Monday 11 May 2015

Ngày Nhân quyền Việt Nam lần thứ 21 (Thanh Trúc- RFA )





Thanh Trúc- RFA
2015-05-11

Quang cảnh Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại Russell Building, Thượng Viện Hoa Kỳ.
RFA files

Thể theo Nghị Quyết chung SJ-168 của Quốc hội Mỹ và Công Luật 103-258 do tổng thống Bill Clinton ký ban hành năm 1994, ngày 11 tháng Năm hàng năm là Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam tại quốc hội Hoa Kỳ.

Buổi lễ ngày thứ Hai 11 tháng Năm vừa qua là lần thứ 21 ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam, được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ bang Virginia, ông Tim Kaine, bên cạnh sự đồng bảo trợ từ một số dân biểu và thượng nghĩ sĩ thuộc lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ,

Thêm vào đó còn có sự bảo trợ của Tổng Liên Đoàn Lao Công Hoa Kỳ, gọi tắt là AFL-CIO, các tổ chức nhân quyền quốc tế, một số đại diện các cộng đồng bạn như Trung Hoa, Myanmar, Tây Tạng, Mông Cổ, bên cạnh những đoàn thể người Mỹ gốc Việt từ các nơi xa về.
Đặc biệt năm nay, Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 21 được trực tiếp truyền hình từ tòa nhà quốc hội Russell.

Một thành viên của Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, bào đệ của nhà tranh đấu dân chủ Nguyển Đan Quế ở Việt Nam, nói rằng  đây là trách nhiệm được trao qua cho Cộng Đồng Người Việt đã bốn năm nay. Ông nói:

Lúc đầu chúng tôi có lãnh trách nhiệm tổ chức với sự yểm trợ của cộng đồng các nơi, nhưng sau này thì đến giai đoạn mà chúng tôi nghĩ rằng Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam phải được mở rộng hơn và được tất cả mọi người tham dự, đó là chung cho tất cả cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại cũng như đồng bào trong nước. Vì thế mà chúng tôi yêu cầu cộng đồng Việt Nam vùng Washington đứng ra tổ chức và luôn luôn chúng tôi yểm trợ, giúp đỡ cho ban tổ chức hàng năm.

Tổng Giám Đốc RFA Libby Liu

Tổng Giám đốc đài Á Cah6u Tự Do, bà Libby Liu, được mời phát biểu trong Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 21. Bà nói:

"Năm nay tôi muốn chú trọng đề cập đến những bước tiến đáng khích lệ mà đài Á Châu Tự Do, đặc biệt ban phát thanh tiếng Việt, đạt được khi mời gọi sự chú ý của mọi người về tình trạng nhân quyền nghèo nàn ở Việt Nam. Tôi nghĩ càng ngày đài Á Châu Tự Do càng tỏ ra đã cố gắng vượt bực trong việc đưa tiếng nói của mình vươn tới nhiều khán thính giả ở Việt Nam hơn lúc nào hết."

Dân biểu Barbara Comstock trả lời Thanh Trúc

Dưới mắt nữ dân biểu Barbara Comstock, đại diện khu vực 10 tiểu bang Virginia, nơi có một cộng đồng người Việt đông đảo và năng động không chỉ trong lãnh vực kinh doanh mà cả trong phạm vi quyền con người, bà nói:

"Chính vì thế phải bảo đảm là chúng tôi luôn nhấn mạnh đến vấn đề nhân quyền, tôi sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng này, tiếp nhận bất cứ mọi ý kiến để làm sao có thể qua nhân quyền tạo áp lực lên những vấn đề khác như thương mại chẳng hạn. Để có một nền giao thương tốt đẹp với Hoa Kỳ thì chúng tôi đòi hỏi Việt Nam phải nhận ra thông điệp cải thiện nhân quyền mà chúng tôi nhắn gởi. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Hoa Kỳ muốn một quốc gia phải có một hệ thống mạng xã hội tốt đẹp, blogger được quyền viết blog chứ không phải bị bắt giam như họ đang bị ở Việt Nam, và những người khát khao tự do tín ngưỡng thì được thờ phượng theo cách họ muốn. Chúng tôi muốn đưa ra ánh sáng những vụ xúc phạm nhân phẩm và chà đạp nhân quyền không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả mọi nơi trên thế giới.
Đáng tiếc Việt Nam là một trong những quốc gia đang có tình trạng nhân quyền tồi tệ nhất, nhưng may mắn là chúng tôi có một cộng đồng người Việt tự do trên xứ sở tự do này, để chúng tôi có thể tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do như cộng đồng người Việt ở nơi tôi đại diện mong muốn." 

Rất nhiều diễn giả lần lượt lên phát biểu trong Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 21, trong đó có có bà Amy Archbald, trợ lý giám đốc Châu Á Thái Bình Dương Sự Vụ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói rằng Washington thực sự quan tâm cũng như liên tục khuyến khích Việt Nam cải thiện quyền còn người về mọi mặt. Cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ lần thứ 19 vừa qua, bà nói, là một trong những phương cách để giúp Hà Nội thăng tiến về quyền con người, được chứng tỏ bằng sự tôn trọng những quyền rất cơ bản đã có trong hiến pháp Việt Nam là quyền tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do phát biểu và tự do đi lại.

Với câu hỏi của đài Á Châu Tự Do dành cho ông Wang Jung, chủ tịch đảng Dân Chủ Trung Hoa đang hoạt động tại Mỹ, rằng ông nghĩ sao khi nhà cầm quyền Việt Nam bắt bớ các blogger và người dân, đã viết bài hoặc biểu tình chống những hành động lấn chiếm biển đảo của Việt Nam trên biển Đông, ông Wang Jun khẳng định hành động bắt bớ đó là vi phạm nhân quyền:

"Người dân có quyền phát biểu ý kiến, ông nói, khi người dân quan tâm đến sự sống còn của đất nước thì đó là một dấu hiệu đáng mừng, đó là nhân quyền mà một khi bị chính phủ cấm thì chính phủ đó sai chứ người dân không sai. Cấm đoán như thế là hình thức của độc tài. Tôi luôn mong người dân Trung Quốc cũng như người dân Việt Nam đều được hưởng những quyền căn bản của con người như nhau."

Đến từ Tenessee, ông Sinh Cẩm Minh, đi cùng phái đoàn đại diện Hội Thánh Em Tín Đồ Cao Đài Hải Ngoại, nói về tầm quan trọng của Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam:

"Đạo Cao Đài Thuần Túy ở Việt Nam, có nghĩa là bảo thủ chân truyền, bị đàn áp rất khốc liệt. Ngày Nhân Quyền nhắc cho chúng ta và những người Việt Nam trong và ngoài nước phải nên làm sao siết chặt tay nhau để ủng hộ cho những nhà đấu tranh, đặc biệt những tôn giáo độc lập, trong đó có Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo, Tin Lành …đang bị đàn áp rất khốc liệt ở tại đất nước Việt Nam." 

Ngày Nhân quyền cho Việt Nam tại Russell Building, Thượng Viện Hoa Kỳ

Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam lần thứ 21 năm nay tạo được sự chú ý của nhiều giới vì diễn ra không lâu sau ngày người Việt hải ngoại tưởng niệm 40 năm Sài Gòn sụp đỗ, kế đến là 20 năm Mỹ Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng đặc biệt nhất là sau khi vòng đối thoại nhân quyền Mỹ Việt kết thúc ở Hà Nội ngày 8 tháng Năm vừa qua.





No comments:

Post a Comment

View My Stats