Wednesday 7 January 2015

Phản bác thông tin mạng xã hội về ông Bá Thanh (Tác giả: T.Chung – T.Hạnh – X.Linh – H.Anh – Ảnh: P.Hải)




Tác giả: T.Chung – T.Hạnh – X.Linh – H.Anh – Ảnh: P.Hải

KD: Đến hôm nay, thông tin trên mạng đã quá bội thực, và người dân đã ngấm các thông tin mạng tràn lan, cơ quan chức năng mới làm nhiệm vụ của mình. Không biết thế là đúng… “tốc độ” hay là quá chậm trễ?
Sự phản bác thông tin vô tình chia ra làm hai phía: báo chí và Ban BVCSSKTU. Nhưng ở góc độ quản lý XH thì mình nghĩ là quá kém, lúng túng trong cách xử lý trước những thông tin đang lan tràn. Cho thấy Luật Tiếp cận thông tin- một quyền dân chủ của người dân đang đặt ra đúng đắn hơn bao giờ hết…
————-

Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ gặp gỡ báo chí chiều nay tại Hà Nội để thông tin về tình hình sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên TƯ Đảng, Trưởng Ban Nội chính TƯ.


Cuộc gặp gỡ bắt đầu lúc 13h30 với sự có mặt của đông đảo phóng viên các báo, đài.

Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ Nguyễn Quốc Triệu chủ trì cuộc gặp. Có mặt cùng ông còn có Phó Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ Trần Huy Dụng, các thành viên trong ban: GS Phạm Gia Khải, Bạch Quốc Khánh…

Quang cảnh buổi gặp gỡ báo chí chiều 7/1 tại Hà Nội

Phát biểu mở đầu, ông Nguyễn Quốc Triệu cho hay, ông Nguyễn Bá Thanh vừa qua bị ốm, được Đảng, Nhà nước quan tâm chữa chạy trong và ngoài nước.

Trước những thông tin báo chí quan tâm, ông Triệu nói, thông tin gần đây có hạn chế do ông Bá Thanh điều trị ở xa. Nếu việc điều trị diễn ra ở trong nước thì Ban có thể đến trực tiếp bệnh viện xem hồ sơ.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý báo chí luật Khám chữa bệnh quy định bệnh viện có quyền giữ bí mật bệnh tật. Do đó việc tiếp cận hồ sơ bệnh của ông Bá Thanh sẽ được cân nhắc, xin ý kiến cấp trên.

“Ông Bá Thanh lại là cán bộ cao cấp, nhiều người khi có bệnh cũng có tâm lý không muốn ai biết”.

Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ cũng lưu ý đây không phải là cuộc họp báo mà chỉ là trao đổi thông tin đầy đủ, khách quan. Cuộc gặp với báo chí có cân nhắc quyền được thông tin và pháp luật hiện hành về khám chữa bệnh nên việc thông tin trong phạm vi cho phép của pháp luật.

Tâm tư về sức khỏe của ông Bá Thanh, ông Triệu nói rằng “sinh lão bệnh tử, câu chuyện hôm nay là không may mắn đối với đồng chí, anh em của chúng ta”.

Điều trị rối loạn sinh tủy

Phó trưởng ban Trần Huy Dụng tiếp đó cung cấp cho báo chí những thông tin căn bản liên quan sức khỏe ông Bá Thanh.

Ông Dụng cho biết, ông Bá Thanh bị bệnh từ tháng 5/2014, được đưa vào bệnh viện 108 để điều trị rối loạn sinh tủy. Sau đó, ông được đưa sang Singapore điều trị vào tháng 6-7, mỗi tháng 1 tuần rồi về nước.

Sau đó, theo giới thiệu tư vấn của Singapore, ông Bá Thanh được đưa sang Mỹ để điều trị, bắt đầu từ trung tuần tháng 8.

Từ đó đến nay, các bác sĩ tại Mỹ đã điều trị hóa chất 3 đợt cho ông Bá Thanh để chuẩn bị ghép tủy. Nhưng đến nay chưa đủ điều trị để ghép tủy nên thống nhất không điều trị hóa chất nữa mà tăng cường sức khỏe ở VN.

Ông Dụng cũng lưu ý theo luật khám chữa bệnh, phải giữ bí mật cho người bệnh nên chưa thông tin sớm hơn.

Phó trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ cũng bác bỏ thông tin ông Bá Thanh bị đầu độc. Ông nói đây là thông tin “sai lệch”.


Tại sao tháng 5 mới phát hiện bệnh?

Báo chí đặt hàng loạt câu hỏi liên quan việc điều trị và tình trạng sức khỏe của ông Bá Thanh.

Tuổi Trẻ: Xin xác nhận thông tin máy bay chở ông Bá Thanh về Đà Nẵng đã lên đường khởi hành từ Mỹ chưa? Ông Bá Thanh là ủy viên TƯ Đảng, chế độ chăm sóc sức khỏe cao mà sao đến tháng 5 mới phát hiện bệnh? Hiện tình hình sức khỏe của ông Bá Thanh thực sự là thế nào? 

Tiền Phong: Hiện nay có thông tin không chính thống cho rằng ông  Bá Thanh đã được ghép tủy tại Mỹ, có chính xác không? Khi về nước ông Bá Thanh sẽ được điều trị bao lâu? Chẩn đoán và điều trị như thế nào với căn bệnh nào? 

Ông Nguyễn Quốc Triệu: Lúc 7h28 giờ Mỹ ngày 7/1, tôi đã liên hệ với bộ phận đưa ông Thanh về nước thì chưa có lịch lên đường vì thời tiết bên Mỹ chưa tốt.

GS Phạm Gia Khải: Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ chia thành nhiều tổ, trong đó bác sĩ chăm sóc ông Thanh báo cáo đầy đủ. Tháng 5 thì có bất thường về xét nghiệm máu, một số thành phần hồng cầu, tiểu cầu xuống, bạch cầu không rõ nên phải làm xét nghiệm. Nhưng ông Thanh năng nổ hay đi nên bác sĩ tiếp cận khó. Đến cuối tháng 5 ông Thanh mới đồng ý.

Ông Bạch Quốc Khánh: Cuối tháng 5 xét nghiệm, ông Bá Thanh bị giảm hồng cầu và tiều cẩu. Ban đã chẩn trị là hội chứng rối loạn sinh tủy, có nhiều bệnh trong đó, mỗi bệnh là một giai đoạn phát triển, về chuyên môn, ông Thanh vướng vào một trong những bệnh của hội chứng này.
Mỗi bệnh có tiến triển khác nhau nặng nhẹ, nhanh chậm. Nếu chỉ thiếu hồng cầu không thì được vài năm. Theo đó chỉ định là điều trị hóa chất.  Nhưng thể của ông Thanh chuyển biến nhanh, nên phải điều trị hóa chất và ghép tủy. Đây là diễn biến thông thường.


Ông Nguyễn Quốc Triệu: Từ tháng 8 đến giờ tôi chưa gặp ông Thanh, bệnh án không được nhìn. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (Đại sứ VN tại Mỹ) lúc đó đến đúng lúc điều trị vô trùng cũng không được vào thăm.
Cán bộ chuyên môn ở bên đó thông tin về cho hay, trước khi ghép tủy phải điều trị hóa chất, người khỏe nhất chỉ chịu được 3 đợt, bình thường chỉ 2 đợt vì tác động ghê gớm. Ông Thanh 3 đợt là khá. 3 đợt mà chưa được thì phải giải lao, nâng cao thể trạng rồi mới điều trị tiếp. Từng bước một, đến bước này là như vậy, chưa ghép tủy.

Ông Phạm Gia Khải: Vì đến giờ chưa được gặp nên chưa biết sức khỏe như thế nào. Tôi có người nhà điều trị ung thư, điều trị thì sẽ bị rụng tóc là chuyện bình thường. Chúng tôi phải xem bệnh nhân rồi mới biết điều trị thế nào, người không phải máy nên phác đồ điều trị khác nhau, không thể đoán mò được, sẽ gây hiểu nhầm nguy hiểm, xin phép không nói trước.


Lao Động: Có điều trị đặc hiệu cho ông Bá Thanh không? Ban có định đưa ông Bá Thanh về HN điều trị ở các bệnh viện trung ương không?
Chuyển động 24h:Sau khi đã có thời gian điều trị tại Mỹ, nơi có nền y học cao, ông Bá Thanh được đưa  về nước để tiếp tục điều trị. Như thế là tiến triển tốt?

Dân Trí: Đại diện Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ trả lời báo chí là khả năng hồi phục của ông Bá Thanh yếu. Xin khẳng định thông tin về khả năng hồi phục của ông Bá Thanh? Những thông tin tiếp nhận từ Mỹ thì khả năng thế nào?

Tuổi Trẻ:Căn cứ nào để Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ khẳng định ông Bá Thanh không bị đầu độc?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Vậy căn cứ nào nói bị đầu độc? Trên mạng có nhiều thông tin xấu độc, chia rẽ nội bộ, tung tin. Phải sàng lọc thông tin, không thể nghe bất kỳ thông tin nào trên mạng. Hoàn toàn không có chuyện đó.  


Ông Nguyễn Quốc Triệu: Gia đinh ông Thanh đề nghị được đưa về Đà Nẵng điều trị gần nhà, cấp trên đã đồng ý. Nhưng hội đồng của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe TƯ sẽ trực tiếp về hội chẩn để đưa ra phác đồ, việc điều trị hàng ngày bác sĩ ở Đà Nẵng đảm nhận được. Điều trị ở Đà Nẵng nhưng chất lượng trung ương.
Đầu năm 2013, Ban đã đề nghị được sang Mỹ nghiên cứu tế bào gốc để chữa ung thư. Khi bác sĩ của Singapore thông báo ở Seattle (Mỹ) có bệnh viện chuyên khoa, Ban đã định sang nghiên cứu để hợp tác, có thể đưa cán bộ và công dân sang chữa.
Bệnh viện này 25 năm trước được giải Nobel vì phát minh cách chữa bệnh máu bằng ghép tủy. Muốn ghép tủy phải hóa trị, đạt yêu cầu thì ghép ngay. Đã có 2 người cho tủy để ghép cho ông Thanh.
Nhưng chưa đạt thì phải ngừng để nâng cao thể trạng. Dù ông Thanh được đưa về VN điều trị nhưng bên Mỹ tiếp tục cộng tác qua công nghệ thông tin để tiếp tục phác đồ điều trị.
Tiềm năng của con người không lường được. Có một đồng chí một trong 4 vị trí chủ chốt bị phát hiện ung thư, bảo nghỉ điều trị, nhưng thế nào lại ngày càng tốt, từ Bí thư địa phương lên Chủ tịch nước. Do đó phải tiên lượng phải dè dặt, để bệnh nhân về xem xét.

Ông Phạm Gia Khải: Làm khoa học phải có chứng cứ, không thể dựa vào quan hệ cá nhân. Chúng tôi không gạt mọi khả năng, nhưng chọn khả năng có nhiều bằng chứng nhất. Đến nay chưa có triệu chứng nhiễm độc ở bất cứ nơi nào trong cơ thể ông Thanh.
Thầy thuốc không có nhiệm vụ tố cáo, vu cáo ai, nên giờ bảo ông ý bị đầu độc là vu cáo.


Ông Quốc Khánh – Phó GĐ Viện Huyết học:
Nguyên nhân rối loạn sinh tủy trên thế giới chưa thể tìm ra. Cho đến giờ phút này, hội chứng rối loạn sinh tủy chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu ngoài truyền hóa chất và ghép tủy.
Ghép tủy là để hỗ trợ điều trị hóa chất liều cao, không có gì đặc biêt, cũng là một đợt điều trị hóa chất. Do vậy chỉ điều trị chung chung bằng các thuốc hóa chất như bên Mỹ. Nếu đủ điều kiện sẽ ghép tế bào gốc máu ngoại vi.
Có một số yếu tố nguy cơ có thể làm cho bệnh đó xuất hiện như môi trường, thức ăn, hóa chất sinh phẩm, kể cả những cái chúng ta dùng hàng ngày… là những yếu tố nguy cơ làm cho bệnh phát triển.
Hội chứng rối loạn sinh tủy là một bệnh máu gặp nhiều ở Viện Huyết học Truyền máu TƯ. Về điều trị, chưa có phương pháp đặc trị ngoài truyền hóa chất và ghép tủy. Ghép tủy là phương pháp để hỗ trợ điều trị hóa chất liều cao.
Với ông Bá Thanh, đã qua 3 đợt điều trị hóa chất rồi. Muốn biết tình trạng như thế nào, phải làm lại xét nghiệm tại VN, kể cả xét nghiệm tủy để lên kế hoạch điều trị trong tương lai.
Vì với thể, mỗi bệnh nhân rất khác nhau, nên thời gian điều trị bao lâu, phương án như thế nào hiện chúng tôi chưa thể nói được. Thời gian điều trị có thể là vô cùng, tùy  từng bệnh nhân.

Dù chưa có lịch ông Bá Thanh về nước nhưng hàng trăm người dân Đà Nẵng ra sân bay đợi. Ảnh: Duy Tuấn

Phải có hồ sơ từ Mỹ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị cho ông Thanh. Hội chứng này phương pháp điều trị phải khác nhau với từng bệnh nhân, giờ hỏi phác đồ như thế nào thì không trả lời được. Thời gian điều trị là vô cùng. Ông Thanh đã điều trị hóa chất 3 lần, nhiều người chỉ 2 lần đã không chịu được được…

Dân Trí: Đã có bệnh nhân nào bị hội chứng này mà chữa khỏi chưa?

Ông Quốc Khánh: Nhiều bệnh khác nhau, có bệnh nếu ghép được tủy thì hy vọng đẩy lùi được bệnh. Nhưng chúng tôi rất kỵ từ “khỏi”, không ai nói được là chữa khỏi ung thư, mà chỉ là đẩy lùi ở các cấp độ khác nhau, người bệnh sống được với tình trạng lui bệnh hoàn toàn càng lâu thì càng sống lâu, cũng có trường hợp tái mắc. Không thể trả lời là có thể chữa khỏi hay không.

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Báo chí không được biến đây thành thông tin bất thường, giật gân câu khách. Đạo lý; sinh lão bệnh tử là với bất cứ ai. Bị bệnh là rủi ro nhưng với y học là không có gì đặc biệt. Mạng xã hội đưa thông tin xấu là ông Thanh bị đầu đọc bằng phóng xạ, đấu đá tranh giành quyền lực… phải phản bác để định hướng dư luận.
Khi ông Thanh về nước, máy bay xuống sân bay, báo chí không nên đến quá nhiều, người bệnh cần có sự tĩnh lặng, người nhà chăm sóc, ở bệnh viện không nên đeo bám. Ông Thanh có quyền không tiếp báo chí, không nên đưa tin để gia đình lo lắng.
Đội ngũ bác sĩ trong nước làm mọi cách để cứu chữa ông. Cần bình tĩnh, tỉnh táo, khoa học, khách quan chính xác. Không nên làm nóng vấn đề. Thông tin phải chừng mực, đúng đắn, cẩn thận.

Ông Nguyễn Quốc Triệu: Ông Thanh được đưa về VN các bác sĩ Mỹ tiếp tục hợp tác; thuốc ở Mỹ mua được thì ở VN cũng mua được, ở VN còn có đông y.

———-




No comments:

Post a Comment

View My Stats