Tuesday 5 May 2015

TQ tăng cường ‘quyền lực mềm’ bằng cách thành lập think tank mới (VOA)





VOA
Cập nhật: 06.05.2015 00:11

Trong khuôn khổ một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xoay chiều công luận Mỹ, Trung Quốc đã thành lập một viện nghiên cứu đặc biệt tập trung vào cuộc tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông. Những người sáng lập tổ chức này mô tả đây là think-tank đầu tiên của Trung Quốc ngay giữa lòng thủ đô nước Mỹ.

Theo bản tin của tờ The Wall St. Journal, Viện nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ gồm có 3 nhân viên, làm việc từ một văn phòng nhỏ ở quận Arlington, bang Virginia, gần Phi trường Ronald Reagan ở Washington. Theo lời của Giám đốc Điều hành của viện, bà Hồng Nông thì sứ mạng của viện nghiên cứu này là nghiên cứu và trao đổi về các vấn đề hàng hải và các quan hệ Mỹ-Trung, chứ viện không đại diện chính quyền Trung Quốc.

Theo lời bà Hồng thì viện muốn xây dựng ‘một diễn đàn để phổ biến một thông điệp đúng đắn từ cả hai phía.’ Bà Hong bảo vệ bằng tiến sĩ tại Đại học Alberta ở Canada, với chủ đề xoay quanh việc xem xét các vấn đề pháp lý và chính trị liên quan tới vụ tranh chấp ở Biển Đông.

Viện nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ ra đời tiếp theo sau lời hô hào của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, kêu gọi thành lập những think tank mới để cải thiện đường lối quản trị đất nước và tăng cường ‘quyền lực mềm’ của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng thăng tiến các lợi ích của Bắc Kinh thông qua các phương tiện văn hoá, truyền thông và giới học thuật.

Các think tank thường có chức năng nghiên cứu, đề xuất và cố vấn chính sách; khi thiết lập viện nghiên cứu chính sách mới, Trung Quốc được coi là đã theo chân một số nước láng giềng ở Châu Á, kể cả đối thủ lâu năm của Trung Quốc trong khu vực, là Nhật Bản và Đài Loan. Hai nước này từ lâu đã tài trợ cho các viện nghiên cứu chính sách của Mỹ, cũng như bảo trợ cho một số viện đại học và chức vụ quan trọng tại các viện học thuật này, trong một cố gắng nhằm tạo ảnh hưởng đối với tiến trình làm chính sách của Hoa Kỳ.

Báo WSJ nói viện nghiên cứu chính sách mới sẽ cho phép các nhà nghiên cứu và các giới chức Trung Quốc có một diễn đàn để tạo ảnh hưởng trong cuộc tranh luận ở Mỹ, và tiến trình làm chính sách của Hoa Kỳ, đặc biệt có liên quan tới các vụ tranh chấp lãnh hải ở Á Châu, mà tờ báo nói là hiện đang tiếp tục leo thang tới mức có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

Về bước hành động mới nhất của Trung Quốc để tăng cường quyền lực mềm, một trong những trí thức đi đầu trong phong trào dân chủ ở Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, có nhận định như sau:

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang dùng tất cả các mọi cái sức mạnh của mình để thâm nhập vào khắp các nơi trên thế giới và tuyên truyền với thế giới cho những cái đòi hỏi rất là phi lý của mình. Với cái sức mạnh mọi thứ của họ, thì tôi nghĩ là họ có thể sẽ thuyết phục rất nhiều người, kể cả một số người Mỹ với cái viện nghiên cứu về Biển Đông mà họ đặt ngay tại Arlington.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói đây là một viện nghiên cứu mang danh là độc lập nhưng mà ngay hoạt động đầu tiên với Đại sứ Trung Quốc ở Hoa Kỳ, đã mời một người rất là thân Trung Quốc, là ông Henry Kissinger tới tham dự, để nghe Bắc Kinh tuyên truyền những luận điệu của họ về vấn đề Biển Đông và đường lưỡi bò. Ông A nói đấy là một cách tuyên truyền của Trung Quốc, dùng tiền bạc và tiền của mà họ có để làm cho nhiều người tin vào những lập luận của Bắc Kinh.

Tờ The Economist hôm 2 tháng Năm nói sau nhiều tháng ráo riết cải tạo đất xây đảo trong Biển Đông, Trung Quốc đang xoay sang áp dụng một phương hướng tiếp cận có tính ‘tế nhị hơn’, khi hình thành think tank mới. Tờ báo nói đây là một chi nhánh của Viện nghiên cứu Quốc gia về các vấn đề Biển Đông ở Hải Nam.

Như vậy, Việt Nam có thể làm được gì để đối phó với bước hành động mới nhất của Bắc Kinh nhằm củng cố quyền lực mềm?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Với sức của mình thì Hà Nội khó lòng địch nổi với hoạt động ấy của Trung Quốc, tuy vậy Hà Nội cũng cần có những bước mạnh mẽ của mình, khuyến khích những tổ chức hoàn toàn độc lập, các nhà nghiên cứu (không thuộc nhà nước) để họ lên tiếng, và huy động tất cả các lực của đất nước để họ làm rõ cái âm mưu này của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhưng mà tôi nghĩ rằng họ có thể làm nhiều người ngả theo họ, nhưng mà rồi cuối cùng nó cũng sẽ mang số phận của các Viện Khổng Tử, mới đầu hoạt động rất là hồ hởi nhưng mà về sau rồi thì người ta cũng phơi bày ra được cái bánh vẽ của viện này ra, là những cơ sở tuyên truyền của Bắc Kinh mà thôi.”

Tuy mới lập nhưng Viện Nghiên cứu các vấn đề Trung-Mỹ đã mời được cựu Ngoại Trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger, lên tiếng tại diễn đàn mới này. Phát biểu trong một băng video được thu hình trước, ông Kissinger đề cập tới tầm quan trọng của các quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

Tham gia một hội thảo tại diễn đàn này, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải nói nước ông sẽ hành động một cách tự chế trong Biển Đông, mặc dù cùng lúc, ông khẳng định Bắc Kinh sẽ mạnh mẽ bảo vệ các lợi ích của mình trên vùng biển này.

Tờ The Economist bình luận rằng các cố gắng của Trung Quốc, tìm cách phết lên một lớp sơn học thuật để củng cố các đòi hỏi chủ quyền của mình trên hầu hết diện tích Biển Đông -trong phạm vi của cái gọi là đường lưỡi bò mà nước này vẽ ra trên Biển Nam Trung Hoa, khó có thể thuyết phục nhiều người ở Hoa Kỳ hay ở Đông Nam Á.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó, ông cho rằng cố gắng cũng như tiền của của Bắc Kinh đã mang lại một số kết quả nhất định:

“Có rất nhiều các học giả có tên tuổi của quốc tế trước kia có những quan điểm tương đối là độc lập mà bây giờ cũng vì đồng tiền hay là vì cái gì đó không biết, mà bây giờ làm việc cho họ, lên tiếng bênh vực các đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi nghĩ là chắc chắn là họ có thể lôi kéo được một số người, nhưng mà nếu nói tới số đông thì tôi nghĩ là họ không thành công. Việt Nam họ biết quá rõ cái trò như vậy, cho nên mặc dù chính quyền Việt Nam có chiều Trung Quốc, cho đặt một Viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội.”

Các cộng trình lắp đất xây đảo nhân tạo ráo riết của Trung Quốc hồi gần đây đã gây quan ngại sâu xa tại các nước cũng tuyên bố chủ quyền trên các vùng. Tokyo trong năm 2015, đã tăng gấp 3 lần ngân sách dành cho các quan hệ công có tính chiến lược . Nhật Bản, Đài Loan, Nam Triều Tiên, Singapore và Việt Nam đều là các nước cung cấp tài trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), một think tank có uy tín và có rất nhiều ảnh hưởng dối với các nhà làm chính sách Mỹ, theo thông tin được cung cấp trên trang nhà của CSIS.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một thành viên của Diễn Đàn Xã hội Dân sự, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, ông hoạt động tích cực trong phong trào "trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của Việt Nam từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa".





No comments:

Post a Comment

View My Stats