Tuesday 3 May 2016

NGÀY THUYỀN NHÂN TẠI LITTLE SAIGON (Nguyên Huy/Người Việt)





Nguyên Huy/Người Việt
Sunday, May 1, 2016 1:49:45 PM 

Bài liên quan



WESTMINSTER, California (NV) - Trong không khí tưởng niệm ngày quốc hận 30 Tháng Tư tại Little Saigon, Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân long trọng tổ chức Ngày Thuyền Nhân tại Tượng Đài Thuyền Nhân, bên trong Westminster Memorial Park hôm Thứ Bảy, 30 Tháng Tư.

Phút khai mạc Ngày Thuyền Nhân trước Tượng Đài Thuyền Nhân, Westminster. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Bảy năm qua, năm nào Ngày Thuyền Nhân cũng được tổ chức tại đây vào cuối Tháng Tư, với đông đảo đồng hương  từ nhiều nơi về tham dự. Nhiều gia đình đến để dâng lên những bó hoa tươi trước những bia đá ghi khắc tên những thuyền nhân kém may mắn không đến được bến bờ tự do.

Trong dịp này, nhà thơ Thái Tú Hạp, đại diện ủy ban, ngỏ lời cùng quan khách và đồng hương tham dự, và nói về ý nghĩa của ngày này.

Ông nói: “Con người làm nên lịch sử. Biến cố thuyền nhân Việt Nam là lịch sử không chỉ của người Việt Nam mà cho cả nhân loại. Hàng năm chúng ta tổ chức ngày này để tưởng nhớ đến những thuyền nhân, những bộ nhân đã không được may mắn như chúng ta đến được những phần đất tự do nơi con người được sống làm người. Chúng ta tổ chức Ngày Thuyền Nhân cũng là để nhắc nhở con em chúng ta đừng quên rằng cộng đồng Việt Nam đã viết lịch sử của mình bằng máu và nước mắt để các thế hệ sau hiểu rằng vì đâu mà người Việt Nam lại có mặt khắp nơi trên thế giới.”

Nhiều quan khách tham dự đã phát biểu ý kiến. Điều rất đáng lưu ý là trong số bảy quan khách người Việt lên phát biểu có đến năm người là thuyền nhân hay trong gia đình thuyền nhân như Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, Thị Trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn, Nghị Viên Fountain Valley Michael Võ...

Tất cả đều bầy tỏ ý nghĩ chân thực rằng biến cố 30 Tháng Tư đã gây nên thảm nạn thuyền nhân. Thảm nạn ấy đã cho thế giới hiểu về lòng yêu chuộng tự do của người Việt Nam và cho các thế hệ trẻ sau này biết đến cái giá của tự do, biết đến sự có mặt của mình ở nhiều nơi trên thế giới đã phải “mua” bằng máu và nước mắt của cha anh mình, của các chiến sĩ VNCH và đồng mình.

Cũng trong dịp này, Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal nhắc tới sự hy sinh bi thảm của các thuyền nhân Việt Nam và ông cho biết một lá cờ vàng ba sọc đỏ của VNCH đã được treo trước văn phòng của ông trong Quốc Hội Hoa Kỳ và một nghị quyết cũng được Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua, xác nhận Tháng Tư là tháng tưởng niệm biến cố 30 Tháng Tư.

Một gia đình dò tên nạn nhân thuyền nhân trên những bia đá đặt chung quanh Tượng Đài Thuyền Nhân. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Chưa có một thống kê chính thức, nhưng theo ước lượng trong cộng đồng người Việt hải ngoại thì hơn một nửa cộng đồng người Việt ở hải ngoại là thuyền nhân trong suốt quãng thời gian hơn 10 năm trời. Nếu thế giới không mỏi mệt phải đóng cửa các trại tị nạn ở Đông Nam Á thì phong trào thuyền nhân Việt Nam không biết sẽ còn kéo dài cho đến bao giờ, mặc dù thảm nạn thuyền nhân thì ai cũng biết dù chưa đi hay đang tìm đường đi.

Tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại ngày nay đã hiểu và nhận thấy, như lời phát biểu của Giám Sát Viên Andrew Đỗ, rằng: “Ít có cuộc di tản nào trong lịch sử thế giới lại bi thảm nhưng rất hùng tráng như phong trào thuyền nhân Việt Nam.”

Và ông có nhận xét rằng: “Những cuộc di tản bi thảm ấy nay đã làm nên một cộng đồng người Việt hải ngoại không chấp nhận Cộng Sản và trở thành một đối trọng chính trị với nhà cầm quyền hiện tại ở trong nước.”

Thuyền nhân đã trở thành một danh từ của nhiều ngôn ngữ trên thế giới khi nói đến tự do, vì nó phản ánh được tinh thần yêu chuộng tự do của người Việt. Thế nhưng, người Cộng Sản lại rêu rao rằng đó là những con người “phản quốc” tiếp tục bám theo “đế quốc” để “được ăn bơ thừa sữa cặn.”

Thái độ thù hằn đó chỉ là những năm tháng đầu khi mới chiếm được miền Nam trù phú, nhưng nay thì chính quyền Cộng Sản lại khác, lại gọi thuyền nhân là “khúc ruột ngàn dặm,” và hàng năm nhận của “khúc ruột” này cả chục tỷ đô la.





No comments:

Post a Comment

View My Stats