Tuesday 10 March 2015

Phụ nữ nông thôn trở thành công dân mạng như thế nào? (Hòa Ái - RFA)





Hòa Ái, phóng viên RFA
2015-03-09

Hiện ở VN ngày càng có nhiều người sử dụng internet và trở thành công dân mạng, trong đó không ít là những người dân ở vùng nông thôn. Hòa Ái trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Liên ở Long An để nghe chia sẻ vì sao bà trở thành 1 công dân mạng?

Đinh Nhật Uy (bên trái) chụp cùng mẹ, bà Nguyễn Thị Kim Liên trong ngày xử phúc thẩm em trai Đinh Nguyên Kha (Út Kha), 16.8.2013.  Courtesy photo (VRNs

Hòa Ái: Xin chào Bà Kim Liên. Thưa bà, là một người mẹ của 2 người con Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy bị buộc tội theo điều 88 và điều 258 Bộ luật hình sự VN, cảm nghĩ đầu tiên của bà khi nghe tuyên án là gì?
Bà Kim Liên: Tôi xin được trả lời rằng trước khi hai đứa con tôi bị tù Cộng sản thì tính cách của gia đình tôi đã mạnh mẽ như vậy rồi, tức là gia đình tôi không chịu được sự bất công, không chịu được sự chỉ đạo bắt nghe này nghe kia nên các con tôi cũng có tính cách như vậy. Vì thế,  khi nghe tin các con tôi bị bắt thì tôi hiểu điều các con làm là đúng với truyền thống gia đình, tôi cũng không có gì ngạc nhiên.

Hòa Ái: Trước khi 2 người con của bà bị vướng vào vòng lao lý do sử dụng internet để lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền chống Nhà nước như tòa đã tuyên, bà có biết gì đến internet hay không?
Bà Kim Liên: Trước khi cháu Kha bị bắt hồi cuối năm 2012, tôi có lên trang mạng xã hội theo dõi vì tính tôi rất hay muốn tìm hiểu xem có nhiều người có tính cách giống mình không, muốn nói là nói, không sợ ai hết. Nhưng lúc đó vì cơm áo gạo tiền, tôi và gia đình cũng phải lo đi làm nên không để ý đến những người bị bắt. Sau khi cháu Kha bị bắt, tôi mới sực tỉnh lại và tìm những bài báo trước về người bị bắt chỉ vì lên tiếng chống Trung cộng. Kể từ lúc đó tôi tâm niệm rằng mạng Internet như Facebook chính là vũ khí của mình để mình chống với nhà cầm quyền Cộng sản này.

Hòa Ái: Và sau khi 2 người con của gặp nạn như vậy thì cộng đồng công dân mạng có cái nhìn như thế nào đối với gia đình của bà?
Bà Kim Liên: Bà con trong nước và hải ngoại thương tình gia đình tôi, nói gia đình tôi bị nạn nhưng tôi thực tâm không nghĩ đó là bị nạn cô à. Sống dưới chế độ Cộng sản này thì những người dám nói lên chính kiến của mình thì sẽ bị ở tù. Năm vừa rồi, được qua Mỹ, tôi mới biết những cái tội của con tôi ở xứ tự do không có gì là tội cả. Thành ra tôi tâm niệm con tôi không phải bị nạn mà là bị nhà cầm quyền độc tài ghép vào tội đó để họ bảo vệ chế độ của họ.

Hòa Ái: Riêng bản thân bà khi hoàn cảnh đưa đẩy bà trở thành công dân mạng, bà kết nối với thế giới ra sao, thưa bà?
Bà Kim Liên: Tôi là một người dân bình thường thôi, trình độ học vấn của tôi chỉ chưa hết lớp 8 nhưng sau khi con mình bị nạn tôi bắt đầu để ý tới mạng xã hội Facebook này. Trong đó ,điều được trước nhất là tôi quen được rất nhiều người bạn, những người bạn rất tốt. Họ chỉ dẫn những cách thức để mình đi kêu cứu cho con mình ở nước ngoài. Tôi nhận rõ là mạng Facebook này rất mạnh mẽ, liên kết rất là nhiều người. Thông qua cái mạng xã hội, mạng Facebook này, tôi biết những nước tự do khác cũng không bắt tù tội những chính kiến mà như các con tôi đưa lên, chỉ có một thiểu số nước thôi, họ vẫn bám vào những điều đó để bảo vệ chế độ của họ. Tôi đã được đi Mỹ, đi tới tất cả các cơ quan để kêu cứu cho tù nhân lương tâm cũng nhờ mạng Facebook này.

Hòa Ái: Qua mạng xã hội, bà làm gì khi bà là người mẹ của 2 tù nhân lương tâm và là thành viên của cộng đồng cư dân mạng?
Bà Kim Liên: Thưa cô, tôi rất muốn làm cái cầu nối giữa những gia đình tù nhân lương tâm với nhau nhưng do vấn đề sức khỏe, tôi không thể đi thăm và động viên họ. Điều kiện của tôi chỉ có thể lên mạng tìm tòi những địa chỉ gia đình ở đâu, tên tù nhân gì để các bạn bè, các tổ chức nào muốn giúp đỡ, muốn phỏng vấn những cư dân vùng đó, tôi sẽ đưa địa chỉ số điện thoại…Điều kiện của tôi chỉ có thể giúp đỡ như vậy thôi cô à. Trong trại tù K3-Xuyên Mộc có 20 tù nhân, trong đó tôi biết rõ từng địa chỉ từng gia đình. Tôi mong muốn mọi người hãy quan tâm đến những gia đình tù nhân như vậy và có thể liên hệ với tôi, tôi có thể đưa những địa chỉ, chia sẻ thông tin những hoàn cảnh gia đình của những tù nhân này.

Hòa Ái: Và câu hỏi sau cùng, thưa bà, bà có sự sợ hãi nào khi bà là công dân mạng ở VN?
Bà Kim Liên: Điều đó tôi cũng nghĩ tới thưa cô. Nhưng mình không lên tiếng cho con mình thì ai lên tiếng đây? Phía sau lưng mình còn những gia đình tù nhân lương tâm khác. Tôi cũng ví tôi như viên gạch lót đường. Những chuyện gì mà tôi bị đối xử hay tôi đang đối đầu với trại giam, nói chung là đối đầu, bởi vì khi nào vô trại giam,họ cũng trù dập, họ cũng bắt hại gia đình tôi hết thì những chuyện mà tôi đối đầu với trại giam thì tôi đưa lên trên Facebook. Tôi không bao giờ sợ họ. Họ làm sai, họ phải sợ tôi. Họ vi phạm công ước Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nên họ phải sợ tôi. Thành ra đối với tôi, chuyện mà như cô nói rằng có sợ nguy hiểm hay gì không thì chuyện đó đối với tôi bây giờ là trở nên bình thường rồi cô à.

Hòa Ái: Xin được cảm ơn chia sẻ của bà Kim Liên. Qua Facebook, Hòa Ái thường xem được các tin tức cũng như những bức hình bà chia sẻ đi thăm nuôi anh Đinh Nguyên Kha cùng với những giọt nước mắt thương cảm của bà. Hy vọng rằng cộng đồng mạng sẽ sớm nhìn thấy được những giọt nước mắt sum vầy hạnh phúc của bà khi đón nhận ngày anh Kha trở về cùng gia đình.







No comments:

Post a Comment

View My Stats