Monday 13 July 2015

Có thể ngăn chặn được Trung Quốc không? (Andrew Browne - The Wall Street Journal)






Andrew Browne  -  The Wall Street Journal
13/06/2015

Khi các căng thẳng với Trung Quốc gia tăng, những nhà tư tưởng chính sách đối ngoại Mỹ đang phủi bụi dùng lại những tư tưởng của chiến lược ngăn chặn từ thời Chiến tranh Lạnh – và bày tỏ nghi vấn đối với sự đồng thuận lâu đời về chủ trương thu hút sự can dự của Bắc Kinh.

*
Viết vào năm 1967, giữa lúc cao trào của Chiến tranh Lạnh, Richard Nixon tuyên bố một tham vọng mới của Mỹ: “thuyết phục Trung Quốc là Trung Quốc phải thay đổi”.

Ông viết: “Nếu nhìn xa trông rộng, chúng ta không thể nào để Trung Quốc mãi mãi đứng ngoài gia đình các quốc gia, để mặc Trung Quốc dung dưỡng những suy nghĩ hão huyền của họ, ấp ủ những nỗi thù oán của họ và đe dọa các nước láng giềng của họ.” Bốn năm sau, sau khi đã bước vào Tòa Bạch Ốc, Nixon xoay xở dàn xếp được chủ trương “mở cửa với Trung Quốc” hứa hẹn biến cường quốc cộng sản này thành một đối tác ngoại giao, một đối tác sẽ chịu chấp nhận các giá trị của Mỹ và có thể thậm chí chấp nhận chế độ dân chủ của Mỹ.

Đối với nhiều người Mỹ hiện nay, khi thấy chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình mạnh tay đàn áp giới bất đồng trong nước trong khi tranh giành với Mỹ để chiếm vị thế chủ soái ở Châu Á, lời hứa hẹn đó dường như càng xa vời hơn bao giờ hết. Trong cuốn sách mới xuất bản “The Hundred-Year Marathon” (“Cuộc đua marathon trăm năm”), Michael Pillsbury, một chuyên gia về Châu Á và quan chức Ngũ Giác Đài dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và Tổng thống George H.W. Bush, viết rằng “Trung Quốc đã không đáp ứng được gần như tất cả những kỳ vọng lạc quan của chúng ta.”

Chính sách đối ngoại của Mỹ đã đến thời điểm bước ngoặt, khi những nhà phân tích thuộc đủ mọi trường phái chính trị từ tả sang hữu đã bắt đầu phủi bụi sử dụng lại các lập luận thời Chiến tranh Lạnh và cho rằng cần có chính sách ngăn chặn (containment) đối với Trung Quốc. Quan điểm đồng thuận ở Washington về các lợi ích của “sự can dự có tính xây dựng” với Bắc Kinh từng rất vững chắc nhưng nay đã tan vỡ.

Tám đời tổng thống Mỹ, cả Cộng hòa lẫn Dân chủ, đều tin rằng [chiến lược] can dự (engagement) là cách thực tế duy nhất để khuyến khích tự do hóa ở Trung Quốc. Jimmy Carter truyền lại chính sách của Nixon cho Ronald Reagan; George W. Bush truyền lại cho Barack Obama.

Trong những tháng gần đây có thể thấy rất rõ là chính sách của Mỹ đang rối như tơ vò. Các báo cáo tư vấn nhiều chưa từng thấy từ các trung tâm học thuật và viện nghiên cứu hàng đầu đã đề xuất mọi thứ từ phản ứng quân sự đối với Trung Quốc đến những nhượng bộ toàn diện. Những phương thuốc này khác nhau nhưng có chung điểm xuất phát: tâm lý bi quan về chiều hướng hiện tại của quan hệ Mỹ-Trung.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon, phải, nâng ly chúc mừng Thủ tướng và Ngoại trưởng Trung Quốc Chu Ân Lai trong một yến tiệc ở Hàng Châu, Trung Quốc, ngày 27/2/1972 (Ảnh: Corbis)

