Monday 23 November 2015

Chọn lựa giữa Miến Điện và Trung quốc (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-11-2

Cái bắt tay lịch sử của tổng thống Myanmar Thein Sein (trái) với lãnh tụ Đảng đối lập, bà Aung San Suu Kyi.  AFP

Tạp chí điểm blog tuần này tập hợp những bình luận của các blogger trên trang cá nhân, trên các trang mạng xã hội,… xung quanh những sự kiện lớn của đất nước.

Không có khủng bố nhưng đầy rẫy bạo lực.”

Một blogger đã viết như thế về Việt nam, sau khi vụ khủng bố kinh hoàng nổ ra ở thủ đô Paris nước Pháp.
Vụ khủng bố xảy ra ở một xã hội mở, không kiểm soát tư tưởng của dân chúng, không ngăn cản người dân tụ tập với nhau, không ngăn cản tự do phát biểu ý kiến.

Những người chủ trương duy trì một xã hội độc đảng, kiểm soát khắt khe công dân của mình nói rằng họ đã đúng, vì những vụ khủng bố như thế không xảy ra ở Việt nam.

Blogger Cánh Cò không đồng ý như thế, viết rằng ở Việt nam lại có những phương cách khủng bố khác, ví dụ như là bắt bớ giới luật sư không lý do, đánh đập những người biểu tình,.. những kiểu khủng bố mang tính tinh thần không làm chết ai nhưng làm người dân tê cứng trong sợ hãi.

Cánh Cò viết tiếp:
Khủng bố tại các nước cộng sản như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Việt Nam đều mang dạng thức chà đạp nhân quyền để đạt mục đích được rêu rao là giữ gìn an ninh công cộng. Những cái chết âm thầm trong trại giam, những con người bị lôi sềnh sệch tại Tây Tạng, Tân Cương hay Hà Nội đều giống nhau vì họ tranh đấu cho nhân quyền, cho quyền làm người phổ quát mà ai cũng được quyền hưởng.

Từ nơi diễn ra cuộc thảm sát Paris ngày thứ sáu đẫm máu tác giả Hoàng Ninh nhớ lại thảm họa sóng thần tại Nhật bản. Cả ở hai nơi, người dân đều bình tĩnh ngẫng cao đầu sau tai ương, điều làm cho tác giả rơi lệ. Hoàng Ninh liên tưởng đến một nơi khác, một cảnh tượng xã hội rối loạn mà người đọc có thể dễ dàng nghĩ đến quê hương Việt nam của tác giả:

Tôi viết ra những điều này trong không khí tang thương của nước Pháp và thông tin về động đất gây sóng thần vừa xảy ra tại Nhật Bản, sự xúc động về hình ảnh đau thương và cao đẹp khiến tôi rơi lệ. Đâu đó trên thế giới này vẫn xảy ra cảnh giẫm đạp dẫn tới thảm họa không đáng có, vẫn có cảnh cướp bóc trong thiên tai bão lũ, vẫn có cảnh chính quyền vô cớ đánh đập, giết hại chính công dân của họ.

Bình luận về xã hội Việt nam hiện nay, blogger Viết từ Sài gòn đưa ra một hình ảnh bạo lực đang ngày càng tăng, một xã hội không luật pháp:

Một xã hội mang đậm bản chất mông muội, không có phương hướng bởi xã hội không tôn trọng pháp luật, không có pháp luật để tôn trọng, mạnh ai nấy lấn, mạnh ai nấy thắng, cá lớn nuốt cá bé. Với kiểu sống không có pháp luật, kẻ mạnh hiếp người yếu, quan chức hiếp dân đen đã tồn tại quá lâu trên đất nước này đã đẩy người dân đến chỗ sợ hãi tột cùng và mặc cảm tột cùng. Khi con người rơi vào trạng thái mặc cảm và sợ hãi tột cùng, phản ứng rất tự nhiên sẽ là tự phát huy bản năng cắn xé để tồn tại. Bất kì chuyện gì cũng đều được nói chuyện bằng bạo lực, bởi chỉ có bạo lực mạnh nhất mới tồn tại được trong xã hội đầy rẫy bạo lực.

