Sunday 4 January 2015

Trung Quốc sẽ "làm lành" với châu Á trong tương lai (The Diplomat)





Được đăng ngày Chủ nhật, 04 Tháng 1 2015 16:14

Phần 1

Theo The Diplomat, trong Hội nghị Công tác trung ương về các mối quan hệ ngoại giao, Trung Quốc đã quyết định chú trọng nâng cao quan hệ với các nước láng giềng thay vì Mỹ và một số cường quốc khác. Đây chính là bước dịch chuyển lớn trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Động thái này cho thấy theo thời gian, Trung Quốc sẽ không còn tỏ ra nhân nhượng trước hành động can thiệp của phương Tây và Bắc Kinh sẽ ngày một tự tin hơn trong việc tăng cường quyền kiểm soát những lợi ích cốt lõi và nhấn mạnh những yêu cầu cải cách trật tự quốc tế. 
Chính sách mới của Trung Quốc sẽ khiến Washington thắt chặt hợp tác với các đối tác tại châu Á nhằm kiềm chế thái độ của Bắc Kinh thay vì tỏ thái độ thách thức.

Khuôn khổ chung cho các mối quan hệ ngoại giao
Trong Hội nghị Công tác trung ương, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thay đổi khuôn khổ chung về các mối quan hệ ngoại giao. Theo đó, mối quan hệ với các nước đứng hàng đầu danh sách được hiểu là có tầm ảnh hưởng lớn tới triển vọng của Trung Quốc hơn nhiều so với những nước ở cuối danh sách.

Nó còn đưa ra đường lối xây dựng chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, khung ngoại giao lại khá đơn giản và nói rất ít về cách thức tiến hành các chính sách ngoại giao nhưng lại đầy tính quyết đoán và liệt kê chi tiết danh sách các nước mà Bắc Kinh quan hệ.

Khuôn khổ này đã đưa ra tất cả các phân tích, tư liệu, cũng như chỉ thị, chính sách liên quan đến ngoại giao trên tiêu chí đơn giản, dễ hiểu nhằm giúp các cán bộ thực hiện công việc ưu tiên ngoại giao và tiếp nhận chỉ thị từ lãnh đạo trung ương.

Trật tự khuôn khổ ngoại giao của Trung Quốc vẫn luôn được duy trì và chỉ trải qua vài lần thay đổi kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Dưới thời cố chủ tịch Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã thi hành khuôn khổ ngoại giao chia làm 3 phần "thế giới thứ nhất, thế giới thứ hai và thế giới thứ ba", tương ứng với các nước theo chủ nghĩa tư bản, cộng sản và các nước đang phát triển.

Sau thời kỳ cải cách và mở cửa, ông Đặng Tiểu Bình đã chia lại khuôn khổ ngoại giao thành "các cường quốc, các nước láng giềng và các nước đang phát triển". Đây là những hạng mục được bổ sung và thay đổi duy nhất kể từ năm 1979. Tiếp đó, trong phiên họp Đại hội Đảng lần thứ 16 vào năm 2002, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã thêm danh mục "các tổ chức đa phương" vào danh sách ngoại giao. Trong hội nghị đảng lần thứ 18, ông Hồ Cẩm Đào còn đưa thêm thuật ngữ "ngoại giao nhân dân" vào danh sách này.

Trong khi, khuôn khổ ngoại giao chung năm 2012 của Trung Quốc đã định rõ : các cường quốc (ám chỉ Mỹ, EU, Nhật Bản và Nga) ; các nước ngoại vi (những nước dọc khu vực biên giới Trung Quốc) ; các nước đang phát triển (những nước có mức thu nhập thấp hơn mức trung bình trên thế giới bao gồm cả Trung Quốc) ; các tổ chức đa phương (UN, APEC, ASEAN, v.v...) và ngoại giao nhân dân.

