Tuesday 3 May 2016

VIỆT NAM ĐANG ĐỐI DIỆN VỚI KHỦNG BỐ CHẤT ĐỘC hay ĐANG LÀ MỘT BÃI RÁC CÔNG NGHIỆP ? (Nguyễn Hoàng Phố)





Nguyễn Hoàng Phố
Posted by adminbasam on 03/05/2016

1. Khủng bố chất độc

Ảnh minh họa: khủng bố chất độc. Nguồn: internet

Khi nói đến khủng bố ta hay nghĩ đến các tổ chức cuồng tín, tàn bạo phần lớn từ các nước đang phát triển.  Khủng bố là phương tiện mà kẻ yếu và không có tính chính đáng dùng để tiêu diệt và đe dọa đối tượng bị cho là kẻ thù, nhưng sự thực thì đa số thương vong do khủng bố gây ra là dân lành vô tội.

Nhưng không phải bao giờ khủng bố cũng do các nhóm cuồng tín, những kẻ yếu không có tính chính đáng gây ra, đặc biệt là khủng bố chất độc (toxic terrorism), chữ của Phil O’Keege (1988). Khủng bố chất độc dùng để chỉ hành vi đem chất thải độc hại từ xứ mình đổ sang xứ người gây ra bệnh tật chết chóc cho hàng triệu người đang sống và dị tật cho hàng triệu sinh linh sắp ra đời.

Thủ phạm của khủng bố chất độc không ai khác hơn là các tập đoàn, công ty công nghiệp ở các nước phát triển. Bị hạn chế vì các qui định quốc tế và quốc gia về rác thải công nghiệp, các công ty ở các nước phát triển đã tìm cách luồn lách đưa số rác khổng lồ này sang các nước nghèo, bằng cách móc nối sự tiếp tay đồng lõa của bộ máy tham nhũng của chính quyền ở các nước nghèo.  Hành vi vô đạo, phi nhân tính, và hủy hoại nhân thế này được gọi một cách mỹ miều là mua bán rác thải độc hại, toxic waste trade. Sam Omatseye, trích trong Phil O’Keege (1988, trang 87), cay đắng, và phẫn nộ:

“…nạn mua bán rác thải độc hại một lần nữa cho thấy châu Âu luôn nghĩ về châu Phi như một vùng đất hoang dã (wasteland), và con người ở đó, những sinh linh hoang phế (waste beings).”

Ngoài các công ty châu Âu, các công ty từ những quốc gia phát triển ở các châu lục khác cũng là thủ phạm của khủng bố chất độc. Khủng bố chất độc về bản chất là một hành vi vô đạo, phi nhân tính, và hủy hoại nhân thế. Vô đạo vì những kẻ khủng bố chất độc đã bất chấp những chuẩn mực về đạo lý con người: không những giết người hàng loạt mà còn huỷ diệt mầm sống con người. Có thể nói hành vi đem chất thải độc hại từ xứ mình đổ sang xứ người là tội ác giết người hàng loạt. So với tộc ác chiến tranh do Đức quốc xã gây ra thì  khủng bố chất độc là một loại ‘siêu tội ác’, vượt ra ngoài phạm vi không gian và thời gian. Làm sao có thể so sánh sáu triệu người Do Thái bị giết tại châu Âu trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1945, với nạn nhân của khủng bố chất độc: có ngành khoa học nào thống kê chính xác bao nhiêu người bị liên lụy vì chất độc, họ là ai, ở đâu, từ lúc nào, và bao giờ thì khủng bố chất độc chấm dứt. Phi nhân tính vì kẻ khủng bố chất độc giết người một cách tính toán, lạnh lùng, giết người vì lợi nhuận. Khủng bố chất độc hủy hoại nhân thế vì nó không chỉ giết người mà còn giết cả nguồn sống con người: môi trường.

2. Khủng bố chất độc tại châu Á

Một trong các nước nghèo ở châu Á bị khủng bố chất độc là Campuchia.  Thủ phạm là tập đoàn Đài loan Formosa Plastic’s Group. Công ty mẹ của Formosa Hà tĩnh. Sau nhiều năm sản xuất nhựa và sản phẩm hóa dầu,  tập đoàn Đài loan Formosa Plastic’s Group phải đương đầu với một hệ lụy: đó là số lượng rác độc hại chứa thủy ngân lên đến 14 ngàn tấn ( theo số liệu của Jud Lohnes 1999), chứa chất tại Jenwy, Đài loan.  Pháp luật và áp lực quần chúng không cho phép Formosa Plastic’s Group chôn lấp lượng rác này tại Đài loan.

