Monday 11 May 2015

Vĩnh Tân, Bình Thuận hôm nay, Dũ Lộc ngày mai: Đẩy dân vào chỗ chết? - Phần II (J.B Nguyễn Hữu Vinh)





Sun, 05/10/2015 - 15:19 — nguyenhuuvinh

Phần II - Hung hãn với dân

Đến Dù Lộc, Kỳ Anh

Những thông tin trên báo chí nhà nước về "vụ xô xát" ở Hòa Lộc, Kỳ Trinh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh với nội dung chỉ là những công an bị thương, những cán bộ công nhân bị đánh... đã làm chúng tôi thắc mắc. Chẳng lẽ có một "cuộc xô xát" mà người dân tịnh không có ai hề hấn gì sao? Lẽ nào công an Việt Nam ngày nay lại hiền hòa đến thế? Chẳng lẽ ở đất nước Việt Nam này, đã có hiện tượng lạ lùng xảy ra chỉ nơi đây, khi mà khắp đất nước rộ lên những hình ảnh và thông tin công an, công quyền đánh dân cướp đất, cướp nhà, công an đánh dân mất mạng... xảy ra như cơm bữa, như chuyện thường ngày thì ở đây lại có chuyện ngược đời?


Để trả lời các câu hỏi: Vì sao lại có thể xảy ra cuộc xô xát vào những ngày đầu tháng tư vừa qua? Phải chăng chỉ có công an bị tấn công nên bị thương? Có phải công an bị động nên đã chấp nhận thương tích mà thôi? Nguyên cớ vì sao người dân nơi đây, quanh năm lầm lũi ở một vùng đất chua phèn lại có thể dám tấn công người nhà nước? Những câu hỏi đó đã thôi thúc chúng tôi tìm về Hòa Lộc để tìm hiểu sự thật ở đó.

Chúng tôi đến Dũ Lộc vào một ngày đầu tháng 5/2015, sau sự kiện đàn áp người dân ngày 6/4 gần một tháng. Bầu trời Kỳ Anh, Hà Tĩnh nắng gắt như đốt cháy con người. Trước mũi xe, những luồng không khí bay trên mặt đường nhựa như đang có đám cháy phía trước.
Con đường đầy nắng cháy chạy giữa những đồng lúa xanh ngăn ngắt dẫn chúng tôi về thôn Hòa Lộc, thuộc xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Qua cầu Hòa Lộc, một đập nước đang được thi công, bên cạnh đó là con sông với những đầm nuôi tôm, cua ven bờ nuôi sống người dân nơi đây bao đời nay.

Gặp gỡ những nạn nhân

Gặp những người nông dân nơi đây, họ toát lên sự chất phác từ giọng nói, cử chỉ và dáng dấp. Với những người khách lạ, họ xưng "con" rất khiêm cung và nhẫn nại. Nhìn những người dân này, nghe họ nói, chúng tôi không nghĩ rằng họ là những người dám đứng lên phản kháng bất cứ ai. Thế nhưng, có lẽ như sự đời người ta vẫn nói rằng "con giun xéo lắm cũng quằn". Họ đã buộc phải lên tiếng phản đối những điều hiển hiện trước mắt giết chết chính họ và tương lai con cháu họ như bãi thải nhiệt điện. Hẳn cũng là sự chẳng đặng đừng.


Gặp họ, chúng tôi thật ngỡ ngàng khi chính họ còn chưa biết được lực lượng công an nào với lực lượng cảnh sát nào để phân biệt. Những Cảnh sát cơ động được trang bị áo giáp, khiên, dùi cui... họ chỉ biết là "công an mặc áo đen đen". Những Cảnh sát Giao thông tham gia trấn áp, bắt giữ lấy xe mô tô của họ, được gọi là "Công an áo vàng", còn những công an khác, là "công an áo xanh", còn chó nghiệp vụ, họ gọi là đội chó Béc giê... Họ chỉ biết vậy và nói vậy.