Tuy nhiên, khung ngoại giao đơn giản này đã gặp phải một số bất cập khi một vài quốc gia lại bị liệt vào nhiều hơn một danh mục. Điển hình, những quốc gia nghèo tại châu Á như Campuchia vừa được xếp vào mục "các nước ngoại vi" vừa nằm trong mục "các nước đang phát triển". Tuy nhiên, khuôn khổ ngoại giao này vẫn đang được sử dụng rộng rãi.
Trong đại hội đảng lần thứ 18, giới chức Trung Quốc đã kêu gọi xây dựng "mối quan hệ vững mạnh, ổn định và lâu dài với các cường quốc". Đối với mối quan hệ ngoại giao ngoại vi, Trung Quốc cần "củng cố mạnh mẽ quan hệ bạn bè và hàng xóm". Đối với các nước đang phát triển, đại hội đảng lần thứ 18 kêu gọi Trung Quốc ủng hộ "tiếng nói và đại diện" của họ trong những vấn đề mang tính quốc tế.

Liên quan tới chính sách ngoại giao đối với các tổ chức đa phương, Trung Quốc chú trọng "thúc đẩy sự phát triển của hệ thống và trật tự thế giới theo đường hướng phù hợp". Còn đối với ngoại giao nhân dân, Trung Quốc cần "thúc đẩy sự giao lưu giữa người dân cũng như bảo vệ quyền lợi và lợi ích của công dân ở nước ngoài".

Phần 2

Chú trọng ngoại giao ngoại vi, giảm bớt quan hệ với các cường quốc
Hồi tháng 9/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố mối quan hệ ngoại vi đang trở thành "hướng ưu tiên" trong công tác ngoại giao của Trung Quốc. Một tháng sau, Ủy ban Trung ương Trung Quốc đã bất ngờ tổ chức Hội thảo Công tác trung ương về mối quan hệ ngoại giao ngoại vi để điều chỉnh quy tắc quan hệ quốc gia.

Theo Tân Hoa Xã, những chính sách thay đổi được triển khai ngày trong năm 2014. Trong Hội nghị trung ương gần đây, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cũng đã lập ra khung quan hệ với các nước ngoại vi đứng đầu danh sách ưu tiên.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất liên quan tới chính sách ngoại giao của Trung Quốc chính là những đánh giá về xu hướng kinh tế và địa chính trị lâu dài. Bắc Kinh nhận thấy rằng khu vực châu Á đang ngày càng có tầm ảnh hưởng tới tương lai của Trung Quốc.
Hồi tháng Tư, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết giao dịch thương mại giữa Bắc Kinh với khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã đạt "1,4 ngàn tỷ USD, vượt qua cả tổng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và EU cộng lại". Ngoài ra, "trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc có tới một nửa là tại châu Á". Thậm chí, 70% tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài cũng đang tập trung tại châu Á.

Theo nhận định của IMF, trong tương lai, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ nắm vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu nếu như khu vực này thực thi cải cách cấu trúc và đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách đạt được mục tiêu này thông qua Con đường Tơ lụa, Con đường Tơ lụa trên biển và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á cũng như từ nhiều nguồn lực khác.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang lo ngại về những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông với các quốc gia láng giềng, sẽ khiến Bắc Kinh không đạt được những mục tiêu đã đề ra. Trong đó, việc tìm cách củng cố tầm ảnh hưởng cũng như loại bỏ những mối đe dọa tiềm năng từ hệ thống liên minh của Mỹ, buộc Trung Quốc xây dựng nền an ninh vững mạnh hơn.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, "sự chênh lệch giữa vấn đề an ninh chính trị và phát triển kinh tế tại châu Á đang trở thành mối lo ngại ngày càng lớn". Do đó, đề xuất của Trung Quốc là kiến tạo một "cộng đồng châu Á cùng sẻ chia vận mệnh" để giải quyết sự mất cân bằng này.

Quyết định tăng cường mối quan hệ ngoại vi đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải giảm bớt chính sách ưu tiên chiến lược của nước này với Mỹ và một số cường quốc khác. Mặc dù, việc tiếp cận các thị trường và công nghệ của châu Âu lâu nay đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, song xu hướng trong nhiều thập niên qua cũng đang dần biến đổi. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ đã đẩy nhiều nước phát triển vào cảnh bất ổn cả về chính trị lẫn kinh tế.