Sự thay đổi quan điểm ở Washington có thể rốt cuộc hệ trọng không kém gì sự thay đổi quan điểm đã xảy ra ở Mỹ ngay Đệ nhị Thế chiến, khi nước Mỹ nhận ra rằng Liên Sô sẽ không tiếp tục là đồng minh nữa. Đó chính là khi nhà ngoại giao và nhà tư tưởng chính sách huyền thoại của Mỹ George F. Kennan xây dựng kế hoạch ngăn chặn của mình.

Trong một bài báo năm 1947 đăng trên tạp chí Foreign Affairs (bản dịch tiếng Việt), ông viết rằng Mỹ “trong khả năng của mình phải tăng đáng kể những áp lực căng thẳng mà chính sách của Liên Sô phải vận hành dưới những áp lực đó, phải buộc Kremlin có mức độ ôn hòa và thận trọng hơn nhiều so với mức độ mà Liên Sô đã phải có trong những năm gần đây, và bằng cách này thúc đẩy những khuynh hướng mà cuối cùng phải dẫn đến sự đổ vỡ hoặc tan rã dần dần của quyền lực Sô Viết.” Chiến lược của Kennan – làm kiệt quệ Liên Sô bằng sự phản kháng không khiêu khích – làm an tâm những nước Châu Âu lo ngại họ gặp phải một lựa chọn khó khăn giữa chiến tranh và quy phục.

Một nỗi lo tương tự về các hành động và ý định của Trung Quốc hiện nay đã bao phủ nhiều nước Châu Á. Các nước bạn và đồng minh trong khu vực này đang lũ lượt đứng về phía Mỹ để nhờ bảo vệ khi Trung Quốc của họ Tập tăng cường hải quân, đưa tàu của mình ra xa hơn giữa đại dương mênh mông và đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình. Trong động thái cương quyết mới nhất, nhưng không phải duy nhất, để cảnh báo khu vực này, Trung Quốc hiện đang nạo vét các bãi đá san hô nhỏ nhoi ở Biển Đông để xây đường băng, dường như là dành cho máy bay quân sự.

Mỹ đang phản kháng.  [Chiến lược] “xoay trục” đặc trưng của Tổng thống Obama – vừa nhằm trấn an những nước bạn âu lo của Mỹ vừa để công nhận tầm quan trọng chiến lược lớn lao của khu vực này trong thế kỷ 21 – đang đưa tàu chiến Mỹ tân tiến đến Singapore, thủy quân lục chiến đến Úc và cố vấn quân sự đến Philippines. Nhật, đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Châu Á, đang tái vũ trang và đã điều chỉnh hiến pháp có tính hòa bình thời hậu chiến của mình để cho phép các lực lượng của mình đóng một vai trò rộng lớn hơn trong khu vực. Mục đích của phần lớn hoạt động này là để bảo vệ độc lập của các quốc gia Châu Á nhỏ hơn hiện đang lo ngại rằng nếu không có sự hỗ trợ này thì họ có thể chẳng còn lựa cách nào khác hơn là rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc và chịu thua trước những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc – nói cách khác, quy phục.

Về phần mình, Trung Quốc hoàn toàn tin rằng Mỹ đang theo đuổi một chính sách ngăn chặn. Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc (và bản thân là một chuyên gia về Trung Quốc), tóm tắt cảm nhận của Bắc Kinh về các mục tiêu của Mỹ trong năm điểm chính trong một nghiên cứu gần đây ở Đại học Harvard: cô lập Trung Quốc, ngăn chặn Trung Quốc, giảm sức mạnh Trung Quốc, chia rẽ nội bộ Trung Quốc và phá hoại giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc.
Tất nhiên tình hình căng thẳng mới này trong quan hệ Mỹ-Trung khác hẳn sự đối đầu thời Chiến tranh Lạnh đã khiến Châu Âu bận tâm trong mấy chục năm, khi xe tăng của NATO và khối Hiệp ước Warszawa đối mặt nhau ở hai phía của những ranh giới mà chẳng bên nào dám vượt qua. Nhưng về một phương diện quan trọng, lịch sử đang lặp lại: Cả Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu không xem nhau là đối tác, kẻ cạnh tranh hay đối thủ, mà xem nhau như kẻ thù.

