Thursday 1 January 2015

Mark Wahlberg: Có Đáng Được Ân Xá ? (Người Việt Boston tổng hợp)





January 1, 2015 12:01 AM

Wahlberg được người đáng kể duy nhất tha thứ – chính NẠN NHÂN

Suốt 26 năm qua, tài tử Hollywood Mark Wahlberg vẫn đinh ninh rằng anh đã làm hư con mắt của một người Việt Nam sau khi mạnh bạo hành hung ông hồi anh ta còn trong độ tuổi thiếu niên ngang ngược.

Anh bị giam tù 45 ngày vì tội nầy, nhưng giờ đây anh đang đệ đơn xin ân xá vì đã biết biến đổi cuộc sống trở thành một trong những diễn viên nổi tiếng nhất thế giới.

Nạn nhân của anh không bao giờ nói về cuộc hành hung năm 1988, nhưng sau hơn hai mươi năm im tiếng đã cho biết rằng tài tử nầy thật sự không gây bất kỳ tổn hại nghiêm trọng nào – và cho đến khi MailOnline tiết lộ danh tánh – ông không biết kẻ tấn công ông ngày trước nay đã trở thành một diễn viên nổi tiếng.

Ông Hoa Trịnh, đến Mỹ năm 1980 trong đợt “thuyền nhân tị nạn”. Ông định cư tại Springfield, Illinois, được các bác sĩ gắn cho một con mắt giả mới, nhưng do chấn thương nên mắt trái vẫn chỉ hé mở. Một người bạn tìm việc làm cho ông ở Boston, Massachusetts và ông đến Dorchester năm 1988.

Vụ hành hung ông Trịnh xảy ra khoảng 9 giờ tối ngày 8 trong tháng 4 năm 1988 khi Wahlberg mới có 16 tuổi. Anh uy hiếp để cướp một người Việt, ông Thanh Lâm đang rời xe mang theo hai thùng bia, ở khu phố Dorchester, thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts.

Theo hồ sơ tại tòa, Wahlberg xáp tới ông Thanh Lâm gọi ông là “Việt Nam f ****** s ***”, rồi đập đầu ông bằng thanh gỗ dài 5 feet. Ông Lâm bị đánh bất tỉnh và Wahlberg chạy trốn tay không.

Ít phút sau, Wahlberg chạy đến bên Hoa Trịnh, quàng tay lên vai ông, và nói: “Cảnh sát tới, cảnh sát tới, để tôi tránh mặt”. Sau khi xe tuần của cảnh sát lướt qua, Wahlberg đấm vào mắt ông Trịnh, khiến ông té xuống đất.

Sau đó, ông Trịnh nhận diện Wahlberg, anh ta nhiều lần buông lời miệt thị chủng tộc như “s***g” và “mắt đui g***s”. Thế là anh bị bắt và bị buộc tội âm mưu giết người vì hai lần tấn công. Cuối cùng, anh nhận tội hành hung nhẹ hơn và bị tuyên án tù hai năm với 21 tháng treo.

Mặc dù đang ở tuổi 16 tại thời điểm phạm pháp, nhưng anh bị truy tố như một người lớn. Theo hồ sơ tòa án, anh nhận tội cả hai trường hợp, có nghĩa là ông Trịnh và ông Lâm không phải ra tòa làm chứng. Wahlberg được thả sau khi ở tù 45 ngày.

* * *

Dịp ra mắt phim “Planet of the Apes”: Mark Wahlberg và tân Thống đốc Charlie Baker (bên trái) lúc ông Baker còn là Tổng Giám đốc Điều hành Harvard Pilgrim Health Care. (Hình của Dorchester Reporter 2001)

Kể từ đêm định mệnh trên một đường phố tăm tối ở Dorchester đó, Wahlberg đã trở nên nổi tiếng và giầu có. 45 ngày nằm tù đã làm anh bừng tỉnh.

Anh từ bỏ nghiện ngập, theo anh từ năm lên 13 tuổi; được một linh mục giáo xứ giúp anh dứt bỏ cuộc đời tội phạm và bạo lực. Và đến năm 1992, anh nổi tiếng là một người chuyên hát nhạc ráp dưới tên “Marky Mark” và rồi trở thành người mẫu đồ lót hiệu Calvin Klein.
Anh bắt đầu sự nghiệp điện ảnh với vai diễn viên phim người lớn Dirk Diggler trong phim “Boogie Nights”.

Kế tiếp thủ các vai trong các bộ phim “The Perfect Storm”, “Three Kings” và “Rock Star” nhưng anh trở thành một tài tử hạng A vào năm 2007 khi được đề cử giải Oscar cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong phim “The Departed”. Bộ phim xã hội đen được dựng trên những dãy phố nơi mà Wahlberg lớn lên trong gia đình có chín anh em.

Năm 2011, anh lại được đề cử giải Oscar lần thứ hai cho phim “The Fighter”, một bộ phim khác cũng lấy bối cảnh gốc gác từ Boston.

Hai phim “The Departed” và “The Fighter” đã khiến anh trở thành một trong những tài tử sáng giá nhất ở Hollywood. Tài sản kết xù của anh ước tính đến 200 triệu đô la. Được biết anh kiếm được 16 triệu đô la khi đóng bộ phim mới nhất “Transformers”.

Cũng giống như diễn xuất, Wahlberg sản xuất phim truyền hình ăn khách “Entourage” và “Boardwalk Empire”. Năm rồi, anh thủ vai chính trong “Lone Survivor” diễn lại cuộc sống thật của người lính SEAL tên Marcus Luttrell trong một câu chuyện đau lòng khi thi hành sứ mạng ở Afghanistan, bị kết thúc một cách bi thảm.

Mark Wahlberg và vợ Rhea Durham tham dự buổi ra mắt phim “The Gambler”

Bộ phim mới nhất của anh “The Gambler” sẽ được trình chiếu trong năm mới, đánh dấu anh là một nhà sản xuất phim màn ảnh lớn, phỏng theo bộ phim truyền hình những năm 1970 “The Six Billion Dollar Man”.

Wahlberg, một người Công giáo sùng đạo, kết hôn với người mẫu Rhea Durham từ năm 2009. Họ gặp nhau năm 2001 và có bốn người con. Công việc từ thiện của anh bao gồm Sáng hội Mark Wahlberg Youth giúp thanh thiếu niên đang trên đà hư hỏng, và hỗ trợ các Boys & Girls Clubs của Mỹ và Trung tâm Good Shepherd chăm sóc phụ nữ và trẻ em vô gia cư.

Trong đơn xin ân xá, Wahlberg bày tỏ việc được xoá hồ sơ tội phạm sẽ “chính thức công nhận rằng tôi không còn là cùng một con người vào đêm 8 tháng tư năm 1988. Điều nầy cũng xác nhận công khai rằng một người như tôi, sẽ được công chúng thứ tha nếu biết hối lỗi cải thiện chính mình và dấn thân làm nhiều việc tốt lành”.
“Tôi hy vọng rằng, nếu tôi được ân xá, giới trẻ hư hỏng sẽ cảm thấy đây là một khích lệ gợi hứng và là động lực khiến chúng cũng tìm mọi cách hoàn lương để được hòa nhập lại vào xã hội”.
“Đây cũng sẽ là phụ đề quan trọng cho các bài học mà tôi cố gắng dạy dỗ con cái hàng ngày”.

* * *

Ông Trịnh, với vợ tên Hoa và hai con Steven (trước) và Tammy (phải) bên ngoài một ngôi chùa Phật giáo ở Arlington, Texas

Khi Mail Online tìm gặp ông Trịnh – người có tên tộc là Hoa nhưng dùng tên Johnny – đang ở một duplex tại thành phố Arlington, tiểu bang Texas; ông không hề biết kẻ hành hung ông đã trở thành một trong những tài tử sáng giá nhất của điện ảnh Hollywood.

Ông di chuyển tới Arlington, Texas và kết hôn năm 1992. Ông thú nhận đã quên hết cuộc tấn công và thậm chí đã không kể với vợ là bà Hoa Du, 50 tuổi, và hai con Tammy, 21 tuổi, và Steven, 18 tuổi, về chuyện năm 1988. Ông Trịnh cho biết ông chưa bao giờ nghe nói về Wahlberg và cũng chưa hề xem bất kỳ bộ phim nào của anh.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ sau khi bị hành hung, dành độc quyền cho Mail Online, ông Johnny Trịnh tiết lộ rằng ông bị mù một mắt là hậu quả vết thương trong khi chiến đấu với cộng sản trong chiến tranh Việt Nam.

Dù cuộc tấn công vô cớ của Wahlberg có làm ông run sợ nhưng đã không gây ra bất kỳ tổn thương lâu dài nào. Ông Trịnh, 59 tuổi, nhớ lại cuộc tấn công trên một đường phố ở Dorchester, Boston:
“Tôi đang đi làm về. Tôi chỉ nhớ một người chạy tới tôi, nói một điều gì đó và sau đó đập mặt tôi”. “Anh đánh tôi gục xuống, tôi đứng dậy và chạy. Tôi sợ anh ta đập tôi nữa. Tôi chỉ muốn thoát đi.”
“Tôi chưa bao giờ thấy anh ta và không biết tại sao lại muốn đánh tôi. Tên nầy chắc điên, chắc bị lậm ma túy rồi đây. Lúc đó thật kinh hoàng. Tôi không biết tại sao anh ta lại làm như vậy”.

Trong khi mắt trái của ông bị trầy nhẹ vì sự tấn công nhưng không phải vì đó mà ông mất thị lực, ông bị mù mắt vào năm 1975, năm năm trước khi ông đến Mỹ.

Ông Trịnh là một chiến binh Việt Nam Cộng hòa bị một mảnh lựu đạn găm vào mắt trái khi đang giao tranh chống Cộng Sản Bắc Việt.

“Các bác sĩ phải lấy mắt hư của tôi ra, và làm cho tôi một mắt giả. Chỉ có một mắt đã ảnh hưởng đến việc làm của tôi, nhưng không phải tôi bị mù khi anh ta đấm tôi”.
“Tôi không bị Mark Wahlberg làm cho mù. Anh ấy hành hung tôi, nhưng mắt trái của tôi bị hư trước rồi. Anh không mang trách nhiệm gì về nó cả”.

Các phương tiện truyền thông trong 26 năm qua đều đưa tin ông Trịnh bị mù vì bị Wahlberg đấm. Ngay cả Wahlberg cũng tin rằng vì bị mình tấn công hung bạo khiến ông Trịnh chịu tổn thương lâu dài.

Trong đơn xin ân xá gởi cho ông Deval Patrick, thống đốc Massachusetts, tài tử 43 tuổi có viết: “Từ sự việc xảy ra, tôi hiểu là, tôi có thể đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho (tên… )”.

Chắc chắn khi biết được người cựu chiến binh Việt Nam tên Johnny Trịnh không bị mình đánh hư mắt, tài tử Wahlberg của phim “Transformers” sẽ trút bỏ được một gánh nặng lớn.
Việc ông Trịnh ủng hộ ân xá cho Wahlberg sẽ theo tiến trình dài để thuyết phục các giới chức thẩm quyền cứu xét thuận lợi.

Chính quyền Massachusetts đã gởi thư cho ông Trịnh để hỏi xem ông có muốn tới Boston để nêu ý kiến thuận hoặc chống lại việc ân xá hay không.

Ông Trịnh cho biết ông không thể đến Boston nhưng sẽ có một bản văn ủng hộ Wahlberg.
“Anh ta đáng nên được tha thứ. Chuyện xảy ra hơn 25 năm trước, cách đây lâu rồi”.
“Thành thật mà nói tôi không nghĩ gì nhiều. Tôi có cuộc sống riêng với gia đình tôi”.
“Thời gian trôi qua và chẳng nên bám vào quá khứ”
.

