Sunday 15 March 2015

Xung quanh chuyện dùng email của bà Hillary Clinton ("Hà Tường Cát / Người Việt)





Hà Tường Cát / Người Việt
Friday, March 13, 2015 5:27:09 PM

Ba điểm nên chú ý trong chuyện này: Thứ nhất, căn nguyên của vấn đề chỉ là nhằm gây khó dễ trong cuộc đối đầu chính trị. Thứ hai, không thể đi đến một kết luận dứt khoát về bất cứ nghi vấn nào. Thứ ba, mọi chuyện sẽ tiếp tục kéo dài và ồn ào từng lúc trong mùa bầu cử năm 2016.

Bà Hillary Rodham Clinton trong buổi họp báo nói về việc dùng emails, sau bài nói chuyện về vấn đề nữ quyền tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Ba 10 tháng Ba. (Hình: Yana Paskova/Getty Images)

Mọi việc khởi đầu từ vụ lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi bị tấn công tháng 9 năm 2012 làm thiệt mạng đại sứ Chris Stevens và ba người Mỹ khác. Đảng Cộng Hòa khai thác sự kiện này để mạnh mẽ công kích chính quyền Obama. Cùng với nhiều giới chức khác, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton trước đây cũng đã phải ra điều trần trước Quốc Hội, nhưng qua hơn một năm, ủy ban điều tra chưa tìm thấy được thêm chứng cớ gì cụ thể để có thể đi đến kết luận.

Bỗng nhiên, sự phát hiện Ngoại Trưởng Clinton đã chỉ sử dụng tài khoản email cá nhân, không dùng tài khoản chính thức của Bộ Ngoại Giao, giống như tiếp thêm sức cho bộ máy điều tra sắp hết nhiên liệu. Dân Biểu Trey Gowdy, Cộng Hòa-South Carolina, chủ tịch ủy ban điều tra vụ Benghazi, ngay lập tức đưa ra trát đòi giao nạp tất cả các emails của bà Clinton và có thể sẽ yêu cầu bà phải nạp máy chủ (server) của tài khoản email cá nhân.

Việc dùng tài khoản email cá nhân của bà Clinton không phạm luật nhưng trái với yêu cầu của tòa Bạch Ốc rằng giới chức hành pháp chỉ nên sử dụng tài khoản chính thức của cơ quan mình. Sự kiện này dấy lên dư luận hoài nghi là có một điều bí ẩn nào đó trong 4 năm bà làm ngoại trưởng. Sau mấy ngày im lặng không chịu giải thích chi tiết gì, chỉ đưa một lời nhắn lên mạng xã hội là bà đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao công bố tất cả emails cho công chúng biết, cuối cùng bà nhận thấy cần phải nói rõ hơn.

Bà Clinton lên tiếng lần đầu tiên hôm Thứ Ba qua buổi họp báo chớp nhoáng 21 phút, sau khi đọc một bài diễn từ về vấn đề nữ quyền tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Bà cho biết trong thời gian ở Bộ Ngoại Giao bà đã trao đổi khoảng 60,000 emails, phân nửa liên quan đến công vụ. Bà khẳng định không có thông tin mật nào trong đó, và hệ thống emails cá nhân của bà  được sở đặc vụ (secret service) bảo vệ,  an toàn không bị xâm nhập an ninh.

Theo bà, những người tiền nhiệm, như cựu Ngoại Trưởng Colin Powell, cũng tùng dùng cả emails chính quyền và cá nhân. Tuy nhiên bà nhìn nhận có sai lầm khi không tuân hành đúng đề nghị của tòa Bạch Ốc là nên dùng hệ thống email chính phủ khi làm việc. Bà Clinton giải thích thêm rằng chỉ dùng một tài khoản email cá nhân là vì lý do thuận tiện, dùng cùng lúc hai hệ thống khác nhau là chuyện phiền toái.

Nhưng vì emails gởi đi và nhận về qua máy chủ thiết lập tại nhà riêng từ thời Tổng Thống Clinton, không thể nào kiểm tra được những lời này. Bà cũng xác định rằng như mọi người, ai cũng có những vấn đề riêng tư và có một số emails đã được xóa bỏ, do đó bà từ chối lời yêu cầu của những người Cộng Hòa đề nghị nạp máy chủ ấy cho một cuộc điều tra độc lập.

