nghị của Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam (VASEP) đưa tin.

VASEP vừa đại diện cho 270 doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản “kiến nghị” lên chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn về thiệt hại sau thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Tổ chức này kêu là “sự cố ô nhiễm đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến đời sống, việc làm cũng như sức khỏe của người lao động. Ngư dân lo lắng và không dám đi đánh bắt.”

“Khách hàng quốc tế quan ngại nhiễm kim loại nặng vào nguyên liệu và sản phẩm. Vì vậy, nhiều khách hàng đã hủy hợp đồng không mua thủy sản với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền Trung. Các doanh nghiệp đã bị thiệt hại rất lớn,” VASEP viết trong bản kiến nghị được VnExpress dẫn lại.

Tổ chức VASEP dẫn trường hợp một doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là công ty Trang (Mã CK: TFC) “cũng bất ngờ ghi nhận thua lỗ 14.5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi lớn. Một trong những lý do được ban lãnh đạo công ty đưa ra là sự kiện cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam đã ảnh hưởng đến uy tín ngành thủy sản, nhiều đối tác nước ngoài đơn phương hủy hợp đồng.”

Một dẫn chứng khác về hệ quả của vụ Formosa dầu độc biển miền Trung đã ảnh hưởng thế nào đối với các xí nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, VASEP nói: “Công ty Nam Hà Tĩnh (Shatico) ở Kỳ Anh thu mua được 228 tấn sau 8 tháng, trong khi cùng kỳ 2015 được 580 tấn (giảm đến 60%). Công ty xuất khẩu chỉ được 160 tấn, kim ngạch 1.4 triệu USD trong khi cùng kỳ là 2.4 triệu USD.”

Trước thực trạng uy tín ngành thủy sản lao dốc trên trường quốc tế, VASEP “kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành khẩn trương đẩy mạnh công tác truyền thông để khách hàng nước ngoài không bị quan ngại và vẫn tin vào hình ảnh thủy sản của Việt Nam đảm bảo chất lượng.”

Đồng thời, hiệp hội này “mong chính phủ có sự can thiệp đối với Tập Đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người dân ở 4 tỉnh miền Trung; đưa ra những chính sách hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường gây ra.”

Không chỉ gặp khó trên thị trường quốc tế, về thị trường nội địa, người dân trên cả nước cũng có tâm lý hoang mang, lo lắng nên không mua sản phẩm thủy sản miền Trung cho nên “Các doanh nghiệp và ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm.”

Theo báo cáo của VASEP, đến giữa tháng 8, 2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại, khiến các nhà máy chế biến bị thiếu nguyên liệu sản xuất. Nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì và giữ chân công nhân.

Tổ chức nói trên cho rằng nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn.

“Dự kiến các tháng cuối năm, nhiều công ty chế biến thủy sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và các khoản chi trả cho các đối tác. Nhiều công ty báo thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.”

Cùng một ngày với cuộc họp báo hôm 22 tháng 8, 2016, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường CSVN cùng một số quan chức đã biểu diễn tắm ở biển Đông Hà, Quảng Trị, để chứng minh rằng nước biển miền Trung đã “an toàn” để tắm và “nuôi trồng thủy sản.” Nhưng đại diện của Bộ Y Tế xuất hiện trong cuộc họp báo này không trả lời được câu hỏi khi nào thì cá và các loại hải sản đánh bắt ở khu vực có thể ăn được. (TN)

------------------------------

August 25, 2016
.
Sứa không bán được, bà Thiếc “gương điển hình kinh doanh giỏi,” rơi vào tình trạng khốn đốn. (Hình: báo Thanh Niên)

QUẢNG TRỊ (NV) – Khoảng 20 tấn sứa tồn kho của tiểu thương xã Gio Việt, huyện Gio Linh, đang phân hủy, bốc mùi vì ế ẩm bán không ai mua do hệ lụy từ vụ Formosa giết biển.
Ngày 25 tháng 8, nói với phóng viên báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thiếc, chủ cơ sở chế biến sứa Cửa Việt, từng được vinh danh là một điển hình làm kinh tế giỏi ở Quảng Trị kể mà như khóc: “Tôi bán 3 tháng mà chỉ bằng lúc xưa bán trong…1 ngày. Kinh khủng không?”
Ðể cố thay đổi tình hình, bà Thiếc đã cố giảm giá bán mặt hàng sứa, bán hàng trước lấy tiền sau, nhưng việc buôn bán của chị mấy tháng qua vẫn… không đủ trả tiền điện.

“Trước, tôi bao toàn bộ thị trường sứa từ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên-Huế nhưng từ khi xảy ra vụ Formosa xả độc ra biển, hàng gửi đi bạn hàng không bán được gửi trả về. Tôi bảo, thôi mấy anh chị gửi luôn vào bãi rác chứ gửi về đây làm chi cho tốn tiền cước,” bà Thiếc kể.

Từ việc cơ sở có 10 lao động, nay cơ sở của bà Thiếc chỉ còn lại mình chị, trong khi cơ sở còn tồn khoảng 20 tấn sứa đang được ngâm nước muối. “Số sứa này tôi nhập vào từ cuối tháng 3. Năm tháng qua rồi mà tôi không bán được nên giờ nó nổi bọt bèo, phân hủy và bốc mùi hôi rất ghê. Không thể sử dụng được nữa,” bà Thiếc cho biết thêm.

Xác định như vậy nên cách đây một tuần, bà Thiếc đã viết đơn lên các cấp chính quyền, trình bày sự việc, mong sự giúp đỡ để tiêu hủy số sứa này và vẫn đang chờ hồi âm.

Cũng tin Thanh Niên, liên quan đến vụ tồn kho cá đông lạnh, ngày 25 tháng 8, ủy ban tỉnh Quảng Trị cho hay, đã phê duyệt phương án tiêu hủy 60 tấn hải sản đông lạnh, gồm 20 tấn hải sản nghi nhiễm phenol của bà Lê Thị Thuộc, ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, 40 tấn hải sản tại các kho đông lạnh khác ở huyện Triệu Phong và huyện Gio Linh. Ðây là số hải sản được thu mua trong thời điểm xảy ra sự việc môi trường biển bị nhiễm độc do Formosa gây ra, với chi phí gần 100 triệu đồng.(Tr.N)




No comments:

Post a Comment

View My Stats