Sunday 11 January 2015

Từ “Je suis Charlie” cho đến sự trở về của vị vua (Nguyễn Thanh Nghị)





Nguyễn Thanh Nghị
Posted by adminbasam on 11/01/2015

Sự kiện khủng bố tại Paris là tiếng súng bắn vào quyền lực thứ tư trong xã hội – tự do ngôn luận. Những gì diễn ra tại mọi nơi ở nước Pháp làm mình đi từ tò mò đến đồng cảm, và cuối cùng là khâm phục. Những con người với dòng chữ “Je suis Charlie” được nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông cho thấy sự đoàn kết của người dân Pháp. Nhưng chỉ khi đứng giữa đám đông ấy, mình mới cảm thấy sức mạnh thật sự của sự đoàn kết đó. Khi mà ngay chiều tối hôm xảy ra vụ khủng bố, hàng loạt vụ tưởng niệm tại các tòa thị chính được tổ chức, mỗi người tham gia đều hô vang “Je suis Charlie” và tay của họ đập vào dòng chữ đó như muốn biến nó thành một phần trong cơ thể và tâm hồn họ.

Je suis Charlie

Mỗi công dân, giờ đây như muốn trở thành một thành viên trong tòa báo, sẳn sàng đương đầu với bọn khủng bố, cho dù trên tay họ không một tất sắt, ngoài quyền được nói, được biểu đạt của tự do. Mình tìm đến buổi tưởng niệm chỉ vì hiếu kỳ và tò mò, nhưng nhìn thấy những giọt nước mắt long lanh trên khóe mắt của những người già cho tới trẻ. Mình mới cảm nhận thấy một phần nhỏ của nỗi đau lớn của một dân tộc. Giá trị duy nhất, sau hơn 3 năm ở Pháp, của xã hội này chính là sự nhân bản, luôn hướng tới và đảm bảo hạnh phúc của từng con người nhỏ bé trong một xã hội rộng lớn. Và lương tri của mỗi công dân chính là tiếng nói rõ ràng nhất và là nền tảng duy nhất cho sự nhân bản đó.

Cảm giác đứng giữa những công dân đầy tính nhân bản đó chỉ là sự xấu hổ khi nghĩ về những gì đã và đang xảy ra ở một nơi hạnh phúc nhất, nhì trên thế giới: những con người sẳn sàng quay mặt làm ngơ trước cái chết của những ngư dân trên biển cả; những thế hế tương lai tung hô những người như dân không một chút trang bị tối thiểu phải đương đầu với những tàu chiến hạng nặng, trong khi việc đó là của cảnh sát biển và hải quân – đôi khi mình chỉ tự hỏi những lời tung hô đó có chứa đựng lương tri hay chỉ là sự cuồng tín đầy mê muội; một người đẹp chân dài sẳn sàng làm hàng trên sự mất tích và cái chết những hành khách trên chuyến bay xấu số – vậy đó là một người đẹp hay một con mụ phù thủy tán tận lương tâm.

Hơn hết, mình đã phì cười khi like trang page “Je suis Charlie” chỉ vài giờ sau vụ khủng bố với hơn 55 000 người, và hiện giờ có tới 5 trang “Je suis Charlie” với lượng người thấp nhất là 15 000 người và cao nhất gần 100 000 người. Tại sao mình phì cười? Vì mình nhìn lại con số ở page “những người bạn của” một nhà văn thì quá bi thương, với gần 4000 người. Mình tự hỏi những người đã nhận được tin tức đa chiều hơn, trong một nền báo chí tuyên truyền, lại không like nổi một cái như thể hiện sự đóng góp và đứng cùng người đã dành thời gian của cuộc đời để mang đến thông tin, kiến thức và tư duy cho bạn đọc. Những tuyên truyền về đại đoàn kết toàn dân chỉ là một khẩu hiệu rỗng ruột, khi mà người dân sẳn sàng quay lưng với chính nỗi đau của cộng đồng. Họ không phẩn nộ, không lên tiếng hay bày tỏ quan điểm về vấn đề đó một cách công khai, ngoài sự im lặng và quan sát trong bóng tối. Matin Luther King từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt.” Có ai đã từng tự hỏi rằng lương tri của xã hội còn hay đã mất?