Người ta có thể hiểu rằng trong chuyện này bà Clinton có sự cố ý chứ không phải vô tình, bà không muốn tất cả những mối quan hệ đều được lưu giữ lại để rất có thể tới một lúc nào đó bị rắc rối vì những chuyện bất ngờ không dự đoán được trước. Bộ Ngoại Giao là cơ quan duy nhất sử dụng thuật ngữ “nhạy cảm nhưng không bảo mật” (sensitive but unclassified) trong khi các cơ quan khác là “for official use only.” Người ta không thể rõ trong những emails gởi đi từ tài khoản cá nhân, bà Clinton phân định giới hạn này như thế nào.

Dù bà chính thức yêu cầu Bộ Ngoại Giao phổ biến tất cả emails, nhưng việc này không giải tỏa được những thắc mắc và hoài nghi. Vả lại ngoài những emails công vụ, những emails được coi là riêng tư mà bà Clinton coi là vấn đề cá nhân sẽ không được biết tới. Như vậy làm thế nào để  tất cả mọi điều bí ẩn đều có thể sáng tỏ?

Tiểu ban của Dân Biểu Gowdy nói rằng trong cuộc điều tra vụ Benghazi không nhận được những emails từ ngày 18 tháng 10, 2011, ngày bà Clinton đến Tripoli sau khi nhà độc tài Gadhafi bị giết và trong thời gian bà thăm Libya, 11 tháng trước vụ Benghazi. Theo lời Dân Biểu Gowdy, khó tin là không có tài liệu nào trong chuyến thăm đó để không gởi cho tiểu bang điều tra. Ông nói: “Ngoại Trưởng Clinton không thể quyết định cái gì là hồ sơ công vụ và cái gì không.”

Ông Gowdy và những người Cộng Hòa cho rằng tìm hiểu về chuyến đi năm 2011 và những chính sách được quyết định trong đó, góp phần vào việc nghiên cứu vụ tấn công ở Benghazi, đồng thời là khả năng đối phó khủng bố của Hoa Kỳ. Ông phủ nhận lập luận của những người Dân Chủ tố giác ủy ban điều tra Benghazi muốn tập trung vào bà Clinton để làm chậm bước hoặc lệch hướng việc ứng cử Tổng Thống của bà.

Như thế việc bà Clinton chỉ dùng emails cá nhân có thể không là vấn đề gì, mà cũng có thể là hàm chứa rất nhiều điều quan trọng. Từng thời gian sẽ lại nẩy sinh những thắc mắc và nghi vấn mà lời giải thích của bà có thể được tin tưởng hay không tin tưởng, mối hoài nghi sẽ không bao giờ chấm dứt. Đó chính là chiến lược của những người Cộng Hòa nhắm tới trong cuộc tranh cử Tổng Thống năm 2016.

Cùng với chiến thuật gây rối bằng cách đưa ra hết chuyện này tới chuyện khác, một cái đích cuối cùng mà người Cộng Hòa muốn đi đến là chứng tỏ với quần chúng cử tri rằng bà Hillary Clinton là một con người xảo trá không thể tin cậy. Ông chồng của bà, cựu Tổng Thống Bill Clinton, cũng đã bị Hạ Viện Cộng Hòa khai thác vụ nói dối về cô Monica Lewinsky và đưa ra đàn hặc. Ông thoát tội qua cuộc xét xử ở Thượng Viện nhưng không thể tái tạo lòng tin của mọi người.

Hầu hết các quan sát viên cho rằng nếu bà Hillary Clinton ứng cử Tổng Thống, vụ emails sẽ không thể khiến những người ủng hộ bà quay lại chống bà. Nhưng đây sẽ là một trong những đề tài mà đối thủ  Cộng Hòa tiếp tục khai thác nhiều lần và với nhiều phương cách khác nhau trong mùa tranh cử. Tuy nhiên, hãy còn quá sớm để có thể bàn về ảnh hưởng của một chuyện này,  vì sẽ có những vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng hơn ở thời điểm quyết định của cuộc bầu cử năm 2016.

Chuyện ồn ào về emails của bà Hillary Clinton xảy ra hiện nay tác động thế nào với cuộc tổng tuyển cử 2016 hãy còn là một ẩn số, nhưng một thực tế bất ngờ là đưa bà nổi hẳn lên tin hàng đầu, điều mà bất cứ một chính trị gia nào cũng đều mong muốn, và đúng thời gian bà chuẩn bị chính thức công bố việc ứng cử vào đầu tháng tới. Trong đảng Dân Chủ, bà vẫn là ứng cử viên có ưu thế tuyệt đối và người ta không thấy một ai trong số có thể là đối thủ ở bầu cử sơ bộ lên tiếng tìm cách khai thác chuyện gây nhiều tranh luận.

---------------------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats