Wednesday 11 March 2015

Lý do Philippines xuất khẩu người giúp việc (Stephen Sackur - BBC)





Stephen Sackur  -  BBC
9 tháng 3 2015

Philippines là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á - nhưng không có đủ công ăn việc làm cho tất cả mọi người. Vì vậy, mỗi năm chính phủ lại đào tạo hàng ngàn người dân các kỹ năng cần thiết để có được việc làm ở nước ngoài.

Tôi đến Trường đào tạo người giúp việc do nhà nước quản lý tại Manila khi họ đang tập thể dục buổi sáng.
Một đội quân những người làm việc dọn vệ sinh mặc đồng phục đang cầm chổi lông gà lông vịt quét dọn mọi ngóc ngách trong phòng khách.
Trong bếp, các đầu bếp tập sự đang chăm chú chuẩn bị món salad.
Trường này cho ta cảm giác như trong một bộ phim truyền hình nhiều tập, mỗi phòng đều được trang trí tỉ mỉ để tạo dựng thực tế của một cơ ngơi rộng lớn. Dưới cầu thang là một lớp học đầy những chiếc bàn học kiểu cũ. Ở đây, tôi được nói cho biết là những người học làm nghề giúp việc gia đình sẽ được dạy các bài học về vệ sinh, tính tôn trọng và tài chính cá nhân.

Chính phủ Philippines mở trường đào tạo hàng chục ngàn người giúp việc, tài xế, thợ cơ khí và người làm vườn mỗi năm, với mục đích rõ ràng là để đưa họ đi phục vụ lâu dài ở nước ngoài.
Đối với nhà nước Philippines thì như vậy cả hai bên cùng được lợi. Những người sống xa quê hương vì mục đích kinh tế - mà hiện có khoảng 10 triệu người - gửi ngoại tệ về nhà và đây là huyết mạch của nền kinh tế Philippines.
Và làn sóng di cư của lực lượng lao động rất đặc biệt này có tác dụng như một chiếc van an toàn tại một đất nước đang gặp khó khăn trong việc cung cấp công ăn việc làm trong nước cho số dân đang tăng hơn hai triệu mỗi năm.

"Chúng tôi rất tự hào về những gì chúng tôi đang làm," Maria, một trong những người giúp việc tập sự, nói với tôi.
"Chúng tôi là anh hùng dân tộc." Đó là một cụm từ được dùng lần đầu tiên trong một chiến dịch tuyên truyền của chính phủ, và khoảng 20 phụ nữ trẻ đang xúm quanh tôi - tất cả đều mặc đồng phục rất chỉnh tề và quá lịch sự - tất cả đều vô cùng mong muốn đó là sự thật.

"Bỏ lại gia đình của mình không phải là một việc dễ dàng," tôi gợi ý.
"Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác," Evelyn, một cô gái cao không quá 1.5m, đáp.
"Tôi có một con nhỏ ở nhà, nhưng chẳng có cách nào để nuôi cháu cả. Tiền thu nhập tôi kiếm được ở Kuwait cũng có nghĩa là mẹ tôi sẽ có thể nuôi dưỡng cháu."
Nhiều người khác trong số các học viên gật đầu đồng tình – có vẻ như hầu hết những người này đang phải đối mặt với viễn cảnh chia ly với con cái họ trong ít nhất ba năm, và có thể lâu hơn. Thực tế của họ sẽ là việc phục vụ kéo dài tại một nền văn hóa xa lạ.
Không khí trong trường đào tạo thật ảm đạm. Một nửa số phụ nữ trẻ đứng trước mặt tôi đang thút thít khóc.

Cùng với số tiền người lao động ở nước ngoài, thì còn có một hiện tượng mới đang giúp duy trì sự tồn tại của nền kinh tế Philippines. Nó được biết đến với cái tên BPO (Business Process Outsourcing) - bạn có thể gọi nó là sự nổi lên của nền kinh tế dựa vào các trung tâm trả lời điện thoại.
Ngày càng có nhiều công ty phương Tây chuyển các hoạt động văn phòng chi phí thấp của họ về Philippines.

"Chúng tôi đã vượt qua Ấn Độ," Dyne Tubbs, người quản lý các trung tâm trả lời điện thoại của Transcom, tự hào nói khi chúng tôi đi thăm đội quân các nhân viên trả lời điện thoại người Philippines của cô xử lý các cuộc gọi thay mặt cho một công ty chuyển phát bưu kiện của Anh. Nửa đêm ở Manila, tức 4 giờ chiều giờ London, và các cú điện thoại liên tiếp như thế cho tới lúc bình minh.
"Các công ty Anh thích chúng tôi bởi vì tiếng Anh của chúng tôi không bị pha giọng địa phương. Các sinh viên sáng láng tốt nghiệp từ các trường đại học của chúng tôi phải cạnh tranh với nhau để được làm việc ở đây. Chúng tôi chỉ nhận những thanh niên thông minh nhất. Và sau khi chúng tôi hoàn thành việc đào tạo họ thì thậm chí họ còn biết cách đùa mỉa mai kiểu Anh nữa," Tubbs nói.

Một phần ba dân số Philippiné là dưới 15 tuổi. Đất nước này có thể đã tìm được một khu vực độc đáo trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hiện tại, mặc dù khá ấn tượng, sẽ không duy trì được cho số dân được dự đoán là sẽ tăng gấp đôi, từ 100 lên 200 triệu người trong vòng 30 năm tới.
Đó là lý do tại sao Jane Judilla có thể đang nắm giữ chiếc chìa khóa cho nền kinh tế Philippines trong tương lai.

Jane không phải là một doanh nhân hay một chính trị gia, cô là nhân viên về sức khỏe sinh sản, người dành thời gian trong ngày của mình tới một số khu ổ chuột tồi tàn nhất Manila.
Nhờ một điều luật được chính phủ thông qua hồi năm ngoái, nay cô được phép đem tới cho những người Philippines nghèo khó nhất nào muốn nhận miễn phí bao cao su, thuốc ngừa thai, và thậm chí cả dịch vụ triệt sản.
Giáo Hội Công Giáo, mà 90% người Philippines là tín đồ trung thành, đã kịch liệt phản đối sáng kiến này nhưng họ đã thất bại.

Judilla giới thiệu tôi với Sheralyn Gonzales, một phụ nữ khoảng 30 tuổi mặt búng ra sữa có 10 người con và lại đang có bầu. Tôi hỏi Gonzales liệu cô có thấy vui không.
"Tôi sẽ rất vui sau khi sinh em bé tôi có thể được triệt sản," cô nói. "Con lớn của tôi đã bỏ học, và chúng tôi gần như không đủ khả năng tài chính cho việc học hành của các cháu khác. Tôi nói với các con tôi là có hai con thôi, sau đó hãy sử dụng biện pháp tránh thai."
Nếu thế hệ con cái của Gonzales nghe theo lời khuyên của cô thì tương lai của đất nước họ sẽ có hứa hẹn. Nếu không, hàng chục triệu thanh niên Philippines có thể thấy chính mình bị giam cầm trong sự nghèo đói, và tiếp tục phụ thuộc vào lao động nước ngoài như là một biện pháp giải thoát.






No comments:

Post a Comment

View My Stats