Saturday 16 May 2015

Võ Nguyên Giáp? - Xin đừng nhắc nữa thêm phiền! (Phan Gia Minh)





Cập nhật lần cuối ngày Thứ sáu, 15 Tháng 5 2015 08:18

Về Võ Nguyên Giáp, tôi không muốn hạ bệ ông ta. Một con người, tự họ vĩ đại hay không, là do chính con người họ tạo ra trong suốt quá trình sống của họ. Võ Nguyên Giáp cũng không là ngoại lệ. Thậm chí ông còn phải chịu đánh giá đích đáng hơn vì ông là người của lịch sử cũng như góp phần tạo ra chính lịch sử đó.

Về phần “công nhận” tài năng (quân sự) của Võ Nguyên Giáp. Từ sách báo nước ngoài cũng như trong nước (trong nước, sách báo viết về Võ Nguyên Giáp thì chắc chắn chỉ có chính thống 100%) đều ngợi khen Võ Nguyên Giáp là “thiên tài” (xin nhớ “thiên tài” là một khái niệm về năng lực thiên bẩm vượt trội hơn tất cả mọi người bình thường nói chung) chứ không phải là “nhân tài” quân sự (“nhân tài” mang yếu tố xuất chúng nhưng thấp hơn “thiên tài” một bậc): Nào là “anh cả” (Đảng Cộng sản Việt Nam dùng từ “anh cả” cho Võ Nguyên Giáp là chính xác vô cùng, vì Đảng Cộng sản Việt Nam muốn ngầm nói mình là “cha đẻ” của Quân đội Nhân dân Việt Nam) Quân đội Nhân dân Việt Nam, nào là “tác giả” của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nào là “học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (xin nhắc Phạm Văn Đồng cũng là học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh, và cũng vì lợi dụng sự xuất sắc này mà ông đã ký Công hàm 1958), nào là Danh tướng đã đánh bại 4 tướng Pháp và một tướng Mỹ… Nhưng có thật sự Võ Nguyên Giáp tài năng? Chúng ta thử phân tích.

Ta hãy quay về khởi đầu, khi Võ Nguyên Giáp được “phong” làm “toán trưởng” của toán quân mang tên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chúng ta thấy gì ở tên gọi của “toán quân” này? Đó là “tuyên truyền” đứng trước “giải phóng”. Đây là một điểm quan trọng mà Đảng Cộng sản Đông Dương (tên khác của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) lúc bấy giờ đặt nặng. Vì vậy, nếu nghĩ sâu, ta thấy Võ Nguyên Giáp được “phong” làm “toán trưởng” của toán quân này thì cũng chỉ thực hiện trước tiên cho Đảng Cộng sản Đông Dương nhiệm vụ “tuyên truyền”, rồi sau đó mới đến nhiệm vụ “đánh đấm” (tức giải phóng đất nước). Vậy nên, anh Võ Nguyên Giáp lúc đó cũng chẳng hơn gì một anh cán bộ tuyên truyền được Đảng “cài vào” toán quân đó, chứ chẳng phải nhận ra tài đánh đấm giỏi gì từ anh Giáp lúc đó cả. Bởi vậy, việc “chọn” Võ Nguyên Giáp làm “toán trưởng”, Đảng chẳng quan tâm mấy đến tài năng của Võ Nguyên Giáp để chuẩn bị cho tương lai (kháng chiến).

Tiếp đến, chúng ta thấy Võ Nguyên Giáp có vai trò gì trong điều hành “quân đội” “giành” chính quyền tháng 8 năm 1945? Thú thật, tôi chẳng thấy vai trò gì cả. Trong cái mà Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) bây giờ gọi là “Cách mạng tháng Tám” mà Đảng rêu rao là công của Đảng thì thực chất là một sự “soán đoạt” chính quyền từ tay các trí thức lương thiện; những trí thức này, đại đa số không muốn làm chính trị chuyên nghiệp (như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Đào Duy Anh… chẳng hạn) mà chỉ là những chuyên gia khoa học nhưng lại có một “ham muốn tột bậc” (xin lỗi, tôi dùng từ của ông Hồ Chí Minh) là độc lập cho tổ quốc và cường thịnh cho quốc gia. Vì thế, khi bị “giành” chính quyền, với tâm lý của những người không muốn vinh thân bằng con đường chính trị, họ nhanh chóng “nhả” chính quyền mà không cần phải đòi điều kiện gì (cũng cần phải nói thêm là lúc đó Việt Minh chưa rớt mặt nạ Cộng sản nên có lẽ các “chính trị gia bất đắc dĩ” nghĩ rằng: ai mà vì dân tộc, vì tổ quốc Việt Nam mà cầm quyền thì đều tốt đẹp cả).

Từ giai đoạn nắm chánh quyền đến khi Trung Quốc độc lập (1949) và sau đó công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 1950, chúng ta thấy Võ Nguyên Giáp giữ vai trò gì trong quân sự quốc gia? Ảnh hưởng như thế nào đến các chiến dịch trong giai đoạn đó (1946-1950)? Nhìn vào giai đoạn này: Ta thấy Võ Nguyên Giáp làm tốt “công việc thanh trừng các đảng phái đối lập” với ĐCSVN hơn là tập trung xây dựng một quân đội mạnh!

Trong giai đoạn 1950-1954 thì khỏi phải bàn. Giai đoạn này, cố vấn Trung Quốc quyết định chiến lược, chiến thuật quân sự và ngay cả viện trợ cho Việt Minh súng đạn thì làm gì Võ Nguyên Giáp có thể “giơ tay phát biểu ý kiến” được, chứ đừng nói đóng “vai trò then chốt”. Vì vậy, Võ Nguyên Giáp tài năng gì khi làm nên “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”?

Còn cái gọi là “giải phóng Thủ đô”, cho đến nay, nó chính xác là bộ đội Việt Minh vào tiếp quản chứ có giải phóng, đánh đấm gì. Vậy cho nên, trong sự kiện này, Võ Nguyên Giáp chẳng có vai trò gì cả!

Tiếp đến, khi Đảng Lao động Việt Nam (cũng là một tên khác của ĐCSVN) thực hiện Cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1952-1956) mà đỉnh điểm là năm 1956, Võ Nguyên Giáp đã làm gì? Ông đã đứng ra “xin lỗi” đồng bào (xin lỗi, từ “đồng bào” này ông Hồ Chí Minh dùng trang trọng trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/09/1945 nhưng sau đó ông (Hồ Chí Minh) đã cho “xử tử” hàng ngàn đồng bào ông chỉ vì (theo ông) họ không thuộc giai cấp với ông), để cứu lấy danh dự “thầy” mình (tức Hồ Chí Minh) và chế độ do “thầy” mình dựng nên; khi chế độ đó vừa sát hại hàng ngàn đồng bào qua chiến dịch có tên là “Cải cách ruộng đất”. Việc làm này của Võ Nguyên Giáp cho thấy gì? Nó chỉ cho thấy ông Giáp chẳng có một tý gì lòng người, khi đứng ra bảo vệ một chế độ “sử dụng bạo lực” bức tử nhân dân.

Trong các vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, “xét lại chống Đảng”, Võ Nguyên Giáp đã làm gì với các đồng chí, đồng đội từng gian lao chiến đấu với Giáp? Xin thưa, đó là bỏ mặc để mình được yên thân. Một nhân cách như vậy mà sách vở lại đi vinh danh? Nhất là nhân cách của một kẻ làm võ tướng. Thật  không thể hiểu nổi (!). Các vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, “xét lại chống Đảng” chỉ xảy ra trên lãnh vực chính trị hay giấy tờ, hồ sơ đơn thuần, mà Võ Nguyên Giáp còn hành xử như vậy; huống gì lúc xông pha trận mạc, giữa hòn tên mũi đạn, ai tin được “nhân cách, tầm vóc” tướng quân Võ Nguyên Giáp?

Trong chiến tranh Nam-Bắc, “huynh đệ tương tàn” (1954-1975), Võ Nguyên Giáp, một danh tướng, mà lại đi tấn công người dân đang vui mừng ăn tết (Mậu Thân 1968) thì còn gì là “danh dự của danh tướng”?

