Friday 8 May 2015

“Dưới ánh sáng của nghị quyết” (FB Nguyễn Văn Tuấn)






Nhân nói chuyện ngôn ngữ, tôi lại nhớ chuyện xưa ... Nói chung, thời Chiến tranh Lạnh, phe XHCN có một loại ngôn ngữ chung cho khối. Những danh từ, tính từ, câu văn được sử dụng ở Nga cũng được sử dụng ở Tàu, Hungary, Romania, hay Việt Nam. Tất cả đều giông giống nhau. Ngay cả tên của cơ quan cũng giông giống nhau. Dù chưa có định lượng, nhưng tôi có cảm giác là sự tương đồng giữa Việt Nam và Tàu cao hơn giữa Việt Nam và các nước trong khối Đông Âu. Đây có lẽ cũng là một đề tài khoa học xã hội rất thú vị và chắc không ai cấm nghiên cứu (?)

Tôi không biết điều đó (ngôn ngữ của các nước XHCH giống nhau) cho đến khi ra ngoài này, và gặp những người tị nạn từ Tàu và Đông Âu. Lúc đó là đầu thập niên 1980. Tôi ở chung với những người tị nạn từ Nga, Đông Âu và nhất là Tàu. Thời đó, thật ra đã có người Tàu chạy trốn Tàu rồi. Trong lớp học tôi thấy họ dùng những danh từ mà nếu dịch sang tiếng Việt thì nghe quen quen. Chẳng hạn như mấy người đi tị nạn từ Tàu, khi họ dịch từ tên cơ quan nước họ sang tiếng Anh tôi chú ý thấy nhiều chữ "People" , tức là "Nhân dân" trong tiếng Việt. Cái gì cũng "nhân dân". Bệnh viện của họ cũng có tên "nhân dân". Phải một thời gian sau tôi mới biết là Việt Nam bắt chước từ họ (Tàu). Nhưng cũng rất có thể là Việt Nam tự nguyện bắt chước Tàu về ngôn ngữ và cách đặt tên cơ quan.

Cách viết cũng có những câu văn rất quen thuộc. Có lần tôi phụ trách biên tập một bài báo khoa học về loãng xương của các đồng nghiệp bên Cuba. Tôi đọc câu đầu trong phần Dẫn nhập họ viết như thế này (tôi chỉ nhớ 1 đoạn):
"Under the light of resolution of the Party, we conducted this study …"

Tôi đọc mà nghe quen quen. Phải 1-2 phút tôi mới hiểu và biết nó xuất phát từ đâu. Cái câu này dịch sang tiếng Việt chuẩn có lẽ là "Dưới ánh sáng của nghị quyết của đảng, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này .." Câu mở đầu đúng y chang Việt Nam! Tôi có cảm tình với những đồng nghiệp từ mấy nước nghèo, nên không từ chối bài báo ngay, tôi viết thư riêng cho họ và nhẹ nhàng đề nghị nhờ ai đó biên tập theo tiếng Anh khoa học (scientific English). Tôi không muốn nói rằng cái câu mở đầu của họ sẽ chẳng có tập san nào đăng đâu, không phải nó sai, mà vì nó không liên quan. Nhưng có lẽ họ không hiểu thiện chí của tôi, nên họ rút lại bản thảo bài báo. Dĩ nhiên, ngày nay Việt Nam ta khá hơn Cuba nhiều, nên chẳng có bài báo nào của Việt Nam viết như thế cả.

Khi nói chuyện với những người từ Đông Âu và Tàu, tôi cũng phát hiện rằng họ có những quan tâm rất giống mình. Ví dụ như sợ cảnh sát/công an nghe lén, lo lắng về hộ khẩu, sợ bị thầy cô trù dập, nói cái gì cũng kèm theo câu "đừng nói cho ai nghe nhé", v.v. Bây giờ nghĩ lại thật buồn cười. Nhưng cũng tự thấy thương hại là chúng tôi đã bị gieo vào một nỗi sợ vô hình. Phải nói là chế độ Police State ở các nước XHCN cũ để lại những di hại tinh thần ghê gớm. Nhưng lúc đó, các thầy cô trong lớp biết những lo lắng của chúng tôi, có lẽ vì họ đã dạy những lớp như thế này khá lâu.

Do đó, những chữ mà chúng ta hay thấy ngày nay ở VN, theo tôi thấy, chỉ là "di sản" của thời bao cấp mà thôi. Những người viết diễn văn họ vẫn suy nghĩ như đàn anh của họ suy nghĩ thời 50 năm trước. Điều này có nghĩa là những "người gác đền" tuyên giáo làm việc khá tốt. Những người gác đền không để những người có tư tưởng cấp tiến lọt vào cái đền tuyên giáo của họ. Dần dần, họ trở thành một bộ lạc. Trong cái bộ lạc đó, họ nói một thứ ngôn ngữ rất lạ với chúng ta – những người bình thường. Đó là loại ngôn ngữ DoubleSpeak: có là không; không là có; kẻ thù là bạn; cải tạo có nghĩa là đi tù; nhân ái có nghĩa là giết người; nhân đạo là đày đoạ, v.v. Do đó, (nếu có kiên nhẫn) khi đọc những bài viết của họ, chúng ta phải biết rằng chúng ta đang đọc loại ngôn ngữ DoubleSpeak. Rất ư là thú vị!

Cách đây khá lâu, tôi đọc một bài báo khoa học của một nghiên cứu sinh người Albania, anh này chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ trong thế giới cộng sản. Cả đời anh ta chỉ làm chuyện đó. Anh ta gọi đó là "wooden language" (ngôn ngữ gỗ). Rất nhiều danh từ và cụm từ trong kho tàng ngữ vựng wooden language giống với Việt Nam ta ngày nay. Tôi đọc và bị thu hút cứ như là bị mê hoặc, không phải vì ngôn ngữ đó hay, mà vì sự tương đồng với ngôn ngữ hiện nay ở VN và nó giúp tôi hiểu nhiều hơn về VN. Chỉ có khác là các nước Đông Âu đã về với thế giới tự do (tạm gọi như thế) nên họ đã từ giã cái thứ ngôn ngữ gỗ. Việt Nam thì vẫn còn kiên định với con đường XHCN, nên ngôn ngữ gỗ vẫn chưa thay đổi, và chúng ta phải sống và đau đầu với thứ ngôn ngữ này. Nỗi lòng này biết tỏ cùng ai?







No comments:

Post a Comment

View My Stats