Thursday 9 July 2015

RFI ĐIỂM BÁO : Đối mặt với Bắc Kinh, Hoa Kỳ và Việt Nam xích lại gần nhau (Minh Anh - RFI)





RFI ĐIỂM BÁO :
Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày 09-07-2015

Obama mở cửa Nhà Trắng đón Nguyễn Phú Trọng, sàn chứng khoán Thượng Hải chao đảo, đàm phán nợ công Hy Lạp là những chủ đề thời sự nóng trên các mặt báo Pháp sáng nay 09/07/2015.

« Lần đầu tiên », « tính biểu tượng mạnh » là nhận định chung của một số nhật báo Pháp như Le Monde, Libération hay L’Humanité về sự kiện Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được đón tiếp long trọng tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng. Một vinh dự thường chỉ dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ.

« Obama mở rộng vòng tay đón lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam » là tựa bài phân tích của Arnaud Vaulerin, thông tín viên nhật báo thiên tả Libération tại Nhật Bản. Với tấm hình Obama cười vui vẻ bắt tay Nguyễn Phú Trọng, tác giả bình luận « Tấm ảnh nói rõ tầm quan trọng của chuyến công du này ». Bởi lẽ người mà ông Obama đón tiếp là một đại diện Việt Nam không do dân bầu lên, một quốc gia mà Hoa Kỳ tiến hành chiến tranh chống lại trong gần 20 năm. Hoa Kỳ không trải thảm đỏ để đón ông Nguyễn Phú Trọng và cũng không dành cho ông hết mọi vinh dự của một chuyến công du cấp Nhà nước. Dù vậy, sự việc vẫn mang tính biểu tượng rất cao.

Đó là vì 40 năm sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, chuyến công du 4 ngày của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy một giai đoạn quan trọng mới trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia, được khởi động từ năm 1995. Trước khi đến Hoa Kỳ, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã giải thích rằng : « Việt Nam và Hoa Kỳ, xưa kia là kẻ thù, nay đã trở thành bạn bè và tích cực tham gia vào một đối tác toàn diện từ năm 2013 ».

Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng làm « nổi bật một mối quan hệ mang tính xây dựng dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau" bất chấp một "lịch sử khó khăn" liên quan đến cuộc chiến (Le Monde). Rằng Việt Nam đã thực hiện nhiều « tiến bộ đáng kể » (Libération).

Nhân quyền xuống hàng thứ yếu
Tuy nhiên việc Obama quyết định tiếp lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng gặp phải sự phản đối gay gắt từ giới đấu tranh nhân quyền. Dù rằng cả hai lãnh đạo đều cho biết có những bàn luận « thẳng thắn », nhưng các nhật báo Pháp đều có cùng nhận định là không trông đợi được gì nhiều trong cuộc gặp gỡ lần này.

Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn luôn bị chỉ trích cản trở các quyền tự do cơ bản (quyền tập hợp, thành lập hội đoàn và biểu tình) và các quyền tự do tín ngưỡng cũng như việc thường xuyên lạm dụng vũ lực trong các trại giam. Các báo Pháp trích dẫn con số ước tính của do tổ chức Quan sát Nhân quyền Human Rights Watch cho biết hiện Việt Nam có khoảng 150 tù nhân chính trị (các nhà viết blog, luật sư, đại diện tôn giáo, các nhà đấu tranh xã hội và nghiệp đoàn). Do đó, theo ông John Sifton, giám đốc HRW phụ trách Châu Á, được Libération trích dẫn, Việt Nam tiến bộ quá ít, nên chưa « xứng đáng được thưởng bằng một cuộc gặp gỡ tại Phòng Bầu dục ».

Mối họa Trung Quốc là tâm điểm
Dù vậy đối với Washington, chuyến đi này rất quan trọng. Lời mời đến thăm Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ bang giao Việt – Mỹ, sự tiếp đón long trọng dành cho ông Nguyễn Phú Trọng còn cho thấy rõ sự manh nha cải thiện quan hệ với các cựu thù cộng sản của Hoa Kỳ, nhất là sau thông báo gần đây bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Le Monde trích nhận định của ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Viện Đối ngoại và Nghiên cứu chiến lược của Việt Nam, cho rằng : « Chuyến đi này chứng tỏ là Hoa Kỳ công nhận và tôn trọng chọn lựa chính trị của Việt Nam và hệ thống mà đất nước đi theo ». Chuyến công du lịch sử đến Nhà Trắng cũng cho thấy "độ chín muồi trong quan hệ Mỹ - Việt", sau hai mươi năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù.

Bên cạnh đó, Libération và Le Monde có cùng quan điểm cho rằng trọng tâm của chuyến công du Hoa Kỳ lần này của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nhật báo Le Monde cho rằng: "Cách thức Washington tiếp đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, chứng minh tầm mức quan trọng ngày càng lớn của Việt Nam đối với Hoa Kỳ, vào thời điểm mà Trung Quốc ngày càng lớn mạnh trên phương diện kinh tế và chiến lược tại Châu Á - Thái Bình Dương".
Một quan điểm cũng được Libération đồng chia sẻ. Tờ báo viết : « Việc thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ với Hà Nội minh chứng một sự chuyển hướng chính sách đối ngoại của Washington về Châu Á kể từ năm 2009. Đối mặt với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc với những tham vọng bá quyền hàng hải nhằm tranh giành vai trò cảnh binh trong khu vực, chính quyền Obama có ý định tái khẳng định sự hiện diện của mình trên Biển Đông. Để làm được điều này, Hoa Kỳ cần phải xây dựng mối quan hệ hữu hảo chiến lược và những liên minh cần thiết ngay tại sân sau của Trung Quốc ».

Do đó, theo Libération, chuyến công du này xảy ra trúng thời điểm đối với Hà Nội. Việt Nam cho đến giờ vẫn luôn thi hành một chính sách đối ngoại cân bằng giữa các cường quốc (xưa kia là Nga – Trung, bây giờ Bắc Kinh – Washington). Và Việt Nam chưa bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để thoát phần nào sự kềm chế của anh bạn láng giềng chuyên « lấy thịt đè người ».
Lịch sử « ngàn năm đô hộ giặc Tàu » vẫn để lại chấn thương trong sâu thẳm tâm thức người Việt. Và lịch sử giữa hai quốc gia anh em cộng sản này vẫn luôn là những cuộc xung đột. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, trong buổi gặp gỡ Tổng thống Mỹ hôm thứ Ba vừa qua, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam công khai bày tỏ mối quan ngại liên quan đến những xung đột trên Biển Đông, nơi mà « luật quốc tế không được tôn trọng ».

Ngay tại khu vực này, nơi giao thoa của nhiều tuyến hàng hải quan trọng và quyền lợi kinh tế chiến lược của cả Châu Á, Trung Quốc không ngừng cải tạo các bãi đá ngầm trong khu vực quần đảo Trường Sa để xây dựng bức « Vạn Lý Trường Thành bằng cát ». Điển hình là Bắc Kinh sắp hoàn thành một phi đạo dài 3100m trên Đá Chữ Thập, theo như tiết lộ của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hoa Kỳ.

Việt Nam muốn độc lập chính sách ngoại giao
Đối mặt với các chiến dịch bê-tông hóa của Trung Quốc trong khu vực quần đảo tranh chấp, Việt Nam đã chọn xích lại gần với Hoa Kỳ hơn khi quyết định để ông Nguyễn Phú Trọng, nhà tư tưởng và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, từng rất thân với Trung Quốc, đến thăm Washington. Hà Nội mong muốn tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, vốn dĩ cũng có tham vọng cập vào các cảng của Việt Nam.

Bình luận về chuyến đi này của ông Nguyễn Phú Trọng, chuyên gia Hoàng Anh Tuấn, được Le Monde trích dẫn cho rằng : Hà Nội muốn "chứng tỏ với Bắc Kinh là Việt Nam có ý định tiến hành một chính sách ngoại giao thật sự độc lập". Vị chuyên gia này cũng nhắc lại rằng « Ngược dòng lịch sử, chúng ta nhận thấy là ảnh hưởng của Trung Quốc lên Việt Nam không ngừng suy giảm kể từ giữa thế kỷ XIX, nghĩa là khi người Pháp đến Việt Nam ».

