Saturday 10 October 2015

Nga biểu diễn sức mạnh quân sự ở Syria (Hà Tường Cát/Người Việt)





Nga biểu diễn sức mạnh quân sự ở Syria
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Thursday, October 8, 2015 6:57:11 PM 

Hôm Thứ Tư, một tuần lễ từ khi mở chiến dịch không quân ở Syria, 4 chiến hạm Nga trên biển Caspian đã phóng hỏa tiễn bình phi (cruise missiles) vào quân phiến loạn mà theo bộ quốc phòng Nga là nhóm Nhà Nước Hồi Giáo IS. 

Hỏa tiễn bình phi từ chiến hạm Nga ở biển Caspian bắn qua Syria. (Sơ đồ theo Washington Post)

Đây là lần đầu tiên, kể cả thời kỳ còn ở trong Liên Bang Xô Viết,  hải quân Nga dùng loại vũ khí vốn đã từng được Hải Quân Hoa Kỳ sử dụng quen thuộc trong nhiều chiến dịch như Afghanistan, Iraq, Libya,...

Từ biển Caspian đến các mục tiêu ở Syria xa 900 dặm, hỏa tiễn phải bay qua không phận Iran và Iraq. Bộ quốc phòng Nga nói tất cả 26 hỏa tiễn đều đến đích, và cho biết  3M-14T Kalibr NK là loại hỏa tiễn bình phi thế hệ mới nhất của Nga có thể đánh trúng trong vòng 9 feet cách mục tiêu.

Tuy nhiên bộ quốc phòng Hoa Kỳ cho biết đài truyền hình Iran nói rằng “có một vật bay lạ” rớt nổ ở một làng gần thành phố Takab làm chết mấy con bò. Thông thường các hỏa tiễn bình phi  thường bay rất thấp để tránh radar phát hiện, cho nên dễ xảy ra trục trặc khi bay qua vùng núi và chuyện bị rớt không có gì là lạ.

Theo chiến thuật của Mỹ, hỏa tiễn bình phi chỉ dùng trong  thời gian đầu của chiến dịch không quân nhằm đánh bát ngờ nhiều mục tiêu cùng lúc. Nga không dùng hỏa tiễn bình phi theo cách đó, Nga đã có khoảng 50 máy bay ở Syria và dễ dàng đánh bất cứ mục tiêu nào. Thêm nữa hỏa tiễn phóng đi từ các chiến hạm Nga trên Địa Trung Hải sẽ đơn giản hơn nhiều.

Jeremy Binnie , phân tích gia của IHS Jane's cho rằng khi dùng hỏa tiễn bình phi, đắt tiền và khó khăn, Nga muốn phô trương kỹ thuật, hoặc muốn thử nghiệm vũ khí mới. Binnie còn dự đoán là Nga muốn chứng tỏ các tàu nhỏ của họ cũng có đủ khả năng tác chiến đáng kể. Hai chiến hạm lớn nhất trong hải đội Caspian của Nga là hộ tống hạm lớp Gepard –  cùng loại đã bán cho Việt Nam được đặt tên HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ – chiều dài chiều dài 335 feet trọng tải 2,000 tấn. Hầu hết những chiến hạm khác của hải đội Caspian là tàu tuần tiễu nhỏ, chiều dài khoảng 230 feet, trọng tải 500 tấn. 

Ít tuần lễ trước khi mở chiến dịch ngày 30 tháng 9, Nga đã đưa tới Syria khoảng 30 máy bay cánh thẳng, hơn 10 trực thăng cùng một số máy bay không người lái, sau đó có tăng cường thêm một số máy bay nữa. Ngoài ra có những máy bay vận tải, đơn vị yểm trợ và quân đội chiến đấu, trọng pháo cùng khoảng 10 chiến xa T-90 tất cả chỉ có sứ mạng bảo vệ hoạt động tại căn cứ không quân ở sân bay quốc tế Assad International Airport gần thành phố Latakia ven bờ Địa Trung Hải. Nga khẳng định không đưa quân bộ chiến đến Syria.

