Friday 8 May 2015

Học giả = làm ruộng (FB Nguyễn Văn Tuấn)





7-5-2014

Giấy thông hành

Nguyễn Đổng Chi là một học giả nổi tiếng. Mới đọc bên fb của Hoàng Oanh thấy người ta tổ chức hội thảo 100 năm ngày sinh của ông, và cái hình chụp lại tờ “Giấy thông hành” cấp cho ông vào ngày 24/5/1955 (tức thời Cải cách ruộng đất) rất thú vị. Tờ giấy ghi nghề nghiệp của ông là “làm ruộng”, nhưng phía dưới ghi mục đích của chuyến đi là “gặp Ban nghiên cứu Văn Sử Địa”. Vui thật! Một anh nông dân mà có việc gì phải đi gặp một cơ quan nghiên cứu, mà còn nghiên cứu văn sử địa!

Tờ giấy thông hành là một chứng từ cho một thời tăm tối. Thời đó, dĩ nhiên những người như cụ Nguyễn Đổng Chi được xem là thành phần trí thức, tức là nằm trong nhóm bị “Đào tận gốc, trốc tận rễ”. Cho nên, ông quan chức công an Hà Tĩnh mới thương tình cho ông cái nghề rất hiền lành là “làm ruộng” cho an toàn trên đường đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội.

Tôi không rõ có bao nhiêu bạn trẻ ngày nay còn nhớ -- hay thậm chí biết -- đến Nguyễn Đổng Chi, chứ những người thuộc thệ hệ tôi lớn lên ở miền Nam trước 1975 thì ông là học giả rất nổi tiếng. Gia đình tôi có một bộ sách do Ba tôi sưu tầm. Bộ sách gồm nhiều truyện Tàu như Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử, Hán Sở Tranh Hùng, v.v.. Đặc biệt là cuốn Kho Tàng Truyện Cổ Tích của Nguyễn Đổng Chi. Có thể nói tôi lớn lên với những truyện trong cuốn đó. Ngày ngày đi học về, tôi ngấu nghiến đọc những truyện trong đó và tha hồ .. tưởng tượng. Ôi, một thời thiếu niên thật thần tiên với những truyện con sam, sự tích cái chổi, ông bình vôi, cái chân con chó, v.v. Văn chương giản dị, nhân cách hoá sự vật làm cho mình rất gần với sự vật, cộng với minh hoạ (chỉ vẽ tay) làm cho cuốn sách là một cuốn không thể thiếu được trong tủ sách gia đình.

Ấy thế mà sau này tôi được biết ông cụ này cũng bị lọt vào dòng xoáy của cơn lốc “Nhân văn giai phẩm”. Dưới áp lực của đảng, ông viết bài chỉ trích và vu khống cụ Phan Khôi, một học giả nổi tiếng khác. Nhưng cụ Đổng Chi là người đàng hoàng và nhà văn hoá lớn, nên ông có trối lại cho con trai (tức là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi) giải oan cho cụ.

Nhưng qua buổi hội thảo kỉ niệm ngày sinh của ông, chúng ta mới biết “người ta” vẫn còn rất dè dặt với các học giả đương thời. Theo Hoàng Oanh kể lại thì hội thảo không phải suôn sẻ như chúng ta nghĩ. Oanh viết:

“Để hội thảo có thể tiến hành được thì Ban tổ chức (Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, Nhà xb Trẻ, Tập đoàn truyền thông Thanh Niên) không được đăng tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc vào kỷ yếu hội thảo, không được mời nhà văn Nguyên Ngọc; ông con Nguyễn Huệ Chi không được phát biểu cám ơn và những người tham dự hội thảo mà phải giao cho cô út, muốn trao đổi với các ý kiến tham luận thì đứng dưới hội trường chứ không được lên bục diễn giả, và nhiều chuyện khác ...”

Hoàng Oanh nói là “chuyện bên lề”, nhưng tôi thì thấy đó là chuyện quan trọng. Quan trọng là vì những câu chuyện như thế nói lên một sự thật là có những thế lực vô hình cố tình gây cản trở cho tự do học thuật. Và, thế lực này không từ bỏ một tiểu tiết nào, cho dù là rất hèn, để đạt được mục tiêu của họ. Do đó, tôi cũng rất ngạc nhiên như Hoàng Oanh là “Nền tự do như vậy mà lại đi 'giải phóng' một nơi tự do khác”. Thế mới có ông nhạc sĩ nào đó sáng tác bài “Anh giải phóng tôi, hay tôi giải phóng anh”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats