Tuesday 27 January 2015

Tường thuật buổi Tọa Đàm “Xóa bỏ hình phạt tử hình – Tiến tới xã hội văn minh” ngày 26/1/2015 (Cộng tác viên Dân Luận thực hiện)





Cộng tác viên Dân Luận thực hiện
27/01/2015

Lúc 9h sáng ngày 26/1/2014 tại hội trường nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn đã diễn ra buổi Tọa đàm với chủ đề: “Xóa bỏ hình phạt tử hình – Tiến tới xã hội văn minh” do Văn phòng Công Lý – Hòa Bình (thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn), Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, và Vietnam UPR Working Group đồng tham gia tổ chức.


Buổi tọa đàm có sự tham gia của khoảng gần 40 người thuộc các hội nhóm xã hội dân sự tại Việt Nam, đại diện các lãnh sự quán: Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu, Úc, Đức... và đặc biệt là sự có mặt của gia đình 2 tử tù nổi tiếng tại Việt Nam là Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng.

Nội dung chương trình buổi tọa đàm:

- Blogger Phạm Lê Vương Các chia sẻ về án tử hình.
- Gia đình 2 tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải trình bày về việc người thân của họ là nạn nhân của án tử hình oan.
- Đại diện các lãnh sự quán chia sẻ những quan điểm của quốc gia họ về án tử hình.
- Ts Nguyễn Quang A trình bày những khuyến nghị cụ thể về việc bãi bỏ án tử hình trong kì kiểm điểm UPR vừa qua.
- Anh Vũ trình bày về những lý lẽ ủng hộ cũng như phản đối án tử hình.
- Hội Đồng Liên Tôn chia sẻ quan niệm án tử hình dưới góc nhìn của tôn giáo.
- Thảo luận, đưa ra câu hỏi.

Bắt đầu buổi Tọa đàm, điều phối viên chương trình anh Tâm Bùi phát biểu: "Vào kì kiểm điểm nhân quyền phổ quát UPR, Việt Nam đã nhận được hơn 30 khuyến nghị về việc xóa bỏ bản án tử hình. Có thể kể đến một số khuyến nghị như: khuyến nghị số 89 của Bỉ, số 90 của Namibia, số 92 của Thụy Sĩ. Thế nhưng, tuy nhận được rất nhiều khuyến nghị về án tử hình nhưng Việt Nam chỉ chấp nhận những khuyến nghị có lợi cho lộ trình dài hạn của mình và bỏ đi án tử hình. Chính vì vậy nên hôm nay chúng ta có mặt tại buổi tọa đàm này, được tổ chức bới các nhóm hoạt động xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam. Chúng tôi mong muốn chúng ta hãy cùng nhau thảo luận, cùng nhau chia sẻ những phương hướng làm sao để giám sát những hành động của Việt Nam trước những cam kết của mình với hội đồng nhân quyền thế giới cũng như việc thúc đẩy việc xóa bỏ án tử hình tại Việt Nam"

Anh Tâm Bùi điều phối viên buổi tọa đàm

Từ hàng ngàn năm nay, án tử hình đã không xa lạ gì đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia khác thậm chí thực hiện tử hình công khai để làm gương, răn đe người dân không được phạm tội. Nhưng từ sau Đại chiến thế giới lần thứ Hai thế giới đã diễn ra xu hướng bãi bỏ án tử hình, nhất là khoảng hơn 20 năm gần đây. Hiện nay trên thế giới, có tới 135 nước đã bãi bỏ án tử hình, 62 nước vẫn còn duy trì án tử hình, trong đó có Việt Nam.

Blogger Phạm Lê Vương Các đã từng chứng kiến một vụ tử hình công khai cách đây 12 năm, anh chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình sau khi chứng kiến hình phạt hết sức ghê rợn này: "Mặc dù tôi chứng kiến việc này cách đây 12 năm, nhưng nó vẫn còn in mãi trong tâm trí tôi. Chuyện xảy ra vào năm 2003 tại Lai Vung, Đồng Tháp, quê hương của tôi. Đài truyền hình địa phương năm đó thông báo sẽ diễn ra 1 buổi tử hình công khai. Tôi và rất nhiều bạn bè, người thân vì tò mò đã đến chứng kiến xem tử hình là như thế nào. Những hình ảnh đó làm tôi không thể nào quên được, nhiều người sau khi chứng kiến trở về đã bị chấn động tâm lý trong thời gian dài. Có người hỏi tôi rằng: "nếu như tử tù đó là bạn bè, người thân của tôi thì tôi có dám tử hình họ không?" tôi đã trả lời rằng: cho dù họ không phải là bạn bè, người thân của tôi thì tôi cũng không muốn tử hình họ. Bởi vì tôi cho rằng đó là 1 hành động cực kì dã man và nó không nên có trong xã hội loài người. Tôi đã chứng kiến những người đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết, và tôi nhận thức được rằng, quyền được sống của con người là quyền thiêng liêng nhất. Tính mạng con người cần phải được bảo vệ trong bất cứ nơi đâu và trong bất kì hoàn cảnh nào"

Blogger Phạm Lê Vương Các chia sẻ về việc chứng kiến xử án tử hình cách đây 12 năm

Một lí do quan trọng mà hiện nay trên thế giới đang có xu hướng bãi bỏ án tử hình, đó là khả năng bị hàm oan của người tù. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tử hình oan 1 người? Tuyên án tử hình sai thì còn cơ hội để sửa hay không? Một người vô tội nhưng lại bị tước đi quyền sống một cách tàn nhẫn, gia đình, người thân của họ sẽ như thế nào?

Đến với buổi tọa đàm, gia đình từ tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng đã cung cấp những thông tin mới nhất về 2 vụ án tử hình oan đang chấn động dư luận hiện nay cũng như trình bày những khó khăn của gia đình khi đi đòi công lý và tính mạng cho người thân của mình. Là nhân chứng cho việc sử dụng án tử hình là tàn nhẫn và vô nhân đạo, họ nhận thức được rằng mạng sống con người là vốn quý giá nhất của nhân loại.

Bà Rưỡi, dì của tử tù Hồ Duy Hải phát biểu về bản án oan của cháu ruột

Bài phát biểu của bà Rưỡi dì của Hồ Duy Hải:

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố tử tù Nguyễn Văn Chưởng chia sẻ về những khó khăn khi gia đình ông đòi công lý cho con trai

Hiện nay, nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. Các quốc gia này cho rằng con người cần phải càng ngày càng nhân đạo hơn trong biện pháp trừng phạt, việc tử hình không còn thích hợp trong thời đại văn minh mà cần phải loại bỏ ngay.

Ông Juan Zaratiegui Biurrun - Đại diện phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: Bãi bỏ án tử hình trên thế giới dần dần được hình thành sau khi các nước Châu Âu, người dân Châu Âu trải qua chiến tranh thế giới lần thứ 2 vô cùng đau khổ, tàn khốc. Sau đó họ lại trải qua các cuộc nội chiến trong nước, ví dụ như đất nước Tây Ban Nha. Khi Liên Minh Châu Âu hình thành một số nước vẫn còn áp dụng án tử hình như Pháp, Tây Ban Nha. Nhưng sau đó các nước Châu Âu đã ngồi lại với nhau và cho rằng án tử hình không cần thiết, và án tử hình đã được loại bỏ ra khỏi các hiến chương Liên Âu. Hiện nay, nước nào muốn tham gia Liên Minh Châu Âu đều phải cam kết bỏ án tử hình khỏi hệ thống luật pháp của mình. Cuộc tranh luận về án tử hình tại các nước Châu Âu thật sự không sôi nổi lắm, bởi vì các nước này rất giàu có và văn minh, trải qua các cuộc chiến tranh tàn khốc các nước Châu Âu đều nhận ra rằng án tử hình là 1 điều rất tàn bạo không nên có.

Bãi bỏ án tử hình cũng là một trong những điểm quan trọng trong việc đối thoại của Liên Minh Châu Âu với chính phủ Việt Nam. Tuần trước Ông Juan đã thảo luận về vấn đề nhân quyền với chính phủ VN, trong cuộc đối thoại với Bộ Ngoại giao VN ông đã nêu trường hợp của anh Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Liên Âu đã đưa ra 1 thông điệp hết sức mạnh mẽ và cương quyết để bãi bỏ án tử hình. Ông nói, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã hứa rằng năm 2015-2016 Việt Nam sẽ giảm các tội danh trừng trị bằng án tử hình. Tuy nhiên Liên Minh Châu Âu cho rằng việc giảm án tử hình là không đủ với trình độ phát triển, kinh tế như Việt Nam hiện nay thì không có lí do gì để giữ án tử hình.

Ông Juan Zaratiegui Biurrun Cố vấn Chính trị, ban chính trị báo chí và thông tin của phái đoàn Liên Minh Châu Âu chia sẻ về việc đồng thuận tiến tới xóa bỏ án tử hình

Cô Felicity Sims - Phó Lãnh Sự Quán Úc tại Việt Nam chia sẻ, trong quá khứ nước Úc cũng là một nước có án tử hình nhưng vài thập kỉ trước nó đã được loại bỏ bởi vì nhân dân và người Úc cảm thấy rằng án tử hình không còn phù hợp nữa, đồng thời nước Úc cũng cho rằng án tử hình là vi phạm các chính sách nhân quyền. Một trong những điểm quan trọng của chính sách ngoại giao của nước Úc là cổ vũ cho việc xóa bỏ án tử hình ở khắp nơi trên thế giới. Chính phủ Úc cũng đã yêu cầu chính phủ VN nên xóa bỏ án tử hình.

