Friday 2 October 2015

Quản lý tồi, quy hoạch kém khiến cao nguyên cũng bị ngập nặng (Người Việt)





Friday, October 2, 2015 3:36:23 PM 

ĐÀ LẠT (NV) - Hôm 1 tháng 10, 2015, chỉ sau một trận mưa lớn, hai thành phố cao nguyên là Đà Lạt và Buôn Ma Thuật cùng bị ngập nặng. Ngập lụt đã không còn là chuyện chỉ có ở đồng bằng!

Một khu dân cư ở phường 3, Đà Lạt bị cô lập sau trận mưa chiều 1 tháng 10. (Hình: Tiền Phong)

Tại Đà Lạt, chiều 1 tháng 10, sau trận mưa lớn kéo dài khoảng hai tiếng, mực nước ngập tại nhiều khu dân cư thuộc các phường 3, 8, 9, 12 đã dâng lên đến 1.5 mét.

Do nước từ thượng nguồn tràn về quá nhanh, nhiều gia đình bất lực nhìn lương thực, đồ gia dụng chìm trong nước. Cũng vì nước đột ngột dâng cao, chảy rất xiết, nhiều người đành đứng chờ nước rút để có đường về nhà. Nước cũng đã cuốn sập hàng rào của nhiều căn nhà và công thự trên các đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo... Chưa kể nước đã nuốt luôn hàng chục héc ta rau và hoa ở các khu vực Thái Phiên, Sở Lăng...

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Buôn Ma Thuật. Trận mưa lớn vào chiều 1 tháng 10 đã biến đường Lê Duẩn ở Buôn Ma Thuật thành sông. Nước chảy xiết tới mức, rất nhiều xe hai bánh gắn máy bị xô ngã.

Đáng ngại là tình trạng vừa kể liên tục lặp đi, lặp lại. Ông Huỳnh Thủ Đô, phó chủ tịch thành phố Buôn Ma Thuật, xác nhận, gần đây, tại Buôn Ma Thuật, cứ có mưa lớn là các con đường ở khu vực trung tâm Buôn Ma Thuật như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn... ngập nặng, nước chảy rất xiết. Đã có nhiều người bị thương, thậm chí thiệt mạng khi qua lại những con đường này sau các trận mưa lớn.

Các thành phố cao nguyên như Đà Lạt, Buôn Ma Thuật liên tục có lũ và thiệt hại nặng do ngập lụt không hoàn toàn vì thời tiết bất thường mà do sai lầm trong quy hoạch và quản lý đô thị.

Chẳng hạn, tại Buôn Ma Thuật, viên phó chủ tịch thành phố này nhìn nhận, sở dĩ cứ mưa lớn là có lũ, lụt vì các cửa thu nước trên nhiều con đường ở Buôn Ma Thuật không đạt yêu cầu, chưa kể một số nhánh cống thoát nước dang dở khiến lượng nước khổng lồ dồn về trung tâm thành phố.

Tương tự, tại Đà Lạt, phá rừng và các công trình thủy lợi đã khiến thành phố này trở thành hết sức nguy hiểm vào mùa mưa vì dường như lũ và lụt càng ngày càng hung bạo.

Hồi đầu tháng 6, sau một trận mưa kéo dài chưa đầy một tiếng, hàng trăm căn nhà nằm ở hạ nguồn suối Cam Ly, thuộc phường 4, Đà Lạt và hàng trăm héc ta rau, trái được trồng dọc dòng suối này đã từng chìm trong nước.

Do nước dâng lên rất nhanh và rất cao, đa số dân chúng chỉ kịp chạy ra khỏi nhà. Cũng vì vậy, có rất nhiều đồ đạc bị nước cuốn trôi. Lực lượng cứu nạn của Công an tỉnh Lâm Đồng đã phải vào từng nhà để hỗ trợ những người chậm chân di tản.

Cũng vào thời điểm đó, nước lũ đã cuốn một đại thụ cao hơn 16 mét bật gốc, đổ vào một biệt thự là Trạm Cảnh Sát Cơ Động của công an tỉnh Lâm Đồng, khiến biệt thự này bị sập một phần và một số xe loại pick-up truck trong trạm bị hư hại.

Xa hơn một chút, sau một trận mưa lớn kéo dài từ chiều 25 tháng 8 đến sáng 26 tháng 8 năm ngoái, dân chúng Đà Lạt từng phải chứng kiến một trận lũ lớn chưa từng thấy, nhấn chìm hàng trăm héc ta lúa, rau trái, hoa và vài trăm căn nhà tọa lạc ở khu vực thượng nguồn thác Prenn, thuộc phường 3, thành phố Đà Lạt, khu vực Sở Lăng, thuộc phường 10, thành phố Đà Lạt và khu vực xã Định An, huyện Đức Trọng ở Lâm Đồng. Thậm chí đến vài ngày sau vẫn còn khoảng 200 héc ta ruộng, vườn và khoảng 200 căn nhà ở xã Định An, huyện Đức Trọng chìm dưới mực nước từ nửa mét đến hai mét.

Vào thời điểm đó, báo giới Việt Nam cho biết, vì lũ đổ về lúc tờ mờ sáng nên đa số dân chúng trong những khu vực vừa kể không kịp di tản. Họ phải leo lên mái nhà chờ tiếp cứu. Phần lớn tài sản của họ nếu không bị lũ cuốn trôi thì cũng hư hỏng do bị dìm dưới nước.
Không chỉ nhấn chìm ruộng, vườn, nhà cửa, trận lũ hồi cuối tháng 8 năm ngoái đã cắt quốc lộ 20, đoạn từ Đức Trọng lên Đà Lạt thành nhiều khúc, đồng thời tạo ra hàng chục điểm sạt lở trên đèo Prenn khiến giao thông từ Sài Gòn lên Đà Lạt và ngược lại bị gián đoạn. (G.Đ.)






No comments:

Post a Comment

View My Stats