Tuesday 21 July 2015

Biên giới Việt Nam-Cambodia càng lúc càng nóng (Người Việt)





Monday, July 20, 2015 2:39:01 PM

LONG AN (NV) - Hàng ngàn người Cambodia đã đến xem cột mốc số 203 ở biên giới Cambodia-Việt Nam để kiếm chứng cáo buộc của Ðảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia rằng, chính quyền đương nhiệm đã nhượng đất cho Việt Nam.

Sự kiện vừa kể mới xảy ra hôm 19 tháng 7, 2015. Cột mốc 203 nằm ở đoạn tiếp giáp giữa tỉnh Svay Rieng của Cambodia và tỉnh Long An của Việt Nam. Chuyện mời người Cambodia kiểm chứng là sáng kiến của Ðảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia - tổ chức chính trị đối lập với Ðảng Nhân Dân Cambodia của ông Hun Sen - Thủ tướng Cambodia.

Một viên chức Cambodia đang xác định những khu vực xảy ra xung đột tại biên giới Cambodia-Việt Nam trong một cuộc họp báo. (Hình: VOA)

Một số nguồn tin cho biết khoảng 100 người Cambodia đã đến tận đường biên quan sát cột mốc 203 trong khi nông dân xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An dàn hàng ngang sát cột mốc này.

Tháng trước, tại khu vực vừa kể đã từng xảy ra xung đột giữa dân Cambodia và Việt Nam, khiến 10 người Cambodia, trong đó có một dân biểu tên là Real Camerin của Ðảng Cứu Nguy Dân Tộc Cambodia và tám người Việt Nam bị thương.

Sau cuộc xung đột đó, Ủy Ban Phân Ðịnh-Cắm Mốc Biên Giới trên đất liền giữa Việt Nam và Cambodia đã có một cuộc họp bất thường diễn ra trong ba ngày, từ 7 đến 9 tháng 7, 2015 tại Phnom Penh.

Cuộc họp này vừa chấm dứt thì Thông tấn xã Việt Nam cho biết, ông Võ Trọng Việt, một trung tướng hiện là tư lệnh lực lượng Biên Phòng Việt Nam đã đến Cambodia để gặp ông Sok Phal, một đại tướng hiện là tổng cục trưởng Tổng Cục Di Trú Cambodia nhằm tiếp tục thảo luận về các vấn đề có liên quan tới biên giới.

Cuộc làm việc kéo dài tới một tuần được cho là nhằm “đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề trên biên giới trên tình thần đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.”

Việt Nam và Cambodia có khoảng 1,200 cây số biên giới trên bộ. Năm 1933, chính quyền thời thuộc Pháp từng thực hiện một bản đồ ghi nhận các dữ kiện liên quan đến biên giới giữa Việt Nam và Cambodia. Bản đồ này được Việt Nam Cộng hòa tái xác nhận năm 1955, rồi được chính quyền Cambodia thời Quốc Vương Norodom Sihanouk công nhận và gửi cho Liên Hiệp Quốc lưu chiểu hồi giữa thập niên 1960.

Chưa rõ vì sao đến năm 1985, Việt Nam và Cambodia lại ký một hiệp định mới để phân định biên giới và đến 2005 ký thêm một hiệp định nữa để bổ túc cho hiệp định đã ký năm 2005. Hiệp định mới về phân định biên giới giữa Việt Nam và Cambodia đã trở thành nguyên nhân dẫn tới xung đột cả trong nội bộ Cambodia lẫn giữa Cambodia và Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, giới đối lập tại Cambodia liên tục chỉ trích chính quyền đương nhiệm đã “nhượng đất cho Việt Nam.” Cũng vì vậy xung đột tại khu vực biên giới Việt Nam-Cambodia càng ngày càng gay gắt.

Hồi thượng tuần tháng này, ông Hun Xen, thủ tướng Cambodia phải đề nghị Liên Hiệp Quốc cho mượn lại bản đồ mà Cambodia đã nộp lưu chiểu hồi 1964 để có cơ sơ giải quyết những bất đồng về biên giới trong nội bộ và với Việt Nam.

Mới đây, qua VOA, bà Eri Kaneko, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói rằng, Liên Hiệp Quốc “đã cung cấp cho Cambodia những thông tin có liên quan mà Liên Hiệp Quốc có thể tìm thấy” và “đang tiếp tục tìm kiếm các tài liệu quan trọng mà chính phủ Cambodia yêu cầu.”

Cũng mới đây, ông Hun Sen lên tiếng thừa nhận, một số cột mốc trên biên giới với Việt Nam có thể đã bị cắm sai nên nằm bên trong lãnh thổ Cambodia. Theo ông Hun Sen thì chính quyền Cambodia có thể sẽ “yêu cầu điều chỉnh.”

Ông Hun Sen nói thêm rằng, khoảng 83% chiều dài của biên giới Cambodia-Việt Nam đã được phân định và cắm mốc. Cambodia có thể xem lại các cột mốc đã cắm nếu việc phân định không chính xác thì sẽ yêu cầu sửa sai và điều chỉnh.

Ðáng lưu ý là ông Hun Sen nhấn mạnh, chuyện phân định-cắm mốc biên giới tuy đã thực hiện cách nay 30 năm mà vẫn chưa xong vì người Khmer chưa đồng ý. Cambodia đã gửi một thông điệp cho các láng giềng rằng, Cambodia không từ bỏ quyền yêu cầu về một số điểm, kể cả khi ở trong nước, Cambodia vẫn chưa đoàn kết về một số điểm.

Trước đó, hồi đầu tháng này, ông Hunsen giải thích việc mượn lại bản đồ đã nộp lưu chiểu cho Liên Hiệp Quốc nhằm có cơ sở kiểm tra lại việc phân định biên giới với Việt Nam và chấm dứt sự kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan của một số bên ở Cambodia - điều có thể dẫn tới thảm họa cho Cambodia. Theo ông Hunsen thì phe đối lập ở Cambodia đang cố tình làm cho dân chúng Cambodia và cộng đồng quốc tế “hiểu lầm” nhằm thu lợi về mặt chính trị.

Khi loan tin về cuộc họp bất thường của Ủy Ban Phân Ðịnh-cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Cambodia hồi thượng tuần tháng 7, báo chí Việt Nam cho biết, Việt Nam và Cambodia đồng ý sẽ thúc đẩy đàm phán để sớm hoàn thành công việc phân định và cắm mốc biên giới trong năm 2015.

Việt Nam và Cambodia khẳng định sẽ gia tăng việc gìn giữ trật tự ở khu vực biên giới. Trong quá trình đàm phán để tiếp tục phân định và cắm mốc tại 17% chiều dài biên giới còn lại, hai bên cam kết không thay đổi, dịch chuyển các cột mốc biên giới và không để dân chúng của mình xâm canh, xâm cư.

Tuy nhiên cuối tuần trước, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên án Cambodia không đáp ứng “đề nghị thiện chí” của Việt Nam: “Ngưng xây dựng công trình trong phạm vi 100 mét tính từ đường quản lý thực tế về mỗi bên tại các khu vực chưa phân giới, cắm mốc.” (G.Ð)

--------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats