Tuesday 3 March 2015

Bài diễn văn quan trọng nhất đời của Netanyahu (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 02/03/2015)

Ngày hôm nay -thứ Ba mùng Ba tháng Ba, 2015- Thủ Tướng Benjamin Netanyahu sẽ đọc bài diễn văn quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của ông; trước lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ ông sẽ tố cáo Tổng Thống Barack Obama tạo nguy cơ cho Do Thái, và cho nhân loại vì ký thỏa ước với Iran, một quốc gia Hồi Giáo có tham vọng nguyên tử.

Netanyahu trước Quốc Hội Hoa Kỳ năm 2011, trình bầy nguy cơ nguyên tử Iran.

Ký giả Batsheva Sobelman viết trên tờ LA Times là Netanyahu chỉ mượn diễn đàn Quốc Hội Mỹ để nói với cử tri Do Thái; 56% những người này trả lời cuộc thăm dò của đài truyền hình Do Thái Channel 10 ưu tư hàng đầu của họ là giá sinh hoạt và lưới an sinh xã hội; chỉ có 27% coi Iran là vấn đề quan trọng.

Truyền thông Hoa Kỳ nêu lên đặc điểm là ngày 17 tháng Ba -hai tuần sau ngày Netanyahu đọc "bài diễn văn quan trọng nhất đời ông," số phận chính trị của ông sẽ được định đoạt bằng một cuộc tuyển cử tại Do Thái; nếu thắng ông sẽ là vị thủ tướng bốn nhiệm kỳ, nếu thua, ông mất job.

Chủ tịch Hạ Viện -Dân Biểu John Boehner- người mời ông sang Mỹ đọc diễn văn, ca tụng ông là một chính trị gia có tầm nhìn chiến lược; thế nhưng những chính khách Dân Chủ Hoa Kỳ và nhiều người Mỹ không trực tiếp liên quan với chính trị, chê ông là lải nhải suốt 20 năm về cái nguy cơ nguyên tử của Iran, mà vẫn còn đang tiếp tục nhai đi, nhai lại đề tài này.

Yếu tố mới là ông sẽ tiết lộ nhiều bí mật mà Hoa Kỳ cho Do Thái biết về chi tiết đàm phán với Iran, các chính khách Do Thái nói ông kình chống vô ích và bất lợi với Tổng Thống Obama. Tướng Do Thái hồi hưu Amiram Levine nói với truyền thông Do Thái, "Tôi bảo Bibi (hỗn danh của Netanyahu) là cái địa bàn trên chiếc oanh tạc cơ ông ta đang lái không còn chỉ đúng hướng nữa; mục tiêu oanh tạc là Tehran mà anh ta lại lái đi Hoa Thịnh Đốn."

Nhưng chống Obama và chống thỏa ước Mỹ-Iran là 2 điểm giúp Netanyahu kiếm được rất nhiều phiếu, vì cử tri Do Thái khó mặn mòi với lập trường "Hoa Kỳ không chống Hồi Giáo mà chỉ chống IS" của Obama.

Họ thích lập trường "nước nào không theo ta là chống ta" của tổng tư lệnh George W. Bush ngày xưa, đưa quân Mỹ sang đánh hai nước Hồi Giáo Iraq và A Phú Hãn, tạo thư dãn cho Do Thái. Ngoại Trưởng John Kerry nhắc lại chuyện 12 năm trước, chính Netanyahu là người cổ võ mạnh việc Tổng Thống Bush xua quân tấn công Iraq.

Ngày thứ Ba 3/3, trong lúc ông Netanyahu đứng trước các nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ để chỉ trích tổng thống Hoa Kỳ là điên dại, đi thương thuyết với quân Iran ác quỷ, thì ông Kerry gặp Ngoại Trưởng Iran tại Switzerland để giải quyết những chi tiết cuối cùng của thỏa ước Iran sẽ ký với Mỹ và sáu quốc gia tiền tiến.

