Thursday 29 January 2015

Một Nghịch Lý Chính Trị (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 28/01/2015)

Trong sinh hoạt chính trị, thuận lý là đảng chính trị nào phục vụ khối quần chúng đông đảo hơn sẽ được quần chúng ủng hộ bầu đảng viên vào những địa vị cầm quyền như tổng thống, thống đốc, nghị sĩ, dân biểu, v.v...; chuyện thuận lý đó không xẩy ra tại Hoa Kỳ.

Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ phục vụ quyền lợi của khối thường tự xưng là khối 99%, vừa thất bại ê chề trong cuộc bầu cử vừa rồi; trong lúc đảng Cộng Hòa, chỉ phục vụ cho giai cấp tư bản -thành phần được gọi là 1% người Mỹ.

Trên địa hạt lợi tức, xã hội Hoa Kỳ chia thành 3 giai cấp: working class là giai cấp lao động nghèo, middle class là giai cấp trung lưu, và giới giầu có -giai cấp tư bản. Giai cấp trung lưu gồm những gia đình có lợi tức từ $35,000 với $100,000 mỗi năm.

Trên thật tế, nhiều người có lợi tức hơi dưới $35,000, hoặc hơi trên $100,000 cũng tự coi họ như những người thuộc giai cấp trung lưu -không túng thiếu, nhưng cũng không giầu có; trước thời điểm 2000, một số gia đình vươn từ giai cấp trung lưu lên giai cấp tư bản, nhưng sau thời điểm đó, một số khá lớn người Mỹ trung lưu tuột xuống cấp lao động, lợi tức không còn đủ tiêu chuẩn trung lưu -đánh dấu bằng số thu nhập tối thiểu $35,000/năm.

Tổng thống Obama dành một phần quan trọng bài diễn văn ông đọc trước lưỡng viện Quốc Hội hôm thứ Ba 1/20, để trình bày những biện pháp “kinh tế trung lưu”, nhằm cải thiện cuộc sống của những người trong giới trung lưu và giới lao động.

“Kinh tế trung lưu là tạo quyền lợi vững vàng cho giới trung lưu trong một xã hội thường xuyên biến đổi,” ông Obama giải thích với Quốc Hội, rồi nêu lên 4 giải pháp giúp người Mỹ trung lưu thôi, không gặp thiếu thốn, khó khăn trước những “biến đổi thường xuyên” trong cuộc sống nữa.

Bốn giải pháp đó là (1) tiền trợ cấp nuôi con -chinh phủ sẽ trợ cấp $3,000 mỗi năm cho những gia đình có con dưới dưới 5 tuổi; (2) trợ cấp $500 miễn thuế cho những gia đình cả 2 vợ chồng cùng đi làm; (3) tái tổ chức học vụ, để chương trình Cao Đẳng Cộng Đồng 2 năm hoàn toàn miễn phí; và (4) bành trướng những chương trình tiết kiệm để công nhân có trợ cấp hưu bổng.

Bà Christine L. Owens, giám đốc tổ chức Luật Lao Động, nhận định, “tôi quan niệm giai cấp trung lưu là những người có cuộc sống đủ tiện nghi, có khả năng trả mọi thứ bills hàng tháng mà vẫn còn để dành được chút đỉnh hầu trang trải học phí college cho con, và có tiền đi nghỉ hè, đi vui chơi.”

Bà cho là cuộc sống vô lo như vậy của đa số người Mỹ, đang mất dần đi.

Giai cấp trung lưu đang thun lại, đang trở thành nhỏ bé hơn, một số lớn tuột xuống thành phần lao động; điển hình là bà Lisa Land, 49 tuổi -một trong số hàng triệu người tuột thang xã hội.

Bà Land dọn về sống chung với bố

Bà làm công việc giải quyết thắc mắc của khách hàng, tại một hãng dệt trong thị trấn Eden, bang North Carolina; công việc êm xuôi, lương bổng đều đặn trong suốt 13 năm trời; bà Land tin tưởng là lối sống trung lưu sẽ kéo dài đến miên viễn.

Nhưng năm 2008 bà bị hãng cho nghỉ việc; trong đà hãng xưởng Hoa Kỳ kéo nhau sang Tầu, qua Mễ, và qua nhiều nước khác để mướn nhân công rẻ, bà Land không tìm được việc làm mới, và đành bán nhà, dọn về ở chung với ông bố -ông Ray, 88 tuổi.

Bà nói với phóng viên truyền thông, "Giờ này chúng tôi không ăn nhà hàng, không đi nghỉ hè, không tiêu xài những món không cần thiết nữa, nhưng ăn uống hàng ngày cũng không thiếu thốn gì." Bà Land an phận sống nhờ vào số tiền hưu bổng $1,300 của ông bố.

Tại Florida, tiểu bang sâu hơn nữa xuống phía Nam của N. Carolina, một phụ nữ khác -trẻ hơn bà Land- cũng đánh vật với cuộc sống lao động.

