Wednesday 15 July 2015

Hy Lạp, eurozone thỏa hiệp: Thực tế còn khắc khổ hơn (Hà Tường Cát)





Monday, July 13, 2015 5:52:45 PM 

HOA KỲ - Các thị trường chứng khoán trên thế giới hôm Thứ Hai đều lên do tin Hy Lạp đạt thỏa hiệp với các nước chủ nợ để được nhận tài trợ và tiếp tục ở lại trong khu vực đồng euro.

Chín tiếng đồng hồ sau khi vượt quá thời hạn tự ấn định, cuộc thương lượng suốt đêm ở Brussels đi đến khai thông vào sáng sớm Thứ Hai. Như vậy Hy Lạp không còn bị đe dọa vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng euro. Ngược lại để được hưởng chương trình vay tiền cứu nguy ba năm, Hy Lạp sẽ phải thông qua luật giảm thuế và các điều luật khác do các tổ chức cùng quốc gia chủ nợ đòi hỏi. Quốc hội Hy Lạp sẽ biểu quyết trong ngày Thứ Tư và người ta tin rằng sẽ không có trở ngại vì các chính đảng đều đồng ý.

Tuy vậy chưa phải là mọi khó khăn đã chấm dứt. Trước hết thỏa thận sơ bộ này cần được quốc hội các quốc gia chủ nợ cũng như Hy Lạp đồng ý, điều này tương đối dễ. Nhưng liệu Hy Lạp có tuân hành đầy đủ các cam kết hay không? Thời biểu chặt chẽ buộc Hy Lạp thực thi những cải tổ cho thấy các nước chủ nợ hoài nghi quyết tâm của chính phủ Hy Lạp. Bà Angela Merkel, Thủ Tướng Đức, tuyên bố: “Cần tái tạo sự tin cậy.” Bà nói thêm rằng: “Thỏa hiệp này là cơ hội để Hy Lạp trở lại tiến trình phát triển bình thường.”

Thủ Tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tháng trước bất ngờ loan báo tổ chức trưng cầu dân ý, kết quả là dân chúng Hy Lạp không chấp thuận những đòi hỏi cải cách kinh tế do các nước chủ nợ đặt ra. Sau đó cuộc thương thuyết tiếp tục thêm một tuần nữa và Hy Lạp đề ra đề nghị cải cách mới, với kết quả hai phía vừa đi đến thỏa thuận bằng những cuộc thương lượng gay go vào cuối tuần.

Một số quan sát viên cho rằng điều kiện bây giờ còn khắt khe hơn điều kiện mà dân chúng Hy Lạp qua trưng cầu dân ý đã bác bỏ. Nhóm bảo thủ trong đảng xã hội Syriza của Thủ Tướng Tsipras, gọi thỏa thuận mới này là “tệ nhất có thể có, vì giữ nguyên trạng Hy Lạp là một xứ thuộc địa mắc nợ các chủ nhân Liên Âu do Đức điều khiển.”

Tuy nhiên theo Thủ Tướng Tsipras thì sau những nhượng bộ của cả hai bên, mặc dầu phải chịu biện pháp khắc khổ chặt chẽ, thỏa hiệp hôm Thứ Hai “tốt hơn nhiều so với thỏa hiệp được đề nghị mà dân chúng Hy Lạp đã bác bỏ.” Ông cũng cho biết đã khước từ đòi hỏi của một số nước chủ nợ muốn Hy Lạp chuyển tài sản ra ngoại quốc làm một hình thức bảo đảm tiền vay và ngăn ngừa sự sụp đổ ở lãnh vực ngân hàng.

Cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp khởi đầu từ cuối tháng Giêng khi đảng xã hội đại thắng trong cuộc tiểng tuyển cử và Thủ Tướng Alexis Tsipras, 40 tuổi,  lên cầm quyền. Ông muốn thực hiện điều hứa hẹn trong thời gian tranh cử là nới lỏng chính sách khắc khổ và thương thuyết giảm nợ. Hy Lạp nợ nước ngoài khoảng 320 tỷ euros nghĩa là 180% GDP hàng năm. Ông hy vọng có thể thuyết phục, và đồng thời áp lực các nước chủ nợ không muốn Hy Lạp ra khỏi eurozone sẽ làm khối Liên Âu suy yếu tính đoàn kết.