Yếu tố khiến Netanyahu không chấp nhận để Iran yên thân, là việc chính Iran cũng muốn tiêu diệt Do Thái. Các viên chức Do Thái nói trước khi đáp xuống Hoa Thịnh Đốn hôm Chủ Nhật, ông Netanyahu vẫn tự tay sửa chữa bài diễn văn ông sắp đọc; cơ quan báo chí Do Thái còn phân phối cho truyền thông Hoa Kỳ những tấm ảnh ông Netanyahu cặm cụi ngồi viết diễn văn trên máy bay.

Hai nguyên nhân khiến Netanyahu tự soạn thảo bài diễn văn quan trọng nhất đời ông là ông tin tưởng ông biết rõ về tình trạng nguyên tử của Iran hơn nhiều người khác, và hiểu đến từng chi tiết nhỏ của chính tình Hoa Kỳ và tâm tư người Mỹ.

Ông từng là sinh viên tại MIT (Massachusetts Institute of Technology), và từng sống tại Nữu Ước khi ông là đại sứ Do Thái tại Liên Hiệp Quốc; ông nói tiếng Anh lưu loát; năm 2009, khi ông thuyết trình trước Quốc Hội Mỹ lần thứ nhì, ông đã được cử tọa đứng lên, vỗ tay 29 lần. Nhưng lần này, nhiều người lo là ông sẽ thất bại.

Trong cuộc họp báo hôm 25 tháng Hai, chủ tịch Hạ Viện Boehner tuyên bố, "Dân tộc Mỹ và lưỡng đảng Mỹ tại Quốc Hội lúc nào cũng sát cánh với Do Thái, không ai có thể làm thay đổi được."

Boehner ám chỉ việc bà Susan E. Rice -cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Barack Obama- nói trên truyền hình tối hôm trước -thứ Ba 2/24- là việc ông Netanyahu lên diễn đàn Quốc Hội Hoa Kỳ để chỉ trích việc chính phủ Hoa Kỳ ký thỏa ước nguyên tử với Iran là gây bất ổn cho Do Thái, và cho nhân loại.

Bà Rice nói ông Netanyahu tạo tổn thương cho tình giao hảo Mỹ-Do Thái, vì ông hạ thấp liên quan giữa hai nước xuống mức đảng phái -đang là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, tự tay ông đem Do Thái xuống làm đồng minh của đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ, chống lại tổng thống Dân Chủ Hoa Kỳ.

Chống chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ, ông đang hùa theo thái độ chống đối của đảng Cộng Hòa, để chống Tổng Thống Obama. Dư luận truyền thông cho là ông mưu tìm hậu thuẫn cho đảng Likud và cho chính bản thân ông, trong cuộc bầu cử quốc hội Do Thái ngày 17 tháng Ba sắp tới.

Lên diễn đàn Quốc Hội, ông chỉ trích chính sách Hoa Kỳ hòa hoãn với Iran; trong lúc vợ ông -bà Sara Netanyahu- tuyên bố, "Chồng tôi chẳng phải chỉ là vị anh hùng của dân tộc Do Thái, mà còn là vị anh hùng của nhân loại -những người chống lại những hành động khủng khiếp của IS, và chương trình nguyên tử lực của Iran."

Phản công truyền thông Do Thái chỉ trích việc ông Netanyahu sang Mỹ để chống tổng thống Mỹ hầu kiếm phiếu của cử tri Do Thái, bà Sara tố cáo tờ nhật báo Yedioth Ahronoth, chống chồng bà.

Bà Rice mời ông Yossi Cohen, người đối cấp với bà trong nội các Do Thái đến gặp bà, để nghe bà chính thức phản đối việc ông Netanyahu chen vào nội chính Hoa Kỳ, và để khẳng định là tổng thống Mỹ không muốn cử tri Do Thái tưởng việc ông Netanyahu diễn thuyết trước Quốc Hội Mỹ là biểu hiệu ông được Mỹ ủng hộ trong cuộc tuyển cử của Do Thái ngày 17/3. Mỹ chủ trương không chen vào nội tình Do Thái.