Khi Lê Duẩn sử dụng vụ Năm Châu-Sáu Sứ, vụ lý lịch của Võ Nguyên Giáp để hạ bệ ông ta, ông ta chỉ biết “viết thư kêu oan cho chính mình”. Sao lúc các đồng đội, đồng chí của ông ta bị oan, ông ta không kêu oan giúp; để dù được dù không, lúc ông “kêu oan”, ông cũng không kêu oan trong cô độc?

Lúc hòa bình, một danh tướng có một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà lại đi làm Phó Thủ tướng về công tác sinh đẻ có kế hoạch, để phải bị dân gian mỉa mai là “ngày xưa Đại tướng cầm quân, bây giờ Đại tướng cầm quần chị em”. Vậy mà danh tướng vẫn “muối mặt” làm được! Vậy mà cũng vẫn muốn người ta gọi là danh tướng (!). Thật, phải hỏi hai chữ “danh dự” Đại tướng Giáp để đâu? Hai chữ “sỉ diện” Đại tướng quăng đâu rồi?

Chưa hết, khi viết sách về quân sự, về chiến tranh, Võ Nguyên Giáp đã ca ngợi công lao Đảng, công lao của các “đồng chí cố vấn” Trung Quốc; vậy công trạng của Võ Nguyên Giáp nằm ở đâu? Đã không có công trạng, vậy đeo hàm Đại tướng làm gì? Ngoài bìa sách ông viết, in thêm hai chữ “đại tướng” trước tên ông làm gì? Nhận làm “anh cả” (của Quân đội Nhân dân) làm gì? Nhận là “tác giả” của trận chiến thắng “chấn động địa cầu” làm gì? Ông không có góp công gì trong công việc đánh trận, vậy thì sao không (noi gương) như nghệ sỹ Kim Chi, không muốn mình nhận “chứng chỉ” Nghệ sỹ Ưu tú của Đảng ban tặng. Về “mảng” này, Võ Nguyên Giáp còn thua cả một… nữ nhi.

Cả cuộc đời, chưa lên tiếng bênh vực ai oan khuất, chỉ biết viết đơn kêu oan cho chính mình. Vậy cuối đời, Võ Nguyên Giáp viết hai lá đơn đề nghị xem lại dự án bô-xít thì có bõ bèn gì với hành động “quảng cáo” nhân cách của ông từ trước đến nay? Võ Nguyên Giáp dám viết về khai thác bô-xit nhưng ông có dám viết: “Bọn Tàu khựa, hãy cút khỏi Hoàng Sa, Trường Sa” không? Bởi vậy, xét về vấn đề này, Võ Nguyên Giáp còn thua xa một cô bé sinh viên đang còn tuổi… bế gấu bông chụp hình.

Giờ đây, Võ Nguyên Giáp đã chết, đã được an táng tại Vũng Chùa. Ông đã nằm một mình ở đó. Người ta nói để nhân tiện việc chiêm bái, phúng viếng… Nhưng theo tôi, nếu chôn cất Võ Nguyên Giáp ở nghĩa trang Mai Dịch với những người “có công với cách mạng”, e rằng ông không xứng đáng nằm sát với các đồng chí, đồng đội của mình. Vì lúc sống, ông có sống cho các đồng chí, đồng đội của mình đâu? Lúc kêu oan, ông cũng chỉ kêu oan cho ông chứ lúc đồng chí, đồng đội ông bị oan, ông ngậm bồ hòn mà giữ thân, chứ đâu kêu giúp ai?

Tôi viết ra đây là muốn “thanh toán” một lần cho xong chuyện bàn về con người Võ Nguyên Giáp công hay tội, công nhiều hay tội nhiều, Cộng sản hay Dân tộc… Nhân cách Võ Nguyên Giáp tốt hay xấu, danh tướng hay hèn tướng… Đối với tôi, Võ Nguyên Giáp còn thua cả Nguyễn Phương Uyên (xin lỗi, tôi hơi bất nhã vì ông Giáp là nam mà tôi đi so sánh với nữ). Và hơn hết tôi muốn nói rằng, “tinh thần Nguyễn Phương Uyên” trong thời thế (thời buổi) này, xứng đáng ca ngợi hơn là tốn giấy mực bàn về Võ Nguyên Giáp…

Phan Gia Minh
13/05/2015






No comments:

Post a Comment

View My Stats