Cô Felicity Sims - Phó Lãnh Sự Quán Úc tại Việt Nam
Ông Garrett Harkins đại diện Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ cũng chia sẻ, hiện nay nước Mỹ vẫn còn duy trì án tử hình, tuy nhiên họ đang loại bỏ dần dần hình phạt dã man này ra khỏi hệ thống luật pháp của mình.

Ông Garrett Harkins - Viên chức Chính trị, Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ

Vào kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát vừa qua tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã nhận rất nhiều khuyến nghị của các nước đề nghị loại bỏ án tử hình. Tuy nhiên Việt Nam chỉ chấp nhận các khuyến nghị sẽ giảm bớt các tội phải chịu án tử hình, đồng thời không chấp nhận những khuyến nghị liên quan tới việc đình án tử hình cũng như bạch hóa các thông tin về thi hành án. Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam vẫn còn khắt khe về việc bãi bỏ án tử hình.

Ts Nguyễn Quang A nêu ra các khuyến nghị mà các nước đề nghị với VN về việc bãi bỏ án tử hình

Tại Việt Nam, ý kiến ủng hộ án tử hình vẫn còn được đa số người ủng hộ, người ta đưa ra rất nhiều lý lẽ để ủng hộ án tử hình như: kẻ ác phải đền tội, răn đe kẻ khác, nhiều người còn lập luận rằng tử hình mang lại giải quyết thỏa đáng cho gia đình nạn nhân, xóa bỏ những dằn vặt, đau khổ. Lý lẽ của người Nhật cũng cho rằng người làm việc tốt xứng đáng được nhận điều tốt đẹp, còn kẻ ác phải bị trừng trị, giúp người tốt tin tưởng hơn vào cuộc sống.

Tuy nhiên, ý kiến phản đối án tử hình đã đặt ra câu hỏi, tại sao người ta giết người đã có hành vi giết người để cho thấy rằng việc giết người là sai trái? Mạng người là quý giá và quyền sống là quyền căn bản của con người. Thậm chí án tử hình còn trở thành tội ác nếu giết nhầm người vô tội. Án tử hình dường như không ngăn được con người phạm tội ác nghiêm trọng, hiện nay vẫn chưa chứng minh được tác dụng răn đe của án tử hình. Thay vào đó chúng ta có thể thay án tù chung thân cho án tử hình, điều này sẽ mang lại cơ hội tốt hơn cho phạm nhân nhìn lại, hối hận với việc làm mà mình đã gây ra và có cơ hội thay đổi.

Luật gia Vũ trình bày về những lí lẽ ủng hộ và phản đối án tử hình

Về phương diện tôn giáo, án tử hình đi ngược lại với phạm trù đạo đức. Các tôn giáo khuyên con người rằng nên xóa bỏ hận thù và tha thứ cho kẻ phạm tội. Thượng đế tạo ra con người, quyền được sống hết sức thiêng liêng, con người không thể dùng phương án giết người để trừng trị nhau.

Cha Anton Lê Ngọc Thanh chia sẻ án tử hình dưới góc độ của đạo Công Giáo

Ông Hứa Phi, đại diện đạo Cao Đài chia sẻ án tử hình dưới góc độ đạo Cao Đài

Mục Sư Nguyễn Mạnh Hùng

Ông Lê Văn Sóc đại diện phật giáo Hòa Hảo thuần túy

Trước khi kết thúc tọa đàm, các blogger trao đổi, đặt câu hỏi và thảo luận với nhau về việc xóa bỏ án tử hình cũng như làm thế nào để thúc đẩy chính phủ Việt Nam quan tâm hơn đến vấn đề này. Nhiều người thảo luận trong buổi tọa đàm cho rằng việc duy trì án tử hình là không cần thiết. Hơn thế nữa, hiện nay tại Việt Nam, càng ngày án tử hình ngày càng nhiều nhưng vẫn không giảm thiểu được tội phạm trong xã hội. Nguyên nhân sâu xa chính là do giáo dục, lỗi hệ thống của bộ máy nhà nước, pháp luật dẫn đến bạo lực trong xã hội ngày càng gia tăng. Nhiều người cho rằng muốn phản đối án tử hình thì trước hết cần phải đấu tranh cho sự độc lập của nền tư pháp, hành pháp và luật pháp tại Việt Nam.

Thầy giáo Phạm Minh Hoàng nêu ra ý kiến của mình về việc bãi bỏ án tử hình

Nhà hoạt động Trần Thị Nga

LM Đinh Hữu Thoại

Anh Trần Hoàng Hận, đại diện No U Saigon

Ts Nguyễn Quang A trả lời pv Truyền Thông Chúa Cứu Thế về việc có nên bãi bỏ án tử hình

VIDEO :
Người dân VN chấp nhận xóa bỏ án tử hình?, ngày 27.01.2015

Một số hình ảnh trong buổi tọa đàm:






No comments:

Post a Comment

View My Stats