Ba người phụ nữ là nạn nhân của trận đánh đập hôm đó cho chúng tôi biết sự tình như sau:
Sáng hôm đó, 6/4/2015, người dân bàng hoàng khi nghe tin trên cánh đồng của họ, không hiểu có chuyện gì, mà các loại công an, dân phòng các xã bên cạnh được huy động nhiều đến thế. Con số sau đó bà con khẳng định là hơn cả ngàn người đừng chật cứng trên đường và đổ ra cánh đồng. Thậm chí, họ còn thấy cả bầy chó béc giê được công an đưa ra đứng đó. Những nông dân này ra đồng xem thì trên những cánh ruộng của họ, chưa hề được đền bù, hỗ trợ, lúa đang lên xanh, người ta kéo đường dây điện và thi công trên đó mà chủ nhân không được thông báo một tiếng nào.

Bởi trước đó, chính chủ tịch Huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng đã hứa trước dân rằng: Khi thi công đến đất ruộng của ai, thì nhà đó sẽ được đền bù và hỗ trợ trước. Thấy vậy, một số phụ nữ lên cánh đồng yêu cầu không được phá lúa của họ, khi chưa đền bù hoặc có ý kiến của chủ nhân. Hầu như đã chuẩn bị sẵn và chỉ cần có vậy thì ngay lập tức họ bị tấn công.


Hai phụ nữ đã luống tuổi cho chúng tôi biết: Sáng hôm đó, nghe tin Công an về rất đông trên đồng, con (Tôi - Cách xưng hô khiêm tốn của người dân nơi đây) ra đồng xem thì họ kéo dây điện. Con ngăn không cho kéo xuống ruộng của con, bảo rằng ruộng chưa đền bù tiền cho dân, chưa nhận được tiền thì các bác không được làm hỏng lúa của dân. Để đền bù tiền nong cho dân đã, thì các bác hãy làm.

Ngay lập tức, họ đánh con vào hàm. Sau đó, con bị đánh vào người thâm tím hết thì con lết lên bờ ngồi. Khi thấy em con cũng bị đánh như vậy, thì con vào cứu em,  nhưng nó đánh cả chị luôn, cả hai ngã xuống đó.


Chúng tôi hỏi lại:
- Hôm đó, lực lượng nào đánh đập các ông bà?
- Công an mặc áo đen đen, có dùi cui dài chừng này (Họ giơ khoảng nửa sải tay) còn công an áo vàng thì cũng tham gia ném và đánh đập chúng tôi. Họ đuổi vào tận làng để đánh, trong khi chúng tôi thì tay không, còn họ thì có tấm để chắn (khiên của CSCĐ - NV) và họ đánh chúng con bầm tím cả người.

Chị giơ bắp chân đang cứng thành cục và có một vết sẹo lớn dọc bắp đùi. Đồng thời, chị giơ hai cánh tay đầy những vết sẹo sau một tháng bị đánh.

Khi những phụ nữ bị đánh đập tàn bạo, tiếng kêu khóc váng đồng. Thấy vậy, hai người bảo vệ canh đồng lên can gián rằng hãy bình tĩnh và việc đánh đập phụ nữ là không nên. Và thế là họ bị tấn công tàn bạo.

Ông Nguyễn Văn Thanh, ở xóm 2, thôn Hòa Lộc, một trong hai nạn nhân là người bảo vệ đồng cho chúng tôi biết:

Sáng hôm đó, hai anh em đi canh đồng, thường thì chúng tôi đi canh đồng theo bà con giao cho, cầm theo một cây roi nhỏ, để đuổi dọa trâu bò và trẻ chăn trâu bò không cho phá lúa của dân. Khoảng 8 giờ sáng, nghe tiếng kêu khóc của một số phụ nữ đang bị đánh đập, chúng tôi đã đến nói với công an rằng: "Không nên đánh đàn bà, không nên làm cho việc thêm phức tạp và mất đi sự đoàn kết".


Mới nói được như vậy, lập tức ông bị đấm một đấm giữa mặt tối tăm mặt mũi và ngã xuống. Ngay lập tức, một người khác, xông đến đá ông vào mạng sườn, rồi bị đánh túi bụi và ông bị lôi ném lên xe như ném con lợn, đưa về đồn Công an. Ông bị giam giữ đến 16h30 chiều hôm đó,  nhờ sự đấu tranh của bà con, ông mới được thả về. Về đến nhà, ngoài mặt mũi sưng híp, ông còn bị gãy một xương sườn.

