Sunday 12 April 2015

Hoa Kỳ sẽ đưa đến Châu Á những vũ khí gì mới ? (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hoa Kỳ sẽ đưa đến Châu Á những vũ khí gì mới ?
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Friday, April 10, 2015 5:55:03 PM

Nhiều vụ khủng hoảng đang đồng thời xảy ra trên thế giới: từ loạn quân Nhà Nước Hồi Giáo IS ở Iraq và Syria , nội chiến Yemen, chương trình phát triển nguyên tử Iran, bế tắc hòa đàm Israel – Palestine,  tới  việc  can thiệp của Nga vào Ukraine. Dù bị lôi cuốn và vướng bận vào tất cả những vấn đề ấy, chính quyền Obama vẫn muốn tái xác định sự tiếp tục chú trọng đến khu vực Á Châu – Thái Bình Dương như chính sách đã tuyên bố từ năm 2011.

Lịch trình công du Á Châu trong năm nay của Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton “Ash” Carter thể hiện đường hướng ấy. Ông thăm viếng Nhật Bản và Nam Hàn tuần này,  rồi tháng 5 sẽ đến Ấn Độ và dự hội nghị an ninh khu vực ở Singapore, sau đó trước cuối năm có thể qua Trung Quốc.

Tuyên bố tại Seoul, Nam Hàn, hôm Thứ Sáu, bộ trưởng Carter hứa hẹn sẽ triển khai ở châu Á những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của Hoa Kỳ. Được các phóng viên yêu cầu cho biết thêm chi tiết, ông nói rằng những loại vũ khí ấy bao gồm  máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 và một số đơn vị chiến tranh trên mạng (cyberwarfare) của quân lực Hoa Kỳ.

Trong các cuộc thảo luận của bộ trưởng Carter ở Seoul, chưa đề cập tới một vấn đề nhạy cảm là hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn  mang tên THAAD (Theater High Altitude Area Defense) mà Hoa Kỳ có dự tính sẽ triển khai ở Nam Hàn. Có thể là tướng Martin Dempsey, tổng tham mưu trưởng quân lực Hoa kỳ sẽ bàn việc này khi đến Seoul mấy ngày sau.
Phi đạn THADD có nhiệm vụ bắn hạ  hỏa tiễn tầm ngắn, trung bình và xa bằng cách đâm trúng nó trên đường đi tới, giống như một viên đạn không nổ bắn trúng mục tiêu. Phi đạn phòng thủ này không có đầu đạn nổ quy ước hay nguyên tử, mà chỉ hủy diệt hỏa tiễn địch bằng động năng của sự đụng chạm. Phương cách này giảm thiểu rủi ro làm đầu đạn của hỏa tiễn địch phát nổ có thể gây phản ứng  phụ, nhất là nếu hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử. Tuy nhiên nếu đầu đạn thuộc loại mang chất độc hóa học hay vũ khí sinh học  thì vẫn có thể tác hại đến môi trường khi bị phá vỡ. Hơn nữa, phi đạn THAAD được coi là chỉ có ít hiệu lực chống hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.

Theo giải thích của Hoa Kỳ, THAAD đặt tại Nam Hàn chỉ có mục đích răn đe, cần thiết trước thực trạng Bắc Hàn tiếp tục phát triển chương trình hỏa tiễn các loại. Nhưng Nga và Trung Quốc cho rằng kế hoạch này có thể phương hại đến ổn định và khởi động cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực Đông- Bắc Á vốn nhiều phức tạp.

Dưa theo đó, chính quyền Bình Nhưỡng không trực tiếp chống đối THAAD bằng quan điểm của mình mà chuyển banh sang phía Nga và Trung Quốc. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Bắc Hàn tuyên bố: “Trong ý định triền khai hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn, Hoa Kỳ muốn tạo ra điều kiện thuận lợi để ngăn chặn Nga và Trung Quốc trong chiến lược thống trị thế giới của họ. Đây là cấu trúc kiểu Chiến Tranh Lạnh mới tại Đông-Bắc Á Châu, và bán đảo Triều Tiên một lần nữa đứng trước hiểm họa trở thành chiến trường cho các siêu cường quốc”.

Nam Hàn cũng chưa muốn việc này vì lo ngại Trung Quốc sẽ phản đối. Mặc dầu Hoa Kỳ , Nhật Bản và  Nam Hàn là những đồng minh bền chặt nhưng đôi khi vẫn có những bất đồng quan điểm trước sự khiêu khích liên tục của Bắc Hàn và tình hình hiện đại hóa nhanh chóng của quân lực Trung Quốc. Theo lập luận của viện nghiên cứu chiến lược Carnegie Endowment for International Peace, mặc dầu không thể loại trừ khả năng  “chiến tranh nóng” sẽ xảy ra ở Á Châu, nhưng ít nhất trong vòng ¼ thế kỷ tới tình thế sẽ tiếp tục như nguyên trạng, nghĩa là một sự hiện hữu của hợp tác kinh tế với gia tăng quân sự và đối đầu.
Máy bay chiến đấu F-35 Lightning II là chương trình vũ khí còn đang phát triển với dự án sản xuất gần 2,500 chiếc trong ¼ thế kỷ cho đến năm 2037, bao gồm cả máy bay dùng trong quân lực Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Chương trình quy mô tốn kém  nhiều chục tỷ dollars trong giai đoạn nghiên cứu phát triển và đã trải qua nhiều sửa đổi, cải tiến kỹ thuật, cuối cùng có thể sẽ không được thực hiện đầy đủ như dự định vì còn tùy thộc vấn đề ngân sách do quốc hội chấp thuận.