Một quan điểm cũng được ông Jonathan London, chuyên gia về Châu Á học, giáo sư trường đại học Hồng Kông đồng chia sẻ trên tờ Wall Street Journal, được Le Monde dẫn lại : « Việc lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, người đảm bảo cho ý thức hệ của đảng, đến thăm Hoa Kỳ cho thấy là Việt Nam đang tiến hành một chiến lược tái cân bằng ».

Hiệp ước Mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương : Lợi hay hại?
Một chủ đề quan trọng khác cũng nằm trong chương trình nghị sự giữa ông Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama: đó là Hiệp ước trao đổi mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một thỏa thuận trao đổi tự do giữa 12 nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhưng không có Trung Quốc. Về phần này, nhật báo Le Monde trích dẫn lại nhiều nhận định trái ngược nhau của một số chuyên gia trong nước.

Theo quan điểm của chuyên gia phân tích Hoàng Anh Tuấn, "TPP rất quan trọng đối với Việt Nam, do đó cũng như là dạng mẫu cho mọi thỏa thuận thương mại khác. Hơn nữa, TPP không chỉ mang tính chất kinh tế mà còn cả vấn đề chiến lược".

Thế nhưng, không phải ai cũng có cùng quan điểm trên. Đối với ông Bùi Kiến Thành, người từng tham gia các cuộc đàm phán, TPP chưa hẳn là liều thuốc chữa bách bệnh. Theo ông, Việt Nam chẳng được lợi gì khi tham gia TPP, mà chỉ có thiệt. Do bởi nền kinh tế Việt Nam còn xa để mà có thể đối đầu với sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, đối với những người chủ trương cải cách trong chế độ, tham gia TPP cũng là một phương cách mở ra trào lưu tự do cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Đối với giáo sư Tương Lai, cựu viện trưởng Viện Xã hội học và cũng từng là chuyên gia nổi tiếng về chủ nghĩa Mác-xít, "TPP vẫn sẽ là một bước đi quan trọng cho phép Việt Nam tiếp tục tránh xa quỹ đạo Trung Quốc".

Sau Hy Lạp, rồi đến Trung Quốc ?
Thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo trong ba tuần liên tiếp đã hâm nóng các mặt báo Pháp. Phụ san Kinh tế của Le Monde chạy tít lớn : « Hỗn loạn thị trường chứng khoán Thượng Hải ». Nhật báo Kinh tế Les Echos chạy tít lớn trên trang nhất : « Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ làm cả Châu Á run rẩy ».

90 triệu người chơi chứng khoán tại Trung Quốc rơi vào cảnh bấn loạn. Trong vòng chưa đầy một tháng, thị trường chứng khoán Thượng Hải vừa mất đến hơn 30% giá trị. Hơn 3.000 tỷ đô-la vốn ảo tan thành mây khói. Les Echos bình luận : Mọi công thức đã tập hợp đủ để thổi phồng bong bóng đầu cơ. Giá cổ phiếu đã bị Bắc Kinh thổi phồng một các giả tạo. Chính quyền không chỉ sử dụng các đòn bẩy tiền tệ và tài chính, mà còn thao túng cả bộ máy tuyên truyền để thúc đẩy tối đa người dân Trung Quốc chơi chứng khoán.

Những người mới học chơi đã tăng lên gấp bội – lên đến 90 triệu người chơi, nhiều hơn cả số đảng viên của Đảng Cộng sản. Giờ ai cũng phải trả giá : Những doanh nghiệp nào đã có thể vay vốn bên ngoài khối ngân hàng ngày càng trở nên mập mờ hơn. Người dân trở nên giàu ảo, vào thời điểm giá bất động sản và sức mua chao đảo, quá vui sướng vì trò khuây khỏa vào lúc kinh tế trượt đà, cho đến lúc sụp đổ hoàn toàn.

Bắc Kinh đã tạo ra quả bong bóng chứng khoán, thì giờ phải xử lý lấy sự bùng nổ. Chính quyền đã cực kỳ tích cực hành động để tránh hỗn loạn (…) Bởi vì, nếu như thị trường chứng khoán tiếp tục trượt giá, chính tâm lý của người tiêu thụ cũng có thể bị ảnh hưởng. Hình ảnh của quyền lực tối cao mà chính quyền đã chăm chút kiến tạo cũng có thể bị sứt mẻ.