Cô Adhanet Kidane, một bà mẹ độc thân mỗi tuần 7 ngày vật lộn với 2 jobs tại những quán ăn fast food; đôi khi không đủ tiền gửi con, cô phải đem gửi đứa bé cho bà hàng xóm tốt bụng.

Tuy nhiên 2 phần lương tối thiểu, một full time, một part time cũng vẫn không đủ giúp cô trả tiền nhà, tiền sữa cho con; cô thường xuyên ăn miễn phí tại chỗ làm.

Tờ USA TODAY viết, “tổng thống Obama thực hiện những nỗ lực cuối cùng của ông để nâng đỡ những người Mỹ nghèo và trung lưu, trong bài diễn văn State of the Union ông vừa đọc; nhưng yếu tố giá trị nhất trong nỗ lực của ông lại chỉ là thiện chí của ông và nội dung những điều ông nói. Lịch sử sẽ ghi nhận những điều ông nêu lên, và giọng ông tha thiết trình bày những điều đó.”

Giáo sư William Howell, trường University of Chicago nhận xét, “Mục đích của bài diễn văn ông Obama đọc là đặt nền tảng cho những bài diễn văn nối tiếp sau này; tôi nhận rõ Obama không quan tâm đến việc kêu gọi Quốc Hội này phải làm những gì, vì ông biết họ không làm. Nhưng tôi biết cử tọa quan tâm đến những điều ông nói, rộng lớn hơn số người ngồi trong Quốc Hội tối thứ Ba đó."

Ủy viên báo chí Bạch Cung Josh Earnest nói với phóng viên truyền thông, “Trong những điều tổng thống nói tối thứ Ba, nhiều điều rất súc tích, cần được thực hiện; sau vài ngày nghỉ ngơi, tổng thống sẽ bắt tay vào việc thực hiện.”

Ông đầy thiện chí, nhưng Quốc Hội Cộng Hòa sẽ bóp chết mọi kế hoạch của ông nhằm phục vụ giai cấp trung lưu, vì cả 4 kế hoạch ông đưa ra đều cần tiền để thực hiện; và họ không cho phép ông lấy thêm tiền thuế của giai cấp tư bản để cải thiện cuộc sống của giai cấp trung lưu.

Cần nêu lên câu hỏi, “người Mỹ nghèo có ủng hộ việc tổng thống Obama bênh vực quyền lợi của họ không?” Hỏi như vậy để hiểu rõ hơn điều nghịch lý chính trị của Hoa Kỳ. Câu trả lời đáng buồn là " ủng hộ chút đỉnh."

Sau bài diễn văn State of the Union nêu lên 4 biện pháp “kinh tế trung lưu” -trợ cấp nuôi con, miễn thuế $500 cho những gia đình cả vợ lẫn chồng cùng đi làm, học Cao Đẳng Cộng Đồng miễn phí, và trợ cấp hưu bổng, số người khen ngợi chính sách làm việc của ông gia tăng được 2% -từ 48% lên 50%.

Có thể những người họp thành 2% điểm gia tăng của Obama là những nhà trí thức như giáo sư Howell, tin là bài diễn văn của ông có giá trị tạo nền móng cho nhiều bài diễn văn sắp tới trong sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ.

Nhưng cũng có thể những người trực tiếp liên hệ đến chính sách “kinh tế trung lưu” như cô Kidane, hay bà Land lại không là đối tượng được hãng Gallup hỏi đến. Việc họ không góp ý trong những bản thăm dò không tai hại bằng việc họ không bỏ phiếu bầu cử tháng 11 năm ngoái. Nếu 8.1 triệu người được bảo hiểm y tế ObamaCare lên tiếng, thì có thể cả Thượng lẫn Hạ Viện Quốc Hội đều đã do đảng Dân Chủ kiểm soát.

Con số 8.1 triệu người mua bảo hiểm ObamaCare cũng đang bị nghi ngờ. Điển hình là hãng bảo hiểm Aetna nói trong số 720,000 người ghi tên mua bảo hiểm ObamaCare với hãng, chỉ có 600,000 người đóng tiền. Cigna -một hãng bảo hiểm khác- cũng đưa ra số sai biệt 20,000 người giữa số ghi tên và số đóng tiền mua bảo hiểm.

Các chính khách Dân Chủ rút ra được kinh nghiệm nào về kết quả buồn thảm của tổng thống Obama sau 6 năm tận tụy tranh đấu cho 2 giai cấp trung lưu và lao động? Có phải vì cử tri Mỹ không nhìn thấy khác biệt giữa Dân Chủ và Cộng Hòa hay không? Hay vì cá nhân của những ứng cử viên Cộng Hòa có uy tín hơn các chính khách Dân Chủ?

Nếu các chính khách Dân Chủ không tìm ra khuyết điểm của họ, thì đảng Cộng Hòa có thể kiểm soát cả 2 ngành Lập Pháp và Hành Pháp trong cuộc tuyển cử 2016.

Nguyễn đạt Thịnh




1 comment:

View My Stats