Một người già khác  cho biết: Ông cũng được phân công đi canh đồng, nghe tin vậy thì từ đội dưới đi lên, khi thấy họ đánh đàn bà tàn bạo, thì chúng tôi vào can ngăn. Lập tức ông bị tấn công vào đầu vỡ đầu và máu chảy be bét, khắp thân mình bầm tím. Ông giơ cho chúng tôi xem đầu ông còn một vết sẹo lớn ngay giữa đỉnh đầu.

Trả lời câu hỏi những lực lượng nào đã có mặt tham gia hôm đó? Người dân cho chúng tôi biết: Lực lượng hôm đó gồm có công an áo đen (CS Cơ động) Công an áo vàng (CSGT), công an áo xanh (Công an các loại) và dân quân của bốn, năm xã xung quanh được huy động đến đánh dân. Lực lượng đó tổng cộng phải hơn 1.000 người. Ngoài ra, còn có chó béc giê (Chó nghiệp vụ). Vũ khí của họ thì đủ thứ như khiên chắn, dùi cui, lựu đạn cay...
Như vậy là đầy đủ lược lượng, vũ khí để phô diễn sức mạnh của "nền chuyên chính vô sản" đối với người nông dân tay không ở đây.

Một số người bị bắt lên công an, những người dân đi làm ăn các nơi, nghe tin vậy chạy về dựng xe để xem xét tình hình, lập tức nhà cầm quyền cho bốc toàn bộ xe mô tô của họ đưa về công an, không hề có biên bản hoặc bất cứ lý do gì. Họ tấn công bất cứ ai họ gặp trên đường.

Trả lời câu hỏi: Trước đó, chính quyền đã có thông báo hoặc động tác gì đối với người dân ở đây? Người dân cho chúng tôi biết:

Ở đây, có 147 hộ dân có ruộng bị ảnh hưởng bởi xây dựng đường điện 500 KV. Trước đó, xã có tổ chức hai cuộc họp nhưng họp ở bên xã. Nhưng đây là một xã rộng nên người dân không có phương tiện đến họp, họ có đề nghị về nhà văn hóa thôn để họp với người dân. Có một số giấy mời, nhưng bà con nông dân ở xa nên chỉ có khoảng dưới vài chục người đi họp. Lần thứ 2, xã vẫn tổ chức tận Ủy ban xã chứ nhất định không về thôn có ruộng để họp, những người dân ở đây đã trả lại giấy mời và tiếp tục yêu cầu về thôn để họp. Trong khi, chủ tịch UBND huyện đã hứa với họ đền bù đất đai, lúa má bị ảnh hưởng khi thi công, thì ở đó, họ chỉ "hỗ trợ" số tiền là 4.500 đồng/mét vuông ruộng có lúa.

Rồi, chừng như để khỏi mất thời gian họp hành, nhà cầm quyền đã dùng chó, dùi cui, lựu đạn và các loại lực lượng để nói chuyện với dân bằng bạo lực.

Và sáng 6/4/2015, họ đã phô diễn "sức mạnh vô địch, chính nghĩa của đội quân mang tên Nhân dân" trước những người già, đàn bà, phụ nữ nơi đây.


Khi chúng tôi hỏi những người dân ở đây: Ai đã đánh các công an bị thương? Họ cho chúng tôi biết, rằng chúng tôi chỉ là những ông già, phụ nữ tay không, làm sao đánh được công an, cảnh sát trang bị tận răng, nào khiên, nào mũ, áo và dùi cui với lựu đạn cay và các loại vũ khí khác, ngoài ra có sự hỗ trợ của chó béc giê. Nhưng riêng việc cả ngàn người xông vào đánh đập chúng tôi như kiến cỏ, tàn bạo như vậy, chỉ riêng họ dẫm vào nhau trên đường độc đạo cũng đủ sầy da chảy máu chứ chẳng cần ai đánh. Mặt khác, chúng tôi hoàn toàn bị động, còn nhà nước đã chủ động tấn công chúng tôi có kế hoạch, bài bản từ trước.

Một chính quyền "Của dân, do dân, vì dân"?

Sau khi sự việc xảy ra, nhà cầm quyền đã hành động như thế nào? Chúng tôi nêu câu hỏi đó, để tìm thấy sự nhân đạo, tình người hoặc luật pháp được thực hiện ở đây ra sao. Thì kết quả là đây, người dân cho biết:

Chúng tôi, tổng cộng đến 42 người bị đánh đập, bị thương tích, có người gãy sườn, vỡ đầu, nhiều người bị đánh thâm tím, ngất xỉu. Nhưng công an rút đi, họ chỉ đưa những người bên công an bị trầy da, chảy máu đi viện. Từ đó đến nay, không có bất cứ một ai đến hỏi thăm, hoặc một động tác nào đối với người dân từ phía chính quyền "của dân, do dân và vì dân".
Trước tình hình những người bị thương nguy cấp không được cứu chữa, Ban Bác ái Giáo phận Vinh đã thông qua linh mục quản hạt Văn Hạnh Trần Phúc Chính đưa xe vào tận nơi đưa họ đi cấp cứu.

Trong một cuộc họp với UBND Tỉnh Hà Tĩnh mới đây, một linh mục đã đặt câu hỏi: "Tại sao, chính quyền lại đặt 1.800 người dân nơi đây thành thù địch? Những lời nói hoa mỹ về lòng nhân đạo, về sự chính nghĩa, thương dân của nhà nước để đâu mà không có bất cứ một sự cứu giúp nào với các nạn nhân khi họ đã bị đánh đập đến tàn bạo và thương tích nguy cấp"? Hẳn nhiên, câu hỏi này chỉ để mà hỏi, chẳng ai có thể trả lời. Bởi thực tế đã khẳng định câu hỏi này của vị linh mục đó.

Những âm mưu nào sẽ được thực thi?

Khi gặp linh mục quản xứ Dũ Lộc, chúng tôi được biết, ngài mới về quản xứ được mấy tháng, sau khi vị linh mục cũ đổi đi nơi khác. Vụ việc hôm đó, ngài hoàn toàn bị động vì không hiểu tình hình vì sao nhà nước có thể hành động như vậy.

Mới đây, ngài có nhận được một phong thư do một người cầm về đưa cho, chiếc phong bì đã bị bóc dở, trong đó có 100.000 đồng và một tờ thông báo về việc sẽ khởi tố việc chống người thi hành công vụ. Ngài đã tỏ ra ngạc nhiên và yêu cầu trả lại phong thư như đã nhận.
Sau sự việc, nhà cầm quyền đã phải tiến hành đền bù ruộng do bị ảnh hưởng của đường dây điện 500 KV cho dân, chẳng đáng là bao, có người chỉ được vài ba chục ngàn. Nhưng điều đó có nghĩa là, việc họ tiến hành thì công khi chưa đền bù cho dân là việc làm bất hợp pháp.

Câu hỏi đặt ra là: Có nơi nào, đất nước nào mà đã phải huy động cả ngàn người, công an và dân phòng với các loại vũ khí để trấn áp người dân chỉ để "bảo vệ thi công"? Phải chăng, họ đã biết việc làm của mình bất hợp pháp và bất lương nên sẽ bị phản ứng và họ đã chuẩn bị?
Những hành động của họ đối với người dân nơi đây, phải chăng là để thể hiện một chính quyền "của dân, do dân và vì dân"? Tại sao, những kẻ bất chấp luật pháp, coi người dân là kẻ thù thì không bị trừng trị, mà lại định tiếp tục đàn áp người dân bằng cái gọi là pháp luật?

Phải chăng, nhà cầm quyền Hà Tĩnh đã tiến hành vụ việc hôm 6/4/2015 vừa qua, và động thái của họ sắp tới, có cái đích được nhắm đến là nhằm đè bẹp ý chí và nguyện vọng của người dân nơi đây, để đặt bằng được bãi xỉ than nhiệt điện Trung Quốc vào đó, tiêu diệt người dân nơi đây và con cháu họ mai sau?

Đó là những câu hỏi cảnh giác đối với mọi người có lương tri.

Video phỏng vấn người dân Dũ Lộc: https://youtu.be/ARwoA9MvA3g

Hà Nội, Ngày 9/5/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh








No comments:

Post a Comment

View My Stats