Saturday 10 October 2015

Hoa Kỳ sẽ thách thức Trung Cộng ở Biển Đông (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, October 10, 2015 4:08:11 PM 

Trong mấy ngày vừa qua, hai nguồn tin khác nhau khẳng định là Hoa Kỳ sẽ thách thức Trung Cộng ở Biển Đông qua việc sẽ gửi chiến hạm đi vào vùng bên trong 12 hải lý của các hòn đảo nhân tạo để khẳng định là Trung Cộng không thể có chủ quyền chỉ qua việc xây những hòn đảo này.

Nguồn tin đầu tiên đến từ Tạp chí Foreign Policy đưa ra hôm 2 tháng 10. Tờ tạp chí chuyên về chính sách ngoại giao này giải thích là việc tiến tới một lập trường cứng rắn hơn theo sau các cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Washington hôm cuối tháng 9, vốn đã không đạt được một sự khai phá về một phương thức mà theo đó tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết trong vùng biển chiến lược ở Biển Đông.

Bài tường thuật của hai nhà báo Dan De Luce và Paul McLeary tuy vậy nói là chưa có một quyết định tối hậu, nhưng chính phủ Obama đã ngày càng nghiêng theo khuynh hướng tiến đến một sự phô trương lực lượng sau khi sự chống đối của Trung Cộng đã chấm dứt những cố gắng ngoại giao nhằm ngăn cản sự lấn biển và xây dựng các tiền đồn quân sự trong vùng biển quan trọng này. Tạp chí dẫn lời các viên chức cả bên chính phủ lẫn bên Ngũ Giác Đài nói là thời điểm và chi tiết về các cuộc đi tuần này, vốn có mục đích để duy trì nguyên tắc tự do hải hành trên các vùng biển quốc tế, vẫn còn đang được bàn thảo.

Một viên chức bộ quốc phòng khẳng định với tờ Foreign Policy “Đây không phải là nếu mà là khi nào việc này sẽ xảy ra.”

Hôm 8 tháng 10 vừa qua, Nhật báo Financial Times (FT), qua tường thuật của phóng viên Demetri Sevastopulo ở Washington, cho biết là Hoa Kỳ sắp cho các chiến hạm đi đến gần các hòn đảo nhân tạo của Trung Cộng ở Biển Đông để đưa ra một tín hiệu cho Bắc Kinh là Washington không công nhận việc Bắc Kinh dành chủ quyền trên toàn thể Biển Đông.

Một viên chức cao cấp của Hoa Kỳ đã nói với tờ Financial Times rằng các chiến hạm này sẽ đi bên trong khu vực 12 hải lý mà Trung Cộng nói là lãnh hải của họ quanh những hòn đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng ở Quần đảo Trường Sa. Viên chức này, không muốn nêu tên, nói là cuộc hành quân này được chờ đợi sẽ bắt đầu trong vòng hai tuần nữa.

FT, cũng như Foreign Policy, giải thích là hành động này sẽ có triển vọng gây thêm căng thẳng giữa các cường quốc, đã đến trong khi có những bất đồng về nhiều vấn đề, kể cả cáo buộc của Hoa Kỳ là Trung Cộng đang tổ chức những hoạt động tin tặc thương mại.

Sự khiêu khích của Trung Cộng ở vùng biển mà quốc tế gọi là South China Sea, Việt Nam gọi là Biển Đông, Philippines gọi là Biển Tây Phi, đã gia tăng trong các năm gần đây, với hải quân của họ đã theo đuổi các hoạt động mà Hoa Kỳ nói đe dọa quyền tự do hải hành trong một khu vực mà qua đó 30% mậu dịch toàn cầu phải đi qua. Trong hai năm gần đây, họ đã gia tăng các hoạt động khác, lấp biển để dựng nên nhiều ngàn mẫu đất để xây phi đạo và các căn cứ quân sự với mục đích là để tăng cường sức mạnh của họ ở Thái Bình Dương.

Các chuyên gia quân sự nói việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo này là để giúp Trung Quốc tiến gần hơn đến giấc mộng xây dựng một “hải quân nước xanh” có thể hoạt động ở xa bờ, đặc biệt là ngoài “chuỗi đảo thứ nhất” vốn bao bọc Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải, và tách rời họ ra khỏi Thái Bình Dương.

Để chứng minh khả năng mới của mình, chiến hạm của Trung Cộng đã hoạt động ở vùng biển gần Hoa Kỳ. Tháng rồi, năm chiến hạm của họ đã đến ngoài khơi bờ biển Alaska trong khi Tổng thống Obama đến thăm vùng bắc cực. Đây là lần mà hải quân Trung Cộng đến gần bờ biển Hoa Kỳ nhất mà không được mời.

Theo tờ FT, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter, trong nhiều tháng qua đã yêu cầu tòa Bạch Ốc cho ông được phép có những hành động cứng rắn hơn. Nhưng Tòa Bạch Ốc, dưới sự cố vấn của Bộ Ngoại Giao, đã chống lại vì quan ngại là những hành động như vậy sẽ làm leo thang tình hình trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng Tòa Bạch Ốc sau cùng đã đồng ý sau khi tất cả các viên chức Hoa Kỳ, kể cả Tổng Thống Obama, đã không tìm cách làm sao có được tiến bộ nào về vấn đề này trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình đến Washington cuối tháng rồi.

Trong cuộc hop báo chung với ông Tập hôm tháng rồi, Tổng Thống Barack Obama đã nói là ông đã bày tỏ “quan ngại đáng kể về việc lấn biển, xây dựng và quân sự hóa khu vực tranh chấp,” và nhấn mạnh là Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục đi tàu, bay qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà công pháp quốc tế cho phép.”