Đối với lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc cũng đã rút ngắn được khoảng cách lớn về kiến thức và khả năng mặc dù năng lực sáng tạo vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, chương trình tăng tốc hiện đại hóa sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng đang thu hẹp khoảng cách về năng lực với những cường quốc quân sự khác đặc biệt ở vùng biển xung quanh hải phận nước này.
Hội nghị Công tác Trung ương Trung Quốc còn chỉ ra một thay đổi khác trong khuôn khổ ngoại giao chung. Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tới một "nhánh nhỏ" trong khối các nước đang phát triển. Đó là nhóm "các nước đang phát triển mạnh".

Theo đó, ông Tập kêu gọi Trung Quốc "mở rộng hợp tác" khi cho rằng nhóm các nước đang phát triển mạnh có "liên quan mật thiết" tới sự phát triển của quốc gia.

Giới học giả Trung Quốc nhận định đây là các đối tác quan trọng trong việc hỗ trợ cải cách trật tự thế giới. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cho rằng những quốc gia này bao gồm Nga, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Indonesia và Mexico.

Tầm quan trọng ngày càng lớn từ đồng minh và đối tác của Mỹ
Việc Trung Quốc "hạ thấp" mức ưu tiên của mối quan hệ với các nước phát triển có thể khiến không ít người bất ngờ. Nó cũng sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trên nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu.

Hai bên còn thống nhất đẩy mạnh hợp tác quân sự. Sự phát triển này cho thấy mối quan hệ với Mỹ hiện vẫn là giữ vị thế quan trọng bậc nhất đối với Trung Quốc. Lâu nay, yếu tố kinh tế, quân sự, chính trị và sức mạnh văn hóa của Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Trung Quốc. Và điều này vẫn đúng cho đến tận ngày hôm nay.

Theo kết luận của các nhà phân tích Trung Quốc, các nước ngoại vi và các nước đang phát triển sẽ khiến tầm quan trọng của mối quan hệ ngoại giao với các cường quốc dần bị lu mờ.
Trong khi đó, các nước châu Âu cũng nhận ra rằng Bắc Kinh dường như không quan tâm tới những đánh giá của họ tới chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Điển hình, Trung Quốc không chỉ phủ nhận những lời chỉ trích về vấn đề nhân quyền mà còn tỏ thái độ cứng rắn trước những lời phê phán của Mỹ. Theo đó, Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận những lời cáo buộc của Washington về việc gia tăng hoạt động khai hoang và nỗ lực củng cố những tuyên bố chủ quyền đơn phương trên Biển Đông.

Những nỗ lực để khẳng định vị thế đi đầu của mình tại khu vực châu Á của Trung Quốc cũng không hề có dấu hiệu chậm lại. Ngoài ra, Mỹ từng yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hoạt động gián điệp mạng song kết quả cũng không khả thi.

Một khi sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng và nỗ lực khẳng định vai trò nhà lãnh đạo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành công, Bắc Kinh sẽ không còn giữ thái độ ôn hoàn trước hành động "can thiệp" của phương Tây.

Ngoài ra, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiến hành đẩy mạnh củng cố vai trò lãnh đạo tại châu Á và nhu cầu cải cách trật tự quốc tế để phù hợp hơn với sự phân bố quyền lực.

Tuy nhiên, trong tình hình cạnh tranh hiện nay, sức chịu đựng của Mỹ sẽ chỉ có giới hạn và Washington có thể sẽ đưa ra những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn hành vi của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Nhằm tránh kịch bản này, Mỹ sẽ cần tăng cường chính sách hợp tác với các đồng minh và đối tác ở châu Á, đặc biệt là các nước láng giềng đang phát triển mạnh của Trung Quốc.

Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ ổn định và ngăn chặn hành vi sai trái của Trung Quốc. Song, Mỹ cũng cần thúc đẩy quan hệ với các cường quốc trong khu vực để hướng Trung Quốc theo thái độ tích cực thay vì thách thức trật tự cơ bản của thế giới.

Sức mạnh ngày càng lớn của các nước đang phát triển và quỹ đạo tăng trưởng ổn định của các nước phát triển sẽ tạo nên những bước ngoặt lớn cho tương lai của nền chính trị toàn cầu. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ yếu tố này. Do đó, Washington và các quốc gia đồng minh cần dự trù trước tình hình để duy trì một trật tự thế giới ổn định và hòa bình.

Minh Thu (lược dịch)
Theo Infonet

*Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.




No comments:

Post a Comment

View My Stats