Saturday 10 October 2015

Vô trách nhiệm (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh  -  Vien Dong Daily
09/10/2015

Khoảng 100 người đã tụ tập bên ngoài tòa đại sứ Nga tại Hoa Thịnh Đốn ngày thứ Sáu, để phản đối Tổng Thống Vladimir Putin và sự việc quân đội Nga đang can thiệp vào cuộc chiến tại Syria. Nga đã thực hiện hàng chục cuộc oanh kích trên danh nghĩa đánh quân Hồi cực đoan ISIS, nhưng trên thực tế Nga đã triệt hạ các phiến quân chống chính phủ của Tổng Thống Bashar al-Assad. Việc này đã giúp ISIS nằm được thêm một số lãnh thổ mà Nga vừa oanh kích mới đây. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Nhận định về việc khu trục Nga bay vào không phận Thổ (Turk), một viên chức trong chính phủ Mỹ ví von, “Vladimir Putin nhúng ngón chân xuống nước để thử xem nước nóng cỡ nào,” ý so sánh hành động khiêu khích quân sự của Nga với thái độ dè dặt thử nhúng ngón chân xuống nước của người sắp bước vào bồn tắm.

Câu nói vô trách nhiệm, vì người phát ngôn đặt điều kiện với phóng viên The New York Times là bài báo không nêu tên ông ta lên, và vì ông hãnh diện trước phản ứng can đảm của không quân Thổ -cho hai chiếc F 16 lên nghênh đón và áp tải hai khu trục Nga bay “lạc”- phải bay ra khỏi không phận Thổ.

Ông viên chức Hoa Thịnh Đốn không nói ông hãnh diện vì phản ứng không làm gì cả của Mỹ.

Nga nói việc khu trục Nga bay vào không phận Thổ chỉ là một “sai lầm vô tội,” và cho biết “chí nguyện quân” Nga sẽ tham chiến trên chiến trường Syria. Lợi hại của ba chữ "chí nguyện quân" là, người Nga tham chiến với đầy đủ vũ khí Nga, quân cụ và tiếp vận Nga, nhưng trên danh nghĩa, nước Nga vẫn đứng ngoài. Một lần Nga đã thành công trong việc sử dụng chí nguyện quân chiếm bán đảo Crimea của Ukraine; Putin đã đến thị sát Crimea sau đó, nhưng trên sân khấu chính trị ông vẫn không nhận vai trò xâm lược.

Trung Cộng cũng từng thành công trong việc đưa chí nguyện quân sang cứu Bắc Hàn năm 1951. Chí nguyện quân Trung Cộng đẩy lui lực lượng của đại tướng Douglas MacArthur ra khỏi lãnh thổ Bắc Hàn. Nhắc lại hai thành tích này của chí nguyện quân để nhận định Nga sẽ sử dụng hình thức can thiệp quân sự đó -để trực tiếp nhưng không chính thức tham chiến tại Syria- một lối chiến tranh mà Mỹ không làm được. Thanh niên Mỹ chỉ chấp nhận nguy hiểm, lao khổ tham chiến, và bị thương, bị giết trong những trận chiến tranh của Hoa Kỳ với một nước khác, và vị tổng tư lệnh hiện tại của quân đội Hoa Kỳ lại rất tiệt kiệm máu lính Mỹ.

Hôm thứ Hai 5/10, Tổng Thống Obama ra lệnh tăng cường tiếp tế cho hai lực lượng kháng chiến người Syrian gốc Kurd và gốc Ả Rập; cho đến giờ này, Mỹ vẫn tự giới hạn vai trò chiến đấu của mình vào không yểm và yểm trợ người Syria kháng chiến -yểm trợ bằng cách huấn luyện, võ trang, đài thọ chiến phí, và tiếp tế vũ khí, đạn dược.

Lệnh tiếp tế lần này chỉ có nghĩa, nếu trong những món vũ khí đạn dược cung cấp cho kháng chiến quân có hỏa tiễn phòng không và súng chống chiến xa - những vũ khí khắc kỵ của không quân và thiết giáp, Nga đang đưa vào chiến trường Syria. Chính hỏa tiễn phòng không Mỹ tiếp tế cho kháng chiến quân A Phú Hãn đã gây tổn thất nặng nề cho không quân Nga đến mức Nga phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược sau chín năm (từ tháng Chạp 1979 đến tháng Hai 1989) quần thảo với quân du kích Mujahideen tại đó.

Lần này Nga thận trọng hơn; mặc dù có sẵn căn cứ hải quân tại Tartus, trên lãnh thổ Syria, nhưng họ vẫn đổ chí nguyện quân xuống những hải cảng khác trên bờ biển Địa Trung Hải. Tổng Thư Ký Liên Âu Jens Stoltenberg nói với phóng viên CNN, “Tầm quan trọng của người Nga trên chiến trường Liên Âu mỗi ngày một nặng nề hơn; và không chỉ giới hạn vào hoạt động không yểm. Bộ binh của họ -dù không mặc quân phục để đóng vai chí nguyện quân- bắt đầu xuất hiện trên chiến trường."

Dĩ nhiên Liên Âu không đủ khả năng quân sự để chống lại một cuộc tấn công của Nga, và Hoa Kỳ cũng vô cùng dè dặt trước viễn ảnh khiếp đảm của một cuộc chiến tranh giữa hai siêu cường nguyên tử hùng mạnh nhất hiện nay.

Jens Stoltenberg: Liên Âu không phải là đối thủ quân sự của Nga

Ông Putin với các tướng Nga

Với căn cứ hải quân Tartus, hiện nay Nga đang có khả năng tung vào chiến trường mọi loại phi cơ chiến đấu, kể cả drones -những pháo tháp bay không người lái. Sẵn có mặt tại chỗ, và sẵn sàng bênh vực quyền lợi chính trị của mình tại Syria, là hai điểm mạnh của Nga.

Mục tiêu chính trị của Nga là bảo vệ chế độ Bashar al-Assad chống lại cả cuộc tấn công của lực lượng IS, lẫn hoạt động của lực lượng kháng chiến người Syria -được Mỹ yểm trợ. Ông Stoltenberg còn tố giác Nga đang sử dụng nhiều vũ khí điện tử, những phương tiện trinh sát, viễn sát, và loại phi cơ kiểm soát không phận IL-20; loại phi cơ kiểm soát này có công dụng giống như loại P-3 của Hải Quân Hoa Kỳ.

Thám thính chiến đấu cơ P-3 của hải quân Hoa K

Chiếc IL-20 của Nga

Nhìn qua góc cạnh "Mỹ và đồng minh chống Nga," nhiều quan sát viên quốc tế công nhận chiến tranh là hình thái chống trả duy nhất giúp Nga trả đũa thế giới. Họ đã thúc thủ, kinh tế của họ đang bị đông lạnh vì những biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ khởi xướng và cầm đầu. Trong thế “tam quốc tranh hùng tại Syria” hiện nay, Nga mạnh hơn Liên Âu trên khả năng quân sự, và mạnh hơn Hoa Kỳ trong tư thế liều mạng.

Putin ước định được thái độ “không nhúc nhích” của Liên Âu, ngày nào ông giữ cho mức đầu tư quân sự của Nga vào Syria đủ mạnh để Liên Âu ớn nhợn; và không quá đáng để tổng thống Mỹ không bị quần chúng, quốc hội, và dư luận áp lực vào thế phải phát động chiến tranh. Mặt khác Obama đang bỏ mọi yếu tố lên bàn cân để hoặc duy trì tình trạng hiện hữu, hoặc thay đổi chiến lược tại Syria.

Ngay lúc này, Quốc Hội Cộng Hòa vẫn đang tạo áp lực đòi hỏi Tổng thống Obama can thiệp vào cuộc chiến Syria. Họ bảo ông, "Hoa Kỳ đã ngồi ngoài ngưỡng cửa quá lâu." Obama không ngồi ngoài ngưỡng cửa chiến trường Syria; ông đã nhập cuộc, nhưng vẫn không để lính Mỹ trực diện đối phó với anh Ả Rập lái xe bom, hay nổ tung theo tiếng nổ của quả mìn tự chế IED (Improvised Explosive Device).

Có thể vị tổng thống kế nhiệm ông là một đảng viên Cộng Hòa, thích nổi tiếng là đã thắng trận, sẽ để lính Mỹ chạm gót giầy xuống chiến trường cát đỏ Trung Đông -nhưng việc đó vẫn không xảy ra trước ngày Obama mãn nhiệm. Obama không phải là một tổng tư lệnh vô trách nhiệm. (nđt)


Nguyễn đạt Thịnh
30/09/2015









No comments:

Post a Comment

View My Stats