Friday 2 January 2015

Sao lại hài lòng nhốt mình trong vỏ ốc? (Trương Huỳnh Dũng - VNTB)





Trương Huỳnh Dũng

(VNTB) - Mãi cho đến khi… “tốt nghiệp – ra trường”, những cựu sinh viên mới thấy rằng dường như suốt mấy năm qua trên ghế giảng đường, người ta đã khéo léo gói gọn một xã hội đa chiều trong kiến thức… vỏ ốc (!?).

Đó là tâm trạng của tôi, người vừa tốt nghiệp từ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Tự ru ngủ hay…?

Con ốc có số phận “nhốt mình trong vỏ”. Tạo hóa cho chúng một kiếp sinh linh nhỏ bé không được chở che. Vậy nên, một lớp vỏ canxi thật chắc chắn sẽ bảo vệ được nó trước sự biến đổi của môi trường khắc nghiệt và hiểm họa từ kẻ thù.

Con người lớn hơn (ít ra cũng về hình hài), biết tư duy, biết nhận thức cao hơn… Vậy tại sao có những nơi, con người lại bó buộc mình vào một kiến thức vỏ ốc?

Trong giáo dục, sẽ có ít nhất 2 hệ lụy:

Sinh viên không hoặc thiếu ý thức bản thân, lười suy nghĩ, ít thách thức bản thân để lâu dần họ vô tình tự tạo cho mình một vỏ ốc;

Và tạo những “nhân bản vô tính” qua việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên luôn đặt trong khuôn mẫu được định hình bởi những công thức bất biến, duy ý chí – kể cả định kiến. Câu chuyện uất ức của các sinh viên bị điểm thấp hơn so với các bạn khác, hoặc bị đánh rớt thẳng tay do làm bài không đúng ý với người truyền đạt, là đơn cử. Xin nói rõ ở đây là sinh viên làm bài theo tư duy sáng tạo của bản thân, có cơ sở lập luận chứ không phải là viết sằng bậy kiểu “trái quan điểm – ngược đường lối”.

Đã từng trải qua 4 năm trên ghế giảng đường, tôi cảm nhận thế nào đâu là kiến thức vỏ ốc, đâu là tư duy. Có những vấn đề được tranh cãi sâu sắc qua hàng 2, 3 tiếng đồng hồ mà không lời giải đáp. Cũng có những tiết học chỉ lên lớp ngồi nghe, thi giữa kỳ đến cuối kỳ chép lại y chang nội dung thầy cô đã dạy là đậu.

Có môn thầy cô dạy rất thoải mái, kiến thức sâu và rộng, những bài kiểm tra luôn được thầy cô cho phát huy tinh sáng tạo, tư duy dĩ nhiên trong phạm vi có cở sở khoa học hoặc chứng minh lập luận rõ ràng. Nhưng có môn cũng thật sự cay nghiệt khi lên lớp phải ngồi nghe một lượng kiến thức khuôn mẫu, từ thời này sang thời kia, giai đoạn này qua giai đoạn kia, học rất nhiều nhưng điều cốt lõi trong mỗi giai đoạn lịch sử đó thì chả sinh viên nào nắm được. Thi cuối kỳ, sinh viên phải nhồi nhét vô đầu những giai đoạn, những kiến thức chuyên môn tràn gian đại hải, chép 2, 3 tờ giấy thi chỉ để mong cao lắm là qua được môn học.

Nói trái ý thầy là…

Trong một lần thuyết trình văn học Trung Đại Phương Tây, tôi là thành viên thuyết trình chính. Người thầy đã bác bỏ 100% quan điểm của nhóm mà không hề tranh luận hay trao đổi. Lẽ ra, dù giảng viên cũng chưa tìm ra lời giải đáp như điều sinh viên đang trăn trở, thì cũng nên cần tôn trọng và ủng hộ sinh viên đã biết tìm những cái riêng trong vấn đề học thuật lẫn thực tiễn vận dụng. Bởi có như vậy, sinh viên mới “dũng khí” tiếp tục bắt tay nghiên cứu đề tài đó để cố gắng tìm ra lời giải đáp gần đúng nhất.. Đằng này…

Là một người đưa đò, định hướng kiến thức cho tầng lớp trẻ, việc đưa ra một khối kiến thức khuôn mẫu và bắt một thế hệ sau học và răm rắp làm theo. Liệu đây có là con đường tốt nhất?

Thầy cô cũng từng là sinh viên và trải qua học hỏi, nghiên cứu kiến thức. Sau đó về dạy cho những lớp đàn em sau. Tuy nhiên, một điều cần nắm rõ là, cứ mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút thậm chí 1 giây, kiến thức cũng đã bổ sung thêm nhiều hình thù mới. Kiến thức “khuôn vàng thước ngọc” của 10 hay 20 năm trước chưa chắc giờ còn đúng hoặc sẽ trọn vẹn như bây giờ.

Thế giới nhân sinh quan luôn thay đổi kèm theo những khám phá và tư duy mới. Sinh viên là thế hệ đại diện cho hiện tại và tương lai. Bộ phận này đang rất năng động và nhạy cảm tích cực với thời cuộc. Vậy thì sao lại bắt thế hệ sinh viên phải rập khuôn trong một khối kiến thực hàng chục năm trước không mang tính cập nhật, hoặc chỉ bổ sung theo một định hướng chính trị nào đó?

Như vậy, vô tình chúng ta đã và đang tạo ra một bản sao y hệt XYZ từ giảng viên sang sinh viên. Dần dà sinh viên ngày càng trở nên thụ động, thậm chí dững dưng và vô tâm trước những đổi thay thời cuộc. Tai hại hơn, một số sinh viên sẽ cảm thấy hụt hẫng hơn, thiếu hẳn khả năng linh động khi bước vào một môi trường mới trên bước đường mưu sinh.

Chúng ta không phủ nhận kiến thức nền, căn bản mà thầy cô truyền đạt sinh viên. Ở đây chúng ta cần phân biệt rõ kiến thức nền và kiến thức rập khuôn thụ động. Hãy dựng xây cho sinh viên một lớp bê tông kiến thức nền vững chắc, và xin hãy để sinh viên tự tạo cho mình những hình khối kiến trúc để họ tự do xây dựng trên nền bê tông ấy. Là người giảng viên, hãy tư vấn cho sinh viên, đâu là khối kiến trúc mà sinh viên có thể xây được, cái nào thì chưa, kiến trúc mới nào sinh viên nên xây…


No comments:

Post a Comment

View My Stats