Mặc dầu có những tin tức cho biết một số hệ thống hỏa tiễn phòng không SA-22 cũng được đưa tới, nhưng tờ Washington Post dẫn lời một giới chức Mỹ không nêu danh tánh nói rằng đến nay chưa thấy dấu hiệu nào về sự hiện diện của những đơn vị này.

Chủ lực máy bay chiến đấu của Nga ở Syria là 12 chiếc Sukhoi Su-24 và 12 chiếc Su-25, loại đã từng được dùng từ thập niên 1980 trong chiến tranh Afghanistan. Đây là các máy bay oanh kích trên mặt đất hoặc yểm trợ hỏa lực cho bộ binh (closed air support), tương đương loại máy bay mang danh số A (Attack) trong không lực Hoa Kỳ như A-7 Corsair II của Hải Quân hay A-10 Thunderbolt II của Không Quân. F-24 và F-25 bay chậm và hoạt động ở độ thấp, có thể bị bắn hạ bằng hỏa tiễn cá nhân do Nga và Trung Quốc chế tạo mà người ta đã thấy có ở những toán quân IS và lực lượng nổi dậy khác. Năm ngoái nhiều máy bay của quân đội Ukraine đã bị lực lượng ly khai bắn rơi với những hỏa tiễn ấy.

Ngoài ra có 4 chiếc Sukhoi Su-30SM, loại máy bay tiêm kích, nghĩa là chuyên về không chiến để ngăn chặn máy bay địch và 6 chiếc Sukhoi Su-34. Chiến đấu cơ  Su-34 là máy bay tiêm kích/cường kích kiểu mới nhất, khoảng 80 chiếc đã được đưa vào hoạt động trong không quân Nga từ 2014. Đây là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, hai động cơ phản lực, hai phi công, nặng 39 tấn kể cả 12 tấn vũ khí (bom, hỏa tiễn, đạn đại bác 30 mm 4 nòng xoay, vận tốc tối đa Mach 1.8+ (≈ 1,200 mph) trên cao độ và Mach 1.2 (870 mph) ở tầm bay thấp.

Bộ quốc phòng Nga nói rằng các máy bay Nga đều tấn công mục tiêu chính xác bằng hỏa tiễn và bom điều khiển. Tuy nhiên ngoài những bom được hướng dẫn bằng tia hồng ngoại, Su-24 và Su-25 cũng thả những bom rơi tự do và tất nhiên mức độ chính xác không bảo đảm.

Thực hiện những phi vụ chiến đấu lần đầu tiên, Su-30 và Su-34 là trọng tâm chú ý và đánh giá của giới chuyên gia quân sự quốc tế. Chắc chắn đây cũng là cơ hội để quảng cáo cho ngành kỹ nghệ vũ khí Nga sau này. Su-30 là chiến đấu cơ đã được xuất cảng qua nhiều nước kể cả Việt Nam và Su-34 trước đây cũng được giới thiệu ở các hội chợ hàng không tại nhiều quốc gia bằng phiên bản mang tên Sukhoi Su-32.

Như thế, dù đây không phải là mục đích chính, can thiệp bằng không quân vào Syria là sự trình diễn sức mạnh và trình độ kỹ thuật quân sự của Nga, quốc gia mà Tổng Thống Putin muốn giành lại vai trò cường quốc đã mất từ ¼ thế kỷ. Truyền thông Nga trong những ngày qua không ngừng đề cao thành tích của quân lực và khích động tâm lý tự hào dân tộc. Nhưng mọi chuyện sẽ không đơn giản qua thời gian, và tới một lúc Nga sẽ có thể mắc kẹt trong vũng lầy Syria vì hành động này.

Bởi vì cho đến bây giờ chưa thể nào dự đoán  ván bài quân sự táo bạo của Tổng Thống Nga Vladimir Putin  ở Syria sẽ đi tới kết cục nào. Dư luận và các phân tích gia quốc tế đưa ra nhiều nhận xét về tình hình, hầu hết có thể là đúng, nhưng chỉ có giá trị nhất thời, hay nói theo một thuật ngữ khác mới chỉ về diện chưa phải là điểm.