Từ 2010, Hy Lạp đã hai lần được Liên Âu cứu nguy và bây giờ cần một gói cứu nguy thứ ba để trả nợ và tiếp tục phục hồi nền kinh tế sau 6 năm suy thoái. Nhưng nhiều tháng thương thuyết căng thẳng với các nước Liên Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế không đi tới kết quả gì trước thời hạn 30 tháng 6. Hy Lạp đến gần tình trạng vỡ nợ, các ngân hàng không còn tiền vì dân chúng lo sợ tìm cách rút tiền ra. Cho đến nay các ngân hàng đã được lệnh đóng cửa từ hai tuần lễ và sinh hoạt thương mại gần như đình chỉ.

Nếu thỏa thuận ngày Thứ Hai được tất cả các bên đồng ý và thi hành, Hy Lạp sẽ được vay $85 tỷ euros để các ngân hàng có thể mở lại. Nhưng trước đó quốc hội Hy Lạp phải thông qua nhiều biện pháp khắc khổ bao gồm dự luật tăng thuế, giảm chi tiêu, cải tổ quỹ hưu bổng và thị trường nhân dụng.

Các chuyên gia tài chính nhận định khác nhau về thỏa hiệp Hy Lạp vừa chấp nhận với 18 nước trong khu vực đồng euro (trong số 28 thành viên EU).

Jacob Kirkegaar, thuộc viện kinh tế quốc tế Peterson, nói: “Đây là thỏa hiệp tốt nhất mà Hy Lạp có thể đạt. Không đến nỗi quá tệ nếu xét về tình hình khó khăn khủng khiếp và tai hại khi chính phủ Hy Lạp tạo ra lúc ban đầu.” Thủ Tướng Tsipras cuối cùng nhận ra rằng những hứa hẹn với cử tri thời gian tranh cử không thể thi hành được trong thực tế khó khăn và ông đã cố gắng tìm cách thỏa hiệp.

Nhưng Ashoka Mody, giáo sư thỉnh giảng về tài chính quốc tế tại đại học Princeton cho rằng “về mặt kinh tế, chương trình này thất bại. Nếu được thực hiện trong ba năm, kinh tế Hy Lạp sẽ xuống 10% và nợ nần sẽ cao hơn.”

Sau khi quốc hội Hy Lạp thông qua tất cả mọi dự luật mà các chủ nợ đòi hỏi, Ngân Hàng Âu Châu ECB sẽ tăng ngân khoản khẩn cấp cho các ngân hàng có thể sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục chính sách kiểm soát tư bản trong nhiều tháng. Eswar Prasad, giáo sư môn chính sách mậu dịch Cornell University giải thích: “Hy Lạp có thể thoát khỏi bờ vực hỗn loạn kinh tế, nhưng không bảo đảm rằng nền kinh tế sẽ hồi sinh trong khu cực đồng euro.”

Ngoài vấn đề ngân hàng, Hy Lạp cần có 4.2 tỷ euros trả nợ cho ECB trước ngày 20 tháng 7, và 1.5 tỷ euros nợ quá hạn kỳ của IMF. Ngân khoản của chương trình cứu nguy phải khoảng 4 tuần lễ nữa mới được giải ngân và như thế Hy Lạp cần phải có thêm những trợ giúp khác.

Bộ trưởng ngân khố Hoa Kỳ, Jacob Lew, hoan nghênh thỏa hiệp giữa Hy Lạp với các chủ nợ Âu Châu. Theo ông, giữ cho Hy Lạp ở trong eurozone là tốt cho Hy Lạp, cho các nước sử dụng đồng euro, cho sự ổn định kinh tế Âu Châu và toàn cầu.

Tuy vậy, đây mới chỉ là bước đầu của sự giải quyết khủng hoảng. Cần phải có những nỗ lực của chính Hy Lạp và nhiều hỗ trợ khác nữa của Liên Âu thì cuối cùng mới có thể đi đến thành công. Thiếu điều kiện ấy, Hy Lạp sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng hơn với tác động ảnh hưởng đến toàn thể Âu Châu và thế giới. (HC)








No comments:

Post a Comment

View My Stats