Les Echos đặt ra một loạt nghi vấn : « Làm thế nào chính quyền Trung Quốc có thể tiến hành các cải cách cần thiết, trong khi không thể nào xử lý được cuộc khủng hoảng chứng khoán ? Liệu Trung Quốc thật sự có khả năng nối kết các bước kế tiếp – tự do hóa dòng vốn, quốc tế hóa đồng nội tệ - để thay đổi mô hình kinh tế đất nước ? ». Đối với phụ trang kinh tế của Le Figaro, hiện chỉ có một câu trả lời duy nhất là : « Trung Quốc bất lực trước sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ».

Trung Quốc giám sát mùa chay Ramadan tại Tân Cương
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Công giáo La Croix có bài phóng sự cho biết tại khu tự trị Hồi giáo Tân Cương, chính quyền Trung Quốc cấm học sinh, sinh viên và công chức hành lễ. Tuy nhiên nhiều người vẫn hành lễ như họ muốn.

La Croix đề tựa nhận định « Mùa chay Ramadan dưới sự giám sát của chính quyền Tân Cương Trung Quốc ». Trong khu phố người Duy Ngô Nhĩ thành phố Y Ninh, tỉnh Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc, cuộc sống thật giản dị, thiếu thốn, với một mùa chay Ramadan thật tĩnh lặng. Qua tiếp xúc với người dân tại đây, La Croix nhận thấy có một hố sâu chia cách giữa cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ chiếm đa số tại đây với thiểu số người Hán. Người Duy Ngô Nhĩ chỉ trích người Hán không biết lấy một chút phép tắc xã giao tối thiểu của người dân tộc, chí ít cũng là một câu chào bằng tiếng thổ ngữ.

Một gia đình mà phóng viên La Croix có dịp tiếp xúc cho biết, bất chấp lệnh cấm của chính quyền, nhiều người dân Duy Ngô Nhĩ vẫn hành lễ mùa chay Ramadan. Trong suốt mùa chay Ramadan, chính quyền Tân Cương cấm các quan chức và nhân viên công chức đặt chân vào các thánh đường. Tuy nhiên, theo lời thuật của một giáo chủ, đôi khi ông cũng nhắm mắt làm ngơ. Bởi vì, theo ông « Tôn giáo quan trọng hơn cả chính trị ».

Về mặt chính thức, từ nhiều năm nay, chính quyền Tân Cương áp đặt nhiều lệnh cấm nghiêm ngặt đối với cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Người dân tại đây phàn nàn chính sách trấn áp tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa của Bắc Kinh.

Hy Lạp và Châu Âu sẽ ly dị ?
Đương nhiên hồ sơ Hy Lạp phải là chủ đề thời sự chính trên các báo Pháp. Lãnh đạo khu vực đồng euro đã siết chặt hơn nữa các đòi hỏi trước thượng đỉnh Châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày Chủ Nhật 12/07 này. Le Monde đưa tít lớn trên trang nhất : « Hy Lạp : trước giờ chia tay». Libération thì có bài nhận định : « Tại Châu Âu, Tsipras chia rẽ cánh tả ». Le Figaro cho hay : « Hy Lạp : cánh hữu Pháp gây áp lực với Hollande ».

Như vậy là « Chỉ còn chưa tới 100 giờ nữa, số phận của Hy Lạp sẽ được định đọat », Le Figaro thông báo trên trang 4. Châu Âu đã ấn định tối hậu thư là vào Chủ Nhật này. Do đó, Athens hôm nay phải trình lịch trình cụ thể về ngân sách kinh tế và những cải cách xác thực. Từ năm tháng nay, các quốc gia thành viên đã nhiều lần đưa ra hạn chót nhưng vẫn không thành.
Vào cuối tuần này, sẽ không còn tờ giấy bạc nào trong các máy rút tiền tự động và ngân hàng cũng cũng sẽ không mở cửa cho đến ngày thứ Hai tới đây. Le Figaro cảnh báo, nếu như Ngân hàng Trung ương Châu Âu cúp hết mọi người trợ cấp, thì sẽ có ít nhất một trong bốn ngân hàng lớn của Hy Lạp sẽ tuyên bố phá sản. Phần tiếp theo có vẻ khó tránh được.








No comments:

Post a Comment

View My Stats