Wael Ghonim: Inside the Egyptian revolution   -  You Tube

Câu chuyện trong bài diễn văn của Wael Ghonim về Inside the Egyptian revolution, sự khác biệt về tôn giáo giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo đã không làm cho họ tách biệt nhau ra, mà họ đã đoàn kết lại. Những người Hồi Giáo hành lễ thì những người Thiên Chúa Giáo bảo vệ họ và ngược lại. Vì sao họ có thể làm được điều đó? Vì “không hề có ai là người lãnh đạo, người lãnh đạo chính là mỗi cá nhân trên trang page đó”, vì “không ai là anh hùng, không ai là anh hùng Bởi vì mọi người đều là anh hùng”. Chính “những giọt nước mắt chảy ra từ đôi mắt cũng chính là từ tâm hồn chúng ta” là tiếng nói của lương tri trước nỗi đau của đồng loại và lực đẩy duy nhất để mỗi người bước qua sự sợ hãi của chính mình để bảo vệ lẫn nhau.

Hãy coi mỗi xã hội là một bàn cờ lớn và mỗi cá nhân là một quân cờ trên đó. Câu hỏi đặt ra là làm như thế nào để những quân cờ có thể bảo vệ nhau? Thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Trong cờ vua, mỗi quân cờ được phân chia theo hệ thống cấp bậc với những vai trò khác nhau. Nhìn tương quan giữa 2 bàn cờ vua nhỏ và lớn, khi ta muốn lấy 1 con vua hay 1 con hậu ở bàn cờ nhỏ để vào chơi ở bàn cờ lớn hơn với vai trò một quân tốt, nhưng nhiều người hy vọng quân tốt này tạo nên sức mạng thần kỳ như ở bàn cờ nhỏ trước đó. Tuy nhiên, nếu nhìn thấy trước rằng con tốt sẽ không bao giờ tiến đến ô cuối cùng để lại hóa thành hậu rồi đánh đổ vua, thì con tốt đó chỉ mang tính biểu tượng và vật thí trên bàn cờ lớn hơn. Giết gà dọa khỉ luôn là cái giá của mọi quân tốt ra đi trên bàn cờ lớn.

Trong khi đó ở cờ vây, mọi quân cờ đều bình đẳng chỉ có đen và trắng. Mọi quân cờ đều có thể xoay chuyển tình thế chỉ trong tích tắt mà không cần phải đạt một thứ bậc nhất định nào trên bàn cờ. Sức mạnh của mỗi quân cờ là những bước tiến đơn giản nhưng vững chắc để tạo nên vòng vây siết cổ kẻ thù. Khi đám quân nào hết khí thì sẽ bị loại ngay lập tức khỏi bàn cờ. Vì thế giá trị cờ vây nằm ở sự bình đẳng về quân cờ và hoàn toàn phụ thuộc vào nước đi của từng quân cờ một.

Vậy chúng ta nên tiếp tục chơi cờ vua để trông chờ và tìm ra ông vua mới, hay chuyển qua chơi cờ vây nhỉ? Các bạn chắc vẫn còn nhớ rằng The Lord of the Ring: The Return of the King là tập cuối cùng của một serie hấp dẫn phải không?

----------------------

Trần Thị Ngự
Độc giả gửi tới Dân Luận dưới dạng phản hồi
Jan 11, 2015

Khẩu hiệu "Je Suis Charlie" (Tôi là Charlie) có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau với nhiều người. Khẩu hiệu này có thể tượng trưng cho quyền tự do biểu đạt môt cách tổng quát. Khảu hiệu này cũng có thể tượng trưng cho tính kiên cường và bất khuất của tạp chí Charlie Hebdo với quan điểm quyền tự do biểu đạt không giới hạn.

