Tuesday 20 January 2015

VIỆT NAM THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC và VI PHẠM NHÂN QUYỀN 2014 - Phần 1 (VNTB)






Nhóm thực hiện:      Bs. Nguyễn Đan Quế, Lm. Phan Văn Lợi, HT. Thích Không Tánh,
                                    Ths. Phạm Bá Hải, Ls. Nguyễn Văn Đài, Ts. Phạm Chí Dũng.


*
Nội dung

Chương 1: LỜI DẪN NHẬP.

Chương 2: QUẤY NHIỄU.
1. Cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu.
2. Ngăn cấm ra khỏi nơi cư trú, không cho tạm trú, ngăn chặn gặp gỡ.
3. Tấn công bằng chất thải hôi thối, gạch đá.

Chương 3: HÀNH HUNG, BẮT BỚ, XÉT XỬ, TRA TẤN.
1. Hành hung, tấn công và xâm phạm thân thể.
2. Giam cầm chưa xét xử người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền
3. Xét xử không công minh trong phiên tòa.
4. Tra tấn, đánh đập phạm nhân, nghi can, người vi phạm..
5. Tuyên án oan và gây cái chết ám muội khi tạm giữ điều tra.
6. Trấn áp bách hại tù nhân lương tâm..

Chương 4: ĐÀN ÁP TÔN GIÁO ĐỘC LẬP.
1. Ngăn cấm thờ phượng, gặp gỡ.
2. Đánh đập tu sĩ, tín đồ.
3. Triệt hạ cơ sở tôn giáo.

Chương 5: SỐ LƯỢNG TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM HIỆN NAY.
Chương 6: KẾT LUẬN.

***PHỤ LỤC.

*********

Chương 1: LỜI DẪN NHẬP

Sáng ngày 12/11/2013, Đại hội đồng LHQ bầu ra 14 thành viên bổ sung cho Hội đồng Nhân quyền LHQ (HĐNQLHQ). Việt Nam nhận được 184 số phiếu thuận trong số 192 phiếu. Chiếm tỉ lệ số phiếu thuận cao nhất trong số 14 ứng cử viên. Báo chí nhà nước VN chạy hàng tít lớn nêu thành quả nhân quyền trong niềm tin tưởng của các nước trên thế giới.

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: “Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trong ba năm tới, với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của ta, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên LHQ.”

Tháng 6/2014, phái đoàn đại diện chính phủ VN công bố chấp nhận 182 khuyến nghị trong số 227 khuyến nghị của các nước. Trong số này đáng chú ý là các cam kết đảm bảo môi trường hoạt động cho các tổ chức XHDS phi chính phủ, những người bảo vệ nhân quyền, đưa luật biểu tình và luật về lập hội phù hợp với chuẩn mực quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Trọn một năm trôi qua, các tuyên bố và cam kết quốc tế của chính quyền VN đã trở nên hoàn toàn mâu thuẫn với hàng loạt vi phạm nhân quyền mà Hội CTNLT nghiên cứu trong báo cáo này.

Báo cáo (dài 47 trang A4, size chữ 10, font Arial) được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu bản chất (qualitative) và thông kế tổng quát (quantitative) các vụ việc vi phạm nhân quyền trong giai đoạn chín năm (2006-2014). Tập trung vào năm 2014, chúng tôi đã trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn qua mạng internet (email, skype), điện thoại trên 200 nạn nhân của các vụ vi phạm nhân quyền. Số lượng các vụ việc được thu thập rộng trên các phương tiện truyền thông quốc tế (RFA, BBC, VOA, RFI…), các trang tin độc lập (Bản tin DCCT, Defend the Defenders, Dân Luận, Dân Làm Báo…), các đài Đáp Lời Sông Núi, Chân Trời Mới, STBN và các trang tin của nhà nước (Tuổi Trẻ, Pháp Luật TpHCM, Thanh Niên, Người Lao Động…). Những báo cáo và thông cáo báo chí của các tổ chức nhân quyền quốc tế (Quan sát NQ - HRW, Phóng viên Không biên giới - RSF, Ân xá quốc tế - AI, Ủy ban bảo vệ ký giả - CPJ,…) cũng là nguồn cung cấp bổ sung thông tin.

Có ba biểu đồ thống kê để làm rõ xu hướng và tính chất của các vụ đàn áp nhân quyền. Các hình thức vi phạm (chương, mục) cũng được trình bày tương phản với các khuyến nghị của các nước trong Kiểm điểm định kỳ phổ quát 2014 mà chính quyền VN đã chấp thuận thực thi.

Biểu đồ TNLT 2006-2014 cho thấy hai vị trí cực tiểu vào năm 2009 và 2013 với số TNLT bị bắt là 14 và 11 người. Thời điểm này là thời điểm VN bước vào Kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR nên chính quyền đã giảm số bắt giam. Ngay khi UPR 2009 xong, họ gia tăng bắt bớ 23-46-47 trong các năm sau.
Năm 2003, VN là ứng cử viên duy nhất của Đông Nam Á vào Hội đồng Nhân quyền LHQ và được các nước ASEAN ủng hộ. Một lần nữa họ thay đổi chiến thuật bằng cách giảm số bị bắt xuống còn 11 người. Khi đã đắc cử vào Hội đồng nhân quyền 2014-2016, họ liền thẳng tay bắt 45 người bảo vệ nhân quyền và giới bất đồng chính kiến.


Trong Biểu đồ Điều luật áp dụng trong giai đoạn 2006-2014, Điều 88 “tuyền truyền chống nhà nước” áp dụng thường xuyên nhất với con số bắt là 68 người, mặc dù đã có giảm xuống trong 3 năm vừa qua. Điều 79 “lật đổ chính quyền” luôn thể hiện là công cụ chủ lực nhằm đè bẹp các lực lượng có thể trở thành đối lập với Đảng CS. Đáng chú ý là Điều 245 “gây rối trật tự công cộng” được áp dụng tăng đột biến từ 2 lên đến 18 nạn nhân trong năm 2014, trong đó có vụ án nhóm Bùi Hằng ở Lấp Vò, Đồng Tháp. Điều 257 “chống người thi hành công vụ” là cai ngục của các dân oan, có 13 người đã bị bắt theo điều luật này.

*********

Chương 2: QUẤY NHIỄU

Tại VN, những ai bước vào con đường bảo vệ nhân quyền trước hết thường bị lực lượng an ninh quấy nhiễu cuộc sống bằng nhiều cách vô luật pháp, có khi hung bạo và đê tiện.

Khuyến nghị 144. Thực thi hơn nữa các biện pháp nhằm thúc đẩy tự do ngôn luận và lập hội và tự do truyền thông phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế tiến bộ nhất (Italy);

1. Cấm xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu

Khuyến nghị 148. Cho phép các blogger, nhà báo và những người sử dụng internet và các NGO thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt bằng cách đảm bảo các luật về internet tuân thủ tự do ngôn luận và tự do thông tin (Hà Lan);

1.1    Blogger Paulo Thành Nguyễn bị cấm xuất cảnh ngày 15/1/2014. Nhận lời mời tham gia vận động Nhân Quyền cho Việt Nam tại Quốc hội và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, blogger Thành ra sân bay để đến Wasington DC nhưng anh bị ngăn cấm xuất cảnh với lý do “an ninh quốc gia”.

1.2    Tối ngày 01/02/2014 tại sân bay Tân Sơn Nhất, tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị giữ lại và tịch thu hộ chiếu khi đang làm thủ tục xuất cảnh đi tham dự hội thảo về nhân quyền tổ chức tại Genève, Thụy Sĩ với tư cách diễn giả theo lời mời của tổ chức UN Watch. UN Watch là một tổ chức phi chính phủ ở Thụy Sĩ có chức năng giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên Hiệp Quốc.

1.3    Phóng viên Anna Huyền Trang của truyền thông DCCT Sài Gòn đã bị chặn không cho xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 21:30 ngày 13/4/2014. Đến lúc 23:30, ba nam an ninh đã vào đánh, kẹp cổ phóng viên Huyền Trang, và lôi ra ngoài trước sự chứng kiến của rất đông dân chúng,và bạn hữu của phóng viên này.

1.4    Nguyễn Thanh Thủy, con trai TNLT Nguyễn Xuân Nghĩa bị cấm xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất lúc 10g đêm ngày 15/4/2014. An ninh sân bay đã thu giữ hộ chiếu của anh và yêu cầu anh quay trở về Hải Phòng để biết thêm chi tiết lý do cấm xuất cảnh, mặc dù anh Thủy đã được chấp nhận nhập cảnh định cư tại Hoa Kỳ.

1.5    Ngày 6/5/2014 lúc 23 giờ 30, hai công dân Lê Phúc Hiệp và Đinh Xuân Thi bị công an cửa khẩu Nội Bài cấm xuất cảnh khi hai người chuẩn bị lên chuyến bay qua Philippines với mục đích học tiếng Anh. Sau đó, an ninh mặc thường phục, không giới thiệu danh tánh đã thẩm vấn ông Hiệp và ông Thi gần 3 tiếng đồng hồ.

Ông Lê Phúc Hiệp tường thuật lại sự việc: “Lý do họ đưa ra trong biên bản thu giữ hộ chiếu là theo yêu cầu của Tổng cục VI – Bộ công an. Chuyến đi của tôi và anh Thi, bạn của tôi sang Manila – Philippines học tiếng Anh”.

1.6    Nhận lời mời của Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tham dự Hội thảo về Internet (Stockholm Internet Forum – SIF 2014). Blogger Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí) đã hoàn tất mọi thủ tục để đêm 24/05/2014 sẽ đáp chuyến bay đi Thụy Điển. Thế nhưng lúc 22h35′ công an cửa khẩu sân bay Nội Bài đã “dừng xuất cảnh” đối với anh Nguyễn Chí Tuyến với lý do: “vì an ninh theo đề nghị của cục A87 (Cục An ninh Thông tin, Truyền thông), Bộ công an”.
1.7    Hai sinh viên Nguyễn Văn Tráng và Phạm Đắc Đạt đã bị an ninh sân bay ngăn cấm xuất cảnh khi chuẩn bị lên máy bay sang Úc châu tham gia Đại hội Sinh viên Úc châu từ ngày 10-13/7/2014 tại Melbourne. Đại hội do Liên Đoàn Hiệp hội Sinh Viên Úc Châu và Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường đứng ra tổ chức. 

1.8    Sau khi hết hạn quản chế tháng 9/2014, anh Phạm Bá Hải có làm đơn xin cấp hộ chiếu để tiếp tục việc học tại Ấn Độ. Sau nhiều lần hẹn, Phòng quản lý Xuất nhập cảnh tpHCM thông báo miệng là trường hợp của anh Hải chưa được giải quyết. Đến ngày 9/7/2014 anh Hải nhận được hộ chiếu, nhưng ngay ngày hôm sau họ lại mời lên và thu lại hộ chiếu với lý do “chờ cấp trên giải quyết”.

Qua làm việc với an ninh thành phố, họ yêu cầu anh Phạm Bá Hải phải tuyên bố từ bỏ các hoạt động XHDS và nhân quyền thì mới cấp hộ chiếu và cho phép ra nước ngoài.

1.9     Anh Nguyễn Văn Viên, thành viên Nhóm NoU Hà Nội, bị công an và an ninh câu lưu suốt mười mấy tiếng đồng hồ sau khi anh có chuyến bay từ Thái Lan trở về Hà Nội vào ngày 28/8.

Đến khoảng 18 giờ 30 tối, họ tịch thu hộ chiếu và thả anh về bất chấp anh phản đối.

2. Ngăn cấm ra khỏi nơi cư trú, không cho tạm trú, ngăn chặn gặp gỡ


Chính quyền xâm phạm quyền gặp gỡ ôn hòa của các tổ chức XHDS độc lập hoặc các sự kiện bày tỏ ngôn luận tự do của mỗi các nhân nơi công cộng.

Khuyến nghị 149. Bảo vệ và đảm bảo việc tôn trọng tự do thông tin và ngôn luận, đặc biệt với nhà báo, blogger và những người bảo vệ nhân quyền, và tiến hành rà soát các quy định pháp luật điều chỉnh báo chí để đảm bảo sự tuân thủ của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế (Luxembourg);

2.1   CTNLT Nguyễn Bá Đăng ở huyện Nam Sách, Hải Dương bị công an bắt đi thẩm vấn trong hai ngày 13 và 14 tháng 3 vì ông có ý định tổ chức cuộc tưởng niệm 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Một lực lượng đông đảo 15-20 an ninh luân phiên tra vấn ông cả ngày và đêm về hơn chục bài viết mà ông đã đăng tải trên mạng internet.

2.2    Hai thành viên của Hội PNNQ Huỳnh Phương Ngọc và Nguyễn Ngọc Lụa đã bị câu lưu và thẩm vấn suốt 13 tiếng đồng hồ khi tham dự phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Thào Quán Mua, Lý Văn Dinh và Dương Văn Tu ngày 27/5/2014 tại tỉnh Tuyên Quang.


2.3    Công an chặn đường đi họp của các tổ chức xã hội dân sự tháng 7. Ngày 4/7 Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho biết: “6g30 anh Phạm Bá Hải cho biết công an án ngữ ngay trước cửa, không cho ra khỏi nhà. Đồng thời đưa giấy triệu tập lên trụ sở CA để làm việc ngay trong sáng nay”.
.
  
Anh Hoàng Dũng cho biết: “Đang đến gần nhà thờ DCCT để đưa các thí sinh đi thi đại học thì bị công an buộc phải quay về nhà”. Các vị tu sĩ Cao Đài cũng bị ngăn cấm không cho đi tại Lâm Đồng và Vĩnh Long.

2.4    Ngày 25/7 là thời điểm mà một đoàn giám sát về tự do tôn giáo của Liên hiệp quốc dẫn đầu bởi ông Heiner Biederfeldt, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, vào Tp.HCM để gặp gỡ một số chức sắc tôn giáo và nhân chứng, nhằm kiểm chứng thực chất về việc “Việt Nam chấp nhận các khuyến nghị của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc” là như thế nào.

Không chỉ bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, bà Dương Thị Tân, cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải và hai mục sư Tin Lành là Nguyễn Hoàng Hoa và Nguyễn Mạnh Hùng cũng bị công an địa phương ngăn chặn ngay tại nhà riêng. Bất cứ biểu hiện nào của công dân muốn rời khỏi nhà đều bị nhân viên an ninh và cảnh sát xô đẩy bằng hành vi thô bạo và hoàn toàn bất hợp pháp.

2.5    Một số nhà đấu tranh Dân chủ và Blogger được mời tham dự “Hội thảo Truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” vào sáng ngày 30.07.2014, đã bị nhà cầm quyền ngăn cản, ép buộc mọi cách không cho đến tham dự. Có ít nhất 5 người đã bị cản đường là Phạm Bá Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Huỳnh Phương Ngọc và Bs.Phạm Hồng Sơn. Anh Phạm Bá Hải và Như Quỳnh bị chặn lại khi trên đường ra sân bay để bay đi Hà Nội, còn Thúy Nga và Phương Ngọc thì bị khóa trái cửa trong một nhà nghỉ tại Hà Nội. Nhà bác sĩ Sơn bị an ninh canh ngay trước cửa nhà trước đó một ngày.

2.6    Có 7 người thuộc 7 tổ chức khác nhau đã bị an ninh ngăn trở không thể tham dự cuộc họp XHDS hàng tháng tổ chức tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn hôm Thứ Ba, 5/8/2014.
Ðó là blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) thuộc Mạng Lưới Blogger Việt Nam; Hòa Thượng Thích Thiện Minh thuộc Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo; ông Phạm Chí Dũng thuộc Hội Nhà Báo Ðộc Lập; cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Phạm Bá Hải thuộc tổ chức Bạch Ðằng Giang Foundation; cựu TNLT Lư Văn Bảy, một người vừa mới được trả tự do; ông Nguyễn Bắc Truyển thuộc Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo; cô Nguyễn Nữ Phương Dung thuộc Phong Trào Con Ðường Việt Nam.

2.7    Một lần nữa, hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo độc lập thực thi quyền hiến định nhưng lại bị chính quyền và cơ quan an ninh xâm phạm nghiêm trọng khi tổ chức ngăn chặn, sách nhiễu, đánh đập nhằm không cho tham dự phiên tòa xử Bùi Thị Minh Hằng. Nhiều người bị khống chế đã trở nên quá quen thuộc như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Thượng tọa Thích Thiện Minh, cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải, nhà báo Trương Minh Đức, nhà báo Phan Thanh Hải, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà báo Phạm Chí Dũng…

 Nhà văn, cựu đại tá quân đội Phạm Đình Trọng, người đã hơn bảy chục tuổi, cũng trở thành điển hình bị bắt cóc, ngăn chặn thô bạo và vô pháp khi ông ra khỏi nhà.
Chỉ trong trong tháng 8/2014, nhà báo Phạm Chí Dũng – chủ tịch Hội Nhà báo độc lập VN – đã bị tống gửi đến 6 giấy triệu tập của Cơ quan an ninh điều tra – Công an TP. Hồ Chí Minh, liên quan đến chuyến làm việc ở Việt Nam của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tự do tôn giáo và phiên tòa xử Bùi Thị Minh Hằng.

2.8   Việc lo sợ của nhà cầm quyền đối với XHDS là một việc làm vừa vi phạm các công ước quốc tế VN đã tham gia, vừa vi phạm chính Hiến pháp VN.

 Thượng tọa Thích Thiện Minh, từ Hốc Môn cho biết: “Công an canh gác trước sân nhà đêm ngày từ ba bốn hôm nay, cả hai đầu hẻm. Trung bình bốn công an một đầu hẻm”. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho biết: “Ngày 3 và 4 tháng 9 canh liên tục, cả ngày lẫn đêm. Khi 3 khi 4 người, đứng ngay trước cửa nhà. Đi đâu bám theo cho đến khi trở về.”

Anh Phạm Bá Hải cũng bị canh ngay từ 1-9. Công an còn nói rõ là “5-9 không được đi họp, phải ở trong nhà”. Công an, dân phòng vừa bao vây vừa vào nhà gây khó khăn cho vợ chồng anh Huỳnh Trọng Hiếu và cô huỳnh Phương Ngọc, không cho họ ra ngoài để đi làm, với lý do “kiểm tra đăng ký tạm trú”, nhưng thực chất là ngăn cấm công dân đi lại.

Ban truyền thông của PGHH cho biết từ nhiều ngày trước, công an ở các tỉnh Miền Tây Nam đã ngăn cản và trực tiếp ra lệnh miệng cấm các cư sĩ và tín đồ PGHH tham gia cuộc họp này.

2.9    Thư kháng nghị của nhà văn Phạm Đình Trọng về việc bị ngăn cấm đi lại, ông viết: “Sáng chủ nhật, 24.08.2014, tôi đi xe máy đến nơi ăn sáng theo lời hẹn của nhóm bạn già gồm mấy nhà văn, nhà báo đã nghỉ hưu. Vừa đi khỏi nhà được hơn trăm mét thì một nhóm bốn, năm người đều mặc đồ dân sự đi xe máy ập đến, ép chặn xe tôi cùng tiếng quát: Đi đâu? Quay về! Thấy sự áp đảo và hung dữ của họ, tôi lùi xe quay về nhưng phía sau, chiếc ô tô du lịch biển số 52N2654 đã chặn sát xe tôi. Những người đi xe máy cùng những người từ ô tô bước ra vây tôi lại. Người rút chìa khóa xe máy. Người thọc tay vào túi quần tôi lấy điện thoại và máy ảnh của tôi. Rồi họ đẩy tôi vào chiếc ô tô 52N2654 chạy về đồn công an xã Phước Kiển…”

 …”Cách đây mới ba tháng. Sáng chủ nhật 18.5.2014, buổi sáng có lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào biển Việt Nam, tôi đang đi trong vườn cây trước dinh Thống Nhất thì từ phía sau, hai cánh tay thọc vào hai nách tôi, một bàn tay bịt chặt miệng tôi, lôi tôi xuống đường Lê Duẩn, đẩy tôi vào cửa đã mở sẵn của chiếc ô tô du lịch 51A535 20, đưa tôi ra bãi biển Cần Giờ, giữ tôi ngoài đó suốt một ngày. Trên xe cũng đã diễn ra cảnh: Họ thọc tay vào túi quần tôi, tước đoạt điện thoại và máy ảnh của tôi. Quát nạt xỉ vả và cấm tôi không được ra khỏi nhà…”

2.10. Lúc 17:30, 3/11/2014 tại khu vực sông Lô, đường đi ra sân bay Cam Ranh, Mẹ Nấm đã bị an ninh ngăn chặn không cho cô ra Hà Nội theo lời mời của đại sứ quán Canada và Na Uy để tham dự buổi trao đổi về các quyền hợp pháp và quy trình thủ tục pháp lý trong bối cảnh Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) đối với Việt Nam.

2.11. Anh Lý Quang Sơn truyền bá thông tin nhân quyền bằng cách phát cẩm nang tuyên ngôn nhân quyền trong những buổi mặc áo có biểu tượng nhân quyền đi nhặt rác. Tuy nhiên, sinh viên Lý Quang Sơn không nhận được sự khuyến khích nào từ chính quyền địa phương trong sự phổ biến kiến thức nhân quyền cho người dân mà trái lại bản thân anh cùng 3 sinh viên khác không được tiếp tục thuê chổ ở dù không có biểu hiện nào vi phạm hợp đồng thuê nhà. Anh nói: “Hiện nay bọn em thuê hợp đồng với chủ nhà là 1 năm. Tuy nhiên, hợp đồng mới thực hiện được 3 tháng thì chủ nhà bị an ninh liên tục gọi điện. Đầu tháng 10 đã gọi điện cho chủ nhà và yêu cầu chủ nhà hủy hợp đồng với bọn em, đuổi bọn em ra khỏi nhà. Họ nói thẳng với bọn em là an ninh, công an phường người ta gọi điện liên tục, 1 ngày phải lên đến 3 lần để làm việc với an ninh. Đi đi, lại lại để làm việc như vậy khiến họ cảm thấy mệt mỏi.”

Đỗ Anh Tuấn, người tham gia hoạt động quảng bá cho quyền con người cho biết anh bị phạt 35 triệu đồng vì tàng trữ và phổ biến Tuyên ngôn Nhân quyền LHQ và Hiến pháp nước CHXHCNVN 1992. Anh Đỗ Anh Tuấn chia sẻ rằng nhân ngày Quốc tế Nhân quyền, hôm 8 tháng 12 năm ngoái, anh cùng những người bạn đến công viên Thống Nhất phân phát tờ rơi và Cẩm nang Thực thi Quyền làm người. Sau đó 3 ngày, Đỗ Anh Tuấn nhận thông báo quyết định xử phạt hành chính về xuất bản phẩm in sao lậu và anh Tuấn đã tiến hành kiện chính quyền địa phương. 

Vì thủ tục kiện tụng rắc rối nên anh Tuấn đã dừng lại. Đúng 1 năm sau, Đỗ Anh Tuấn nhận được thông báo bị cưỡng chế bằng hình thức trực tiếp trừ lương hàng tháng trong tài khoản ngân hàng.

3. Tấn công bằng chất thải hôi thối, gạch đá

Khuyến nghị 150. Tiến hành các bước để sửa đổi Luật Hình sự để đảm bảo luật này không thể được áp dụng một cách sai trái nhằm ngăn chặn tự do ngôn luận (Phần Lan);

Khuyến nghị 155. Đảm bảo rằng về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trực tuyến, được áp dụng theo cách không hạn chế quyền cá nhân nói lên quan điểm của họ trên mạng (Phần Lan);

3.1   Lúc 7g30 tối ngày 11/2/2014 khi đang ngồi trong nhà ở Tam Kỳ Quảng Nam, ông Huỳnh Ngọc Tuấn nghe tiếng xe gắn máy chạy lại gần, liền sau đó là tiếng ầm ầm gạch đá ném vào, làm bể vách và mái nhà. Khi ông mở cửa ra thì hai chiếc xe đã bỏ chạy. Những người láng giềng thấy bốn người mặc thường phục trên hai chiếc xe gắn máy đã ném đá gạch vào nhà trước khi bỏ chạy.

3.2   Ngày 21/2 nhà ông Huỳnh Ngọc Tuấn lại bị ném gạch đá và tạt nước thối.
Lúc 9h 30 tối an ninh lại giả dạng côn đồ tạt nước thối và ném gạch đá vào nhà ông Huỳnh Ngọc Tuấn tại đội 1 thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam.

3.3    Vào khoảng 8h sáng ngày 23/8/2014 Trần Thị Nga ngủ dậy đi ra thấy khắp nhà bị đổ đầy dầu nhớt làm hỏng nhiều bộ chăn, ra, gối, đệm đang bầy bán trong nhà (nhà chị Nga cho người hàng xóm bán nhờ) trị giá hàng chục triệu đồng. Ngoài cửa có rất nhiều tờ truyền đơn với nội dung bôi nhọ chị.


3.4   Ngày 10/10/2014, vào lúc 12 giờ đêm, 1 nhóm an ninh mặc thường phục giả dạng côn đồ tấn công vào nhà trọ của Huỳnh Trọng Hiếu tại địa chỉ 305/16 đường Trường Chinh, Sài Gòn. Kể lại vụ việc, anh nói: “Gia đình tôi lúc này chỉ có tôi, vợ tôi và con trai tôi mới 10 tháng tuổi đang ngủ trên gác, không có bất kỳ phương tiện tự vệ nào. Chúng tôi nghe tiếng va đập mạnh phát ra ngay cửa nhà vì có ai đó ném vào một cục đá lớn. Tiếp theo là những cú đạp mạnh liên tiếp khiến cho tấm cửa văng ra và 3 tên côn đồ cầm hung khí xông vào nhà đập phá. Tên còn lại bao vây sau nhà, dùng đá đập liên tục để phá tung cánh cửa sau. Họ vừa đập phá vừa văng tục, chửi rủa và đe dọa giết gia đình tôi. Những tên côn đồ này tấn công chúng tôi có chủ đích và được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Họ đi trên 2 xe gắn máy, bịt mặt và tấn công chớp nhoáng, sau đó nhanh chóng rời khỏi hiện trường, bỏ lại một đống đổ nát.”

3.5  Ngày cuối năm 31/12 anh Nguyễn Văn Thạnh (Đà Nẵng) luôn bị lực lượng an ninh đi đâu cũng bám theo. Đến tối anh bị họ ném mắm tôm vào người tại phường Nại Hiên Đông. 

(Còn nữa)



------------------------


No comments:

Post a Comment

View My Stats