Thursday 7 May 2015

California tốn rất nhiều nước để bán cỏ qua Trung Quốc (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Thursday, April 30, 2015 6:16:23 PM

California thiếu nước vì hạn hán trầm trọng, nhưng vẫn “xuất cảng” rất nhiều nước – dưới hình thức nước sử dụng trong nông nghiệp để sản xuất nông phẩm bán ra ngoại quốc, trong đó Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất.

Theo cơ quan giáo dục IHE của UNESCO, Hoa Kỳ “xuất cảng” khoảng 82 ngàn tỷ gallons nước mỗi năm, gấp đôi bất cứ quốc gia nào khác, vì nông sản Mỹ cung cấp cho toàn thế giới, và California là tiểu bang đứng đầu về nông nghiệp.

Cỏ linh lăng (alfalfa) nở hoa tím. (Hình: tarleton.edu)

Nông phẩm mà Trung Quốc mua từ Mỹ với số lượng lớn nhất là cỏ khô dùng để nuôi bò, một mặt hàng giá trị tương đối thấp so với những loại nông sản khác như lúa mì, gạo, rau quả,... Do đó đã có nhiều ý kiến phê bình, cho rằng không nên phí phạm quá nhiều nước để trồng cỏ rồi phơi khô đem bán, trong khi dân chúng phải hạn chế nước sử dụng trong sinh hoạt.
Hiện nay mỗi năm California tiêu thụ trên 5 triệu acre-feet nước vào việc trồng cỏ alfalfa cung cấp cho các trại chăn nuôi quốc nội và bán ra nước ngoài.

 Đơn vị “acre-foot” là đơn vị đo lường dùng trong ngành cung cấp nước, đó là khối nước phủ dày 1 foot trên diện tích 1 acre (4047 m2).  Tính về dung tích 1 acre-foot vào khoảng 325,851 gallons hay 

1,2 triệu litres, và tính về trọng lượng khoảng 1,200 tấn.

Như thế mỗi năm California tiêu thụ khoảng 5 triệu x 1,200 tấn = 6 tỷ tấn nước để trồng cỏ. Theo tính toán của các chuyên gia, đây là số lượng nước đủ dùng cho 20 triệu gia đình Mỹ trung bình.

Bò ăn nhiều loại cỏ, nhưng trên thế giới không có đủ đồng cỏ tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của số bò nuôi càng ngày càng nhiều để cung cấp thịt và sữa cho nhân loại, vì vậy cần phải trồng cỏ cho bò. Alfalfa, cũng có tên lucerne, tiếng Việt: cỏ linh lăng, là loài cây nhỏ lá 3 nhánh, hoa màu tím, theo khoa học thuộc họ đậu Fabaceae hay Leguminosae. Đặc tính chung của Loài thực vật này là các mắt rễ của chúng chứa những loại vi khuẩn,  có khả năng cố định đạm nghĩa là giữ được nitrogen.

Alfalfa  được cho là có nguồn gốc từ Trung Đông, từ hơn 2000 năm trước đã dùng làm thức ăn cho ngựa của quân đội Ba Tư (Iran), sau đó đem tới trồng ở nhiều nước Âu Châu.  Tại Hoa Kỳ cỏ được đưa vào từ Chile khoảng cuối thế kỷ 19.  Ngày nay alfalfa được trồng rộng rãi khắp thế giới để nuôi bò và chủ yếu thu hoạch dưới dạng cỏ khô hay ủ chua với các loại thức ăn cho gia súc khác như bắp.

Hàm lượng protein cao của nó cùng với những chất hữu cơ bao gồm sinh tố B, C, D, E, K  rất thích hợp để làm thức ăn cho gia súc, và cũng được dũng làm một loại dược thảo.
Bò thịt cho ăn bắp phát triển nhanh nhưng bò  nuôi bằng cỏ alfalfa mới cung cấp được nhiều sữa có chất lượng cao. Vì thế những nước không có nhiều đất đai để trồng cỏ phải nhập cảng alfalfa khô từ bên ngoài.

Những bánh cỏ khô sẵn sàng được chở đi. (Hình: Stuart Leavenworth/MCT via Getty Images)

Hầu hết cỏ khô xuất cảng của Hoa Kỳ được đưa qua Á Châu. Trung Quốc đứng hàng thứ ba sau Nhật Bản và Liên Hiệp Vương Quốc Á Rập (UAE) về số lượng cỏ khô mua của Hoa Kỳ, nhưng hiện nay đang tiến lên rất nhanh và tiểu bang California. là thị trường chính để mua cỏ nhập cảng.  Năm 2007, Trung Quốc chỉ mua của Mỹ 2,400 tấn cỏ khô, năm ngoái con số này lên tới trên 800,000 tấn.

Các tàu container  chở đủ loại hàng hóa từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ khi trở về không có đủ một lượng hàng lớn như thế và phân nửa là để tàu trống. Vì vậy giá chuyên chở các containers đóng đầy cỏ khô được coi là rất rẻ. Một tấn cỏ khô alfalfa chở từ cảng Los Angeles về  Trung Quốc rẻ hơn là từ Imperial Valley, Đông San Diego, đến Central Valley, Bắc Los Angeles, nghĩa là có hiệu quả kinh tế cao hơn..

Trong hệ thống cung cấp nước cho tiểu bang California, sông Colorado chiếm một phần quan trọng. Sau những tranh chấp lâu dài, đã đi đến thỏa hiệp chia nước của con sông này cho 7 tiểu bang và Mexico. Kênh Imperial Canal bắt đầu đưa nước sông Colorado về miền Nam California năm 1901 và tới 1940 kênh All American Canal giúp gia tăng số lượng nước dẫn về.

Những người không đống ý việc xuất cảng cỏ khô alfalfa nói rằng đây là việc “xuất cảng sông Colorado sang châu Á”. Họ cũng cho là có sự bất công khi dân chúng phải trả tiền nước đắt và bị hạn chế tiêu thụ vào thời kỳ hạn hán, trong khi các nông gia được ưu đãi sử dụng không hạn chế một phần lớn số nước và chỉ phải trả một giá rất thấp.

Nhưng Daniel Putnam, chuyên gia nông học trường UC Davis, bênh vực alfalfa và cho rằng nhiều người không hiểu rõ vấn đề. Ông đồng ý rằng alfalfa là món hàng giá rẻ nhưng mọi người không xét về lợi ích cho các trại chăn nuôi trong nước và phần giá trị của nó trong kim ngạch xuất cảng.

Ông nói: “Alfalfa, với nhiều vụ thu hoạch chỉ cách vài tháng, đem lại lợi tức điều hòa quanh năm cho nông gia”. Cũng theo giáo sư Putnam: “Từ nhiều năm, cỏ khô chỉ được dùng cho các trại bò gần nơi alfalfa được cắt. Bây giờ bán cho Trung Quốc, chúng ta chỉ phải trả cước phí vận chuyển rất nhẹ và rõ ràng là hơn nếu không có gì để bán”.

Tranh cãi về vấn đề nước là chuyện đã có từ lâu ngày ở California, cường độ lên cao khi trời hạn hán, và sẽ tự động giảm nhiệt nếu đến một hay nhiều năm liên tiếp hiện tượng El Nino đem mưa tới tiểu bang thịnh vượng nhất của Hoa Kỳ này.  






No comments:

Post a Comment

View My Stats