Wednesday 1 July 2015

Tổng công kích (Nguyễn Đạt Thịnh - Viễn Đông Daily)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 29/06/2015

Hai đặc điểm cuộc tấn công ngày thứ Sáu, 26 tháng Sáu, 2015 của quân IS là (1) chúng đánh ba địa điểm tại ba quốc gia khác nhau, và (2) cả ba cuộc tấn công đều xảy ra cùng một ngày, gần như cùng một thời điểm.

Thêm hai đặc điểm khác nữa là (3) IS thực hiện cả ba cuộc tấn công bằng những lực lượng nhỏ, nằm vùng, đã sẵn có mặt gần mục tiêu; và (4) tất cả những mục tiêu tấn công đều là những trung tâm dân sự, không phòng thủ.

Một em bé khóc người thân bị Việt Cộng giết trong cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân 1968

Cả bốn đặc điểm này đều nằm trong những chủ trương chiến thuật của cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân (TCKMT); năm đó -1968- Việt Cộng cũng sử dụng du kích quân đang có sẵn trên lãnh thổ Nam Việt, cũng tấn công đồng loạt trên 100 thị trấn, và tấn công tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, tấn công dinh Độc Lập ..., những mục tiêu tương đối không được phòng thủ chu đáo như những căn cứ quân sự tại Nam Việt.

Bốn tương đồng đó mang tính cố tâm nhái lại -hơn là tình cờ trùng hợp với cuộc TCKMT- và nếu lãnh tụ IS, ông Abu Bakr al-Baghdadi, cố tình tái diễn Tổng Công Kích, Hoa Kỳ cần đặt lên câu hỏi, “al-Baghdadi có mưu cầu những điều Việt Cộng mưu cầu 47 năm trước không? Và liệu IS có đạt được những điều Việt Cộng đạt bằng cuộc TCKMT năm 1968 không?”

Trước hết, hãy nêu lên câu hỏi, "Năm đó Việt Cộng mưu cầu những gì?"

Chúng nói ra miệng ba mục tiêu của cuộc TCKMT; một là tổng công kích để tạo môi trường cho nhân dân Nam Việt nổi dậy, hai là gây tổn thất cho quân đội VNCH, và ba là tạo kinh hoảng khiến quân đội VNCH phải tan hàng, rã ngũ.

Hai vị đại tướng Wheeler (bên trái) và Wesmoreland không hiểu Tổng Công Kích Mậu Thân

Dĩ nhiên những điều chúng nói ra nặng phần tuyên truyền hơn là tiết lộ ý đồ chiến thuật của chúng; nhân dân Nam Việt không nổi dậy cướp chính quyền, quân đội VNCH cũng chỉ tổn thất ít hơn Việt Cộng bị tổn thất, và chuyện quân đội VNCH rã ngũ chỉ là chuyện chúng mơ tưởng.

Những tài liệu đứng đắn nhất hiện nay (như từ điển điện tử Wikipedia) ghi nhận tổn thất của Việt Cộng trong cuộc TCKMT nhiều gấp 9 lần tổn thất của quân đội VNCH. Việt Cộng mất 111,179 quân nhân, trong số này có 45,267 tử trận, 61,267 bị thương và 5,070 mất tích; tổn thất của VNCH là 45,820 quân nhân, trong số này có 9,078 người tử trận, 35,212 người bị thương, và 1,530 người mất tích.

Tuy thua trên chiến trường, nhưng trận TCKMT giúp Việt Cộng thắng trên chính trường, thắng tại Hoa Thịnh Đốn; thắng lợi này phần lớn nhờ vào sự tiếp tay của giới truyền thông Mỹ; ký giả Mỹ không hiểu rõ cuộc chiến Việt Nam, khuếch đại quá đáng những thành quả tấn công của Việt Cộng, ca tụng Việt Cộng và mạt sát VNCH.

Bị ảnh hưởng của truyền thông, quần chúng Hoa Kỳ -vốn quen thuộc với nếp sống lương thiện, đơn giản, và tiện nghi, lại không hiểu rõ cuộc chiến tranh Việt Nam phức tạp- trở thành phản chiến, chống lại nỗ lực quân sự của Hoa Kỳ giúp Việt Nam, mà họ hiểu là đàn áp Việt Nam -vì truyền thông Mỹ đã khoác mầu Việt Nam cho Việt Cộng, đổi cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản thành chiến tranh giải phóng, và đổi vai trò trợ chiến bảo vệ tự do, dân chủ, của lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam thành xâm lược.

Nói cách khác truyền thông Mỹ đắc lực tiếp tay với bộ máy tuyên truyền Việt Cộng.
Áp lực của quần chúng mạnh đến mức chỉ 28 ngày sau ngày Việt Cộng phát động cuộc TCKMT -ngày 30 tháng Giêng 1968- ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Rusk đề nghị ngưng oanh tạc Bắc Việt, và mời Bắc Việt hòa đàm.

Đề nghị hòa đàm được công bố ngày 27 tháng Hai; chưa đầy một tuần sau, ông Rusk tái đề nghị, nhưng Hà Nội vẫn quỷ quyệt, làm núng, không đáp ứng.

Ngày mùng 10 tháng Ba (70 ngày sau ngày Việt Cộng phát động cuộc TCKMT), tờ The New York Times tiết lộ việc tướng William Westmoreland -tư lệnh chiến trường Việt Nam- xin tăng viện. Thật ra đó chỉ là một cuộc điện đàm giữa hai tướng lãnh Westmoreland và Earle Wheeler -tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, mà ông Wesmoreland khẳng định là ông không xin tăng quân.

Tướng Wheeler bảo Westmoreland là Hoa Thịnh Đốn có thể cứu xét việc tăng quân tại Việt Nam -một cách khuyến khích Westmoreland xin tăng; ngày mùng 8 tháng Hai -9 ngày sau TCKMT- tướng Westmoreland trả lời là nếu ông được phép đưa quân sang Hạ Lào, ông có thể cần thêm một sư đoàn mới.

Ngày 12 tháng Hai, Westmoreland khẳng định con số xin tăng là 10,500 quân; ngay ngày hôm sau Hoa Kỳ gửi lực lượng 10,500 quân nhân Nhẩy Dù và TQLC sang Việt Nam.

Ngày 20 tháng Hai (ba tuần sau TCKMT) Tổng Thống Lyndon Johnson gửi tướng Wheeler sang Sài Gòn để nhận định tình hình.

Bận tâm của Wheeler là quân đội Hoa Kỳ không có lực lượng tổng trừ bị chiến lược; ông lợi dụng cuộc TCKMT như một thiếu thốn điển hình để nêu lên nhu cầu tổng trừ bị. Sau này, khi viết hồi ký, tướng Westmoreland chỉ trích Wheeler đã che giấu sự thật là ông không cần tiếp viện, để nêu lên nhu cầu tổng trừ bị.

Ngày 27 tháng Hai, tổng thống Johnson bàn với Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara về nhu cầu tăng quân và tăng quân phí. Hoa Kỳ đứng trước lựa chọn, hoặc tăng thuế, hoặc chấp nhận lạm phát do nhu cầu tăng quân phí gây ra.

Sau này những tài liệu tiết lộ trong quyển the Pentagon Papers cho thấy tướng Wheeler chủ trương tăng quân Mỹ tại Việt Nam để thắng trận, trong lúc Westmoreland cho là không cần và không xin thêm quân, không cần lực lượng tổng trừ bị chiến lược, cũng không cần tăng quân phí, không cần tăng thuế.

Chiến trường Việt Nam chỉ cần Mỹ tiếp tục những nỗ lực chiến tranh bình thường cũng đủ thắng lực lượng Việt Cộng -lúc đó không còn khả năng du kích vì đã đem nướng toàn bộ những đơn vị du kích hoạt động trên lãnh thổ Nam Việt vào cuộc TCKMT.

Sự lầm lẫn của Westmoreland không lớn tiếng khẳng định tính chất Kamikaze của những cuộc tấn công do trên 100 đơn vị nhỏ cấp tiểu đội, trung và đại đội, là việc mà mỗi phi công Nhật đều có thể làm trong Đệ Nhị Thế Chiến. Quân lực VNCH chỉ có thể đánh bại chứ không thể ngăn cấm chúng đừng tấn công để tự tử, như những hạm đội hùng hậu của Mỹ trong Thế Chiến Thứ Nhì, chỉ có thể bắn rơi những chiếc khu trục Kamikaze, nhưng không thể cấm chúng cất cánh.

Thêm vào những bối rối mà hai tướng lãnh Westmoreland và Wheeler vẽ ra, ngày 27 tháng Hai, ký giả nổi tiếng Walter Cronkite nói trên đài CBS, “Chúng ta thường thất vọng trước niềm lạc quan của giới lãnh đạo Hoa Kỳ; họ tìm ra những lằn trắng hy vọng tưởng tượng giữa đám mây mù giông bão. Họ bảo chúng ta hy vọng chiến thắng trong một cuộc chiến tranh chỉ có thể chấm dứt trên bàn thương nghị."

Cronkite chỉ là một trong hàng trăm nhà truyền thông nêu lên thuyết chủ bại, mặc dù trong cuộc thăm dò dân ý vào cuối tháng Giêng 1968, 61% người Mỹ vẫn chủ trương chiến thắng tại Việt Nam, 23% chủ trương thương thuyết với Việt Cộng, và 16% không có ý kiến.

Cuộc TCKMT năm nay do một tên khủng bố tấn công một xưởng hóa chất -tài sản của một công dân Hoa Kỳ trên lãnh thổ Pháp- cắt đầu một người và toan tính phá nổ xưởng sản xuất; trong lúc tên khủng bố thứ nhì đột nhập một khách sạn trên bờ biển Tunisia, bắn chết 38 người; và tên thứ ba -một người bom- cho bom nổ banh xác để giết 25 tín đồ Shiite trong một thánh đường tại Kuwait.

Dù tái bản trong một hình thức nhỏ bé hơn, nhưng cuộc TCKMT quốc tế năm nay vẫn tạo được tiếng vang lớn trong dư luận thế giới. Nếu IS kiên trì thực hiện nhiều đợt TCK nối tiếp như Việt Cộng thực hiện trong những năm tiếp theo cuộc TCK đợt đầu 1968; chúng ta có thể tiên đoán mà không sợ đoán sai là những tân Wheeler, tân Westmoreland sẽ xuất hiện trong quân đội Hoa Kỳ để tạo hoang mang, những tân ký giả Cronkite sẽ lên tiếng đòi hỏi hòa giải với IS, và những tân Kissinger sẽ đứng ra lãnh giải Nobel nhờ tạo ra nền hòa bình độc ác tại Việt Nam hiện nay.

Không mấy người Mỹ học bài TCKMT để nhận ra cuộc tấn công 6/26/2015 mới chỉ là đêm giao thừa Mậu Thân. (nđt)










No comments:

Post a Comment

View My Stats