Bà Rice trình bầy với ông Cohen là giao tình giữa Hoa Kỳ và Do Thái là tình đồng minh giữa hai quốc gia; và việc ông Netanyahu nhận lời mời của dân biểu Cộng Hòa Boehner đến thuyết trình tại Quốc Hội Hoa Kỳ là việc làm mang tính đảng phái; việc làm thứ nhì, cũng mang tính đảng phái của ông Netanyahu là, ông từ chối không gặp hai chính khách Dân Chủ -Nghị Sĩ Richard J. Durbin tiểu bang Illinois, và Nghị Sĩ Dianne Feinstein tiểu bang California. Đáp lễ ông Netanyahu, tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ cũng không tiếp ông.

Netanyahu dự tính sẽ đốc thúc Quốc Hội Hoa Kỳ viết luật trừng phạt Iran -việc Quốc Hội đang làm, nhưng bị tổng thống hăm sẽ phủ quyết bất cứ đạo luật nào phá hoại cuộc thương thuyết giới hạn Iran nghiên cứu nguyên tử.

Sau bốn năm thôi không tử trận trên chiến trường Trung Đông nữa, đa số người Mỹ đang bắt đầu hiểu và đồng ý với chiến lược "không chạm gót xuống đất" của tổng tư lệnh Obama; họ cũng đồng ý với chính sách Obama không giết lính Mỹ để giải quyết những phức tạp Trung Đông. Người Mỹ và công dân sáu cường quốc khác ủng hộ việc chính phủ nước họ giải quyết vấn đề nguyên tử của Iran qua đường lối thương thuyết hòa bình.

Dư luận truyền thông Mỹ đang chất vấn Quốc Hội Cộng Hòa về việc họ mời một chính khách ngoại quốc -ông Netanyahu- đồng minh với họ để tấn công tổng thống Hoa Kỳ, và chủ trương thương thuyết với Iran, trong lúc, theo hiến pháp, địa hạt ngoại giao là quyền hạn của tổng thống

Cuộc thăm dò ý kiến của CNN công bố kết quả là 63% người Mỹ bất bình với việc ông Netanyahu lên diễn đàn Quốc Hội Mỹ chỉ trích tổng thống Mỹ và chính sách Trung Đông của ông ta.

Dư luận Do Thái cũng không ủng hộ việc làm của Netanyahu; trả lời một cuộc phỏng vấn trên mạng Ynet, ông Isaac Herzog, lãnh tụ đảng Zionist Union, chỉ trích Netanyahu là chỉ vì muốn kiếm thêm phiếu, mà đem chà đạp tình nghĩa đồng minh với Hoa Kỳ.

Bài diễn văn đọc ngày thứ Ba hôm nay không chỉ quyết định tình trạng Netanyahu ngồi lại ghế thủ tướng, hay về nhà tỉ mẩn vẽ chân mày cho bà Sara, vợ ông; mà bài diễn văn đó còn quyết định số phận của ông Boehner -ông này có thể mất ghế chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, nếu lời lẽ của Netanyahu có đôi chút quá đáng khiến dư luận chỉ trích đảng Cộng Hòa.

Người không bị ảnh hưởng là ông Obama, nhân vật mục tiêu cho ông Netanyahu chỉ trích; dù Netanyahu gầm, hay trời gầm, Obama vẫn cứ ngồi trong Bạch Cung, ngồi vững chãi trên mặt chiếc ghế còn đủ cả bốn chân, ít nhất cũng gần hai năm nữa.

Ông ngồi dựa vào quyển Hiến Pháp Hoa Kỳ. (nđt)




No comments:

Post a Comment

View My Stats