Căn bản của vấn đề là cá nhân hai nhà lãnh đạo Nga  -  Mỹ muốn thế nào hay không muốn thế nào, và do đó có thể chấp nhận nhượng bộ gì và bằng lòng với thực tế ra sao. Đừng nên quên rằng trên tất cả mọi khía cạnh, Trung Đông là một vùng đất quá phức tạp. Trong quá khứ lịch sử, Anh, Pháp, Đức rồi Liên Xô, Hoa Kỳ đều đã tạo được những ảnh hưởng ở vùng này nhưng không bao giờ là bền vững.  Biến chuyển hầu hết là do  từ chính tranh chấp giữa các nước đó dựa trên sự khai thác những mối bất hòa tiềm tàng trong các dân tộc Trung Đông.

Bằng phân tích nông cạn, khi Vladimir Putin trực tiếp can thiệp vào Syria, có thể vội vã kết luận rằng mục tiêu chính của ông ta là bảo vệ Tổng Thống của Bashar al-Assad, đồng minh thân cận  duy nhất của Nga ở khu vực. Nhưng không một quốc gia nào coi sự bênh vực cho chế độ ở một quốc gia là cứu cánh tối hậu, vì chỉ có lợi ích  của chính mính mới là mục tiêu vĩnh cửu. Qua 4 năm nội chiến Syria, Putin chắc chắn hiểu rõ thế mạnh của Assad còn lại được đến đâu và đánh giá được là nếu tới một giới hạn nào đó, sẽ không thể nào cứu vãn. Do đó, có lẽ không phải chiến lược của Putin chỉ là vì riêng Syria và quốc gia này chỉ là một lá bài trong ván bài rộng lớn hơn.

Can thiệp vào Syria, nếu đừng quá lâu dài mà không đạt tới một kết quả hay giải pháp nào cụ thể, thì Putin vẫn còn ở thế chủ động. Ngược lại thì đối phương của Nga – chưa hẳn đối thủ – là Hoa Kỳ dường như đang trong tình thế bị động. Không ít dư luận trong nước phê phán Tổng Thống Obama về đường lối chính sách quá yếu ở Syria. Nhưng một ván bài chưa chấm dứt thì chưa thể kết luận được. Cũng đừng nên quên là Obama chưa bao giờ và không bao giờ muốn trực tiếp can thiệp vào Syria vì nhiều lý do, mở chiến dịch không quân đánh IS ở Syria chỉ là do tình huống không thể nào làm khác mà thôi.

Như thế dẫu quan điểm hoàn toàn khác biệt – Mỹ nói Assad phải ra đi, Nga nói ổn định là chính và  Assad có thể nhất thời ở lại – nhưng về điểm này hai nước đều tỏ ra nhân nhượng vì kẻ thù IS trở thành mục tiêu chung. IS trước đây chưa phải là thù địch trực tiếp của Nga nhưng bây giờ chính Nga đã gây nên việc ấy. Và Nga trong tình thế khác Mỹ ở chỗ có nhiều nhóm dân Hồi Giáo  phức tạp ngay trong liên bang và dù muốn dù không sẽ đến lúc phải đương đầu với những khó khăn gia tăng.

Trong toàn bộ bối cảnh ấy, đối đầu Nga – Mỹ ở Syria không quá nặng nề như dư luận có thể nghĩ. Dù khó có sự hợp tác công khai  nhưng chắc chắn sẽ có những hình thức thỏa hiệp trong một chừng mực nào đó mà không bên nào hoàn toàn được hết hay mất hết. Thực tế chính trị của thời đại toàn cầu hóa là  không đơn cực mà cũng không đa cực.

Còn về Syria, ngay bây giờ bằng sự can thiệp quân sự, ông Putin có vẻ thành công trên nhiều mặt, từ tái xác định vai trò quốc tế của nước Nga đến đáp ứng nguyện vọng tâm lý dân tộc ở quốc nội. Nhưng những thành quả ấy sẽ có giá trị vững bền ra sao chưa có gì chắc chắn. Nếu tin rằng Mỹ đã không thể làm gì như ý muốn ở Trung Đông thì cũng không thể nào tin là Nga sẽ làm được điều ấy.
.
Bài liên quan










No comments:

Post a Comment

View My Stats