Monday 6 July 2015

Hy Lạp: Điều gì xảy ra tiếp theo? (Paul Kirby - BBC News)





Paul Kirby  -  BBC News
6-7-2015

Hơn 60% người dân Hy Lạp đã bỏ phiếu "Không" trước điều kiện do các nước khu vực dùng đồng euro đưa ra, tuy Thủ tướng Alexis Tsipras nói điều này không có nghĩa là chống lại châu Âu.
Nhưng một vài lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo, bỏ phiếu chống cũng đồng nghĩa với quyết định rời khu vực đồng euro.

Vậy điều gì sẽ xảy ra?

Có ít nhất ba tình huống – nhưng trọng tâm của mỗi tình huống này vẫn là điều gì sẽ xảy ra với các ngân hàng Hy Lạp và số tiền hỗ trợ khẩn cấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Tình huống 1: Thỏa thuận không thành khiến Hy Lạp phải rời khối đồng euro
Với nhiều người đây là khả năng dễ xảy ra nhất.
Các bộ trưởng Đức cũng như lãnh đạo các nước Ý và Pháp đều coi cuộc bỏ phiếu chính là trưng cầu dân ý về việc Hy Lạp đi hay ở lại khu vực đồng euro.

Tình huống 2: Ngân hàng Hy Lạp sụp đổ khiến nước này phải rời khối euro... hoặc đạt được thỏa thuận
Chính phủ Hy Lạp hứa kết quả bỏ phiếu “Không” sẽ khiến các ngân hàng mở lại vào thứ Ba 07/07. Nhưng ECB khó có thể có đủ được số tiền mặt hỗ trợ khẩn cấp và sự tồn tại của các ngân hàng chỉ còn được tính bằng ngày.
Một lựa chọn khác cho các ngân hàng là hoạt động trở lại với một loại tiền tệ tương đương trước khi khôi phục tiền tệ cũ của Hy Lạp, đồng Drachma.

Tình huống 3: Lãnh đạo khối EU thông qua thỏa thuận và chặn vỡ ngân hàng
Tình huống này có lẽ sẽ khó xảy ra, nhưng Thủ tướng Hy Lạp đã đưa ra chương trình khung cho thỏa thuận và những cải cách ông đã đồng ý chỉ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu cũng không khác nhiều so với những gì các chủ nợ của Hy Lạp ở khối đồng euro và Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF yêu cầu.
Quyết định bỏ qua sự hỗ trợ của Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, người đã đưa ra những lời lẽ đầy khiêu khích làm phật lòng các đồng nghiệp khối đồng euro, cho thấy ông Thủ tướng đang tìm hướng tiếp cận ngoại giao hơn.

Hy Lạp sẽ ra đi như thế nào?

Chưa có tiền lệ quốc gia nào rời khu vực các nước dùng đồng euro và không ai biết nó sẽ xảy ra như thế nào.
Rắc rối là ở chỗ, các ngân hàng đã phải chịu tổn thất. Hàng tỷ euro đã được rút ra khỏi các tài khoản tư nhân và doanh nghiệp và kiểm soát vốn khiến Hy Lạp không thể rút số lượng tiền mặt lớn.
Nhưng một vụ vỡ nợ hỗn độn có thể làm tổn hại lớn hơn cho nền kinh tế Hy Lạp.
Du lịch – một trong những nguồn thu lớn nhất của Hy Lạp – sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như thêm một cú trời giáng vào nền kinh tế đã ốm yếu.
Nhiều nhà kinh tế tin rằng, đưa đồng Drachma trở lại có thể có lợi cho kinh tế, nhưng khó có thể nhìn thấy được bất kỳ điều gì tích cực trước mắt.

Liệu sự bất ổn này có lan ra toàn châu Âu?

Khủng hoảng nợ Hy Lạp được coi là mối đe dọa lớn nhất tới khu vực đồng euro cho tới nay.
IMF đã cảnh báo rằng “nguy cơ và nhược điểm vẫn còn đó” và sự sụt giảm mạnh rộng rãi trên thị trường thế giới là điều có thể thấy trước.
Hy Lạp ra đi có thể khiến ECB mất 118 tỷ euro tiền cho các ngân hàng Hy Lạp vay nợ và 20 tỷ euro tiền mua trái phiếu của chính phủ Hy Lạp.
Nhưng còn có nguy hiểm lớn hơn cả thị trường. Một số chính phủ đang phải đối diện với các phong trào chống khối châu Âu và lo lắng dõi theo những diễn biến tại Hy Lạp.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói hồi tuần trước rằng Hy Lạp rời khối tiền tệ euro có thể là “thông điệp tiêu cực rằng tư cách thành viên khu vực đồng euro có thể đảo ngược được”.






No comments:

Post a Comment

View My Stats