Miến Điện hay Trung quốc?

Nhưng ở một lân bang khác từng ở trong tình trạng toàn trị hà khắc như Việt nam lại đang thay đổi một cách ngoạn mục. Người dân Miến Điện lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ đã có thể dùng lá phiếu của mình một cách công bằng. Đảng đối lập Miến Điện của lãnh tụ Aung San Suu Kyi sẽ lên nắm chính quyền, bắt đầu tiến trình dân chủ hóa đất nước dựa trên một nền tảng đa nguyên.

Giáo sư Ngô Nhân Dụng từ California kêu gọi mọi người dân Việt nam hãy nhìn sang Miến Điện để lấy đó làm gương.

Nhưng nhiều blogger cho rằng Miến Điện không phải là Việt nam, sự độc tài ở Miến Điện không độc hại như độc tài cộng sản tại Việt nam. Một trong những người đó là blogger Song Chi:

Dù Myanmar phải chịu đựng một chính quyền quân sự độc tài nhưng không phải do đảng cộng sản lãnh đạo, Myanmar không bị nhiễm độc bởi hệ thống tư tưởng Marxism-Leninism, lịch sử nhân loại cho đến giờ này đã cho thấy chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản là hai học thuyết có tác hại lớn nhất mà con người nghĩ ra, và những chế độ được hình thành, xây dựng từ hai học thuyết này là những chế độ tồi tệ nhất cho đất nước, dân tộc đó.

Blogger Thiện Tùng cho rằng Việt nam cũng đã có nhiều người dấn thân không mệt mỏi cho nền dân chủ, không kém cạnh gì người Miến Điện cả. Nhưng theo tác giả này thì ở Miến Điện có Tổng thống Thein Sein, người mặc dù thuộc tầng lớp quân nhân đang nắm quyền tuyệt đối, đã can đảm chấp nhận một sự thay đổi dân chủ. Theo Thiện Tùng thì ông Thein Seine đã thực hiện một cuộc cách mạng từ trên xuống, đưa đến cuộc thay đổi ngoạn mục vừa qua, còn tại Việt nam thì những nhà lãnh đạo cộng sản hiện nay không có cái can đảm đó.

Giáo sư Tương Lai, một mặt cho rằng một điều cản trở việc cải cách ở Việt nam là chủ nghĩa cộng sản mà ông gọi là bóng ma ý thức hệ, ông còn rút ra một bài học từ Miến Điện và dường như muốn nhắn gửi bài học đó đến các nhà lãnh đạo cộng sản Việt nam hiện nay:

Cách xử lý tình huống theo kiểu các tướng lĩnh cầm quyền ở Myanmar đương nhiên mang tính đặc thù tương thích với điều kiện lịch sử cụ thể của họ. Nhưng thực hiện một bước đột phá trong cải cách thể chế để mở đường cho tiến trình dân chủ dấn bước một cách hoà bình, không manh động, tránh bạo động chính là con đường thoát hiểm của những người đang nắm quyền biết rõ là uy tin và quyền lực của họ đang lung lay trước tâm thế bất an của xã hội và sự phẫn nộ của dân đang được tác động của bối cảnh quốc tế mới. Đó cũng chính là bài học của sự kiện Myanmar.

Một lý do khác được các blogger dùng để giải thích sự thành công trước mắt của công cuộc dân chủ hóa Miến Điện là đất nước này đã biết cách thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của Trung quốc. Trong khi đó thì Việt nam vẫn loay hoay trong cái mà người cựu sinh viên tranh đấu năm xưa Hạ Đình Nguyên gọi là cuộc hôn nhân cưỡng bức 65 năm.

Hạ Đình Nguyên nhìn lại chuyến viếng thăm Việt nam của ông Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình, điểm lại những gì ông ta nói và đặt câu hỏi rằng đảng cộng sản Việt nam hiện nay là những người như thế nào mà lại có một vị khách quí ngông nghênh như ông Tập Cận Bình.
Những gì ông Tập hay những lãnh tụ cộng sản Trung quốc khác đang làm được Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng là những nổ lực để kềm giữ Việt nam nằm trong vòng cương tỏa của Trung quốc.

Hy vọng vào một cuộc cách mạng không đổ máu

Nhà hoạt động dân sự Nguyễn Anh Tuấn không bi quan rằng tình trạng hiện nay của Việt nam không có lối thoát khi so với Miến Điện. Anh viết rằng:

Tôi mơ về những chàng trai cô gái Việt Nam tuổi đôi mươi lang bang trên đường phố Yangon, và cả Jakarta, Manila, Hongkong, Ai Cập, Tunisia, Serbia…để học về đấu tranh dân chủ và xây dựng xã hội dân sự. Học từ cả thành công và thất bại của mỗi nước. Hơn là quẩn quanh trong hai chữ “vận nước” để lý giải bi kịch dân tộc. Bởi lẽ, một lần nữa, dân chủ là lựa chọn, chứ không bao giờ là số phận.

Nguyễn Anh Tuấn cho rằng kiểu kềm kẹp xã hội khắc nghiệt của chủ nghĩa cộng sản cũng được các nhà độc tài quân sự Miến điện áp dụng ở đất nước của họ, vì thế đó không phải là lý do mà Việt nam không thể thoát được xã hội toàn trị hiện nay.

Thiện Tùng thì một lần nữa hy vọng một cuộc cách mạng từ trên xuống với ý chí của các nhà lãnh đạo cộng sản hiện nay. Ông cảnh báo rằng nếu không có sự chuyển đổi từ trên xuống sẽ có những cuộc cách mạng bạo lực.

Đó cũng là ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị bỏ tù vì hoạt động dân chủ:

Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn may mắn, nhưng may mắn sẽ không còn đến với họ quá nhiều lần nếu tội ác và bất công vẫn tiếp tục xảy ra trên đất nước vốn đã trải qua quá nhiều đau thương này.
Tất cả chúng ta, những người Việt Nam yêu tự do, dân chủ, hòa bình và công lý hãy chuẩn bị và sẵn sàng cho những sự kiện tới đây để có thể thay đổi đất nước của mình. Cần phải chấm dứt tội ác và bất công, độc tài trên đất nước Việt Nam yêu quí của chúng ta.

Niềm hy vọng về một cuộc cách mạng từ trên xuống như Miến Điện dường như được tăng lên khi  Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng cơ sở luật pháp của một thể chế dân chủ đa nguyên đã có sẳn trong luật của đảng cộng sản hiện nay khi ông trích điều 25 của Hiến pháp năm 2013 rằng

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Để kết thúc bài điểm blog của tuần lễ nhiều biến động trên thế giới, xin trích lời tác giả Hoàng Ninh từ Pháp, và trang Triết học đường phố :

Nhưng quyền con người với những giá trị của tự do dân chủ chắc chắn sẽ còn lan tỏa mạnh mẽ để chiếu sáng những góc tối còn lại trên thế giới này và rằng những điều tốt đẹp sẽ đến với dân tộc nào thực lòng quyết tâm theo đuổi nó.
Tự do phải trả bằng máu, kể cả mạng sống của mình. Đó là sự thật, là chân lý mà bất kỳ ai, bất kỳ thời đại nào, xã hội nào muốn có phải chấp nhận điều đó. Nhưng đừng buồn, đừng thất vọng, đừng sợ hãi, đừng từ bỏ khi tự do chúng ta tranh đấu lại phải trả bằng máu. Máu có thể đổ, mạng sống có thể mất nhưng hãy để máu đó xây dựng hoà bình thay vì chiến tranh; máu của tình yêu thay vì hận thù; máu của sự hoà hợp, cảm thông, sẻ chia thay vì chia rẽ, bất hoà và lòng tham.





No comments:

Post a Comment

View My Stats