Sunday 4 October 2015

Chống diễn biến hòa bình: Vì sao báo Quân Đội Nhân Dân chống VietNamNet? (Phạm Chí Dũng)





Phạm Chí Dũng
Sunday, October 4, 2015 3:24:50 PM 

Trước đại hội đảng 12 chưa đầy 4 tháng và vẫn nguyên trạng lúc sấp lúc ngửa trong chiến lược đu dây đến cạn tàu ráo máng, vài tờ báo tiên phong của đảng lại kiếm chác cơ hội trung thành với ý thức hệ chỉ nói đi không nói lại, bằng vào cách công kích những tờ báo khác ít lòng trung thành hơn hẳn.

“Chống phá đảng, chính quyền”

Ngày 28 Tháng Chín, 2015, trong mục “Chống Diễn biến hòa bình,” báo Quân đội nhân dân tung ra bài “Quyền lập hội luôn được tôn trọng, thực thi tại Việt Nam,” phản bác quan điểm của một số trí thức về “nhà nước Việt Nam bó hẹp quyền tự do lập hội” và về “không gian dân sự.”

Thông thường, cơ quan ngôn luận của bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh vẫn thường tập trung chĩa mũi dùi vào giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền, công kích quan điểm và vạch lá tìm sâu đời tư cá nhân. Nhưng lần này có thể được xem là một trong những lần hiếm hoi, báo Quân đội Nhân dân công kích chính “đồng nghiệp” của mình: Báo điện tử VietNamNet.

“Khi Quốc Hội Việt Nam đang chuẩn bị xem xét luật về hội theo quy trình, trong dư luận xuất hiện một số ý kiến mang tính ‘chọc gậy bánh xe,’ cho rằng, Việt Nam vẫn còn ‘e dè’ về quyền tự do lập hội, bởi ý tưởng xây dựng luật về hội đã có từ rất lâu nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng! Thậm chí, có những tư tưởng mang danh ‘dân chủ’ đề nghị cần có ‘không gian dân sự’ cho xã hội và không cần ‘kiểm soát’ mọi hội, nhóm trong xã hội, đặc biệt là các ‘hội có chung sở thích’” - tờ Quân đội Nhân dân mở đầu bằng giọng răn dạy và đe nẹt thường thấy.

Không quá khó để nhận ra là những gì mà báo Quân Đội Nhân Dân công kích lại là chủ đề của bàn tròn thảo luận về dự luật hội, được mục Tuần Việt Nam của VietNamNet tổ chức vào ngày 22 Tháng Chín, 2015 với Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành - viện trưởng Viện Kinh Tế và Chính Sách, đại học Kinh Tế, đại học Quốc Gia Hà Nội và Luật Sư Lã Khánh Tùng - thành viên của Đoàn Luật Sư Hà Nội. “Quyền lập hội, sao phải e dè?” là tựa đề bài tường thuật cuộc phỏng vấn.

Hai điểm đáng chú ý là bài phỏng vấn của VietNamNet đề cập vấn đề quyền lập hội của công dân đã được hiến định trong Hiến Pháp Việt Nam năm 1992 và năm 2013, đồng thời đòi hỏi chính trị Việt Nam cần thừa nhận “không gian dân sự.” Tuy không trực tiếp, nhưng ý tưởng của những người được phỏng vấn - được xem là những tiếng nói phản biện - đã gián tiếp yêu cầu chính quyền Việt Nam “cởi nới” đối với xã hội dân sự và các quyền dân chủ còn lâu mới đầy đủ ở đất nước bị trì trệ tư tưởng quá lâu năm này.

Mặc dù nội dung, cách thức và liều lượng đề cập của VietNamNet và những người được phỏng vấn là còn quá nhẹ nhàng so với đòi hỏi bức thiết của các tổ chức xã hội dân sự độc lập và các giới công nhân, dân oan đất đai, tiểu thương,... nhưng vẫn có thể cho rằng đây là một bước tiến bộ nhỏ của báo giới và giới trí thức phản biện nhà nước trong bối cảnh Quốc Hội Việt Nam đưa dự luật về hội ra xem xét - trước sức ép của dư luận xã hội Việt Nam và yêu cầu hầu như bắt buộc của cộng đồng dân chủ quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ và Tây Âu liên quan đến Hiệp Định TPP.

Chi tiết đáng chú ý là bài “Quyền lập hội luôn được tôn trọng, thực thi tại Việt Nam” trên báo Quân Đội Nhân Dân xuất hiện chỉ một ngày sau khi dự luật về hội bị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội bất ngờ đình hoãn vô thời hạn vì lo sợ “gây phương hại an ninh quốc gia.”

“Rõ ràng, những ý kiến đề nghị “phải có không gian dân sự” cho các hội, nhóm ở Việt Nam, đặc biệt là “các hội, nhóm có chung sở thích,” “không được kiểm soát hoạt động của mọi hội, nhóm trong xã hội” hoặc là do người đề xuất chưa tìm hiểu kỹ lịch sử lập hiến, lập pháp cũng như thực tiễn ở nước ta, hoặc là do một số kẻ cố tình bóp méo sự thật, chống phá đảng, chính quyền, gây hiểu lầm, hồ nghi không đáng có trong nhân dân về việc bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền lập hội tại Việt Nam” cũng vẫn là kiểu kết luận đậm đà đàn áp không thể lẫn vào đâu của tờ Quân Đội Nhân Dân.

Dân chủ hóa: Ai hậu thuẫn và ai chống lại?

Sau một thời gian đằng đẵng lắng tiếng, những ngày gần đây báo chí nhà nước bắt đầu cất tiếng về cả những vấn đề quyền lợi thiết thân với đời sống dân sinh nhưng có hơi hướng chính trị là lập hội và công đoàn độc lập.

Cũng sau một thời gian lắng đọng kể từ thời tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn với chất phản biện thuộc loại sắc sảo nhất, VietNamNet đang hồi sinh trên diễn đàn chính trị - xã hội sôi sục của đất nước với những bài báo được dư luận đặc biệt chú tâm.

Trước khi thực hiện cuộc phỏng vấn về quyền lập hội, mục Tuần Việt Nam của trang VietNamNet cũng có một bài phỏng vấn rất đáng quan tâm vào ngày 10 tháng Chín, 2015: “Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết.” Bài phỏng vấn này thực hiện với ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội. Đây là lần đầu tiên, một quan chức có trách nhiệm như ông Kiên đã gián tiếp tiết lộ về sự thật đảng và nhà nước Việt Nam phải chấp nhận công đoàn độc lập trong quá trình đàm phán TPP.

Đó là một sự thật có tầm vóc và chiều sâu “kinh khủng,” nếu so sánh với công đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy thuần túy sang kinh tế thị trường vào thời mở cửa những năm 90 của thế kỷ trước: Giờ đây để được “hội nhập quốc tế” cùng những lợi ích chính trị, đảng cầm quyền tại Việt Nam phải chấp nhận cả một định chế mà trong rất nhiều năm trước đó và đến tận bây giờ vẫn bị chụp cho cái mũ đối kháng.

Hoàn toàn có thể hiểu rằng một khi công đoàn độc lập được Việt Nam thừa nhận mà chính quyền không còn dám quy chụp cho cái mũ đối kháng theo kiểu “lật đổ” - trong mối liên tưởng trực tiếp đến hiện tượng công đoàn đoàn kết ở Ba Lan - quyền lập hội của công dân cũng sẽ dần được hợp thức hóa và công khai hóa, đồng thời hoạt động của đại đa số các tổ chức xã hội dân sự độc lập cũng mặc nhiên phải được thừa nhận.

Hiện tượng VietNamNet và một số tờ báo khác như Người Lao Động, Pháp Luật, Thanh Niên, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Dân Việt... gần đây tỏ ra dũng cảm hơn khi đề cập đến các quyền tự do của người dân cũng dẫn đến một hiện tượng xã hội - chính trị khác: Năm 2015 có thể là năm khởi đầu cho luồng giao kết giữa báo chí nhà nước với mạng xã hội và hệ thống truyền thông dân chủ - nhân quyền.

Hiện tượng cất tiếng trên là đáng chú và và rất cần được ghi nhận, nếu so sánh với vụ việc Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi Kim Quốc Hoa bị khởi tố điều 258 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” vào đầu năm 2015 do tờ báo này đăng quá nhiều bài viết chống tham nhũng nhắm vào giới quan chức trung ương và địa phương.

Ở một chiều kích trái ngược, Quân Đội Nhân Dân - tờ báo từng “mộng du” một cách đầy yếm thế suốt cả tháng trời trong vụ “mất tích” của thủ trưởng tối cao của cơ quan ngôn luận này - tướng Phùng Quang Thanh - nay lại tỏ ra sốt sắng một cách kỳ lạ trong việc bảo vệ quan điểm bảo thủ “có đảng không có hội.” Động thái này khiến dư luận một lần nữa phải nghi ngờ rằng liệu Quân Đội Nhân Dân và cấp trên của tờ báo này có chịu một tác động lẫn can thiệp đủ lớn và đủ thô bạo từ người “đồng chí Bốn Tốt” ở phương Bắc nhằm ngăn chặn quyền tự do lập hội chính đáng đã được hiến định của người dân Việt Nam.

Hoặc sâu xa hơn và liên quan đến chuyện cung đình, ai có thể là người hậu thuẫn cho những bài báo về quyền lập hội và công đoàn độc lập trên VietNamNet, còn ai là nhân vật muốn chống lại xu thế dân chủ hóa không thể cưỡng lại này?




No comments:

Post a Comment

View My Stats