Monday 5 October 2015

Hoàn tất thỏa thuận TPP (VOA | RFI | BBC | THANH NIÊN)





05.10.2015

Mỹ, Nhật, và 10 nước Vành đai Thái Bình Dương khác hôm nay đạt thỏa thuận về hiệp định tự do mậu dịch khổng lồ giúp giảm bớt các rào cản và đề ra các quy định thương mại cho 40% kinh tế thế giới.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được hoàn tất ở thành phố Atlanta, bang Georgia miền Nam nước Mỹ, đỉnh điểm của 7 năm đàm phán gai góc về các rào cản thương mại đối với các mặt hàng nông nghiệp và các sản phẩm từ sữa, xe hơi mới, các tiện ích công nghệ mới nhất, các loại thuốc tiên tiến và nhiều mặt hàng khác kèm theo những quy định về môi trường và lao động.
Theo dự kiến các quan chức sẽ công bố chi tiết của hiệp định trong ngày hôm nay. Thỏa thuận này phải được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp quốc gia của 12 nước trong khối. Từng ngành công nghiệp trong mỗi nước đang vận động mạnh mẽ để bảo vệ sản phẩm của họ trước hàng nhập khẩu từ nước ngoài hoặc để mở ra cơ hội xuất khẩu để làm ăn ở các nước khác.

Hoàn tất thỏa thuận TPP là một thắng lợi lớn về chính sách đối ngoại cho Tổng thống Mỹ Barack Obama dù chưa chắc Quốc hội sẽ chấp thuận thỏa thuận này. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ có phần chắc sẽ không xem xét thỏa thuận TPP cho tới năm sau.

Các nước trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Tổng thống Obama đã vận động cho hiệp ước này vượt qua sự phản đối từ đa số đồng nghiệp trong đảng Dân chủ của ông tại Quốc hội, những người cho rằng thỏa thuận này sẽ làm mất hàng ngàn công ăn việc làm của dân Mỹ vì các nhà sản xuất chuyển hoạt động sang các quốc gia khác nơi có mức lương nhân công rẻ hơn. Ngược lại, các đảng viên Cộng hòa chú trọng doanh thương thường phản đối nhiều chính sách đối ngoại và đối nội của Tổng thống Obama thì phần đông lại ủng hộ việc hoàn tất hiệp định thương mại TPP.
Tuy nhiên, một nhà lập pháp chủ chốt trong đảng Cộng hòa, dân biểu Paul Ryan, ứng viên của đảng này tranh chức Phó Tổng thống hồi năm 2012, tỏ ra thận trọng về việc hoàn tất thỏa thuận TPP.

Ông Paul Ryan nói "Một Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương thành công có nghĩa là ảnh hưởng của Mỹ sẽ lớn hơn trên thế giới và có thêm việc làm tốt ở nội địa, nhưng chỉ có một thỏa thuận tốt, một thỏa thuận đáp ứng những nguyên tắc của Quốc hội trong đạo luật vừa ban hành về quyền xúc tiến thương mại, mới có thể được thông qua tại Hạ viện Mỹ. Tôi chưa vội phán xét cho tới khi nào có thể xem văn bản chung cuộc và tham khảo ý kiến với các đồng nghiệp và các cử tri của tôi."

Tại Hoa Kỳ, chấp thuận chung cuộc cho TPP có thể rắc rối vì cuộc bầu cử Tổng thống 2016 sắp tới. Có thể mãi đến năm 2017 Quốc hội Mỹ mới có hành động về hiệp ước này, khi một tân Tổng thống lên nhậm chức. Theo quy định của Hiến pháp, Tổng thống Obama không được tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba.

Nhiều nhà phân tích kinh tế xem TPP như một thỏa thuận có thể đối chọi với sự tăng trưởng và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngay cả khi nền kinh tế của Bắc Kinh đã chậm lại, nó vẫn có tác động giao dịch rộng khắp trên thế giới.

10 quốc gia khác cũng có tên trong thỏa thuận hôm nay bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, Việt Nam, New Zealand, Australia, Brunei, Singapore và Malaysia.

-------------------------------------

Thụy My  -  RFI
Đăng ngày 05-10-2015

Các bộ trưởng Thương mại tham dự đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương trước khi bước vào hội đàm ngày 1/10/2015 tại Atlanta, tiểu bang Georgia Hoa Kỳ. REUTERS/USTR Press Office

Cuộc thương lượng đầy chông gai giữa 12 quốc gia về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) được kéo dài nhiều lần sang đến hôm nay 05/10/2015, đã đạt được thỏa thuận.

Thông tin trên do một viên chức Mỹ loan báo, đã được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe xác nhận trên kênh truyền hình NHK. Cuộc thương lượng bắt đầu từ năm 2008 như vậy đã đạt được kết quả, sau đợt đàm phán kéo dài trên năm ngày qua tại Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Chỉ riêng việc họp báo công bố kết quả cũng đã bị hoãn lại nhiều lần.

Hiệp định tự do mậu dịch này tập hợp các nước Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Pêru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Mười hai quốc gia trên chiếm 40% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu, nhưng Trung Quốc bị gạt ra bên ngoài.

Chính quyền Mỹ của Tổng thống  đảng Dân chủ Barack Obama đã đấu tranh kịch liệt để ký cho được hiệp định TPP, sau khi vất vả thông qua được TPA (quyền đàm phán nhanh, giao cho chính phủ toàn quyền đàm phán, Quốc hội sau đó chỉ có thể thông qua hoặc bác bỏ trọn gói chứ không sửa đổi được). Ông Obama đã phải thuyết phục cho được các dân biểu, nghị sĩ ngay trong đảng Dân chủ.

Các điểm bất đồng chính trong việc thương lượng là quyền sở hữu trí tuệ về dược phẩm sinh học, xuất khẩu sản phẩm sữa từ Úc và New Zealand sang Canada và phụ tùng xe hơi của Nhật sang Bắc Mỹ.

----------------------------------------------
5-10-2015

Các nhà bình luận cho rằng Việt Nam sẽ gia nhập TPP trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam vào tháng 11/2015

Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội tuyên bố TPP sẽ đem lại "cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam" sau khi đoàn đàm phán các nước loan báo đã đạt thỏa thuận.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam và chín quốc gia khác vừa đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TPP sẽ tạo ra khối kinh tế Thái Bình Dương mới, với việc giảm bớt rào cản thương mại giữa 12 quốc gia thành viên.

Cùng ngày 5/10, AmCham tại Hà Nội ra tuyên bố nói: "Thỏa thuận này sẽ khiến lĩnh vực tư nhân được tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường chủ chốt, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, và giúp thiết lập hạ tầng cung ứng then chốt, qua đó tạo ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đem lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người lao động Việt Nam."
Thỏa thuận được ký kết sau năm ngày đàm phán tại Atlanta, Hoa Kỳ, sau thời gian đàm phán kéo dài năm năm.
Thỏa thuận vẫn phải được quốc hội các nước thông qua.
Giới quan sát nói Tổng thống Mỹ Barack Obama còn đối diện khó khăn để được thông qua tại Quốc hội Mỹ.
Dự đoán Quốc hội Mỹ sẽ chỉ xem xét thỏa thuận TPP vào đầu năm sau.
Việc chốt lại thỏa thuận đã liên tục bị trì hoãn do các đàm phán về vấn đề dược phẩm.
Mười quốc gia còn lại của TPP bao gồm Úc, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt hôm 5/10, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: "Gia nhập TPP tất nhiên là tin vui, tuy vậy, tôi thấy cần đặt vấn đề về việc xây dựng nội lực để hội nhập an toàn."
"Rõ ràng Việt Nam chưa đủ khả năng xâm nhập thị trường nước ngoài trong lúc có nguy cơ thị trường nội địa bị hàng hóa nước ngoài giá tốt lấn lướt. Doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh cả trên thị trường xuất khẩu và nội địa."
Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh rằng đến nay chưa thấy nghiên cứu và thống kê về những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt khi vào TPP ngoài những bài báo bàn về cơ hội và tác động của hiệp định này.

Cùng ngày, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn cho BBC Tiếng Việt biết: “Bên cạnh sự lạc quan về khả năng cứu vãn nền kinh tế nhờ TPP, Việt Nam nên nhìn thẳng vào vấn đề công đoàn độc lập và quyền lập hội - những điều khoản trong TPP. Đây là thách thức với hệ thống luật cũ kỹ, chưa đáp ứng cho điều kiện ra đời công đoàn độc lập."
"Mặt khác, Việt Nam cần chấn chỉnh hoạt động của Liên đoàn Lao động Việt Nam lâu nay, tuy họ thu 2% tổng quỹ lương nhưng chưa bao giờ tổ chức biểu tình cho công nhân, nếu không muốn nói là kết hợp cùng những lực lượng khác ngăn chặn công nhân đình công."

-----------------------------------------

05/10/2015 19:19

* Thuế nhập khẩu xe hơi Nhật vào Việt Nam sẽ giảm mạnh 
(TNO) Đại diện 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được sự đồng thuận về hiệp ước thương mại tự do có quy mô thuộc hàng bậc nhất thế giới.


Reuters dẫn lời các nguồn tin có mặt tại cuộc đàm phán ở thành phố Atlanta thuộc bang George (Mỹ) hôm 4.10 tiết lộ đại diện các nước cuối cùng đã đạt được thỏa thuận TPP.
Mười hai quốc gia Thái Bình Dương tham gia đàm phán gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.

TPP được soạn ra nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên và được kỳ vọng sẽ dọn đường cho việc cắt giảm mạnh, thậm chí là gỡ bỏ ở một số trường hợp, hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu và mở cửa thị trường buôn bán hàng hóa, cũng như dịch vụ. Các thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP toàn cầu.

Sau 5 năm đàm phán liên tục mà không đạt được kết quả, nhiều quan chức cho rằng vòng đàm phán Atlanta là cơ hội tốt nhất để các bên cùng đi đến đồng thuận. Do đó, thất bại kỳ này sẽ nhấn chìm tương lai của các vòng đàm phán TPP vào bất định.

Trước đó, các quan chức Mỹ đã thông báo hoãn buổi họp báo chung công bố kết quả đàm phán sang rạng sáng 5.10 (giờ Mỹ, tức chiều tối cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb nhận định việc trì hoãn họp báo TPP phát sinh do các nước phải xem xét các điều khoản trong một thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Úc về thời hạn bảo hộ các loại sinh dược mới.

Đại diện đoàn New Zealand, quốc gia xuất khẩu bơ sữa hàng đầu thế giới, hôm 4.10 cũng đưa ra mong muốn các quốc gia tham gia đàm phán mở rộng cửa để cho phép những sản phẩm bơ sữa của nước này thâm nhập mạnh hơn.

Các nước tham gia đàm phán TPP cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp, cũng như hoạt động cạnh tranh với khối doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, chi tiết của các vòng đàm phán vẫn không được công khai ra công chúng, mà các nhà thương thuyết sẽ soạn ra một bộ tài liệu cho chính phủ nước họ.
Cũng theo thông tin liên quan đến TPP, hãng tin Nhật Bản hôm 3.10 cho biết Việt Nam đã sẵn sàng cho việc gỡ bỏ dần 70% thuế nhập khẩu dành cho dòng xe Nhật Bản có động cơ dung tích từ 3 lít trở lên trong lộ trình 10 năm. Canada cũng sẽ bỏ mức thuế 6,1% đối với xe hơi Nhật trong vài năm tới.

Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ, thị trường xuất khẩu xe hơi lớn nhất của đảo quốc này, đã đi đến thỏa thuận bỏ ngay lập tức mức thuế 2,5% của Mỹ dành cho hơn 80% các phụ tùng xe hơi nhập từ Nhật. Còn thuế suất đối với xe hơi Nhật sẽ được gỡ bỏ dần trong vòng khoảng 30 năm tới.

Nikkei bình luận những tiến triển nói trên giúp hạ bớt hàng rào thuế quan để tiến vào thị trường Bắc Mỹ và sắp tới là Việt Nam đối với xe hơi Nhật.
Hoàng Uy






No comments:

Post a Comment

View My Stats