Ông Paul Haenle, cựu cố vấn về Trung Quốc của Tổng Thống Obama và hiện nay đã đứng đầu Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nói là tuy hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ có thể tạo tranh chấp trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ giúp cho quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ.

Ông Haenle giải thích một cách rất ngoại giao, “Để Hoa Kỳ có thể thúc đẩy và bảo vệ những quyền lợi của mình ở Á Châu-Thái Bình Dương, kể cả việc duy trì những luật lệ và tập tục của vùng cũng như trên toàn thế giới, nó có thể đòi hỏi liên hệ của chúng ta (Hoa Kỳ và Trung Cộng) bao gồm một số đụng chạm và cạnh tranh nhiều hơn trong ngắn hạn. Về lâu về dài, một thái độ mạnh bạo có thể giúp khuyến khích những hành vi xây dựng và bảo đảm an ninh và phồn vinh cho toàn vùng.”

Trong khi Hoa Kỳ thường xuyên cho tàu đi qua lãnh hải quốc tế ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã giới hạn việc gửi những chiến hạm này vào bên trong khu vực lãnh hải 12 hải lý của những kiến trúc nhân tạo của Trung Cộng từ năm 2012, và đó là trước khi Trung Cộng bắt đầu gia tốc việc xây dựng ở Trường Sa. Chiến lược mới là để nhằm củng cố lập trường của Hoa Kỳ là những điều Trung Cộng nói là thuộc chủ quyền của họ đã không được công ước quốc tế, kể cả Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (Unclos), công nhận.

Tuyên bố ở Úc tuần này, Đô Đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã gián tiếp chỉ trích Trung Cộng khi ông nói “một số quốc gia coi như là có thể dành quyền tự do biển cả” như là một cái gì có thể “định nghĩa lại quyền đó theo luật nội địa hay bằng cách diễn dịch lại công pháp quốc tế.” Đô đốc nói tiếp, “Một số quốc gia trong vùng tiếp tục áp đặt những khuyến cáo dư thừa và giới hạn quyền tự do biển cả trong khu vực đặc quyền kinh tế của họ và dành lãnh hải mà không tuân thủ Unclos. Cái đà này đặc biệt phổ biến trong vùng biển đang tranh chấp.”

Giáo Sư Rory Medcalf, một chuyên gia về Á Châu của Viện Đại Học Quốc Gia Úc (ANU), nói là “không có lựa chọn dễ dàng và không có nguy cơ nào cho việc thách thức chiến lược vừa công vừa thủ (passive-aggressive) của Trung Quốc qua việc sản xuất và quân sự hóa các hòn đảo. Nếu Hoa Kỳ nghiêm chỉnh trong việc bảo đảm là Trung Quốc không chế ngự vùng biển này, thì họ càng chờ lâu, những hoạt động để khẳng định quyền tự do hải hành sẽ càng có nhiều nguy cơ hơn.”

Kế hoạch của Hoa Kỳ cho những hoạt động hải quân đến vào lúc mà tòa trọng tài ở La Haye chuẩn bị tuyên bố phán quyết về việc họ có thẩm quyền để xử vụ Philippines kiện Trung Cộng hay không. Manila muốn tòa đưa ra phán quyết là “con đường chín đoạn” của Trung Cộng là bất hợp pháp.

Thẩm phán Antonio Carpio, một vị thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Philippines vốn là một trong những người chỉ trích gay gắt nhất hành động của Trung Cộng ở Biển Đông, nói là nếu tòa trọng tài của Liên Hiệp Quốc quyết định là họ không có thẩm quyền xét xử, thì con đường chín đoạn sẽ đứng vững và Trung Cộng sẽ dùng thắng lợi này để nới rộng cố gắng để củng cố chủ quyền trong vùng.

Thẩm phán Carpio nói là nếu Philippines thua kiện thì họ sẽ phải chuyển ngân sách nay dành cho giáo dục để tạo ra một khả năng quân sự có thể thực hiện được việc bảo vệ lãnh hải. Ông cũng đã chỉ trích Hoa Kỳ đã không ủng hộ cho việc Manila dành chủ quyền trên một số địa điểm trên Biển Đông, đặc biệt là Bãi Scarborough, mà ông nói là Hoa Kỳ từ xưa đã coi là một phần lịch sử của Philippines.

Trung Cộng đã dành Bãi Scarborough ra khỏi tay Philippines sau một cuộc đối đầu kéo dài hai tháng vào năm 2012. Tình hình sẽ tiếp tục bất phân thắng bại nếu Hoa Kỳ không đứng ra trung gian hòa giải và được phía Trung Cộng hứa là sẽ rút lui nếu Philippines rút lui. Khi Philippines rút chiến hạm duy nhất của họ lúc đó ra khỏi bãi cạn này, Trung Cộng không những không rút lui mà còn đổ thêm tàu bè vào củng cố vị thế của họ. Bãi này chỉ cách Vịnh Subic có 200km, tức là còn nằm trong vùng đặc quyền khai thác kinh tế của Philippines.

Tờ FT nói là Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về “những chiến dịch có thể có về tự do hải hành ở Biển Nam Trung Hoa,” nói những chiến dịch đó là “mật.”

Và cho đến khi những hành động đó được thực sự thi hành chúng ta không thể biết thái độ của Bắc Kinh sẽ ra sao. Một số các nhà bình luận quen thuộc với tình hình Á Châu và thái độ của Bắc Kinh như ông Haenle thì nói đến một thái độ của những kẻ quen bắt nạt. Những kẻ thích bắt nạt người khác, theo họ, chỉ biết đến sức mạnh và chỉ hiểu sức mạnh thôi.





No comments:

Post a Comment

View My Stats