Friday 24 July 2015

Grexit vẫn còn là kết quả có nhiều khả năng xảy ra nhất (Lê Mạnh Hùng)





Lê Mạnh Hùng
Wednesday, July 22, 2015 1:47:39 PM 

Tấn bi hài kịch Hy Lạp đã kết thúc màn thứ nhất khi Quốc Hội Hy Lạp cắn răng nuốt hận thông qua một loạt những biện pháp khắc khổ mà các chủ nợ đòi hỏi để đổi lấy một số tiền vay mới dự trù là 60 tỷ Euros cứu cho nước mình khỏi bị phá sản. Sự kiện này xảy ra ngay sau khi dân chúng Hy Lạp bỏ phiếu không chấp nhận những điều kiện khắc khổ mà so với hiện nay còn nhẹ nhàng hơn nhiều cho thấy Thủ Tướng Hy Lạp Alexis Tsipras chẳng biết xui khiến làm sao đã lựa chọn cái tồi tệ nhất trong tất cả các lựa chọn có thể.

Ðáng lẽ ông Tspras không nên chọn ông Yanis Varoufakis làm bộ trưởng tài chánh. Hoặc là đã chọn rồi thì nên giữ ông ta lại và nghe theo lời ông. Ông Tsipras đã làm một sai lầm then chốt khi bác bỏ không theo kế họach B của ông Varoufakis sau khi bác bỏ tối hậu thư của các nước chủ nợ và các ngân hàng Hy Lạp cạn tiền phải đóng cửa. Kế họach này dự trù phát hành ngay tín phiếu IOU như là một đồng tiền song hành so với đồng Euro. IOU này do nhà nước Hy Lạp phát hành nhưng giữ trị giá bằng Euro. Nó sẽ cho phép người dân Hy Lạp tiếp tục chi trả cho những giao dịch hàng ngày và tránh được một sự sụp đổ kinh tế toàn diện.

Nhưng ông Tsipras đã không dám đi theo kế họach đó, hay là bất kỳ một kế hoạch B nào khác. Trái lại ông đầu hàng. Và bây giờ thì ông không còn ngay ở trong vị thế có thể chọn được một sự rút ra khỏi khu vực Euro nữa, một Grexit. Những điều kiện tiên quyết để có thể có rút ra khỏi được khu vực Euro là thứ nhất, một thặng dư ngân sách căn bản, tức là chi và tiêu ngân sách không kể tiền lời nợ phải trả - và một thặng dư trong cán cân thanh tóan. Hy lạp không còn dự trữ ngọai tệ. Nếu Hy lạp lựa chọn rút ra khỏi khu vực Euro và lập lại đồng Drachma, Hy lạp sẽ phải chi cho toàn bộ nhập cảng của mình bằng tiền thu được qua xuất cảng hàng hóa và dịch vụ. Ðiều kiện đó Hy lạp có trước khi sụp đổ nhưng nay không còn nữa.

Thành ra, giống như những người tiền nhiệm của ông, ông Tsipras cuối cùng lại phải chấp nhận một sự áp đặt tồi tệ cho đất nước mình. Và thỏa hiệp cho vay lần này cũng phạm phải những khuyết điểm căn bản giống hệt như hai lần trươc. Hậu quả cuối cùng như vậy cũng sẽ không khác gì hơn. Cuối cùng thì việc Hy lạp ra khỏi khu vực Euro là một chuyện hầu như không thể tránh được. Càng kéo dài càng tạo thêm đau khổ cho dân chúng Hy lạp mà thôi.
Kịch bản nhiều triển vọng diễn ra nhất là hai bên đạt được một thỏa thuận, nhưng việc giảm nợ quá ít trong lúc những biện pháp khắc khổ quá nặng khiến cho kinh tế Hy Lạp không thể chịu nổi. Chính phủ Hy Lạp mặc dầu thực hiện tất cả những biện pháp mà các nước chủ nợ đòi hỏi nhưng kinh tế vận không thể phục hồi và gánh nặng nợ càng ngày càng nặng.

Tuần trước tại Hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu, ông Tspras đã đồng ý là nếu tình hình kinh tế tiếp tục không phục hồi, ông sẽ đưa ra thêm những biện pháp khắc khổ. Thành ra, ngoại trừ kinh tế Hy Lạp họat động theo một chiếu hướng hòan tòan khác với chiều hướng cũ, Hy Lạp sẽ bi mắc kẹt trong một cái bẫy, khắc khổ đẩy kinh tế đi xuống dẫn đến khắc khổ thêm nữa, cứ như vậy trong nhiều năm nữa không thấy đường ra. Vào lúc đó, ông Tsipras hoặc là một người thừa kế ông có thể kết luận rằng lựa chọn một đường ra khỏi khu vực Euro một cách êm thấm là cách hay nhất. Cũng có thể là các nước chủ nợ, mệt mỏi vì phải chi thêm tiền mãi cho Hy Lạp cũng làm áp lực cho Hy Lạp phải đi ra.

Nếu bên ngoài những yếu tố kinh tế, ta xét thêm đến các khía cạnh kinh tế xã hội thì triển vọng có thể xảy ra nhất cho Grexit là một cuộc nổi dậy. Dân Hy lạp đã chứng tỏ sự bất mãn của họ qua cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi. Và ngay cả một số chính khách Châu Âu nhạy cảm như ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Ðồng Âu Châu cũng cảm thấy điều đó khi nói với nhật báo Financial Times rằng ông cảm thấy “có một cái gì cách mạng trong không khí.”

Trong các điều kiện khắc khổ như hiện nay chỉ cần chưa đầy ba năm là Châu Âu sẽ lại rơi vào một cuộc khủng hỏang mới về Hy lạp. Và lần này không phải chỉ tiền bạc mà thôi.

Dân chúng Hy Lạp hiện còn chưa đến cái mức nổi lên làm cách mạng thay đổi chế độ mặc dầu tám năm suy thoái kinh tế liên tục. Các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy đa số dân chúng vẫn còn ủng hộ việc giữ đồng Euro và ở trong Liên Hiệp Âu Châu. Trong cuộc sống không phải lúc nào người ta cũng lựa chọn những giải pháp cực đoan nhất mà thông thường người ta chỉ xét đến một số nhỏ những lựa chọn chính trị và kinh tế và chọn cái gì mà người cho là tốt nhất cho mình và cho quốc gia. Dân chúng Hy Lạp bầu cho ông Tsipras và đảng Syriza của ông vì tất cả những đảng khác làm họ thất vọng. Nếu Syriza cũng làm họ thất vọng - một điều mà chắc chắn sẽ xảy ra - người Hy Lạp không còn một lựa chọn dân chủ nào khác. Một “failed state” đang hình thành tại Nam Âu.








No comments:

Post a Comment

View My Stats