Nếu "Je Suis Charlie" chỉ mang ý nghĩa quyền tự do ngôn luận một cách tổng quát, thì tôi có thể xuống đường và cùng hô với người đấu tiên đưa ra khẩu hiệu.

Nếu "Je Suis Charlie" có nghĩa là quyền tự do ngôn luận không giới hạn thì chắc nhiều người, trong đó có tôi, chưa sẵn sàng cùng hô. Bình luận gia David Brooks viết một bài đăng trên New York Times với tựa đề I'M NOT CHARLIE vì ông cho rằng không có tự do ngôn luận nào là tuyệt đối, và một số người Mỹ hô "je suis Charlie" có tính đạo đức giả khi họ ủng hộ tạp chí đã bôi nhọ niềm tin của người Hồi giáo, trong khi họ không tha thứ (intolerant) nếu có người bôi nhọ niềm tin của họ.

Tôi đồng ý với David Brooks là không có tự do nào là tuyệt đối. Nói về mặt luật pháp, tối cao pháp viện Mỹ đã đưa ra khái niệm "fighting words," "hate speech" hay "hostile environment" để không coi những loại ngôn ngữ đó được bão vệ bởi quyền tự do ngôn luận. David Brooks coi một số tranh vẽ của tạp chí Charlie Hebdo thuộc loại "hate speech," nhưng riêng tôi thì không dám chắc vì chưa đưọc xem và cũng không có khiếu xem tranh biếm hoạ, nên có thể không hiểu rõ.

Ngoài lãnh vực luật pháp, còn có các common sense trong việc sử dụng ngôn ngữ khi giao dịch để thể hiện tính cách văn minh (civility) và tạo cảm thông trong một thế giới nhiều khác biệt. Điển hình là trang Dân Luận ủng hộ quyền tự do ngôn luận, nhưng cũng đưa ra các "tiêu chuẩn" về cách viết còm như sau:

Trích: Nếu vi phạm một hay nhiều các lỗi sau, bài viết có thể không được chấp nhận hoặc bị gỡ bỏ:
- Có nội dung mang tính lăng mạ, phỉ báng, khiêu khích hay kích động bạo lực
- Có nội dung phân biệt chủng tộc hay tôn giáo
- Có nội dung sai sự thật hiển nhiên, vu cáo hoặc đặt điều vô căn cứ
- Có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, ví dụ những hình ảnh hay mô tả khiêu dâm, bạo lực, gây sốc v.v...

Đây cũng là các tiêu chuẩn được áp dụng cho cho quyền phát biểu nơi công cộng ở Hoa Kỳ.
Liên quan tới khẩu hiệu "Je Suis Charlie" là lời kêu gọi các báo đăng lại tranh biếm hoạ của tạp chí Charlie Hebdo để bày tỏ tình đoàn kết vì quyền tự do ngôn luận. Như tôi đã viết trong một còm trước, chương trình Newshour của đài PBS đã từ chối tham gia. Nay được biết thêm là một số nhật báo báo lớn ở Mỹ cũng không tham gia, như New York Times, the Washington Post, the Associated Press, CNN và nhiều báo khác. Các báo có đăng là BuzzFeed và Huffington Post.

Một số độc giả của New York Times đã viết còm và chỉ trích New York Times là hèn nhát (coward) vì không dám đăng các các tranh biếm hoạ từ Charlie Hebdo. New York Times có hèn nhát hay không thì không biết, nhưng việc cho đăng các còm chỉ trích mình là hèn nhát, New York Times đã chứng tỏ sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Lý do New York Times đưa ra khi không đăng các tranh từ Charlie Hebdo là vì tờ báo không muốn vượt qua lằn ranh đưa đến sự kỳ thị cuồng tín (cross the line to bigotry). Đó có thể là sự khác biệt về quan điểm tự do ngôn luận ở Pháp và ở Hoa Kỳ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats