Wednesday 1 April 2015

Cờ nào cho Việt Nam ? (Hương Cau - TiengNoiLuongTri)





Posted by TiengNoiLuongTri on Thursday, March 26, 2015

Vài cảm nghĩ sau khi đọc bài : “Hãy để cho Việt Nam Cộng Hòa lùi vào dĩ vãng một cách tự nhiên”.

Cho đến thời điểm này, Việt nam đã có lực lượng nào có lá cờ đối kháng với lá cờ đỏ sao vàng, tượng trưng cho đám người buôn dân bán nước chưa ? Hay chỉ nghe kêu gọi cách mạng Hoa Mai, cách mạng Hoa Sen, với hình vẽ những cánh hoa mai và hoa sen …. Lá cờ chưa có, thế nhưng bên cạnh đó có một lá cờ mà bao nhiêu năm nay, đại diện cho hồn nước của dân miền Nam, nó không phải có từ thời Việt nam Cộng hòa mà nó ra đời từ thời đất nước Việt còn chế độ vua chúa.

Việt nam cộng hoà mất, chế độ mất nhưng hồn nước không mất. Không ai tắm hai lần trên một giòng sông, cũng vậy, bánh xe lịch sử không quay lui, nó cứ đều đều lăn bước tiến tới, để lại sau lưng những giòng lịch sử vui, buồn, đau thương, ngạo nghễ kiêu hùng và Việt nam cộng hoà cũng đã bước vào trang sử của dân tộc.

Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, … lịch sử Việt nam đã chứng kiến biết bao thăng trầm. Rồi đến thời cận kim, ly loạn loạn ly không dứt. 30-04-75, rất nhiều người dân Việt reo mừng vì từ nay đất nước thanh bình, nhưng nó có thật sự thanh bình không ?

Chế độ này xuống, nhường chỗ cho chế độ khác, chỉ cầu cho chế độ tiếp nối ít tàn bạo, bóc lột hơn chế độ trước là người dân đã mừng lắm rồi, còn mong chi hơn ! Như bà già cầu cho bạo chúa sống lâu, chỉ cầu có vậy.

Bình đổi nhưng rượu vẫn thế, có khi còn nồng hơn, làm cho lưỡi tê dại vì cay đắng, nước mắt và máu tuôn nhiều hơn. Tôi muốn nói đến chế độ Việt nam Cộng sản thay thế chế độ Việt nam Cộng hoà, tưởng chừng như đổi mới xã hội, nhưng chỉ vài ngày sau 30-04-75, toàn dân miền Nam sáng mắt : “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”.

Từ đó, từng đoàn người mò mẫm trong đêm tối, xô thuyền vượt biển, mong tìm một bến bờ tự do hạnh phúc hơn đất nước triền miên đau thương của họ. Thoát được thì con nuôi má, chìm xuống biển thì con nuôi cá, bị bắt thì má nuôi con. Đó, sự quyết tâm của người dân Việt là như thế sau ngày 30-04.

Bất kể anh ra đi vì không chấp nhận chế độ Cộng sản hay anh ra đi vì lý do kinh tế, nguyên nhân vẫn là vì không sống nổi trong chế độ tàn bạo, tham tàn và ngu dốt đó.

Trong đêm tối mò mẫm, với một gói nhỏ trong tay hay không mang gì theo, họ đã quyết tâm ra đi, hai bàn tay trắng, để lại sau lưng, cha mẹ, vợ, chồng, hoặc con cái, bạn bè thân thiết cùng căn nhà thân yêu, góc đường, con phố, cành cây ngọn cỏ mà bao năm qua họ từng chung sống, dấn bước trong một tương lai mịt mờ. Vì sao họ phải bỏ tất cả để ra đi như thế ? Vì nơi gọi là quê hương đã không còn đất sống cho họ nữa.

Họ có mang theo một thứ gì với họ không ? Có. Trong trái tim họ, thấp thoáng  tung bay một lá cờ : Cờ vàng 3 sọc đỏ. Lá cờ đỏ sao vàng tràn ngập quê hương, nó mang tới cơ cực, xếp hàng cả ngày, nó mang tới tù cải tạo, nó mang tới kinh tế mới, xúc nhà, lấy đất, từng đợt đổi tiền làm nghèo người dân, đối nghịch với nó, chỉ còn duy nhất lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay trong trái tim của người dân bị cướp bóc. Lá cờ này sau 30-04, không còn là lá cờ của chế độ nữa mà là lá cờ tượng trưng cho sự no cơm ấm áo, tượng trưng cho sự tự do, dân chủ dù còn non trẻ của miền Nam. Lá cờ ấy nay không còn tung bay trên bầu trời miền Nam tự do, nó đã được giấu kín trong trái tim của từng người dân.

Nhớ có một ngày, sau 30-04-75, mở radio, nghe rộn rã bài quốc ca “Này công dân ơi …”, mọi người tuá ra đường, nước mắt rưng rưng, nhìn nhau hy vọng : đoàn quân trở về đem lại tự do, thanh bình cho đất nước. Sau mới biết đó là một chút sai lầm nhỏ của người giữ đài phát thanh ngày đó, và người này nghe nói sau đó đã bị trừng trị. Đó, dưới chế độ tham tàn, người dân không dám phản kháng, chỉ còn biết chôn giấu.

Sự chôn giấu đó thể hiện qua những túi thức ăn âu yếm liệng vào đoàn xe đưa những đứa con ưu tú của đất nước bị đày vào rừng sâu núi thẳm. Sự chôn giấu đó được gói trong những tấm áo, trong giày, trong nón để lén lút đưa về cho thân nhân những người tù tội (tội gì không biết !!!???)từng phong thư nhàu nát với tiếng kêu cứu nát lòng, khiến thân nhân của những người tù khốn khổ kịp thời đem đến cho con em mình những viên thuốc quý giá, cứu sống được biết bao nhiêu người trong tù đày, đói rách. Tình người, tình nước, tất cả đều được ấm áp thể hiện lén lút.

Tất cả đều phải chôn giấu dưới sự áp bức của súng đạn.

Vâng, miền Nam thua trận, không ai phủ nhận điều này. Nhưng những con dân có chịu sống nhục không ? Không, họ chỉ nhẫn nhục mà thôi. Hàng triệu người chết trên biển đã chứng minh điều này. Những người còn sống sót, tìm được đến bến bờ tự do, những điều họ bị mất trên chính quê hương họ, nay được dựng lại trên quê hương mới. Họ có được tự do, no ấm, và họ mở rộng lá cờ mà bao nhiêu ngày tháng đã được trịnh trọng xếp cất trong trái tim họ, 3 sọc đỏ nay trở thành biểu tượng của tự do-dân chủ-nhân quyền, và họ hân hoan cất cao bài quốc ca hùng tráng mà bao năm qua họ chỉ có thể ca thầm.

Có tội hay sao khi họ gìn giữ những điều họ chôn giấu qua bao gian nan thống khổ ?

Bây giờ họ đã định cư trên một đất nước khác, nơi đã cho họ những thứ mà họ đã bị cướp mất trên quê hương họ. Họ còn mong ước gì ? Có. Họ nhìn về quê cũ, mong ước những đồng bào của họ cũng có được những điều kiện sống tối thiểu như họ.

Và hiện nay đồng bào của họ bên kia đại dương như thế nào ? Cộng sản Việt nam đã làm điều gì để canh tân đất nước, để người dân trong thì cơm no áo ấm, ngoài thì có thể được ngẩng cao đầu cùng thế giới ? Hay là đất thì bán dần, hết ải Nam quan rồi đến Hoàng sa, Trường sa, thác Bản giốc, Cao bằng, Lạng sơn, không nơi nào không mất đất, ngay cả mái nhà Tây Nguyên trong nội địa xa tít cũng không thoát khỏi.

Đâu phải họ chỉ phạm tội bán đất, bán nước, mà còn bán người, hủy hoại văn hoá, mỹ tục từ bao đời vun đắp, mặc cho người dân gào thét, gióng chuông cảnh tỉnh. Họ còn vơ vét tài nguyên, tiền bạc của đất nước, người dân, để ăn chơi trụy lạc, để tẩu tán ra nước ngoài. Tương lai mất toàn đất nước không xa lắm nếu đám người này tiếp tục cai trị đất nước.

Vì vậy, những người ra đi, tưởng như đã rủ bỏ hết tất cả, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc trên quê hương mới, vẫn phải tiếp tục khắc khoải, tiếp tục lo âu, tiếp tục mơ ước làm những điều họ chưa làm xong. Vâng, sứ mạng của họ chưa xong. Muốn tiếp tục làm những việc chưa xong này, họ dựa vào đâu ? Sức mạnh tinh thần nào có thể vực họ đứng dậy, đưa họ đến với nhau, đẩy họ tiếp buớc ? Thưa, đó chính là lá quốc kỳ của họ được tung bay phất phới khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ trên đất mẹ của họ. Họ tìm đến được với nhau, cùng vui buồn với nhau khi nhìn lá cờ rực rỡ tung bay trên bầu trời tự do, cùng nhau hát vang bài quốc ca hào hùng, mong có ngày quê hương họ, người dân thật sự no cơm ấm áo, thanh bình hạnh phúc. Họ cùng nắm tay nhau vượt qua gian nan nguy khó, hẹn ngày dựng lại quê hương điêu tàn đổ nát, ngày quê hương không còn cúi đầu tủi nhục mà ngẩng cao đầu sánh vai cùng năm châu thế giới.

Cho đến bây giờ, lá cờ đỏ vẫn còn ngự trị, ngoài lá cờ vàng ra, đã có lá cờ nào tung ra để đối kháng chưa ? Vậy tại sao lại chà đạp lá cờ vàng, lá cờ duy nhất hiện nay đang tung bay khắp nơi, đối kháng với lá cờ đỏ.

Hỡi các lực lượng yêu nước Việt nam, trong giai đoạn này cứ tung những ngọn cờ ra đi, hoa sen cũng được, hoa mai cũng xong, cứ tung ra phất phới để nói với người dân trong nước cũng như toàn thế giới rằng, có chúng tôi đây, hoa sen, hoa mai…, ngay cả cờ vàng, cùng nhau nắm tay đứng dậy, giành lấy cơm no áo ấm cho dân Việt, giành lại những giải đất đã bị bán đi, giành lấy tự do, phẩm giá cho người dân, cho người già có nơi nương thân, cho những người lao động, phụ nữ không còn bị bán thân nơi quê người, cho trẻ em được cắp sách tới trường, cho lời ca tiếng hát nụ cười vang lên trên đồng xanh, hẻm cụt, ngày ấy sứ mạng của lá cờ vàng và người cờ vàng sẽ chấm dứt, lá cờ ngày đó sẽ được trịnh trọng xếp lại, vào nằm chung với những vui buồn của trang sử Việt.

Và ngày ấy, toàn dân Việt nam sẽ cùng nhau chọn lựa lá cờ và bài quốc ca cho đất nước họ. Hy vọng ngày ấy không xa.

 Hương Cau








No comments:

Post a Comment

View My Stats