Cho đến nay mới có 115 chiếc đã được đưa vào hoạt động trong không quân, hải quân, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. F-35 là máy bay đắt tiền nhất từ xưa đến nay, trị giá mỗi chiếc trên dưới $100 triệu khi đi vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Thuộc thế hệ thứ 5 của các máy bay chiến đấu, F-35 có khả năng “tàng hình”  trang bị các phương tiện điện tử và hệ thống vũ khí tối tân nhất không từng có ở bất kỳ loại máy bay nào trên thế giới từ trước đến nay.
Theo truyền thông Nga gần đây thì F-35 khó chống lại hỏa tiễn S-400 có hệ thống điện tử tránh được các phương pháp gây nhiễu sóng và bay với vận tốc 17,000 km/giờ khi bắn hạ một máy bay ở xa 400 km. Cuối tháng 11 năm ngoái, lần đầu tiên Tổng Thống Putin chấp thuận bán cho Trung Quốc 6 tiểu đoàn S-400, mỗi tiểu đoàn có 8 ống phóng đặt trên xe di động  cùng với một trung tâm điều khiển, giàn radar và 16 hỏa tiễn thay thế.

Lần đầu tiên bộ trưởng Carter nói đến việc triển khai một số đơn vị chiến tranh mạng (cyber warfare units). Bộ Tư Lệnh chiến tranh mang, United States Cyber Command (USCYBERCOM) là một phân bộ của Bộ Tư Lệnh Chiến Lược Hoa Kỳ (STRATCOM), được thành lập năm 2009, đặt căn cứ ở Fort Meade, Maryland.

Đây là một ngành ít được công chúng biết đến. Trước đây vào năm 2010 người ta nghe nói về “con bọ điện toán” Stuxnet, có lẽ đã được hỗn hợp phát triển với tình báo Israel. Stuxnet hoạt động bằng cách xâm nhập các hệ thống máy điện toán sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows. Con bọ này đã do thám, thu thập thông tin và phá hoại khoảng 1/5 máy ly tâm của Iran dùng cho chương trình phát triển nguyên tử.

USCYBERCOM có  chi bộ thuộc 4 quân binh chủng Mỹ: Lục Quân, Không Quân, Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến. Hình thành bằng sự tập trung phối hợp hoạt động của nhiều cơ quan phụ trách những công tác khác nhau, trong đó hầu hết liên quan đến tình báo,  nhiệm vụ của USCYBERCOM gồm hai phần chính là phòng thủ và tấn công. Cho đến nay chưa có căn bản pháp lý và quy định quốc tế chính thức được thỏa thuận hay công nhận về quyền hạn hành động trong lãnh vực này.

Tướng Keih Alexander, cựu giám đốc NSA (National Security Agency), và tư lệnh USCYBERCOM đầu tiên,  điều trần trước tiểu ban quân lực Hạ Viện tháng 5 năm 2010, trình bày quan điểm: “Theo tôi, phương cách duy nhất để chống hoạt động tội phạm và do thám trên mạng là chủ dộng ra tay trước. Hoa Kỳ có một đường lối chính thức tiếp cận  tình trạng này thì đó là điều tốt. Trung Quốc được coi là xuất xứ của nhiều cuộc tấn công vào hạ tầng cơ sở Tây Phương và gần đây vào lưới điện lực Hoa Kỷ. Nếu xác định rằng đó là hảnh động có tổ chức, tôi muốn chúng ta phải đánh thẳng vào tận gốc các tấn công ấy”.

Cũng theo lời tướng Alexander: “Hoa Kỳ phải nhanh chóng và mạnh mẽ đánh trả các cuộc tấn công trên mạng và nên hành động chống lại hoặc làm vô hiệu lực sự đe dọa ngay cả khi chưa biết rõ lý lịch của kẻ tấn công”.  Tuy nhiên ông xác định: “USCYBERCOM không phải là nỗ lực quân sự hóa không gian ảo (cyber space). Cơ quan này cần dung hòa giữa sự bảo vệ tài nguyên quân sự với sự riêng tư của cá nhân”.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng theo cách của Mỹ tổ chức những cơ quan tương tự. Anh Quốc đã chuẩn bị  một lực lượng quân sự trên mạng. Tháng 12 năm 2009 Nam Hàn loan báo thành lập bộ tư lênh chiến tranh trên mạng để đối phó với Bắc Hàn cũng đã có đơn vị đó. Năm 2010, Trung Quốc thành lập một bộ phụ trách phòng thủ chiến tranh trên mạng và bảo vệ an ninh thông tin.

Nếu chiến tranh nóng ở châu Á chưa xảy ra trong tương lai gần, thì sắp tới đây những va chạm hay xung đột ở tầm cỡ nhỏ giữa các quốc gia sẽ không phải là ít trên mạng, những có thể vì trên không gian ảo  nên công chúng khó thấy hết. 

Cũng nên biết là các nhiều nhóm khủng bố cũng có khả năng chiến tranh trên mạng.







No comments:

Post a Comment

View My Stats