Ông Trịnh nói thêm rằng ông muốn gặp Wahlberg mặt đối mặt để nói cho anh ta biết là ông không có nuôi mối hận nầy đâu.
“Anh ta trẻ người non dạ, bây giờ tôi tha thứ cho anh. Mọi người đều xứng đáng có một cơ hội mới. Tôi muốn thấy anh ta được ân xá. Không nên để tội phạm đó đeo đẳng anh ta nữa”.
“Anh ấy đã đền tội trong nhà tù. Tôi không nói rằng tôi không bị đau khi anh ta đấm vào mặt tôi, nhưng chuyện đã xảy ra lâu rồi. Bây giờ anh đã trưởng thành. Tôi chắc anh có gia đình riêng và là một người có trách nhiệm”.

(Phỏng dịch và tóm lược theo bài viết của:)
PAUL THOMPSON
Điện báo MAILONLINE – ARLINGTON, TEXAS
12/12/2014

Mời đọc nguyên bản Anh ngữ:
http://www.dailymail.co.uk/news/article-2868589/Mark-Wahlberg-s-blinding-race-attack-victim-Johnny-Trinh-backs-bid-pardon-saying-course-forgive-didn-t-blind-Communist-Vietnamese-did-that.html

Tuy nhiên, một số người Mỹ gốc Á đang thận trọng với ý định của anh và tự hỏi tại sao anh chưa bao giờ đích thân xin lỗi.

Một nhóm được gọi là 18MR, viết tắt của 18MillionRising.org, chủ trương khuyến khích sự tham gia chính dòng của những công dân gốc Á châu và Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ, đã lên tiếng phản đối việc ân xá. Cho đến nay đã thu thập được gần 3.000 chữ ký.

* * *

(Phỏng dịch và tóm tắt nhật báo Metro số ra ngày 12/12/2014)

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts phát biểu:
“Anh đã không tìm đến cộng đồng chúng tôi mà tôi nghĩ anh ta nên đến”. “Anh nên làm điều đó để chứng minh rằng anh thực sự muốn xóa sạch hồ sơ của mình. Trông giống như anh chỉ muốn nộp đơn rồi tiếp tục công việc của mình”.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Điều hành Cơ quan VietAID một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Dorchester, cho biết ông ủng hộ ý kiến cho Wahlberg được ân xá, với viện dẫn những công việc từ thiện của nam tài tử và một thực tế rằng Hoa Kỳ là một “đất nước của cơ hội thứ hai.”

“Nếu cơ hội đó giúp anh ta trở nên một người tốt hơn, một người cha tận tụy với gia đình, tôi sẽ hỗ trợ”. “Anh ấy trở thành một người mới theo những gì chúng ta đã biết. Anh ấy là một người hoàn toàn thay đổi. Nếu mỗi người trong chúng ta rộng lòng tha thứ hơn thì thế giới nầy sẽ tốt đẹp nhiều biết mấy”.

Theo ông Nam, có khoảng 20 ngàn người Việt sống trong vùng Dorchester, chiếm một phần ba cư dân Việt của tiểu bang.

Mời đọc nguyên bản Anh ngữ: Should Mark Wahlberg be pardoned?
http://www.metro.us/boston/should-mark-wahlberg-be-pardoned/zsJnll—pHFIpPrc41ywU/

* * *
(Phỏng dịch trích đoạn tuần báo Dorchester Reporter số ra ngày 10/12/2014)

Ông Phạm Văn Nam góp ý về việc có nên ân xá cho Mark Wahlberg:
“Vì tôi là Giám đốc Điều hành của Cơ quan Phát triển Cộng đồng Việt Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận của người Việt tại Fields Corner, tôi đã được hỏi Mark Walberg có nên xin lỗi cộng đồng người Việt để chúng ta ủng hộ việc ân xá cho anh. Đúng ra những gì anh đã làm là từ cá nhân anh đến cho chính các nạn nhân của anh, bởi vậy nếu anh muốn xin lỗi, anh nên xin lỗi họ”.

Đất nước Hoa kỳ chúng ta được thành lập trên niềm tin của “cơ hội thứ hai”. Và như Oscar Wilde đã viết, “Mỗi vị thánh có một quá khứ và mỗi tội nhân có một tương lai.”

“Nếu Wahlberg chân thành tin rằng một sự tha thứ sẽ giúp anh trở thành một người tốt hơn và là một người cha tốt cho các con, cá nhân tôi sẽ ủng hộ thỉnh cầu của anh. Đây không cứ phải luôn luôn là việc làm ra nhiều tiền hoặc hiến tặng nhiều tiền hơn. Đối với tôi, đó là về nhân bản và trách nhiệm. Tiện đây tôi cũng cho biết, cơ quan chúng tôi chưa bao giờ nhận một sự yểm trợ nào về tinh thần hay vật chất hoặc được tiếp xúc với tài tử Wahlberg hay tổ chức của anh”.

Mời đọc nguyên bản Anh ngữ: A pardon for Mark? Let’s talk about it – By Nam Van Pham (Dec. 10, 2014)
http://www.dotnews.com/2014/pardon-mark-let-s-talk-about-it

* * *

(Phỏng dịch trích đoạn tuần báo Dorchester Reporter số ra ngày 10/12/2014)
Chủ biên Bill Forry viết việc ân xá tùy thuộc vào việc làm của Wahlberg tại Dorchester:

Mark Wahlberg ở Dorchester Boys and Girls Clubs (Hình của BGCD 2010)

Tại Boys and Girls Clubs ở Dorchester, ông Bob Scannell Giám đốc Điều hành lâu năm từng có lần cấm thiếu niên tên Wahlberg vào cơ sở bởi vì anh ta là một tay chuyên gây rắc rối đang tuột dốc trên con đường trở thành một tội phạm hung bạo. Nhưng nay, ông Scannell là một trong hai người viết thư ủng hộ chính thức xin ân xá cho Wahlberg kèm theo đơn gởi cho Ủy ban Cứu xét của tiểu bang vào tháng trước. (Còn lá thư chính thức thứ hai là do cha Jim Flavin viết, một linh mục Công giáo, người hướng dẫn tinh thần lâu năm của Wahlberg).

Ông Scannell là một thành viên Hội đồng Quản trị của Sáng hội Mark Wahlberg Youth một tổ chức từ thiện mà ông giúp Wahlberg thành lập vào năm 2001. Kể từ thời điểm đó, quỹ này đã phân phát trên 7 triệu đô la tài trợ, chủ yếu là cho các chương trình hướng tới giới trẻ trong khu phố.

Mời đọc nguyên bản Anh ngữ: Mark Wahlberg’s pardon appeal relies on good he does in Dot – By Bill Forry (Dec. 10, 2014)
http://www.dotnews.com/2014/wahlberg-begs-our-pardon-appeal-relies-good-he-does-dot

* * *

(Phỏng dịch trích đoạn tuần báo Dorchester Reporter số ra ngày 10/12/2014)

Ông Bill Forry viết về những đơn xin ân xá của cựu tù tại Massachusetts:
Trong trường hợp của Wahlberg, trước tiên Ủy Ban Cứu xét phải điều tra xem nội dung của đơn xin có cần triệu tập một buổi điều trần hay không. Nếu Ủy ban quyết định đề nghị ân xá lên thống đốc, thì (đương kim Thống đốc) Deval Patrick, hoặc, (tân Thống đốc) Charlie Baker, sẽ quyết định xem có nên tiến hành và Hội đồng Cố vấn Thống đốc phải chấp thuận ân xá.

Ông Patrick cẩn thận không cho biết ý kiến trong trường hợp của Wahlberg, chỉ phát biểu rằng đơn xin trước phải qua thủ tục điều tra kỹ lưỡng bình thường của Ủy ban Cứu xét. Còn ông Baker cho đến nay vẫn giữ thái độ “chờ xem”. Ông Baker cho biết thêm.
“Anh ta phải thông qua tiến trình cứu xét nầy giống như mọi người khác và dựa vào các sự kiện đã xảy ra, nếu tôi phải đưa ra quyết định, tôi sẽ có quyết định đúng lúc”.

Mời đọc nguyên bản Anh ngữ: Pardons a tall order for ex-cons in Massachusetts – By Bill Forry (Dec. 10, 2014)
http://www.dotnews.com/2014/pardons-tall-order-ex-cons-massachusetts




No comments:

Post a Comment

View My Stats