Khủng bố rác thải bắt đầu từ đây. Qua công trình nghiên cứu của Angela Ambroz (2007), ta biết rằng năm 1998 tập đoàn Formosa đã thuê một công ty Đài loan, công ty Ching Fu, chuyên chở một lượng rác có chứa thủy ngân sang một nước khác, theo Jud Lohnes thì lượng rác này là ba ngàn tấn. Dĩ nhiên, đó không thể là một nước phát triển có luật lệ nghiêm minh về môi trường. Công ty Ching Fu móc nối với một công ty của Campuchia, có tên gọi rất sạch sẽ về môi trường, Công ty xuất nhập khẩu Muth Vuthy. Công ty Muth Vuthy đưa số rác thải này về Campuchia dưới dạng những khối bê tông, nhưng bên trong là rác công nghiệp, chứa thủy ngân và các chất độc công nghiệp, và chôn xuống một cánh đồng gần ngôi làng Bettrang, thành phố Sihanouk. Trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ số ‘hàng nhập khẩu’ này một số công nhân bị nhiểm bệnh vì tiếp xúc với chất độc, và một công nhân đã chết.

Tai họa không dừng ở đó, dân làng Bettrang đã tìm đến bãi rác, hình thành ‘nhờ’ công ty xuất nhập khẩu Muth Vuthy để thu lượm nylon vì không ai biết họ đang tiếp xúc với chất độc và đã mắc bệnh.  Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các khối bê tông bị vỡ ra và rác thải lộ diện. Dân làng Bettrang nổi loạn và tháo chạy khỏi làng. Có hai nhà hoạt động nhân quyền bị kết tội oan là kích động nổi loạn.

Dưới áp lực của dư luận, chính phủ Campuchia yêu cầu tập đoàn Formosa bốc dỡ số rác công nghiệp này ra khỏi Campuchia, và tập đoàn đã đồng ý thực hiện. Formosa và chính phủ Campuchia đã hợp đồng một công ty Mỹ, công ty Camp Dresser và McKee giám sát hoạt động bốc dỡ rác thải và tẩy độc khu vực bị nhiểm độc. Còn việc bốc dỡ thì Formosa thuê một công ty Mỹ khác chuyên xử lý rác thải, công ty Safety Kleen Services. Công ty Safety Kleen Services dự tính đưa số rác thải này về Mỹ để xử lý nhưng không được Ủy ban bảo vệ môi trường Mỹ đồng ý một phần do bị dân Mỹ phản đối và phần nữa căn cứ vào kết quả xét nghiệm độc tố của rác. Điều kinh khủng là sau khi đá qua đá lại giữa Mỹ và Đài loan số rác thải đã bị chôn dấu ở một nơi nào đó không ai biết.

3. Việt nam đang đối diện với khủng bố chất độc?

Số rác thải đó về đâu? Có quanh quẩn ở khu vực Đông Nam Á hay không? Cứ giả thiết là nó không có ở Việt Nam. Liệu ta có thể khẳng định là tập đoàn Đài loan Formosa Plastic’s Group đã giải quyết một cách an toàn, hợp pháp số rác trên, rằng đó là một tập đoàn làm ăn chân chính, đàng hoàng, và công ty con Formosa Hà tĩnh cũng làm ăn chân chính, đàng hoàng. Vụ cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân từ Hà tĩnh đến Thừa thiên-Huế, và phát biểu của đại diện công ty Formosa Hà tĩnh, cá hay thép, cũng như cung cách xử lý của chính quyền địa phương, không cho phép chúng ta đi đến một khẳng định tích cực. Không thể  khẳng định tích cực chừng nào những câu hỏi dưới đây chưa có câu trả lời.

1.    Tại sao Formosa Plastic’s Group đầu tư vào nhà máy thép trong khi tập đoàn chuyên về hóa dầu và nhựa, và các nhà máy thép trên thế giới đang đối diện với phá sản vì cung vượt cầu, tập đoàn Tata là một ví dụ?
2.    Nguồn cơn nào khiến một công ty không chuyên về thép lại thắng một công ty chuyên về thép, tập đoàn Tata, tại Hà tĩnh?
3.    Về vụ cá chết hàng loạt, câu hỏi cá hay thép của đại diện Formosa Hà tĩnh tự nó đã là một phần câu trả lời: sự tồn tại của Formosa Hà tĩnh đồng nghĩa với sự hủy diệt môi trường. Nhưng vấn đề là tại sao vị đại diện này có thể phát biểu công khai như thế? Vì điều đó cho thấy việc cá chết hàng loạt dường như đã được dự liệu trước.
4.    Cung cách ứng xử của chính quyền khiến nghi vấn về một sự ưu ái không bình thường nào đó của chính quyền dành cho Formosa Hà tĩnh ngày càng có thêm cơ sở. Tại sao ngay từ đầu đại diện của Bộ tài nguyên môi trường khẳng định ngay là cá chết do thủy triều đỏ, cho dù chưa có một chứng cứ khoa học nào? Tại sao chứng cứ về sự tồn tại của chất độc crom mà Thừa thiên Huế cung cấp không hề được đề cập công khai?  

Việc yêu cầu Formosa Hà tĩnh đưa ống thoát ngầm lên cạn chỉ là một giải pháp tình thế, tự nó cũng cho thấy có nhiều khuất tất. Nếu việc Formosa Hà tĩnh đặt  ống thoát ngầm là vi phạm luật Việt Nam thì cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc vi phạm không được phát hiện này. Cần nhớ là chính người dân đã phát hiện và báo cáo cho nhà cầm quyền.  Không thể viện dẫn qui chế đặc biệt dành cho Formosa Hà tĩnh không cho phép chính quyền giám sát trực tiếp. Vì nếu có một qui chế như thế, thì đó là một qui chế đã đặt cược số phận của thế hệ tương lai của Việt Nam vào trong tay một tập đoàn đã từng gây ra khủng bố chất độc tại quốc gia láng giềng.

Còn nếu là việc đặt ống ngầm là đúng luật thì chính phủ Việt Nam không có quyền yêu cầu đưa ống thoát ngầm lên cạn. Câu hỏi đặt ra là cơ quan nào của chính phủ Việt Nam giám sát việc thải hóa chất qua ống ngầm. Nếu không có cơ quan nào giám sát thì phải hiểu như thế nào việc chính quyền dễ dàng cho một tập đoàn tai tiếng về môi trường tự xử lý hóa chất thải.

4. Việt Nam đang là một bãi rác công nghiệp?

Ngoài khủng bố chất độc, một vấn nạn khác của môi trường là rác thải công nghiệp không độc hại. Đó là những máy móc, công nghệ lạc hậu, mà các nước phát triển đổ vào các nước nghèo kém phát triển thay vì phải tốn kém tiêu hủy, thông qua cái gọi là cho vay lãi xuất thấp để các nước nghèo mua, hay liên doanh để đưa công nghệ, máy móc lạc hậu sang nước nghèo góp vốn. Chưa nói về tính cạnh tranh, vì sản phẩm của các nhà máy loại này không thể bắt kịp chất lượng  của sản phẩm do công nghệ máy móc hiện đại hơn, công nghệ và máy móc lạc hậu buộc các nước nghèo phải chi tiêu nhiều hơn trong việc đảm bảo môi trường, bằng không cái giá của sản phẩm công nghiệp loại này là một môi trường bị hủy diệt.  Cuối cùng, các nước nghèo chưa kịp thu hồi vốn thì đã phải tính đến việc loại bỏ thay thế công nghệ máy móc lạc hậu đã nhập về. Vừa tốn tiền, vừa tự tạo ra một bãi rác mà bản thân không đủ khả năng xử lý, các nước nghèo lại phải thuê các nước phát triển giải quyết. Đây là một trò trêu ngươi của lịch sử: Nếu vào những năm cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 cùng với sự phát triển công nghiệp ở châu Âu là làn sóng các nước châu Âu đi săn lùng tài nguyên tại các nước kém phát triển ở châu Á, Phi, để phục vụ cho lợi ích của mình, thì đến những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 các nước phát triển, lần này không giới hạn ở châu Âu, cũng tìm đến các nước nghèo kém phát triển lớn ở Á, Phi, cũng vì lợi ích của mình, biến các nước này thành bãi rác công nghiệp của mình.

Trong bối cảnh Việt Nam, cần phải nói một cách chính xác là Việt Nam đang là một bãi rác của Trung quốc. Nếu có ai nghi ngờ, thì hảy tìm đọc các dữ liệu về các nhà máy tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ, máy móc Trung quốc. Còn thực tế, thì hảy nhìn lại toàn cảnh bôxít Tây nguyên và vụ rò rỉ bùn đỏ gần đây.  
_____

Tài liệu tham khảo
Angela Ambroz. 2007. The illegal dumping of hazardous waste: A model of two markets. MA thesis. University of Oxford.

Marthe Sende. 2010. Toxic Terrorism. A Crisis in Global Waste Trading.  Anamesa Vol. 8, Num.1.

Jud Lohnes. 1999. Hazardous Materials and Energy: Taiwanese Company Dumps 3000 Tons of Toxic Waste in Cambodia. Colorado Journal of International Environmental Law and Policy.

Jessica C. Stabile. 2006. Clashes Between Economies and Environments: ConsumerismVersus Conservation in Taiwan and Hong Kong. Asian Pacific Law and Policy Journal. Vol. 7, Issue 2. Phil O’Keefe. 1988. Toxic Terrorism. Review of African Political Economy, No. 42.

Báo chí Việt Nam từ giữa tháng 4.





No comments:

Post a Comment

View My Stats