Việc Trung Quốc tăng cường tên lửa và hải quân, cũng như phát triển các năng lực chiến tranh trực tuyến và chiến tranh không gian mới, là nhắm trực tiếp vào mục đích ngăn không cho quân đội Mỹ can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào ở Châu Á. Trong khi đó, nhiều dự án “ruột” của Ngũ Giác Đài – các công nghệ Chiến tranh Giữa Các Vì sao như laser và các hệ thống vũ khí tân tiến như máy bay oanh tạc tầm xa – đang được xây dựng có cân nhắc tới Trung Quốc.

Vậy cụ thể thì Mỹ nên làm gì? Trong một trong những báo cáo hiếu chiến nhất của các báo cáo gần đây từ các viện nghiên cứu, Robert D. Blackwill, một cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và đại sứ tại Ấn Độ dưới thời Tổng thống George W. Bush, và Ashley J. Tellis, một nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế và là cựu viên chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Bush, viết rằng [chiến lược] can dự với Trung Quốc đã khiến một đối thủ cạnh tranh mạnh hơn.

Họ tuyên bố rằng đã đến lúc có một đại chiến lược mới: bớt can dự và tăng “cân đối” để bảo đảm “mục tiêu trọng tâm” là Mỹ tiếp tục vai trò chủ soái toàn cầu. Ngoài những vấn đề khác, Mỹ nên tăng cường quân đội của mình ở Châu Á, chặn không cho Trung Quốc tiếp cận với công nghệ quân sự, đẩy nhanh các đợt triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa và tăng các năng lực tấn công trực tuyến của Mỹ.

Với Michael D. Swaine, cũng thuộc Quỹ Carnegie, đây là một công thức chắc chắn dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh khác, hoặc tệ hơn. Ông vạch ra một giải pháp toàn diện mà trong đó Mỹ sẽ nhường vị thế chủ soái ở Đông Á, biến phần lớn khu vực này thành một vùng đệm được giữ gìn trị an bằng một cán cân các lực lượng, bao gồm những lực lượng từ nước Nhật được củng cố sức mạnh. Tất cả các lực lượng ngoại quốc sẽ rút khỏi Triều Tiên. Và Trung Quốc sẽ đưa ra những lời bảo đảm rằng họ sẽ không tấn công Đài Loan, mà Trung Quốc đang xem là một tỉnh phản nghịch.

Những cách giải quyết như vậy, cho dù khả dĩ, cũng sẽ mất mấy chục năm mới hình thành được. Trong khi đó, David M. Lampton, một giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, cảnh báo rằng các mối quan hệ Mỹ-Trung đã tới mức nhạy cảm dễ bùng phát. Trong một bài phát biểu gần đây, ông nói: “Những nỗi lo sợ của mỗi nước chúng ta hiện có nguy cơ lấn át những niềm hy vọng của chúng ta hơn bao giờ hết kể từ khi bình thường hóa quan hệ.”

Phương Tây đã từng lâm vào tình thế này. Sự lạc quan về các triển vọng chuyển hóa một nền văn minh cổ xưa bằng chủ trương can dự, tiếp theo đó là tâm lý vô cùng vỡ mộng, đã là điều quen thuộc kể từ khi những nhà truyền giáo dòng Tên thời kỳ đầu tìm cách cải đạo người Trung Hoa sang Cơ đốc giáo. Những sứ giả này ăn bận áo mão của tầng lớp quan lại, để râu dài và thậm chí diễn đạt thông điệp giáo lý bằng ngôn từ Khổng giáo để dễ tiếp thu hơn. Giáo sĩ Đức Adam Schall hồi thế kỷ 17 còn đi xa đến mức trở thành trưởng thiên văn gia của nhà Thanh. Nhưng ông bị thất sủng, và các giáo sĩ dòng Tên về sau bị trục xuất.
Sự thất vọng ở Mỹ ngày nay càng tăng cao vì chiến lược can dự với Trung Quốc đã hứa hẹn rất nhiều và tiến triển rất xa. Thương mại và công nghệ đã biến đổi Trung Quốc nhiều hơn những gì Nixon có thể đã hình dung, và hai nước là đối tác thương mại lớn thứ nhì của nhau. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Hơn một phần tư triệu sinh viên Trung Quốc học tại các đại học Mỹ.

Và khoảng cách ý thức hệ chẳng hề thu hẹp – và hiện nay họ Tập quay ngoắt chống phương Tây. Mao Trạch Đông đã có quyết định táo bạo bắt tay thỏa thuận với Nixon, tự tin đủ để chấp nhận các nhà tư bản Mỹ trong khi vẫn thực hiện chương trình nghị sự cực đoan của Cách mạng Văn hóa. Về sau, Đặng Tiểu Bình tìm được cách cân đối thực dụng giữa các cơ hội can dự kinh tế với phương Tây và những mối nguy do sự du nhập ồ ạt các tư tưởng phương Tây. Ông nhún vai: “Khi ta mở cửa sổ, ruồi muỗi bay vào.”

Lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được tặng nón cao bồi tại một cuộc biểu diễn cưỡi ngựa gần Houston, Texas, trong chuyến công du Mỹ năm 1979. (Ảnh: Wally Mcnamee/Corbis)

Ngày nay, họ Tập quyết liệt đập chết ruồi nhặng. Một luật mới đề xuất sẽ đặt toàn bộ các tổ chức phi vụ lợi ngoại quốc dưới quyền quản lý của công an, coi như xem những tổ chức đó có thể là kẻ thù của nhà nước. Báo chí nhà nước mắng nhiếc “các thế lực thù địch nước ngoài” và những phần tử trong nước có cảm tình với các thế lực này. “Thông tư số 9” của Đảng Cộng sản Trung Quốc cấm thảo luận về dân chủ phương Tây ở đại học. Và khi họ Tập cổ xúy văn hóa truyền thống Trung Hoa, chính quyền ở Ôn Châu, một thành phố duyên hải có đông dân theo Cơ đốc giáo và được gọi là “Tân Jerusalem” của Trung Quốc, đã giật bỏ những thánh giá trên nóc các nhà thờ vì chúng bị xem là các biểu tượng của ảnh hưởng phương Tây không chấp nhận được.

Phản ứng chống phương Tây còn mở rộng ra khỏi biên giới Trung Quốc. Trong mấy thập niên, Trung Quốc đã chấp nhận vai trò của Mỹ làm sen đầm trong khu vực để duy trì hòa bình và bảo đảm tự do hàng hải. Nhưng hồi năm ngoái ở Thượng Hải, họ Tập tuyên bố rằng “lo việc của Châu Á, giải quyết các vấn đề của Châu Á và giữ gìn an ninh của Châu Á là chuyện của nhân dân Châu Á”.

Washington cảm thấy phần nào bị phản bội. Dù gì đi nữa, những thị trường mở cửa của Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi giúp Trung Quốc vươn lên nhờ xuất khẩu để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và hai nền kinh tế Mỹ-Trung hiện nay hoàn toàn gắn kết với nhau không gỡ ra được.

Song, sẽ sai lầm nếu cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau nhất thiết sẽ ngăn chặn xung đột. Châu Âu thời trước Đệ nhất Thế chiến cũng gắn kết chặt chẽ với nhau qua thương mại và đầu tư.

Ngay cả cộng đồng kinh doanh Mỹ, từng là giới hậu thuẫn Bắc Kinh mạnh mẽ nhất ở Washington, đã bớt hăng hái ủng hộ chủ trương can dự [Trung Quốc]. James McGregor, cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc và nay là chủ tịch phụ trách Trung Quốc của hãng tư vấn kinh doanh APCO Worldwide, nhớ lại chuyện giúp thuyết phục các hiệp hội thương mại Mỹ vận động để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (Trung Quốc gia nhập năm 2001).

Ông nói sự đoàn kết về mục đích đó “đã rạn nứt kể từ sau đó.” Ngày nay, “họ đều tin rằng Trung Quốc tìm cách chơi xỏ họ.”

Dù có lo ngại về Trung Quốc, chính quyền Obama vẫn rất ủng hộ chủ trương can dự. Thỏa thuận đình đám năm ngoái về biến đổi khí hậu cho thấy vẫn có khả năng hợp tác. Trước một hội nghị thượng đỉnh đã lên kế hoạch họp ở Mỹ vào tháng 9, hai nước đang bàn bạc một hiệp định thương mại song phương đầy tham vọng. Và thường có nhận định rằng không một vấn đề nào trên thế giới, từ ăn cắp bản quyền đến ô nhiễm, có thể được giải quyết nếu không có nỗ lực phối hợp của hai nước này.

Tuy nhiên, trong một loạt động thái phản ứng ngày càng vụng về, chính quyền Obama đang cố gắng duy trì chính sách can dự này đồng thời tăng cường các phương án quân sự của Mỹ ở Châu Á. Trung Quốc cũng đang chơi ván cờ tương tự. Và chẳng rõ cả hai bên sẽ còn có thể tiếp tục bao lâu trước khi xảy ra đụng độ, do vô tình hay cố ý.

Chính ông Obama đôi khi bày tỏ quan điểm thù địch với Trung Quốc. Khi cố gắng thuyết phục để một khu vực thương mại tự do Châu Á-Thái Bình Dương quy mô lớn được thông qua tại Quốc hội có ý phản đối, ông cứ nhắc tới mối nguy Trung Quốc. “Nếu chúng ta không soạn ra luật chơi, Trung Quốc sẽ soạn luật chơi ở khu vực đó”; ông nói như vậy với tờ The Wall Street Journal hồi tháng Tư.

Ông cũng tiến hành một chiến dịch – mà cuối cùng bất thành – để ngăn cản các đồng minh như Anh và Úc tham gia một ngân hàng phát triển khu vực do Trung Quốc khởi xướng. Dù ngân hàng này sẽ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng rất cần thiết, Tòa Bạch Ốc xem nó là một phần của nỗ lực nhằm phá hoại vai trò dẫn đầu của Mỹ trong tài chính toàn cầu.

Về phần mình, Trung Quốc tin rằng Mỹ sẽ chẳng bao giờ chấp nhận tính chính danh của một chính quyền cộng sản.

Tập Cận Bình đã đề xuất “một mô hình mới của các mối quan hệ đại cường quốc”, nhằm để phá bỏ kiểu mẫu chiến tranh qua các thời đại xảy ra khi một cường quốc đang vươn lên thách thức một cường quốc hiện tại. Nhưng Mỹ đã bác bỏ ý tưởng của ông, không chịu chấp nhận cái công thức không chỉ giả định rằng hai nước là đồng đẳng mà dường như còn đặt hai nước trên cùng một nền tảng đạo đức.

Có thể nói những căng thẳng đang đạt đến mức khủng hoảng ở Quần đảo Trường Sa, một quần đảo gồm các bãi đá san hô và bãi cát ở Biển Đông đầy hiểm nguy đến nỗi các hải đồ của Bộ Hải quân Anh xưa kia đánh dấu toàn bộ khu vực này là “Vùng Nguy hiểm”.

Trong bãi tha ma này của giới thủy thủ, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể nhiều bãi đá san hô bằng cách nạo vét; một bãi có đường băng dài đủ để hạ cánh những máy bay quân sự lớn nhất của Trung Quốc. Các nước láng giềng của Trung Quốc xem chúng là những tiền đồn để cuối cùng Trung Quốc chiếm đoạt toàn bộ Biển Đông. Ngũ Giác Đài mô tả chúng là mối đe dọa cho quyền không bị thách thức của Hải quân Mỹ được đi lại ở những vùng đại dương này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đang cân nhắc phô diễn sức mạnh – đang chịu áp lực chính trị buộc phải làm thế. Hồi tháng trước, Thượng nghị sĩ Bob Corker thuộc Đảng Cộng hòa, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, than phiền rằng Mỹ có phản ứng quá thụ động về việc Trung Quốc xây đảo. Ông Corker nói: “Tôi chẳng thấy Trung Quốc phải trả giá gì cho những hoạt động của họ ở Nam Hải [tức Biển Đông] và Đông Hải. Không gì cả. Thực ra, tôi thấy chúng ta đang trả giá.”

Không bên nào muốn chiến tranh. Tập Cận Bình không chống phương Tây theo kiểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và cho đến nay, ông đã không hành động liều lĩnh, như kiểu ông Putin chiếm lãnh thổ ở Ukraine. Trung Quốc vẫn cần các thị trường và bí quyết công nghệ của Mỹ để vươn lên. Đánh nhau với Mỹ sẽ là thảm họa kinh tế cho Trung Quốc.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đã từng gặp nhiều sóng gió. Thử nhớ lại những ngày sau khi quân đội Trung Quốc tấn công vào các sinh viên đấu tranh dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, khi sự hợp tác giữa hai nước bị đóng băng lâu dài. Nhưng Tổng thống George H.W. Bush đã suy tính rằng mối quan hệ Mỹ-Trung quá quan trọng nên không thể hy sinh, và ông nhanh chóng cử các phái viên sang Bắc Kinh để bảo đảm mối quan hệ đó vẫn nguyên vẹn.

Ngày nay, chắc chắn cách suy tính đó vẫn không kém phần quan trọng. Hơn nữa, cố gắng ngăn chặn Trung Quốc sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn: Cả hai nước đều không thể thành công về kinh tế nếu không có nước kia. Chiến lược ngăn chặn của Kennan có tác dụng đối với Liên Sô vì kinh tế Liên Sô yếu, gần như không có mối quan hệ thương mại nào với Mỹ. Nhưng Trung Quốc hiện nay là một cường quốc kinh tế, và các ngân sách quân sự bằng mấy chục phần trăm GDP của nước này được hỗ trợ bằng một nền tảng công nghiệp có chiều  sâu và đa dạng hóa.

Tuy nhiên, đằng sau những thực tế này là việc mối quan hệ Mỹ-Trung đã đánh mất lẽ sống chiến lược của nó: Liên Sô, mối đe dọa chung đã đưa hai nước lại với nhau.

Chống Moskva là cái logic đã khiến Nixon mở cửa với Trung Quốc. Nhưng ngay cả Nixon, một người thực tế quyết đoán vốn chú trọng vấn đề cán cân quyền lực, cũng không biết chủ trương mở cửa với Trung Quốc của ông cuối cùng sẽ đi đến đâu. Như ông nói với William Safire, bỉnh bút quá cố của tờ The New York Times, không lâu trước khi Nixon qua đời vào năm 1994, “Có lẽ chúng ta đã tạo ra một ác quỷ Frankenstein.”

Nguồn: Andrew Browne, Can China Be Contained?The Wall Street Journal, 12/6/2015

Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:









No comments:

Post a Comment

View My Stats